Ave Maria
TÂM THƯ MÙA VỌNG 2023
Kính thưa các Bà và toàn thể chị em thân mến,
Một lần nữa chúng ta bước vào Mùa Vọng, khởi đầu năm phụng vụ 2024. Mùa Vọng là mùa mong đợi. Về phần mình, chúng ta thường mong đợi Chúa đến, nhưng về phần Chúa, có lẽ Chúa cũng chờ mong được đến với chúng ta nữa. Vậy chúng ta phải làm sao để tạo điều kiện cho 2 bên mong và chờ, đón và đợi gặp được nhau.
I. Chúng ta mong Chúa đến
Đức Thánh Cha Phanxico đã nhắc lại cho chúng ta: Thiên Chúa đã đến trong lịch sử tại Bêlem; Người sẽ đến vào thời chung cục của thế giới cũng như trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Nhưng Người cũng đến mỗi ngày, mỗi khoảnh khắc, nơi con tim chúng ta, với sự linh hứng của Thánh Thần. (Đức Thánh Cha Phanxicô, thánh lễ tại nhà nguyện thánh Matta 03/12/2018)
Như vậy là có tới 4 cách Chúa đến:
– Chúa đã đến trong lịch sử nhân loại, khởi đầu với hang đá Bêlem để thực hiện chương trình cứu độ con người.
– Chúa sẽ đến trong ngày chung thẩm, tận cùng của thế giới này.
– Chúa đến trong giờ chết của mỗi chúng ta.
– Và Chúa đến gặp ta qua các trung gian, các biến cố hằng ngày.
Vì vậy, Mùa vọng chúng ta mong Chúa đến với cả 3 chiều kích: quá khứ (Chúa giáng sinh), tương lai (Chúa sẽ đến), và hiện tại (Chúa vẫn đến hằng ngày).
Ngoài việc kỷ niệm biến cố Chúa đã đến vào một thời điểm năm xưa trong hang lừa máng cỏ, thì với chiều kích tương lai, việc Chúa sẽ đến trong ngày cánh chung, chúng ta chỉ biết mong chờ, không ai biết được ngày giờ. Việc Chúa đến trong giờ chết của mỗi chúng ta là điều chắc chắn nhưng cũng chẳng ai biết rõ lúc nào. Với chiều kích hiện tại, Chúa âm thầm đến với ta rất nhiều lần qua các bí tích, qua các biến cố, qua tha nhân …, nhưng có lẽ rất ít lần ta thực sự gặp được Người. Vì thế, tâm tình mong chờ không chỉ giới hạn trong mùa vọng, mà phải là tâm tình liên lỷ trong chúng ta: một mùa vọng triền miên vì không biết ngày nào giờ nào Người sẽ đến “như kẻ trộm”.
II. Chúa mong đến với ta:
Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta. (Kh 3, 20)
Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa toàn năng nhưng lại rất tôn trọng từng người chúng ta là những thụ tạo có lý trí, có tự do. Hình ảnh “gõ cửa” và chờ đợi được ta “mở cửa” nói lên sự đợi chờ, mong mỏi của Chúa được “vào nhà”, được gặp gỡ và “dùng bữa” thân mật với ta.
Nếu chúng ta nhìn Chúa như hình ảnh người cha nhân hậu, thì quả thật Người Cha này vẫn luôn mong ngóng, và khi “trông thấy” sự sẵn sàng nơi cõi lòng ta, Người sẽ vội vã “chạy ra”, và vui mừng vì tìm gặp được ta. (x. Lc 15, 11-32).
Nếu Chúa được hình dung như người mục tử, thì Vị chăn chiên ấy không chỉ ngồi yên mong chờ, mà còn tích cực cất bước “đi tìm”, và làm hết cách để mong sao gặp được con chiên bị mất… (x. Lc 15, 4-7).
Như vậy, Mùa Vọng, nếu chúng ta mong Chúa đến với mình, thì đừng quện rằng Chúa cũng rất mong được đến với chúng ta. Phải làm gì để sự chờ mong của chúng ta kết nối được với niềm mong chờ của Chúa?
III. Ta phải làm gì trong khi mong đợi:
Khi lịch sự đứng trước cửa và gõ, Chúa mong bắt gặp nơi ta một sự tỉnh thức, sẵn sàng, chờ đợi: “… như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.” (Lc 12, 36).
Sự tỉnh thức đợi chờ ấy phải được thể hiện cách cụ thể bằng những hành động tích cực như tiếng kêu mời tha thiết của Gioan Tẩy Giả làm vọng lại lời ngôn sứ Isaia : “… hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng.” (Lc 3, 4-5)
Là nữ tu Mân Côi, mỗi ngày chúng ta vẫn dành hơn 3 giờ đồng hồ để cầu nguyện với Chúa rất đều đặn, đầy đủ. Thế nhưng Chúa vẫn mong hơn thế nữa. Không phải là hơn nữa về số giờ cầu nguyện, về số lượng lời kinh, nhưng Chúa muốn được đi vào đời sống của chúng ta, được mượn cuộc đời của mỗi chúng ta để nhập thể một lần nữa trong thời đại hôm nay, trong mọi môi trường mà chúng ta đang hiện diện. Thiên Chúa muốn đi vào cuộc đời của chúng ta, để cùng chung chia buồn vui sướng khổ, để cảm thông, nâng đỡ, yêu thương. Đồng thời, Chúa cũng mong đến với chúng ta để giúp chúng ta phá đổ những núi đồi cao ngạo, lấp đầy những hố sâu thiếu sót, dẹp bỏ những góc khuất quanh co, lồi lõm, và dọn sạch mọi thứ rác rưởi của tính thế tục.
Ước gì mùa Vọng năm nay, chúng ta dám mong Chúa đến và dám dọn đường cho Chúa thật sự đi vào cuộc đời của mình.…
Kính chào các Bà và toàn thể chị em.
Têrêsa Tịnh Khiết, FMSR