Bước đi trước mặt Chúa và sống hoàn hảo trong việc giữ luật dòng

CHỦ ĐỀ SỐNG THÁNG 01 và 02 – 2020

“Bước đi trước mặt Chúa và sống hoàn hảo” (St 17, 1), đó là mệnh lệnh Thiên Chúa phán với Tổ phụ Abraham trước khi Chúa ký kết giao ước với ông. Những lời trên đây không chỉ nhằm nói riêng với Abraham và dân Do Thái, nhưng với hết mọi người, cách riêng chúng ta, những người đã chọn câu nói này như một châm ngôn sống. Vậy, điều quan trọng nhất đối với chúng ta trong năm mới này là luôn sống dưới ánh mắt yêu thương của Chúa và sống hoàn hảo, nghĩa là, Ngài không chỉ bảo chúng ta nên sống theo một cách nào đó nhưng còn phải sống tốt, và nhất là sống hoàn hảo. Ở đâu, làm gì cũng phải giữ đời sống trọn hảo, lựa chọn con đường nào tốt nhất để bước đi, tìm cách sống nào đẹp nhất và luôn hành động phù hợp với ý muốn của Chúa.

Một cách đặc biệt, sự hoàn hảo chúng ta tìm kiếm trong năm mới này thể hiện trong cách chúng ta luôn bước đi trước mặt Chúa và nên hoàn hảo trong việc vâng giữ luật Dòng.

I.      BƯỚC ĐI TRƯỚC MẶT CHÚA

Sau 4 tháng thực hành việc bước đi trước mặt Chúa, chúng ta đã thực hành nhiều phương thế khác nhau, trong 2 tháng của đầu năm mới 2020 này, chúng ta thực hành 3 phương thế sau đây:

1.     Bước đi trước mặt Chúa là luôn sống trong sự hiện diện của Chúa. Thiên Chúa có nhiều điều muốn nói với chúng ta, vì thế mà Người luôn hiện diện, bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào để trò chuyện, lắng nghe và trao đổi thân tình về những thao thức, những dự tính của Người cũng như để lắng nghe những nhu cầu thiêng liêng, những niềm vui nỗi buồn, những gì chúng ta yêu mến, những gì liên quan đến gia đình, cộng đoàn, thời sự và mọi vấn đề của chúng ta.

Luật căn bản của tình yêu là sự hiện diện. Tình yêu của chúng ta với Chúa sẽ được lớn lên khi chúng ta xác tín luôn có Chúa hiện diện bên mình. Thánh Gioan Kim Khẩu đưa ra một hình ảnh: nếu ta rút lửa dưới ấm nước, tất nhiên nước trong ấm sẽ nguội đi. Muốn nước trong ấm nóng lên, cần phải duy trì ngọn lửa. Cũng vậy, chúng ta cần bảo trì tình yêu đối với Chúa bằng cách luôn nhớ Chúa hiện diện trong mọi hoàn cảnh và mọi hoạt động của mình, với tất cả ý thức và niềm tin.

2.     Bước đi trước mặt Chúa là trung thành thực hiện điều Chúa muốn. Làm điều Chúa muốn là sẵn sàng dâng ý riêng mình cho ý muốn của Thiên Chúa với sự tự do của con tim, để Chúa làm chủ cuộc đời của ta. Nhưng làm sao biết được ý muốn của Thiên Chúa trong cuộc đời của mình? Thánh Phaolô nói rằng: “Ý muốn của Chúa là anh em được nên thánh” (I Thess 4, 3). Trên hành trình nên thánh, chúng ta có những con đường cụ thể: con đường của Phúc Âm, của luật Dòng… Theo Thánh Bênađô, những con đường này cũng khó đi, nhưng lại giúp chúng ta ở lại trong bầu khí linh thiêng êm dịu của sự thánh thiện. Đức Cha Tổ Phụ dạy rằng: “Càng giữ luật cho chính chắn thì càng nên thánh thiện”[1]. Vậy, để bước đi trước mặt Chúa, chúng ta phải luôn trung thành thực hiện điều Chúa muốn, mà đối với một nữ tu, ý muốn của Chúa được diễn tả cách cụ thể qua luật Dòng.

3.     Bước đi trước mặt Chúa là để Chúa bước vào cuộc đời của mình. Thiên Chúa là Đấng đi tìm ta trước khi ta tìm Người. Người đứng trước nhà chúng ta và gõ cửa. Người ước mong đi vào cuộc sống của ta, bởi vì Người luôn quan tâm đến từng con người và những gì liên quan đến cuộc sống con người. Vậy chúng ta cũng phải khao khát đi vào mối quan hệ thân tình với Người. Thật vậy, qua Đức Giêsu, Thiên Chúa luôn sẵn sàng đón nhận và khơi dậy trong lòng chúng ta những khát vọng thâm sâu. Người cảm thông với những yếu đuối và chờ đợi sự chậm chạp của chúng ta; Người sẵn sàng giúp chúng ta gạt bỏ những chiếc mặt nạ giả tạo và làm cho chúng ta được sống trong sự tự do của người con Chúa. Phần chúng ta, hãy để Chúa đi vào cuộc đời, để Chúa chiếm dụng toàn thể con người mình và Chúa có thể làm tất cả những gì Người muốn: Người có thể biến đổi và đổ đầy vào tâm hồn ta ân sủng và tình yêu của Người. Chúng ta chỉ có một việc là “hằng làm những điều đẹp ý Người” (Ga 8, 29).

II.   SỐNG HOÀN HẢO BẰNG VIỆC VÂNG GIỮ LUẬT DÒNG

Đời sống thánh thiện không phải tự nhiên mà có, nhưng là một sự kiên trì tập luyện từng ngày. Sách Gương Chúa Giêsu dạy rằng: “Nếu muốn tiến tới trên đường nên thánh, con đừng tự do quá, con hãy dùng luật phép mà hãm dẹp con người tự nhiên của mình”. Trong Hội Dòng, những lề luật luôn diễn tả ý muốn và đường lối của Thiên Chúa, dẫn đưa chúng ta tới sự trọn lành trong từng khía cạnh của đời sống, nên chúng ta trân quý và yêu mến luật Dòng như một kho tàng quý báu.

1.     YÊU MẾN LUẬT DÒNG THEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong bài giảng Thánh lễ ngày 2-2-2015, lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền thánh, và cũng là ngày Quốc tế Đời Sống Thánh Hiến, đã nói với các tu sĩ : “Xin anh chị em hãy yêu mến luật dòng thật nhiều!”. Chúng ta trích lại đây bài phát biểu của Đức Thánh Cha, được đăng trên trang web: phanxico.vn/2015/02/05.

Ngài nói rằng: Niềm vui trong đời sống tu trì là hoa quả của sự hạ mình, của vâng phục và của một tình yêu cao cả dành cho luật dòng”. Ngài nhấn mạnh đến đức tính hạ mình qua phục vụ và đức vâng phục cụ thể qua việc tuân giữ luật dòng.

Sau đây là bài phát biểu của Đức Thánh Cha:

Ø Hạ mình như Chúa Kitô

Phúc Âm nhấn mạnh về đức vâng phục của Đức Mẹ và thánh Giuse theo “Luật của Chúa”. Chúa Giêsu đến thế gian không phải để làm theo ý mình mà làm theo ý của Chúa Cha. Thức ăn nuôi dưỡng Chúa Giêsu chính là Thánh ý Chúa Cha. Vì thế ai theo con đường của Chúa Giêsu là theo con đường của đức vâng phục, là bắt chước đức tính ân cần tử tế của Chúa, là hạ mình làm theo ý của Chúa Cha cho đến bỏ mình và ngay cả chịu sỉ nhục.

Ø  Luật thứ nhất là Phúc Âm

Đối với một tu sĩ, tiến bộ có nghĩa là hạ mình trong phục vụ, có nghĩa là đi cùng một con đường với Chúa Giêsu, Đấng “không xem mình được ưu đãi như Chúa”. Hạ mình là làm tôi tớ để phục vụ. Và con đường này hình thành qua luật dòng, mang dấu ấn đặc sủng của Đấng Sáng lập dòng, nhưng vẫn không quên luật hàng đầu, luật không gì thay thế cho tất cả mọi người, đó là luật Phúc Âm.

Ø  Từ hạ mình sẽ tạo ra niềm vui

Qua luật dòng, các tu sĩ tận hiến có được sự khôn ngoan, khôn ngoan không phải là một khái niệm trừu tượng nhưng là công việc và ơn của Chúa Thánh Thần. Và dấu hiệu hiển nhiên của đức khôn ngoan là vui vẻ. Đúng, vui vẻ theo tinh thần Phúc Âm là thành quả của con đường hạ mình với Chúa Giêsu. Và nếu chúng ta buồn, chúng ta nên tự hỏi: “Chúng ta sống tầm mức bỏ mình như thế nào?”

Ø  Dễ bảo và vâng phục một cách cụ thể

Đức vâng phục và sự dễ bảo không phải là một sự việc có tính cách lý thuyết nhưng hai đức tính này đi theo lôgic của sự nhập thể của Ngôi Lời: dễ bảo và vâng phục là một luật cụ thể, dễ bảo và vâng phục Đấng sáng lập, dễ bảo và vâng phục bề trên, dễ bảo và vâng phục Giáo hội. Đó là dễ bảo và vâng phục luật dòng cách cụ thể.

Ø  Làm mới lại cho phù hợp với hoàn cảnh, đó là công việc của đức khôn ngoan

Khôn ngoan cá nhân và khôn ngoan cộng đoàn được chín chắn qua con đường kiên trì trong đức vâng phục và qua con đường này mới có thể thích ứng với các luật theo từng thời: làm mới lại các khoản luật cho phù hợp với hoàn cảnh là việc làm của đức khôn ngoan, được rèn luyện trong đức vâng phục và tính dễ bảo.

Ø  Mến luật dòng và nghe lời người lớn tuổi

Sự tái sinh và làm mới lại đời sống tận hiến có được qua lòng mến cao cả đối với luật dòng, cũng như qua khả năng chiêm nghiệm và lắng nghe người lớn tuổi trong dòng. Do đó, gia sản và đặc sủng của mỗi dòng được bảo tồn qua đức vâng phục và khôn ngoan.

Ø  Đừng làm cho đời sống tu trì thành trò cười

Con đường vâng phục luật dòng tránh không để cho chúng ta xem nhẹ đời sống tận hiến, sống xa rời thực tế, làm cho đời sống tu trì thành ‘trò cười”; một trò cười tiếp theo một chuỗi không buông bỏ, cầu nguyện mà không gặp gỡ, sống tình huynh đệ mà không hiệp thông, vâng lời mà không tin tưởng, bác ái nhưng không hướng thượng.

2.     VÂNG GIỮ LUẬT DÒNG THEO ĐỨC CHA TỔ PHỤ

Đức Cha Tổ Phụ đưa ra một phương pháp giúp chị em Mân Côi nên hoàn thiện trong đời tu như sau: “Phương pháp giúp bậc tu trì được nên thánh thiện chỉ tại các việc thiêng liêng và luật phép nhà. Hai việc ấy giữ thì nên như hai cánh làm cho nữ tu bay lên ngày càng cao, càng xa bụi trần thế mà nên cho đến đỉnh trọn lành”.[2] Theo Đức Cha Tổ Phụ, ngoài đời sống thiêng liêng như một việc cốt yếu và trên hết mà chị nữ tu Mân Côi phải làm trong ngày, thì luật Dòng như kim chỉ nam hướng dẫn đời sống của chị em tiến bước trong sự thánh thiện. Ngài khuyên chị em phải học hiểu luật: “Chị em phải học cho thông thạo luật phép Dòng, không có điều gì bỏ sót”[3]. Khi hiểu được ý nghĩa và giá trị của luật lệ, chị em vui sống trong bình an vì biết rằng mình làm theo ý Chúa và hết lòng yêu mến luật Dòng:“Nếu chị em hiểu tất cả giá trị, cái bảo chứng chắc chắn được làm theo Thánh ý Chúa, chị em sẽ yêu mến kỷ luật vô cùng”[4].

Trong việc tuân giữ lề luật, người ta có thể bị lệch sang một trong hai thái cực: một là giữ luật một cách máy móc, cứng nhắc, nệ luật, nên không hiểu rõ những trường hợp phức tạp của cuộc sống, những khó khăn thực tế của mỗi người; hai là coi thường kỷ luật, sống buông lỏng, dễ dãi theo ý muốn riêng mình. Cả hai thái độ này đều thiếu quân bình. Kỷ luật của Hội Dòng luôn thể hiện một tinh thần, một nếp sống vươn đến hoàn thiện. Khi hiểu biết những ích lợi của việc vâng giữ luật Dòng, người nữ tu Mân Côi sẽ gắn bó với luật Dòng và vâng giữ trong tinh thần tự nguyện chứ không vì miễn cưỡng.

Tinh thần kỷ luật giúp chị em nhận ra sự hướng dẫn của Thiên Chúa trong từng chi tiết của đời sống mình. Đức Cha Tổ Phụ còn cho rằng việc tuân giữ luật Dòng phải được thể hiện cả trong khi chúng ta tích cực tham gia mọi sinh hoạt và những gì đã được nếp sống chung quy định: “Kẻ giữ luật cho trọn thì giữ cho đúng giờ, đúng cách, đúng nơi. Đừng xét rằng lỗi luật kia là nặng mà lỗi luật này là nhẹ, ấy là một cách giữ luật không trọn” [5]. Và cũng theo Đức Cha Tổ Phụ thì luật mà Chúa muốn chúng ta giữ cách riêng là luật yêu thương: “Điều luật buộc Chúa răn dạy tỏ tường là hãy yêu thương nhau” [6].

Như vậy, chị em Mân Côi vâng giữ lề luật theo tinh thần của Tin Mừng, tinh thần đức ái. Kỷ luật trong đời tu là cần thiết nhưng phải được thực hành trong tình yêu thương. Khi lợi ích của cộng đoàn và của cá nhân thực sự là cần thiết, thì luật sẽ được uyển chuyển cách khôn ngoan, phù hợp, không nguyên tắc mà cũng không cứng nhắc. Điều này sẽ giúp chị em giữ luật ở một mức cao hơn, có tinh thần hơn và cuộc sống của chị em được triển nở hơn.

III.           NHỮNG ĐIỂM THỰC HÀNH

1.  Luôn sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Thực hành các giờ thiêng liêng có chất lượng. Ngoài ra, chị em năng dùng lời nguyện tắt, từ ngợi khen, chúc tụng, cảm tạ đến xin ơn…

2.  Người ta thường nói: “những người thành công trong cuộc sống thường là những người có tinh thần kỷ luật cá nhân rất cao”. Đời tu cũng vậy, sự thánh thiện và lòng trung thành của người tu sĩ cách nào đó cũng thể hiện qua việc giữ kỷ luật. Vì thế, mỗi khi thấy khó khăn trong việc giữ kỷ luật, chúng ta có thể nghĩ tới câu nói này: “Cái giá của việc giữ kỷ luật luôn luôn thấp hơn nỗi đau của niềm hối tiếc”.

3.  Luyện tập sự phân định thật tốt để nhận rõ ý Chúa: sáng suốt nhận ra đâu là những gợi ý của Chúa để chọn lựa và đâu là những cám dỗ, những ngụy biện, những lôi cuốn của thần dữ để đẩy lui.

Xin Chúa ban cho chúng ta niềm vui của người luôn sống dưới ánh mắt của Chúa và yêu mến bước đi trong sự hướng dẫn của luật Dòng, để xứng đáng hưởng lời chúc phúc của Chúa:

        “Người ấy tựa như cây trồng bên dòng nước,

        Cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh,

        Cành lá chẳng khi nào tàn tạ,

        Người như thế làm chi cũng sẽ thành” (Tv 1, 3)

M. Rose Vũ Loan, FMSR


[1] Gia Sản Dòng cuốn I, trang 316

[2] Gia Sản Dòng cuốn I, trang 314

[3] Gia Sản Dòng cuốn I, trang 181

[4] Gia Sản Dòng cuốn I, trang 430

[5] Gia sản Dòng I, trang 317

[6] Gia sản Dòng I, trang 397

 

 

 

 

About dongmancoichihoavn

Check Also

Tâm thư Mùa Vọng

chúng ta dám mong Chúa đến và dám dọn đường cho Chúa thật sự đi vào cuộc đời của mình...?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *