TÔI ĐANG SỐNG HAY ĐANG CHẾT?
Franklin, một nhà khoa học người Mỹ, đã nói một câu nổi tiếng: “Chết ở tuổi 25, chôn ở tuổi 75, cuộc đời bạn có như vậy không?”. Câu này muốn nhắc nhở chúng ta: mỗi người chỉ có một cuộc đời, nên hãy sống với tất cả ý nghĩa đích thực của sự sống. Đừng lãng phí đời mình cho những điều vô vị tầm thường và cũng không giết chết phần đời còn lại của mình bằng lối sống tẻ nhạt, vô định. Có lẽ R. Tagore cũng đã cảm nhận điều này khi dâng lời khẩn nguyện: “Lạy Thượng Đế, xin tận diệt trong tim con mọi biển lận tầm thường… Xin cho con sức mạnh hiên ngang để đem tình yêu gánh vác việc đời… Xin cho con sức mạnh dẻo dai để nâng tâm hồn lên khỏi những ti tiện hằng ngày. Và cho con sức mạnh tràn trề để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn”.
Tâm tình trên gợi lên trong chúng ta câu hỏi: Tôi đang sống để làm gì và sau khi kết thúc cuộc sống này, tôi sẽ ra sao? Câu hỏi huyền bí này đã nhiều lần chất vấn chúng ta và có lẽ mỗi người sẽ có câu trả lời khác nhau tùy theo định hướng cuộc đời. Từng ngày, thời gian vẫn lặng lẽ trôi qua mà nhiều lúc ta cũng không hề ý thức được mình có thực sự đang sống hay chỉ là tồn tại cho qua ngày? Quy luật tự nhiên của đời người là “sinh-bệnh-lão-tử”, nên có người cho rằng đời người có là gì thì cũng chỉ thu gọn vào bốn chữ ngắn ngủi ấy thôi. Như một định luật, chúng ta thấy rằng mọi sự trên đời không vượt qua được con đường dẫn đến già nua, hao mòn và lụi tàn theo năm tháng. Cuộc sống tự nhiên của con người và muôn vật trong vũ trụ này dường như tất yếu sẽ đi đến chỗ lụi tàn. Tác giả sách Huấn Ca đã công nhận cái quy luật ấy:
“Kể từ khi ở lòng mẹ sinh ra
Cho đến lúc trở về lòng đất mẹ,
Mang thân phận con người,
Ai cũng canh cánh bên lòng một nỗi lo…
Là cứ phải nghĩ rằng mình đang chờ chết…
Tất cả những gì từ đất mà ra sẽ trở về đất,
Còn những gì từ nước mà có lại quay về biển”.
(Hc 40, 1-11).
Những ai đang hiện diện trong cuộc trần này đều đã có một phần đời sống lui vào dĩ vãng, và có lẽ hầu hết mọi người đều cảm nhận cuộc sống này thật tạm bợ, mong manh và có thể chấm dứt bất cứ lúc nào. Hơn nữa, cuộc đời này cũng đặt trước mắt chúng ta quá nhiều chọn lựa với những ý nghĩa và giá trị khác nhau. Đường đời không phải có một biển chỉ đường, nên nhiều lúc ta thấy mình như đang đi trong một mê cung với muôn vàn lối ngõ khác nhau. Nếu không thấy rõ mình đang cần gì để sống và con đường đã chọn đang dẫn mình về đâu, thì chúng ta sẽ bị muôn sự trong cuộc đời này chi phối, đẩy đưa và sẽ chẳng thể nhận ra được mục đích trung tâm và cuối cùng của đời mình là gì? Vậy, chúng ta dựa vào đâu để có thể chắc chắn rằng mình đã có một lựa chọn đúng và đang thật sự sống chứ không phải đang chết hay đang vật vờ giữa ranh giới của sống và chết.
Khởi đi từ biến cố chóp đỉnh: Đức Giêsu Kitô đã chịu chết và sống lại, Thiên Chúa đã làm đảo ngược cái định luật SỐNG-CHẾT của con người. Chúa Kitô, người đầu tiên trong nhân loại đã kinh qua cái chết để đi vào thế giới của sự sống vĩnh cửu. Và từ đó, Người dạy chúng ta biết sự sống đích thực là gì và đến từ đâu? Thánh Gioan nói: “Ai có Chúa Con thì có sự sống, ai không có Chúa Con thì không có sự sống” (1 Ga 5,12). Thánh Phaolô cũng đồng quan điểm: “Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Còn khi nói về sự chết, thánh Giacôbê xác định: “Tội lỗi thì sinh ra sự chết” (x. Gc 1,15). Như vậy, thật dễ dàng để nhận ra chúng ta đang sống hay đang chết!
Vì Đức Kitô đã sống lại, nên dù đã nhiều lần chúng ta phải chết vì phạm tội, nhưng một khi đã quyết tâm từ bỏ tội lỗi để quay về với Chúa, chúng ta có cơ hội làm sống lại cuộc đời mình. Sự Phục Sinh của Đức Kitô đã mở toang cánh cửa sự sống, mang lại hạnh phúc, làm bừng sáng niềm tin và đưa con người vào đời sống ân sủng của mầu nhiệm tình thương. Kể từ ngày đó, Thiên Chúa đã làm thay đổi số phận của những ai tin vào Người; và cũng từ đó, Chúa ở lại trong cuộc đời mỗi chúng ta, Chúa hiện diện trên mọi nẻo đường đời và trong mọi cảnh sống buồn vui. Chúa ở đó và thánh hóa cuộc sống cụ thể của mỗi con người, giúp chúng ta biết nhìn với ánh mắt của Người, nói với môi miệng của Người, yêu với trái tim của Người và sống bằng sự sống của Người. Và cũng từ đó, chúng ta trở thành “con người phục sinh”, một tạo vật mới được biến đổi và tinh luyện để trở thành người có vóc dáng và tâm tình của Đức Kitô.
Đã có nhiều Lễ Phục Sinh đến rồi qua đi trong cuộc đời chúng ta. Đã nhiều lần chúng ta có những quyết tâm làm “sống lại” đời mình, nhưng cũng không ít lần chúng ta bỏ lỡ cơ hội. Việc mừng lễ Chúa Kitô Phục Sinh sẽ chẳng mang lại cho chúng ta điều gì, hay sẽ chỉ là những nghi thức bên ngoài, nếu chúng ta không biết giữ Chúa ở lại trong đời mình và không tu chỉnh cách sống cho phù hợp với đường lối của Chúa. Lễ Chúa Kitô Phục Sinh sẽ một lần nữa trôi qua, không để lại dấu ấn nào cho tâm hồn, nếu từ đây, chúng ta không lấy Chúa làm điểm tựa, làm tiêu chuẩn cho mọi nghĩ suy, lời nói, hành động và cung cách sống. Nói cách khác, nếu không có Chúa cùng sống và hoạt động trong mình, chúng ta có thể rơi vào trường hợp của những người mà Franklin đã nhắc đến ở trên: chết vào “năm x ” nhưng phải chờ mãi đến “năm y ” mới đem chôn.
Dưới sức mạnh đổi mới của Đấng Phục Sinh, chúng ta luôn được dẫn dắt để ngày càng sống sâu sắc mầu nhiệm tình yêu cứu độ và luôn được tình yêu ấy đổi mới nên thánh thiện như Chúa là Đấng Thánh (x.1Pr 1,16). Một khi được ơn Phục Sinh đổi mới, chúng ta sẽ có tấm lòng như Chúa, biết yêu thương như Chúa và hết mình phục vụ cho sự sống toàn diện của tha nhân, biết mở rộng vòng tay nối kết người với người và làm cho mọi sự chung quanh chúng ta trở nên tốt đẹp hơn. Được thế, hồng ân Phục Sinh mới thực sự bừng sáng và ở lại trong cuộc đời chúng ta. Một cuộc đời thật đáng sống và đầy ý nghĩa!
Cho dù chúng ta đang ở độ tuổi nào, chúng ta cũng hãy sống phần còn lại của đời mình với tất cả lòng biết ơn và với một ý thức sâu sa rằng: “Chỉ nơi Thiên Chúa, chúng ta mới tìm ra ý nghĩa cuộc sống, vì con người được dựng nên giống hình ảnh Chúa, nên mang trong mình nỗi khao khát Thiên Chúa, một nỗi nhớ nhung sự vĩnh cửu, một tìm kiếm vẻ đẹp, một ước mong tình yêu, một nhu cầu ánh sáng…”[1]. Trong suốt hành trình tu luyện, chúng ta đã cố gắng thực hiện lý tưởng là được nên một với Chúa, đã chọn Chúa như trung tâm và cùng đích để quy hướng mọi sự về Người. Ước mong tinh thần của Đấng Phục Sinh điều động toàn bộ cuộc sống và làm cho đời chúng ta được “bén rễ sâu trên nền tảng vững chắc là Đức Kitô” (Cl 2,7), được sống sung mãn trong ân sủng và tình yêu của Người. Hạnh phúc biết bao khi chính Chúa là động lực cho mọi lựa chọn sống yêu thương của chúng ta, là nguyên mẫu cho mọi vẻ đẹp thánh thiện và là sự sống sung mãn đích thực trong suốt hành trình dương thế của chúng ta. Hạnh phúc biết bao khi đến ngày kết thúc cuộc đời trở về với Chúa, chúng ta được Chúa dang rộng vòng tay và yêu thương đón lấy chúng ta với một lời thật ấm áp: “Con giống Cha – Cha nào con nấy”.
Lạy Chúa, đời sống con sẽ rất tươi đẹp và ý nghĩa khi có Chúa ở với con.
Maria Rosa Vũ Loan, FMSR
[1] ĐTC BIỂN ĐỨC XVI trong buổi tiếp kiến tại quảng trường thánh Phêrô, sáng thứ tư 11-05-2011.