Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 3
Có thể nói sống trong thời đại 4.0, con người được thừa hưởng nhiều điều hữu ích và bên cạnh đó cũng phải đối mặt với nhiều thách đố. Một trong những thách đố lớn nhất của con người là thách đố của đạo đức sinh học. Trong tháng 3 này, Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi kitô hữu hãy cổ võ việc bảo vệ sự sống bằng lời cầu nguyện và dấn thân xã hội.
Vậy những thách đố của đạo đức sinh học là gì?
Trước tiên đó chính là mình cái quyền định đoạt sự sống. Về vấn đề sự sống, thì theo số 25 của Tuyên ngôn thuộc tổ chức Y Tế Thế Giới, công bố tháng 12 năm 1948 có ghi rõ: “Mỗi người đều có quyền có được một cuộc sống sung túc, được bảo đảm sức khoẻ và quyền lợi của chính mình cũng như của gia đình mình, quyền được có của ăn, áo mặc, nhà ở, được chăm sóc y tế và các dịch vụ của xã hội cần thiết, quyền được bảo hiểm trong trường hợp thất nghiệp, bệnh tật, tàn tật, goá bụa, già cả và trong trường hợp bị mất đi những phương tiện cần thiết cho cuộc sống trong những hoàn cảnh đặc biệt ngoài ý muốn”. [1] Bản tuyên ngôn này đã khẳng định về quyền được sống của mỗi người và không ai có quyền nhân danh bất cứ điều gì để phá hủy đi sự sống.
Ví dụ: Khi siêu âm thai nhi bác sỹ chuẩn đoán, thai nhi dấu hiệu của bị đao. Người mẹ vì lý do sợ con sinh ra phải khổ nên chọn phương án phá thai như cách giải thoát cho đứa con của mình.
Đây là một trong những hình thức biện minh cho cái ích kỷ của con người, khi sợ phải chăm sóc đứa con bị đao suốt cuộc đời. Điều này vi phạm quyền tự do của con người. Nếu mở rộng sang sự hiểu biết về thánh kinh thì chúng ta có thể thấy trong đoạn tin mừng Ga 9, 1 – 41 khi Chúa Giêsu chữa cho người mù lúc bẩm sinh. Các môn đệ đã hỏi Chúa, “ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù anh ta hay cha mẹ anh ta?”[2]. Chúa Giêsu đã trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh”.[3] Qua đoạn thánh kinh trên chúng ta có thể thấy được Thiên Chúa đều có một chương trình cho từng người và qua người đó để Thiên Chúa tỏ hiện được uy quyền và tình thương của từng cá nhân. Tự do kết thúc cuộc sống của ai đó thì con người đang đi lại vết xe của nguyên tổ khi đi ngược lại với thánh ý Thiên Chúa.
Thứ đến là vấn đề an tử, Trong thông điệp Evangelium Vitae năm 1995, Đức Gioan-Phaolô II nhấn mạnh rằng an tử, dù nó « trá hình và lan tràn hay được thực hành công khai và thậm chí được hợp pháp hóa », đang ngày càng lan rộng. « Bằng lòng trắc ẩn được cho là đối với nỗi đau đớn của bệnh nhân, đôi khi nó được biện minh bằng một lý do vị lợi, nhắm tránh những chi phí không sinh lợi quá nặng nề cho xã hội ». Do đó, người ta đề nghị « giết những đứa bé dị tật, những người tàn tật nặng, các thương phế binh, người già, đặc biệt nếu họ không tự quản được, và các bệnh nhân giai đoạn cuối ». Đức Gioan-Phaolô II đã nhấn mạnh rằng « cám dỗ an tử, tức là chiếm hữu cái chết, gây ra cái chết trước và do đó chấm dứt cuộc sống của mình hay của người khác « cách nhẹ nhàng », ngày càng trở nên mãnh liệt hơn ». Trên thực tế, « những gì có vẻ hợp lý và nhân văn, được xem xét cách sâu xa, lại là phi lý và phi nhân. Ở đây chúng ta đang đối mặt với một trong những triệu chứng báo động nhất của nền văn hóa sự chết ».[4] Với thông điệp trên, chúng ta nhận thấy sự tự do của con người ngày nay rất tinh vi, người ta có thể biện minh cho những sai trái của mình bằng những lý do rất hợp lý và nhân văn. Nhưng tất cả đều đi ngược lại với thánh ý của Thiên Chúa và với huấn quyền của Giáo Hội. Bên cạnh đó, trong Thư Samaritanus bonus về việc trợ giúp những người trong giai đoạn nguy kịch và cuối đời, được Đức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn và được công bố ngày 22/9/2020, Bộ Giáo lý Đức tin khẳng định rằng « không thể chữa trị được không bao giờ đồng nghĩa với không thể chăm sóc được »: những người bị bệnh ở giai đoạn cuối cùng như những người được sinh ra với một niềm hy vọng sống sót có hạn đều có quyền được đón nhận, chăm sóc, bao bọc bằng tình cảm. Đức Phanxicô lặp lại tư tưởng này trong Sứ điệp Ngày thế giới bệnh nhân 2022: « Ngay cả khi không thể chữa lành, thì vẫn luôn có thể chăm sóc, luôn có thể an ủi, luôn có thể giúp cho cảm nhận được sự gần gũi vốn biểu lộ sự quan tâm đối với con người hơn là bệnh lý của họ ». Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung ngày 9/2/2022, một lần nữa Đức Thánh Cha nhấn mạnh : « Chúng ta phải đồng hành với mọi người cho đến khi chết, nhưng không được gây ra cái chết hay thúc đẩy bất cứ hình thức tự sát nào. Tôi nhắc lại rằng quyền được chăm sóc và điều trị cho mọi người phải luôn ưu tiên, để những người yếu nhất, đặc biệt là người già và bệnh tật không bao giờ bị gạt bỏ. » Giáo hội phản đối việc bám riết điều trị, nhưng tái khẳng định như là « giáo huấn dứt khoát » rằng « an tử là một tội ác chống lại sự sống con người ». [5] Những lời dạy bảo của vị Cha chung đã là câu trả lời cho những ai đang bị giằng co giữa giáo huấn của Giáo Hội, hay những lời mời gọi của xã hội vô thần rằng việc chăm sóc cho đến khi chút hơi thở cuối cùng luôn là vẻ đẹp nhân văn và hợp lý nhất.
Cuối cùng là vấn đề đồng tính được coi là vấn đề nóng bỏng của thời đại hôm nay. Vấn đề này không trực tiếp hủy hoại cuộc sống, nhưng nó ảnh hưởng đến cách sống của con người. Vào dịp tết nguyên đán năm nay 2022, bộ phim hài “Hẻm Cụt” của Trấn Thành đã thu hút được nhiều sự quan tâm của người xem. Một bộ phim hài nhưng mang nhiều tính cách phản ánh đời sống thực tại của xã hội ngày nay và đó là vấn đề đồng tính. Bộ phim nói lên tiếng nói của người đồng tính đòi quyền bình đẳng được sống và kết hôn với người đồng giới. Bộ phim đã được sự ủng hộ nhiệt liệt của các bạn trẻ qua những bình luận như mở ra cho xã hội việt nam một nền tự do và bình đẳng, nhưng đóng lại cho những truyền thống văn hóa lâu đời và những giá trị của tin mừng. Giáo hội Công giáo hoàn toàn không lên án người đồng tính, nhưng xem họ là những đứa con cần yêu thương hơn trong lòng Giáo hội là Mẹ của tín đồ. Sách giáo lý số 2358 đã nói lên tinh thần này: “Đừng quên một số người đã có khuynh hướng đồng tính luyến ái thâm căn. Đối với đa số những người này, khuynh hướng lệch lạc ấy là một thử thách. Chúng ta phải đón nhận họ với lòng tôn trọng, thông cảm và tế nhị, tránh đối xử bất công. Cả những người này cũng được mời gọi thực hiện ý Chúa trong cuộc sống”.[6] Bên cạnh đó, Giáo hội mời gọi con cái mình là những người đồng tính sống đúng ơn gọi của mình, vác thập giá đời mình trong niềm hy vọng. Sách giáo lý số 2359 của Hội thánh Công giáo nói rõ: “Những người đồng tính luyến ái cũng được mời gọi sống khiết tịnh. Họ có thể và phải cương quyết tiến dần đến sự toàn thiện Ki-tô giáo nhờ kinh nguyện và ân sủng bí tích, nhờ biết tự chủ để củng cố tự do nội tâm và nhờ sự nâng đỡ của một tình bạn vô vị lợi”.[7] Cũng như trong ý cầu nguyện tháng 3, Đức Thánh Cha đã mời gọi các tín hữu hãy cổ võ việc bảo vệ sự sống bằng lời cầu nguyện và dấn thấn xã hội để vượt qua mọi thách đố của đạo đức sinh học. Chỉ bằng đời sống cầu nguyện mọi thử thách trong cuộc sống có thể vượt qua dù là đạo đức sinh học hay đại dịch Covid thì người kito hữu mới có thể đứng vững trong đức tin và đức cậy.
Để khép lại dòng tư tưởng xin được trích: “Trong Hiến chế tín lý về Giáo hội Lumen Gentium, chương IV Giáo dân đã đề cập đế việc này: “Trong giáo hội không phải tất cả mọi người đều cùng đi theo một con đường như nhau, nhưng tất cả đều được kêu gọi nên thánh, và đã nhận được một đức tin như nhau nhờ sự công chính của Thiên Chúa” [4,130], “Tất cả mọi người trong Hội thánh, hoặc thuộc hàng giáo phẩm cũng như những kẻ được họ coi sóc, cũng đều được kêu gọi nên thánh” [4,142], “Tất cả mọi tín hữu, dù thuộc bất cứ bậc sống hay hoàn cảnh nào, đều được kêu gọi đạt đến sự sung mãn của đời sống Kitô hữu và sự trọn lành của đức ái” [4,143], “tất cả mọi Kitô hữu đều được kêu gọi và thậm chí có nghĩa vụ phải luôn tìm kiếm sự thánh thiện và trọn lành trong bậc sống của mình” [4,151].[8] Tất cả chúng ta dù sống ở bậc sống nào, là người đồng tính hay dị tính, là người bình thường hay không bình thường, là người khỏe mạnh hay người cận kề với cái chết, chúng ta đều có ơn gọi nên thánh nghĩa là sống trọn bậc sống của mình điều này mời gọi chúng ta phải cùng vác thập giá với Chúa. Hãy ngước nhìn lên Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ đã đi trọn cuộc đời của mình theo thánh ý Chúa, dù gặp bao nỗi hiểu lầm nhưng Mẹ một lòng khiêm nhu và âm thầm trong đời sống cầu nguyện để rồi kết thúc hành trình dương thế là cái kết đầy viên mãn hạnh phúc trên nước trời. Xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa cho toàn thể nhân loại mỗi ngày được ánh sáng lời Chúa soi dẫn để biết bảo vệ sự sống mà Chúa thương ban.
Ban Tông Đồ Truyền Giáo, Fmsr
[1] http://trungtammucvudcct.com/dao-duc-sinh-hoc-luan-ly-su-song-p1/
[2] Ga 9, 2
[3] Ga 9,3
[4] http://xuanbichvietnam.net/trangchu/huan-quyen-cua-giao-hoi-cong-giao-ve-van-de-an-tu/
[5] http://xuanbichvietnam.net/trangchu/huan-quyen-cua-giao-hoi-cong-giao-ve-van-de-an-tu/
[6] http://conggiao.info/hon-nhan-dong-tinh-duoi-cai-nhin-cong-giao-1-d-54414
[7] http://conggiao.info/hon-nhan-dong-tinh-duoi-cai-nhin-cong-giao-1-d-54414
[8] http://conggiao.info/hon-nhan-dong-tinh-duoi-cai-nhin-cong-giao-1-d-54414