Khi nào tôi được thứ tha?

KHI NÀO TÔI ĐƯỢC THỨ THA?

Thiên Chúa luôn yêu thương và sẵn sàng tha thứ mọi lầm lỗi cho con người. Qua Giáo Hội, Thiên Chúa đã dùng nhiều phương cách giúp con người đón nhận ơn tha thứ. Tuy nhiên, con người phải làm gì để xứng đáng đón nhận hồng ân của Thiên Chúa? Một trong những lời kinh rất thánh thiện của Thánh Phanxicô trong bài Kinh Hòa Bình cho chúng ta câu trả lời: “Chính khi thứ tha là khi được tha thứ”. Lời kinh này tuy đơn sơ nhưng lại diễn tả một tâm tình sâu sắc trong một khát vọng muốn trở nên khí cụ bình an của Chúa đối với mọi người. Lời cầu nguyện này cũng cho thấy một sự hài hòa lớn lao với lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.

Trong đời sống tương giao giữa con người với nhau, sự xích mích, đổ vỡ, căng thẳng là điều không thể tránh khỏi. Nhưng sau những va chạm ấy, chúng ta muốn giữ lại điều gì? Hoặc sẽ tích tụ oán giận hay làm hòa với nhau để sống bình an? Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói rằng: “Chúng ta có cãi vã nhau, nhưng đừng kết thúc một ngày mà không làm hòa. Hãy luôn nhớ điều này: đôi khi tôi đúng, người kia sai, làm sao để xin lỗi? Nếu không xin lỗi được, tôi nên biểu lộ một cử chỉ tử tế và tình bạn sẽ tiếp tục. Đừng để cuộc cãi vã diễn tiếp vào ngày hôm sau. Thật tệ! đừng để kết thúc một ngày mà không làm hòa” .

Tha thứ cho người đã làm chúng ta đau khổ không phải là việc dễ làm, vì chúng ta thường dễ bị tổn thương, hay chấp nhất và tự cao. Tha thứ là một hành trình chiến đấu nội tâm rất khó vượt qua, dù chúng ta biết đó là một điều tốt, phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa và đem lại niềm vui cho chính mình cũng như cho người khác. Khi bị xúc phạm, chúng ta cần một lời xin lỗi là điều hợp lý, nhưng trong cuộc sống, sẽ có những người không bao giờ nhận lỗi, không thấy mình sai. Vậy, trong trường hợp này, không lẽ chúng ta cứ ôm ấp trong mình sự thù ghét? Không lẽ chúng ta cứ bị mắc kẹt trong những bực tức âm ỉ, có khi chỉ riêng mình biết? Để có một tâm hồn thanh thản và bình an vui sống, chúng ta không thể làm lơ những gì đang làm trĩu nặng tâm hồn; cũng không thể cố giấu giếm chúng bằng những nụ cười gượng gạo hay che đậy chúng bằng những câu nói “không sao” hay “tôi chẳng quan tâm”… Vì mọi nỗ lực giả tạo hoặc cố gắng phớt lờ những ghét ghen chỉ làm cho vết thương chìm sâu, và dần dần trong vô thức, chúng ta sẽ đối diện với những đau buồn và mất mát.

Khi chân thành nhìn lại đời sống, chúng ta thấy bản thân mình cũng có những va chạm và bất toàn cần được Thiên Chúa và mọi người tha thứ, nên chúng ta không thể nào giữ mãi sự giận hờn với bất cứ ai. Khi gặp chuyện xích mích với người khác, chắc chắn không phải chỉ mình ta là người bị tổn thương, nhưng nhiều khi chúng ta cũng đã tạo ra những vết thương cho người khác nữa. Khi không thể tha thứ cho ai đó, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng: ta đang bắt mình và cả người khác phải chịu những đau khổ không cần thiết. Nói đến sự tha thứ, nhiều khi chỉ là một nỗ lực đơn phương, nhưng dù thế nào, chúng ta cũng cần giải thoát mình khỏi mọi vướng mắc và bất hòa với người khác. Cho dù ở mức độ nặng nhẹ thế nào, chúng ta cũng đừng để mình rơi vào nỗi đau của sự giận hờn và khơi rộng thêm những vết thương. ĐTC Phanxicô nói: “Điều quan trọng nhất trong đời của mỗi người, không phải là họ không bao giờ sa ngã trên đường đời. Điều quan trọng là phải luôn đứng lên lại, không lê lết trên mặt đất và liếm láp vết thương của mình” .

Tha thứ là một đức tính hợp lý hợp tình, vì tha thứ vừa giúp ta mở lòng chia sẻ tình người, vừa biểu lộ một trái tim đủ hiểu biết và khôn ngoan để không xử sự cách tiêu cực. Một số nhà tu đức nói đến một “hành trình tha thứ”, thường phải vượt qua những bước từ tiêu cực sang tích cực như sau: Khi oán ghét ai, trước hết, ta thường mong muốn trả thù, hoặc muốn cho họ gặp đau khổ, thất bại; mức độ nhẹ hơn là tìm cách trốn tránh, không đối diện với họ… Rồi khi muốn tha thứ, những thái độ trên giảm dần, đồng thời, được thay thế bằng sự thấu hiểu, thông cảm và đối xử tử tế với họ. Khi đã vượt qua những ngại ngùng để có thể đối xử tốt, lúc đó ta mới tha thứ được. Bởi vì lúc này, cõi lòng ta đã thấm nhuần lòng trắc ẩn và tinh thần yêu thương của Chúa Giêsu, Đấng giầu lòng thương xót và thứ tha (x. Ga 8, 1-11). Khi nghiên cứu về sự tha thứ, tiến sĩ chuyên gia tâm lý giáo dục Mỹ Bob Enright cũng nói rằng: “Tha thứ thực sự có nghĩa là cung cấp điều gì đó tích cực, bao gồm sự đồng cảm, lòng trắc ẩn, sự thấu hiểu và đối xử tốt đối với người đã làm tổn thương ta”.

Mùa Chay là thời gian tuyệt vời để chúng ta trải nghiệm cụ thể về tinh thần tha thứ, qua việc tập luyện những lần chết đi và sống lại: chết đi cho tội lỗi, cho sự cố chấp, tính kiêu căng, ích kỷ và thù hận, để sống lại trong sự “thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau” (Cl 3, 12b). Cuộc đời mỗi chúng ta là một chuỗi những yếu đuối và lầm lỗi, nhưng Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ cách quảng đại. Vậy, chúng ta không thể viện bất cứ lý do nào để còn tiếp tục giận dỗi anh chị em mình. Sách Huấn Ca 28, 7 nói đến sự nghiêm trị của Thiên Chúa đối với người cố chấp không tha thứ cho người khác: “Ai oán giận sẽ bị Chúa nghiêm trị tội lỗi của nó” (Hc 28,7). Dù Thiên Chúa rất mực yêu thương và luôn sẵn sàng tha thứ, nhưng Người cũng vẫn xử với chúng ta theo mức độ chúng ta xử với người khác: “Cha Ta trên trời sẽ xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35). “Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em” (Mt 6,14). Cho dù sự tha thứ của chúng ta bé nhỏ, rất khập khễnh khi so sánh với tình yêu vĩ đại và bao dung của Thiên Chúa, nhưng Chúa vẫn muốn chúng ta tha thứ cho những thiếu sót của người khác như một điều kiện tất yếu để đón nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa. Khi còn để lòng giận hờn và không muốn làm hòa với bất cứ ai là chúng ta đang ngăn cản việc Thiên Chúa tha thứ cho mình.

Thiên Chúa đã dùng Lời của Người, những hoàn cảnh, mọi biến cố và những người sống chung quanh để khuôn đúc chúng ta nên giống Chúa trong sự tha thứ. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trên Thập Giá là một lời nhắc nhở sâu sắc về sự tha thứ mà suốt đời chúng ta cần dõi theo: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Tha thứ là một biểu lộ cao nhất của tình yêu. Chúng ta cần chiêm ngắm và học hỏi thái độ của Chúa Giêsu để làm tăng sức mạnh tha thứ trong ta. Tha thứ là một quá trình vừa sâu sắc vừa thánh thiện, nên cần phải được lặp đi lặp lại nhiều lần trong tâm trí, được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện và chủ ý thực hành để có thể chạm tới điều kỳ diệu của tình yêu. Mẹ Têrêsa Calcuta nói: “Nếu muốn có được sự yêu thương, trước hết, chúng ta phải học cách tha thứ”. Bởi vì, “khi tha thứ cho ai, chúng ta nhận lại được tình yêu. Và khi có yêu thương, Chúa sẽ soi sáng cho tâm hồn” (Jon Krakauer). Thánh Phaolô khuyên chúng ta noi gương Chúa Giêsu trong việc tha thứ, bằng cách “đối xử tốt với nhau, có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4, 32).

Vậy, khi nào chúng ta còn cố chấp nuôi giận hờn trong lòng và không chịu làm hòa, tâm hồn sẽ vắng bóng tình yêu. Thiếu tình yêu thì mọi va chạm, dù nhỏ bé, cũng thành chuyện phức tạp, giống như khi tay ta không được sạch, ta chạm vào cái gì cũng làm cho nó ra dơ bẩn. Khi có tình yêu hiện diện trong cõi lòng, chúng ta sẽ trở thành người dễ thương, hòa hợp, vui vẻ và thánh thiện. Những vẻ đẹp thánh thiện của tâm hồn sẽ như lực đẩy, làm thay đổi cả bên ngoài, từ lời nói, thái độ, cử chỉ, tính cách, đều trở nên đáng yêu. Vậy, tình yêu sẽ là sức mạnh làm thay đổi cuộc sống, từ một “con người rất người”, trở thành một “con người giống Chúa” trong tình yêu, trong sự chạnh thương và tha thứ.

Ngay từ thuở ban đầu, trong công trình sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên trời đất cùng muôn vật muôn loài, nhưng chỉ có con người mới được dựng nên giống hình ảnh Chúa (x. St 1, 26). “Nên giống Chúa” là niềm mơ ước và cũng là mục đích của mọi tín hữu và cách riêng của những người sống đời thánh hiến. Niềm mơ ước này phải là một sự hợp tác giữa Thiên Chúa, Đấng ban ơn trợ giúp thiêng liêng, và con người, là chủ thể có trách nhiệm hoàn thành đời mình theo hình ảnh Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã chỉ cho chúng ta phương thế để nên giống Chúa là “cởi bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4, 24). Đặc biệt trong Mùa Chay thánh này, Thiên Chúa mời gọi chúng ta nên giống Chúa trong sự tha thứ. Chúa muốn chúng ta thật lòng tha thứ cho mọi người, bất kể họ là ai, lỗi phạm của họ lớn hay nhỏ. Đồng thời, chúng ta cũng cần tha thứ cho bản thân mình nữa, để ơn chữa lành của Chúa đến với tâm hồn mỗi chúng ta. Với tâm tình sám hối và tín thác, chúng ta đặt quá khứ của mình trong cung lòng tình yêu của Chúa để xin Người thanh tẩy; và đặt hiện tại cùng với tương lai trong bàn tay quan phòng của Chúa để xin Người biến đổi. Nếu còn điều gì nặng lòng với ai, chúng ta hãy nhận chìm chúng trong biển lòng thương xót của Chúa, để với ơn Chúa trợ giúp và với sự cố gắng của bản thân, hồng ân tha thứ và niềm vui của Chúa sẽ tuôn chảy vào cuộc đời chúng ta và được chuyển trao đến mọi người.

Xin Chúa giúp chúng ta được bình an và hạnh phúc sống tiếp cuộc đời mình một cách lành thánh, tốt hơn và mới hơn. Rồi khi đến lúc dừng chân, cuộc sống dương gian khép lại, chúng ta được nghe Chúa nói lời yêu thương: “Hôm nay con sẽ được ở trên thiên đàng với Ta” (Lc 23, 43).

Marie Rose Vũ Loan, FMSR

About dongmancoichihoavn

Check Also

Tinh thần học hỏi và óc cầu tiến theo Giáo Huấn của Đức cha Tổ phụ

Phát huy những điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu của bản thân trong tinh thần học hỏi và cầu tiến...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *