Lòng biết ơn nuôi dưỡng tinh thần thuộc về

LÒNG BIẾT ƠN NUÔI DƯỠNG TINH THẦN THUỘC VỀ

“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, là những câu tục ngữ quen thuộc mà cha mẹ thường dạy cho con cái từ lúc còn tấm bé. Khi lớn lên, dù đang ở đoạn đầu, đoạn giữa hay đoạn cuối của con đường cuộc sống, thì “ân sâu nghĩa nặng” vẫn dõi theo mỗi người trên từng bước đi. Trong cuộc sống, người ta cũng thường nói đến những câu: “Ăn cháo đá bát” hay “Có mới nới cũ”, là những lời phê phán dành cho người vô ơn, lãnh đạm, thờ ơ, coi thường hoặc lãng quên ân tình của những người đã làm điều tốt đẹp cho mình.

Lòng biết ơn, trước hết, được dâng về Thiên Chúa, Đấng tác sinh con người, vạn vật cùng tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống. Tiếp đến, chúng ta biết ơn cha mẹ, những người thân, những người đồng hành giúp ta thay đổi cuộc sống, những người đã một lần đi qua và để lại dấu ấn nào đó trong cuộc đời ta. Sau nữa, chúng ta biết ơn thiên nhiên, bầu trời trong xanh, không khí trong lành, cảnh vật tươi xinh, thực phẩm thơm ngon, những gì đang nuôi sống và tạo nên đời sống cho ta… Ngoài ra, chúng ta cũng biết ơn cả những thất bại, những khó khăn… Bởi bài học đến từ nghịch cảnh thì luôn đắt giá vì chúng giúp ta trưởng thành hơn mỗi ngày; những trái ý cũng có thể là những trải nghiệm làm nên ý nghĩa cuộc sống; những thách đố có khi lại ẩn chứa những giá trị cao đẹp, hoặc truyền tải những thông điệp giúp cho cuộc sống nên hoàn hảo hơn. Khi tập trung vào lòng biết ơn, chúng ta sẽ không còn thời giờ cho sự phàn nàn, bất mãn, ghen tị hoặc nói hay làm những điều tiêu cực.

Lòng biết ơn là một phẩm chất đạo đức, một hành động khôn ngoan làm nên vẻ đẹp tinh tế của nhân cách, là ngôn ngữ của trái tim yêu thương và là một yếu tố cần thiết để xây dựng và nuôi dưỡng tinh thần thuộc về. Lòng biết ơn dạy chúng ta luôn biết hướng về Thiên Chúa là Cội Nguồn trước tiên, duy nhất và bền vững, để ngợi khen và cảm tạ Đấng “là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất” (Ep 3, 15). Thánh vịnh 103, 2 dạy chúng ta hãy luôn “ngợi khen Đức Chúa và chớ quên các ân huệ của Người”. Thánh Phaolô còn chỉ cho thấy một đời sống được xây dựng vững chắc trong Đức Kitô thì luôn biết cảm tạ. Sự lớn lên trong đời sống tâm linh luôn đi đôi với sự sung mãn trong tâm tình tri ân: “Anh em hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng vững chắc là Đức Kitô, hãy dựa vào đức tin mà anh em đã được thụ huấn, để cho lòng chan chứa niềm tri ân cảm tạ” (Cl 2, 7). Khi càng chìm sâu trong Thiên Chúa, càng nếm cảm được nguồn ân sủng phong phú của Chúa, càng biết ơn Người, chúng ta sẽ chỉ còn một khát vọng là được thuộc trọn về Người.

Khi thuộc về Chúa là Đấng nắm trong tay cả vũ trụ này, là Cha chung của mọi loài, chúng ta cũng cảm nhận mình được thuộc về một gia đình rộng lớn là nhân loại. Trong gia đình này, mọi người đều có nhu cầu tương quan để hoàn thành vận mạng cuộc đời mình. Lòng biết ơn sẽ mở rộng tương quan, đưa ta vào một tình yêu phổ quát và vươn xa đến mọi người. Lòng biết ơn có khả năng nối kết, làm cho mối quan hệ của ta với người khác trở nên thông thoáng, hòa đồng và thân thiện, vì lòng biết ơn có sức lan tỏa những tín hiệu của tình thương, sự đồng cảm và tha thứ, khiến môi trường sống trở thành đáng yêu và những người chung quanh trở nên dễ mến. Khi tâm trí đong đầy tâm tình tri ân, thì từ những điều nhỏ bé và bình dị trong đời thường cho đến những điều thiêng liêng cao cả, tất cả đều có thể truyền cảm hứng đưa đến việc thủ đắc những giá trị tích cực. Marcus Tullius Cicero, một triết gia La Mã đã khẳng định: “Lòng biết ơn không chỉ là đức tính vĩ đại mà còn là khởi nguồn cho mọi đức tính tốt đẹp khác”. Như vậy, lòng biết ơn không chỉ dừng lại ở tâm tình hoặc đóng khung trong một số nghĩa cử đền ơn nào đó, mà còn được kết dệt theo dòng thời gian cho đến khi thành một thói quen tốt, thành một cuộc đời. Có nhiều cách diễn tả lòng biết ơn, khi được bày tỏ cách tự nhiên qua từng hành động nhỏ bé như một tiếng cám ơn, trao một nụ cười, nói lời thân thiện, ánh mắt cảm thông, thái độ trân quý, hành vi tử tế… khi đó ta mới cảm nhận được sự giản dị và hiệu quả kỳ diệu của lòng biết ơn.

Đặc biệt đối với một người thánh hiến, tâm tình biết ơn phải là một giá trị đạo đức thấm nhuần nếp sống, nuôi dưỡng tinh thần thuộc về và là động lực thúc đẩy chúng ta vun đắp các mối tương quan với mọi thành viên trong Hội Dòng, bằng tình thương và bằng sự tương trợ lẫn nhau. Khi có chung một lý tưởng, cùng sống một căn tính, cùng ở dưới một mái nhà, thì tinh thần thuộc về và đồng trách nhiệm sẽ thôi thúc chúng ta tìm cách duy trì sức sống và sự phong nhiêu cho Hội Dòng của mình. Tinh thần thuộc về luôn xâu kết và hợp nhất chúng ta nên một với nhau. Vì thế, sẽ không còn cảnh người sống bên nhau mà như người dửng dưng xa lạ, nhưng là những người thân yêu ruột thịt trong một gia đình. Thái độ này sẽ cho mỗi người có cái nhìn tích cực về người khác, cùng nhau khám phá những nét son, những mặt tốt, những điểm hay của chị em cũng như của Hội Dòng, để có được thái độ thán phục, lòng biết ơn đối với Thiên Chúa, với Hội Dòng và với nhau. Sự khám phá ấy cũng giúp chúng ta tránh được thái độ đòi hỏi, phê bình hoặc so sánh. Sẽ không phù hợp chút nào khi trong một cộng đoàn mà chị em tỏ thái độ loại trừ nhau, đôi khi bằng thinh lặng, bằng sự lãnh đạm, từ chối đối thoại hoặc phản ứng coi thường. Dù hiện tại chúng ta có là ai, làm gì, khả năng bao nhiêu, thì cũng chỉ là người đã thừa hưởng khối ân tình và công sức của biết bao thế hệ tích lũy lại và đem hiến tặng cho ta. Vì thế, không bao giờ chúng ta sử dụng bất cứ điều gì mình đang có với một thái độ vô ơn, tính toán hay coi thường, nhưng luôn trân quý từng ân tình nhỏ bé trong cuộc sống. Tuy nhỏ thôi, nhưng mang nặng cả một lịch sử, một tình yêu… Cần lắm những giây phút dừng lại một chút để lắng nghe tiếng lòng mình có đang rung lên tâm tình biết ơn về điều gì và với ai? Nếu thực sự có, chúng sẽ tỏ cho ta biết mình nên làm gì và không nên làm gì để cuộc sống của ta được gọi là một cuộc đời đáng sống.

Tâm tình biết ơn Hội Dòng thúc đẩy chúng ta luôn biết thao thức, suy tư, sáng kiến, nỗ lực để xây dựng và phát triển Hội Dòng trong vai trò của mình. Với đà sống phức tạp của một xã hội tục hóa và đề cao hưởng thụ cá nhân như hôm nay, Hội Dòng rất cần những con người biết dấn thân, dám đẩy lui sự an nhàn cá nhân mà ưu tiên cho sự tồn tại và phát triển của Hội Dòng. Nếu không đủ sự quan tâm, gắn bó và chung tay phát triển Hội Dòng, chúng ta có thể làm thiệt hại cách nào đó, khi Hội Dòng mất đi những nét độc sáng và riêng tư của mình.

Mỗi người luôn có một nơi để thuộc về: từ một gia đình nhỏ bé đến Hội Dòng, và rộng lớn hơn, chúng ta thuộc về Giáo Hội, thuộc về Thiên Chúa. Ý thức được điều này, chúng ta sống tâm tình tri ân bằng việc tích cực đóng góp phần nhỏ bé của mình vào công trình chung của Thiên Chúa qua việc tận tụy, hết sức và hết lòng với trách vụ, luôn đặt lợi ích chung lên trên nhu cầu cũng như sở thích cá nhân và luôn thao thức cho sự tồn tại của Hội Dòng. Thánh Phaolô nói: “Bạn có gì mà đã không nhận lãnh” (1Cr 4,7). Vậy, chúng ta hãy đem lòng biết ơn vào trong từng nhịp hít thở của mình. Đôi khi, nên dành chút thời gian để trân trọng những gì mình đang có và đặt tên cho hành trình cuộc sống của mình là một hành trình tri ân. Lòng biết ơn tuy đơn giản như thế, nhưng lại cao quý và thâm sâu, nên cần được rèn luyện, giữ gìn, trao truyền và thực hành cho đến khi lòng biết ơn trở thành cuộc sống. Samuel Johnson, một thi sĩ người Anh nói rằng: “Lòng biết ơn là một hoa trái của công trình rèn luyện cao quý, bạn không tìm thấy nó ở những kẻ thô lỗ”. Những đối tượng thi ân thì rất nhiều và luôn quảng đại, sẽ không đòi nợ chúng ta bao giờ, mà còn từng ngày, vẫn tiếp tục trao tặng cho ta biết bao điều tốt đẹp. Có những ân tình chúng ta không thể trả một lần là xong, cũng có những ân tình chúng ta không thể trả được…

Thái độ trân quý, khiêm tốn đón nhận và khắc ghi sâu sắc những ân tình của người trao tặng, đó là cách tốt nhất để chúng ta không phụ lòng những Vị Ân Nhân trong cuộc đời mình.

Marie Rose Vũ Loan, FMSR

About dongmancoichihoavn

Check Also

khám phá và chữa lành bản thân của mình... “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con”

Trả lời