NHẪN NHỤC VÀ TẬN TÂM,
HAI PHẨM TÍNH ĐẶC BIỆT CỦA NỮ TU TÔNG ĐỒ MÂN CÔI
Chủ đề học tập tháng 01 và 02 năm 2024
Nhẫn nhục và tận tâm là hai phẩm tính mà bất cứ người tông đồ nào cũng không thể thiếu, cách riêng đối với chị em Mân Côi. Đức Cha Tổ Phụ, với khẩu hiệu Giám mục: “Hết lòng nhẫn nhục và tận tâm giáo huấn” (2 Tm 4, 2), đã để lại cho chị em tấm gương đáng kính phục về sự nhẫn nhục và tận tâm. Qua những lời giáo huấn dành cho Hội Dòng, Đức Cha dạy chị em phải luyện tập đức nhẫn nhục và tận tâm khi làm bất cứ việc gì: “Biết nhịn nhục mọi sự không vừa ý, vội quên sự người ta phạm đến mình, không kể gì đến sự nhỏ nhen trái ý…”(GSD I, 371), và “trong các việc phải thi hành, ta nên chú ý riêng đến sự tận tụy hằng ngày và sự quên mình đi, hy sinh vì kẻ khác” (GSD I, 670).
Kinh Thánh đã đề cao sự nhẫn nhục như một ân huệ của Chúa Thánh Thần: “Hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5, 22) và coi sự tận tâm như một thái độ dấn thân phụng sự thánh ý Chúa trong bất cứ công việc lớn nhỏ nào và trong bất cứ hoàn cảnh nào: “Bất cứ làm việc gì, hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời” (Cl 3, 23). Trong tháng 01 và 02-2024, chúng ta dựa vào sự dẫn dắt của Lời Chúa và giáo huấn của Đức Cha Tổ Phụ để cùng nhau học tập và thực hành đức NHẪN NHỤC VÀ TẬN TÂM, là hai phẩm tính đặc biệt của chị em Mân Côi.
- NHẪN NHỤC LÀ GÌ ?
Theo nghĩa tích cực trong Kitô giáo, nhẫn nhục đồng nghĩa với kiên nhẫn, nhẫn nại, kiên trì, nỗ lực chịu đựng, đón nhận phần thiệt về mình với thái độ an tĩnh, hòa nhã, vui tươi, nhằm mang lại sự cảm hóa, an vui và lợi ích cho người khác.
Giả như trong cuộc sống, mọi sự đều êm ả, tốt đẹp và diễn ra như ý; giả như trong các mối tương quan, không có ai làm phiền đến mình, thì quả thật, chúng ta không cần nghĩ đến việc luyện tập nhẫn nhục, vì chẳng có gì phải nhẫn. Nhưng thực tế, cuộc đời là một chuỗi tập hợp những điều được như ý và bất như ý. Những thuận lợi cùng những khó khăn do thiên nhiên, do chính con người hoặc do hoàn cảnh gây ra sẽ không bao giờ vắng bóng. Khi gặp khó khăn, thường chúng ta tìm cách khắc phục. Có giải quyết khó khăn, có dọn dẹp chướng ngại, nhưng chúng sẽ chẳng bao giờ chấm dứt trong cuộc đời bất tất này. Vì khi ta dọn dẹp chướng ngại này, có thể sẽ xuất hiện nghịch cảnh kia; khi ta dọn chỗ này, nó sẽ xẩy ra nơi khác. Vậy, khi đối diện với những nghịch cảnh, những xung đột, chúng ta phải làm gì để có thể vượt qua, mà vẫn giữ được sự bình tâm, niềm vui và lòng hăng say tiến bước trong đời sống? Chúa Giêsu cho chúng ta một nguyên tắc: “Ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu thoát” (Mt 10, 22). Lời này cũng có nghĩa là chúng ta được cứu thoát nhờ vào sự nhẫn nhục, một giải pháp tốt nhất giữ cho tinh thần ổn định, tâm lý vững vàng, phản ứng lành mạnh và xử lý tốt những khó khăn gặp phải, nhằm đi tới cùng sự hoàn thiện bản thân và đem lại thiện ích cho người khác.
- Lời Chúa soi dẫn
Kinh Thánh Cựu ước đã ca tụng sự nhẫn nhục của các tổ phụ và các tiên tri:
- Tổ phụ Abraham: “Vì nhẫn nại đời chờ, ông Abraham đã nhận được lời hứa” (Dt 6, 15).
- Các ngôn sứ: “Về sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn, anh em hãy noi gương các ngôn sứ” (Gc 5, 10).
- Ông Gióp: “Anh em đã nghe nói đến lòng kiên trì của ông Gióp và đã thấy được mục đích Chúa nhắm, vì Chúa là Đấng từ bi nhân hậu” (Gc 5, 11).
Sự nhẫn nhục của các ngài đã thể hiện nét đặc trưng đức tin và sự gắn bó của các ngài với Thiên Chúa, đồng thời là tấm gương để chúng ta noi theo.
Và trên hết, chính Chúa Giêsu là mẫu gương nhẫn nhục cho chúng ta trong mọi sự: “Hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục và nay đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Dt 12, 1b-2).
Và theo thánh Phaolô, chính quyền năng và lòng nhân từ của Chúa hình thành lòng nhẫn nhục trong chúng ta: “Nhờ sức mạnh vạn năng của Thiên Chúa vinh quang, anh em sẽ nên mạnh mẽ để kiên trì chịu đựng tất cả” (Cl 1, 11). Thánh Giacôbê cũng dạy chúng ta nhìn nhận mọi thử thách là cách Chúa dùng để hoàn thiện tính nhẫn nại nơi mỗi người: “Đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì” (Gc 1, 3-4).
Vậy, làm thế nào chúng ta thể hiện được sự nhẫn nhục theo đặc tính của Thiên Chúa trong cuộc đời của mình?
- Nhẫn nhục trong tâm ý
Nhẫn nhục trong tâm ý là tâm hồn đón nhận những nghịch cảnh trong tâm thế bình tĩnh, kiên nhẫn, chịu đựng, không có ý nghĩ than trách, tức giận, đáp trả hay loại trừ, vì xác tín rằng: “Mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Chúa” (Rm 8, 28). “Mọi sự” ở đây bao gồm cả những thách đố cho việc luyện tập lòng nhẫn nhục của chúng ta. Khi có sự nhẫn nhục từ trong tâm, tư tưởng sẽ không nổi lên sự phản đối, không dự tính trả thù, không nuôi lòng oán giận, không dửng dưng tránh né, nhưng nhẫn nhục sẽ là bước đệm cần thiết để có sự sáng suốt, nhằm giải quyết vấn đề cách thấu tình đạt lý. Cha ông chúng ta thường nói: “một điều nhịn, chín điều lành”. Câu nói này nhằm khích lệ con người biết nhẫn nhục chịu đựng lẫn nhau để đem lại sự bình an, hạnh phúc cho nhau và chính nơi tâm hồn mỗi người cũng cảm nhận được niềm vui, sự tự do và vững chãi để không bị ngoại cảnh tác động. Đây là cách ứng xử của người khôn ngoan, nhân văn, trí tuệ và đạo đức.
- Nhẫn nhục trong lời nói
Nhẫn nhục trong lời nói là biết lúc nào cần im lặng, lúc nào nên đối thoại trước những trái ý như bị hiểu lầm, bị nói lời khiêu khích, nói sai sự thật, vu oan… Trước những lời trái tai như thế, người thực hành nhẫn nhục trong lời nói thường từ tốn giải thích trong ôn hòa, dù nghe lời không vừa ý nhưng họ vẫn giữ im lặng, không giận dữ cũng chẳng than phiền hoặc dùng những lời ác mà đối lại với nhau. Đức Cha Tổ Phụ dạy chị em phải biết khôn ngoan và nhẫn nhục để khỏi lỗi đức bác ái với chị em và người khác: “Biết nhịn nhục mọi sự không vừa ý, vội quên sự người ta phạm đến mình, không kể gì đến sự nhỏ nhen trái ý, học biết tính mình cho khỏi phạm đến người khác, không than van, không nghe nói hành, biết dùng trí khôn mà đem những người bất thuận làm hòa cùng nhau” (GSD I, 371). Sự nhẫn nhục có khi cũng cần lên tiếng khi nó được dựa trên sự hiểu biết đúng đắn. Đối thoại để giúp người khác khỏi hiểu lầm và đưa đến sự thông cảm với nhau. Vậy, có khi phải nhẫn nhục trong im lặng và cũng có khi nhẫn nhục bằng lời nói. Điều quan trọng là nhẫn nhục một cách xứng đáng và hợp lý. Tuy nhiên khi cần phải nói, chúng ta sẽ phải nói trên tinh thần nào? Lời nói phải đến từ sự hiểu biết, từ tình yêu thương và hướng thiện.
Sự nhẫn nhục trong lời nói còn là một điều rất cần thiết trong đời sống cộng đoàn, khi “không vội nói và khoan giận” (Gc 1, 19), chúng ta sẽ giữ được hòa khí và lòng kính trọng đối với chị em. Ngay cả khi chị em xích mích với nhau, nếu biết nhẫn nhục, chúng ta sẽ lấy lại được sự an vui hòa thuận thay vì tranh chấp giận hờn. Thánh Phaolô dạy chúng ta phải nâng đỡ và hỗ trợ những kẻ yếu đuối, đồng thời phải biết kiên nhẫn và sống nhịn nhục đối với mọi người (x.1Tx 5, 14), không lấy ác báo ác, nhưng hãy tìm dịp để làm điều tốt đẹp cho nhau và cho mọi người (x.1Tx 5, 15). Được như thế, cộng đoàn chính là “thiên đàng dưới thế” mà chúng ta được chung hưởng với nhau ngay trong cuộc đời này.
- Nhẫn nhục trong hành động
Nhẫn nhục trong hành động là không phản ứng vội vàng, không bạo động đáp trả trước những nghịch cảnh mà chỉ bình tĩnh giải thích sự việc, xử lý vấn đề một cách êm thắm, nhẹ nhàng, không ầm ĩ cũng không nổi nóng hay giận dữ. Nhẫn nhục trong hành động giữ cho thái độ và cách ứng xử của ta được nhẹ nhàng, bình tĩnh, và xứng hợp.
Nhẫn nhục trong hành động được biểu hiện qua tác phong điềm đạm, cử chỉ khoan thai, thái độ khiêm tốn, gương mặt hiền hòa. Khi cần giải quyết vấn đề gì, nhờ không nóng nảy, vội vã, nên quyết định thường sáng suốt, chừng mực, không rơi vào những lệch lạc hay sai lầm đáng tiếc. Đức Cha Tổ Phụ luôn cổ võ đức thương yêu trong Nhà Dòng, được thể hiện bằng sự nhẫn nhục và quý trọng nhau: “Thương yêu là nhẫn nhục, giúp đỡ nhau, yêu chuộng nhau, làm vui lòng nhau, giúp nhau nên trọn lành” (GSD I, 397). Đức Cha còn dạy chị em không chỉ kiên nhẫn với người khác mà còn phải kiên nhẫn với chính bản thân nữa: “Làm việc phải đằm thắm, phải kiên nhẫn, không những với chị em mà còn đối với mình nữa. Phải tập tính sửa nết sao cho an vui hòa nhã luôn, làm việc với ai thì người ấy cũng thích tính mình, làm việc với ai thì cũng không có gì ái ngại” (GSD I, 539).
Tóm lại, nhẫn nhục là một phẩm chất cao đẹp, chúng ta cần luyện tập và ứng dụng chúng vào mọi lãnh vực cuộc sống, từ tâm ý, lời nói đến hành động. Cuộc sống sẽ có ý nghĩa, niềm vui và sự bình an nếu ta không bị lệ thuộc vào những gì đến từ bên ngoài. Nhẫn nhục không phải là để chịu đựng đau khổ nhưng là để chuyển hóa được bản thân và cảm hóa được người khác.
- TẬN TÂM LÀ GÌ?
Một số cách hiểu về sự tận tâm:
- Tận tâm là sự hết lòng thực hiện những công việc bằng cả tấm lòng.
- Tận tâm là bất chấp gian khổ, hy sinh tiện nghi đời sống riêng tư để làm cho cuộc sống người khác tốt đẹp hơn.
- Tận tâm là cố gắng hết sức, làm hết trách nhiệm và hết khả năng của mình để mang lại thành quả cao nhất.
- TẬN TÂM NHƯ THỂ LÀM CHO CHÍNH CHÚA
Đức Cha Tổ Phụ dạy chị em Mân Côi làm việc gì cũng chỉ vì lòng mến Chúa: “Chị em tập thói quen khi bắt đầu làm việc gì cũng thưa với Chúa: Lạy Chúa, con xin làm việc này vì lòng yêu mến Chúa” (GSD I, 188). Vì lòng yêu mến Chúa, chúng ta sẽ làm cách tốt nhất và hoàn hảo nhất. Thánh Phaolô dạy: “Bất cứ làm việc gì, hãy tận tâm như thể làm cho chính Chúa” (Cl 3, 23). Làm cho chính Chúa cũng có nghĩa là làm đều tốt đẹp nhất cho tha nhân. Với tâm tình này, chúng ta sẽ xem trọng và làm tốt mọi bổn phận lớn nhỏ, vì ý thức rằng thái độ làm việc của mình chứng minh cách cụ thể mối tương quan của mình đối với Thiên Chúa. Thánh Têrêsa Hài Đồng là một người rất chăm chỉ làm việc. Chị không làm việc vì tiếng khen hoặc tìm kiếm sự đánh giá của người khác. Bất cứ làm công việc gì, dù rất nhỏ bé như rửa chén, quét nhà, chị cũng thưa với Chúa: Lạy Chúa con làm việc này vì lòng mến Chúa và để cứu các linh hồn.
Khi phục vụ tha nhân với ý thức chúng ta đang làm việc cho Chúa, chúng ta sẽ làm hết lòng cách tận tụy và siêng năng, vì công việc chúng ta làm liên quan đến tâm tình thờ phượng mà chúng ta dành cho Chúa. Tận tâm trong mọi công việc như thể làm cho Chúa phải là tâm tình tự nhiên mà mỗi chị em Mân Côi tập luyện để trở thành thói quen đạo đức, dẫn đến một thái độ nội tâm, tập trung suy nghĩ vào Đức Kitô, khao khát thực hiện những điều tốt đẹp cho mọi người và cho thế giới.
- TẬN TÂM TRONG PHỤC VỤ
Tận tâm trong phục vụ là thi hành những trách vụ của mình một cách thông minh, chăm chỉ, nhiệt tình, chu đáo và đạt được hiệu quả tốt nhất dù là một công việc đơn giản nhất. Người ta thường nói: trong công việc, chẳng có việc nào nhỏ đến mức ta có thể cẩu thả hay làm qua loa, cũng không có việc nào ít quan trọng mà ta có thể bỏ qua. Chúa Giêsu dạy rằng: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, sẽ trung tín trong việc lớn” (Lc 16, 10). Thái độ của chúng ta trước các công việc nhỏ sẽ phản ánh được tố chất đích thực của mỗi người. Vì thế, ngay trong những công việc nhỏ bé, tầm thường, chúng ta cũng thực hiện bằng cả sự tận tâm và trách nhiệm của một người phục vụ như Đức Cha Tổ Phụ dạy: “Phải đặt mình làm gương sáng cho mọi người, yên ủi những người nhát đảm, nâng đỡ những người yếu đuối, nhẫn nại và tận tâm với hết mọi người” (GSD I, 623).
Thánh Phaolô đã nói: “Ai phục vụ, hãy tận tâm phục vụ” (Rm 12, 7-8). Tận tâm phục vụ không chỉ là hoàn thành công việc mà còn cống hiến hết mình, dành thời giờ, công sức và tài khéo cùng với cả trái tim, cả tấm lòng và sự chân thành. Thước đo chân thực nhất cho sự tận tâm chính là hành động. Nhưng để trở thành người tận tâm phục vụ, chúng ta cần đến một số đức tính căn bản như khiêm tốn, quảng đại, tế nhị và hy sinh quên mình. Mẹ thánh Têrêxa Calcutta đã nói “Hoa quả của đức tin là tình yêu, hoa quả của tình yêu là phục vụ và hoa quả của phục vụ là bình an”. Sự tận tâm phục vụ làm nảy sinh sức sống giúp cho việc phục vụ đạt được mục đích tốt đẹp và đem lại thiện ích cho người được phục vụ. Chính Đức Kitô đã coi sự phục vụ như một luật nền tảng, một lối sống và một gương mẫu cho mọi mối tương giao của con người.
- TẬN TÂM CÁCH QUÂN BÌNH
Sự tận tâm là một thói quen tốt mà chúng ta cần xây dựng trong bất cứ lãnh vực nào. Mỗi người chúng ta đều có những công việc chung-riêng và trách nhiệm phải thi hành trong tương quan với người khác. Mỗi công việc đều kèm theo một trách nhiệm. Khi làm việc nào, chúng ta chịu trách nhiệm về công việc đó. Vậy, chúng ta hãy có trách nhiệm với công việc đang đảm nhận bằng cách bắt đầu chúng với sự tận tâm. Hơn nữa, chúng ta cần duy trì thói quen về sự tận tâm. Một thói quen tốt là một nhân đức, sẽ hình thành nên tính cách của một con người, nó được tiềm ẩn trong ý thức và được thể hiện ra trong hành động. Tuy nhiên, sự tận tâm cũng phải quân bình và có kỷ luật. Tận tâm trong mọi sự là điều tốt, nhưng phải tận tâm đúng cách, không rời xa thực tế khiến cho công việc của mình không thể thực hiện được, hoặc không đúng với tiến độ đề ra. Tận tâm là một nhân đức, nhưng cũng cần thấy rõ điểm dừng. Tận tâm là hết mình nhưng không kiệt sức. Điều gì thái quá có thể tạo ra sự mất quân bình và không bền vững.
GỢI Ý PHẢN TỈNH VÀ NỘI TÂM HÓA (gợi ý giúp lượng giá về chủ đề)
- Khi có ai đó làm tôi khó chịu, phiền toái, đau khổ… tôi đã phản ứng thế nào? Tôi suy gẫm về phản ứng của mình và cảm nhận sâu sắc từ trái tim những ích lợi và bất lợi do phản ứng của tôi.
- Khi làm việc, tôi có đang làm hết lòng không? Ý hướng làm việc của tôi thế nào? Tôi có quy hướng tất cả cho vinh danh Chúa hay chỉ dâng cho Chúa một phần nào đó? Cái tâm tôi để vào công việc được bao nhiêu % ? Làm sao để xác định tâm đang có mặt 100% ? Làm sao duy trì sự có mặt đầy đủ của tâm?
Nt. Marie Rose Vũ Loan, FMSR