AN TĨNH NỘI TÂM
Mùa Chay là thời gian tuyệt vời để trải nghiệm niềm vui được thanh luyện và tiến bước sâu hơn nữa trên đường hoàn thiện. Hành trình bốn mươi ngày Mùa Chay thật vắn vỏi, nhưng chúng ta có thể tận dụng thật tốt thời gian này như một “quà tặng ân sủng” để tăng cường việc lắng nghe tiếng Chúa, để cảm nghiệm thật sâu lắng tình yêu của Chúa và để biết được ý Chúa muốn chúng ta cần đổi mới thế nào trong thời gian ân phúc này. Tinh thần Mùa Chay mời gọi chúng ta tìm kiếm nhiều hơn những khoảng lặng trong ngày để theo Chúa vào trong sa mạc nội tâm, nơi đó Chúa và ta cùng thổ lộ tâm tình.
Sau thời gian các Tông đồ bận rộn với công việc rao giảng, và khi trở về, lúc các ông đang vui vẻ kể cho Chúa nghe về những thành công, Chúa liền nói: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6, 31). Chúa Giêsu muốn các ông được “nghỉ ngơi đôi chút”, nghĩa là tìm lại sự an tĩnh cho tâm hồn, được bồi dưỡng tinh thần và được hưởng niềm vui trong tình thân với Chúa.
Cũng giống như bất cứ điều gì trong cuộc sống, việc chú tâm luyện tập sẽ dẫn đến sự hoàn thiện. Lời mời gọi của Chúa Giêsu trên đây như một định hướng giúp chúng ta sống tốt đẹp Mùa Chay thánh qua việc “luyện tập lắng nghe” để tiến bước trên đường thực nghiệm tâm linh và sống hoàn hảo. Nhưng thiết nghĩ, bước đầu tiên là làm thế nào để lắng nghe được tiếng nói từ trong nơi sâu thẳm của lòng mình, là tiếng nói trung thực nhất, có khả năng mách bảo chúng ta nhận biết con người thật của mình, để sẵn sàng điều chỉnh đời sống ngày càng nên giống Chúa hơn. Bởi vì trong cuộc sống, chúng ta nghe được nhiều tiếng nói khác nhau: có tiếng thúc đẩy làm điều tốt, nhưng cũng có tiếng làm phân tâm, chao đảo, lệch lạc và có khi dẫn đến những quyết định sai lầm.
Con người đang sống trong một nền văn minh hướng ngoại và sôi động với những kết nối tiện nghi của mạng truyền thông. Cuộc sống chúng ta như gắn liền với những công việc và bao mối bận tâm. Những ồn ào của nhịp sống vội vàng bên ngoài và cả những huyên náo của tâm trí do những suy nghĩ, những cảm xúc gây xáo động bên trong làm cho nội tâm bị nhiễu loạn không ngừng, khó giữ được sự an tĩnh của tâm hồn và dường như bị thiếu rất nhiều những khoảng lặng để tăng trưởng tâm linh. Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đã nói trong một bài huấn đức: “Một cuộc sống quá bận rộn thường làm chai cứng tâm hồn, đánh mất đời sống cầu nguyện và nhu cầu Thiên Chúa”. Đúng vậy, cuộc sống bận rộn với bao mối tương quan và công việc đã xâm chiếm mọi lãnh vực đời sống và cả trái tim của con người.
Trong một ngày sống, thật cần thiết để có những khoảng thời khắc riêng tư cho việc tiếp xúc thâm sâu và cá vị với Thiên Chúa trong một trạng thái an tĩnh nội tâm: sáng sớm, chiều tối hay một lúc thuận tiện trong ngày. Ngoài ra, cuộc sống nhộn nhịp dù vẫn diễn ra, những sinh hoạt thường ngày vẫn không thay đổi, nhưng chúng ta cũng cần học cách để cuộc sống có thể thích ứng với hoàn cảnh mà nội tâm vẫn giữ được sự lắng đọng, tự do và sáng suốt? Làm thế nào để chấp nhận được tiếng ồn như nó đang xảy ra mà vẫn nghe được tiếng nói từ bên trong của cõi lòng mình? Rất nhiều khi, tĩnh lặng không phải là không còn tiếng nói, tiếng ồn, vì tiếng nói nhiều lúc cũng thật cần thiết cho việc làm triển nở tình người, xây dựng tương quan, nhưng là trạng thái tâm hồn thoát khỏi những chi phối, những trở ngại làm xáo trộn: ở giữa những ồn ào nhưng không dao động; đứng trước những thăng trầm cuộc sống mà vẫn có khả năng đi vào chiều sâu và kết nối với bản thể nội tâm của mình.
Lắng nghe được tiếng nói của nội tâm là một kinh nghiệm thiêng liêng và đức tin. Khi tâm trí chúng ta trở nên tĩnh lặng, chúng ta nghe được những tiếng mách bảo bên trong tâm hồn, và chỉ khi nào chúng ta có đầy sự kính trọng với những tiếng mách bảo ấy, chúng ta mới đủ ý thức và mới thực sự biết lắng nghe. Giữa những náo động của trần thế, chúng ta cần lắm một nơi trú ẩn đem lại bình an và sâu lắng cho đời sống và chúng ta chỉ thực sự sống tròn đầy khi biết kết nối với nội tâm của mình.
Trở vào bên trong cõi lòng mình bằng những nghĩ suy, bằng hồi tâm và bằng con người thật của mình để xác định được điều mà tâm hồn chúng ta đang khao khát và tìm ra ánh sáng phía trước con đường đang vươn tới. Và cũng chính trong nơi thâm cung ấy, chúng ta gặp gỡ, tiếp xúc với Thiên Chúa, Đấng luôn sẵn sàng chỉ dạy chúng ta biết nhìn bằng đôi mắt của Chúa và yêu thương bằng trái tim của Chúa. Trở về bên trong nội tâm và nghe hiểu được tiếng lòng mình vang vọng trong chiều hướng thăng tiến tâm linh, chúng ta sẽ biết được sự thật về mình để từng bước đi lên. Đây chính là niềm vui của người có khả năng nghe được tiếng nói từ bên trong. Vì thế, chúng ta cần lưu ý đến một vài thái độ nội tâm như điều kiện để có được khả năng này.
Trước hết, chúng ta cần thường xuyên dành khoảng thời gian tĩnh lặng cần thiết trong một ngày cho việc hồi tâm, phản tỉnh và chìm sâu trong tương quan với Chúa, để đọc lại những gì đã diễn ra trong đời mình, nhìn nhận những vấp ngã cùng những cố gắng. Thiên Chúa thường hướng dẫn chúng ta bằng nhiều phương cách khác nhau như hoàn cảnh, biến cố và cả trong các mối tương quan… Vậy tất cả những gì diễn ra trong đời sống đều là Lời của Chúa gợi ý cho người được hướng dẫn. Phần khó khăn nhất là làm sao chúng ta nhận ra? Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói rằng: “Thiên Chúa nói trong tĩnh lặng, vì thế, trong mọi hoàn cảnh, chúng ta cần lắng đọng tâm hồn để có thể nghe được tiếng Chúa” . Nghe thường khó hơn nói nên chúng ta cần phải vun trồng sự an tĩnh nội tâm và tạo điều kiện cho việc chú tâm vào tiếng Chúa vang lên từ trong sâu thẳm cõi lòng. Chắc hẳn những ai yêu mến và trung thành với Chúa đều dễ dàng nghe được tiếng của Người.
Ngoài ra, chúng ta rất cần đến ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Người luôn ở bên để chuyển cầu cho chúng ta; Người là Vị Thầy mở rộng không gian nội tâm, giúp chúng ta biết khép lại các cửa ngõ giác quan để mở lòng cho ơn Chúa tác động và đổi mới. Chúng ta cần tích cực cộng tác với công trình đổi mới của Người bằng cách mở lòng để đón nhận những cảm hứng nội tâm, chú ý đến những dấu chỉ trong đời sống: có khi một biến cố nhỏ mang nặng một tương lai; một lời nói thoáng qua có thể là một lời khuyên quan trọng cho sự thăng tiến đời sống; biết khôn ngoan phân định; biết cảnh giác với những xét đoán cá nhân v.v… Cùng với Chúa Thánh Thần, chúng ta đi vào thế giới nội tâm, và trong đó, chúng ta được tiếp nhận ánh sáng siêu nhiên để suy nghĩ và hành động theo ánh sáng ấy. Vậy, chúng ta hãy kết thân với Người, không chỉ trong tri thức mà bằng cả trái tim như một người bạn tri kỷ, vì “Chúa Thánh Thần là bạn hiền, là ánh sáng soi dẫn chúng ta, là ngọn lửa thân tình nung nấu con tim” (Cha Marie-Eugène).
Trong Mùa Chay thánh này, chúng ta cần tổ chức đời sống cách đặc biệt hơn, cần có một bầu khí cầu nguyện trong cộng đoàn và thời gian thích hợp cho việc phản tỉnh và gặp gỡ Chúa. Thiên Chúa ngỏ lời với chúng ta, nhưng Người nói bằng cách không lên tiếng. Người rất mực yêu thương chúng ta, nhưng Người không trực tiếp diễn tả bằng lời. Chúng ta hãy thường xuyên tìm về nơi thâm cung của cõi lòng mình, vì chính trong nơi thanh tịnh này, chúng ta dễ dàng nhận ra tính chân thực của một Tình Yêu và của những gì đã diễn ra, những gì cần hướng tới, những gì phải điều chỉnh, những gì nên làm, những gì phải tránh… Nơi thâm cung của tâm hồn là môi trường tốt nhất giúp ta học hỏi, lắng nghe, suy tư, cầu nguyện và gặp Chúa.
Xin Chúa ban cho mỗi chúng ta ơn biết nuôi dưỡng sự tĩnh lặng của tâm hồn, vì đó là điều kiện để Lời Chúa được vang lên và được lắng nghe. Xin Mẹ Maria, Người Nữ thinh lặng, giúp chúng ta có được niềm vui trong bầu khí an tĩnh nội tâm và luôn nghe được tiếng Chúa, nghe được bước chân của Chúa đi qua trong cuộc đời mình, để luôn biết “ghi nhớ mọi kỷ niệm và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19).
Marie Rose Vũ Loan, FMSR