CHỦ ĐỀ HỌC TẬP THÁNG 09 VÀ 10-2022
TƯƠNG QUAN VỚI THIÊN CHÚA
Kinh Tin Kính đã mở đầu: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình”, lời tuyên tín ngắn gọn đó nói lên đầy đủ mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Thực vậy, Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành đồng thời là Cha của chúng ta.
Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành, chúng ta là thụ tạo nên thuộc về Người và bởi Người; Thiên Chúa là Cha, chúng ta là con được sinh ra bởi Cha, giống hình ảnh Cha và có những đặc tính giống như Cha. Là Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình, như vậy, Thiên Chúa là nguyên ủy và cứu cánh của muôn loài. Riêng với con người, Thiên Chúa là Cha toàn năng nên giữa Người với chúng ta còn có một mối tương quan đặc biệt liên kết với nhau, đó là tình yêu: tình yêu tạo dựng và tình yêu cứu chuộc. Một tình yêu trung tín từ đời này sang đời kia, lôi kéo chúng ta hướng về Người, Đấng Tuyệt Đối. Người là nguồn sống của chúng ta, rời xa nguồn sống này chúng ta sẽ chết! Vì thế, có thể nói cuộc đời của mỗi con người là một hành trình khám phá tìm về với Thiên Chúa, Đấng là nguồn cội, và nối kết với Người, Đấng là nguồn sống, qua đời sống cầu nguyện để được sống viên mãn trong tình yêu và hạnh phúc trong các mối tương quan.
I. TÌM VỀ VỚI THIÊN CHÚA, ĐẤNG LÀ NGUỒN CỘI
Nếu như trong cuộc sống trần gian, mỗi người trong chúng ta đều được sinh ra từ một gia đình, một dòng họ, một tổ tiên, và con người dù thuộc bất cứ sắc dân hay thời đại nào cũng có nhu cầu tìm hiểu về nguồn gốc, gia phả của mình, để gắn bó với tổ tiên, với dòng họ; thì trong đời sống đức tin và thiêng liêng, Thiên Chúa đã đặt để trong con người một khát vọng vô biên: luôn hướng về Tuyệt Đối, về với Đấng Tạo Thành, để cho dù phải lưu lạc giữa cõi đời mênh mông, con người vẫn không lạc lối, không rời xa nguồn cội.
Thánh Augustinô sau bao tháng năm lang thang tìm kiếm… đã cho chúng ta một kinh nghiệm thiêng liêng khi ngài thốt lên: “Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng con cho Chúa, vì thế, tâm hồn con hằng khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Người”. Thực vậy, “Niềm khao khát Thiên Chúa được ghi khắc trong trái tim con người, bởi vì con người được tạo dựng bởi Thiên Chúa và hướng về Thiên Chúa. Thiên Chúa không ngừng lôi kéo con người đến với Người, và chỉ nơi Thiên Chúa, con người mới gặp được chân lý và hạnh phúc mà họ không ngừng tìm kiếm”[1].
Khi bước vào cõi đời, với bản chất tự nhiên con người tìm về nguồn cội, và trong tôn giáo với cảm thức siêu nhiên khiến chúng ta hướng về một Đấng tuy không thấy mà vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Để rồi trong sâu thẳm tâm hồn, con người mang trong lòng một nỗi nhớ về nguồn gốc của chính mình, nỗi nhớ ấy diễn tả khát vọng sâu kín trong vô thức một nỗi niềm hoài hương, nhớ về một thiên đường đã mất, một “quê hương” đã rời xa.
Đại văn hào Rabindranath Tagore cũng đã có một cảm thức về Thượng Đế như thế, ông diễn tả:
Người là bầu trời và cũng là tổ ấm. Ôi, Người đẹp vô ngần!
Nơi ấy trong tổ ấm tình yêu, Người lấy màu sắc, âm thanh, hương thơm ấp ủ linh hồn…
Và ở nơi ấy,
nơi bầu trời vô hạn trải rộng để linh hồn bay bổng vào trong,
vẫn ngự trị vẻ huy hoàng nguyên vẹn, trắng tinh…[2].
Quả thực, Thiên Chúa, Cha của chúng ta, Người chính là bầu trời mênh mông vô hạn, là cõi đời trải rộng cho chúng ta bước vào và ngụp lặn trong đó với muôn ngàn ước mơ; đồng thời Người cũng chính là quê hương gieo vào lòng chúng ta nỗi nhớ nhung, là tổ ấm yêu thương, nơi chúng ta ngưỡng vọng tìm về. Chúng ta phát xuất từ Người, và khi bước vào cuộc đời chúng ta lại bắt đầu một cuộc lữ hành tiến về Nhà Cha. Trong cuộc lữ hành này, chúng ta cần xây dựng mối tương giao với Người, kín múc sự sống nơi Người, để chúng ta được sống và sống dồi dào trong tình yêu thương của Đấng tạo thành, đồng thời là Cha của chúng ta. Bởi Thiên Chúa, Cội Nguồn đích thực vĩnh cửu, là Cha vẫn chờ chúng ta trở về với tình yêu thương muôn thuở.
II. NỐI KẾT VỚI THIÊN CHÚA, ĐẤNG LÀ NGUỒN SỐNG
Lịch sử cứu độ là cuộc tạo dựng mới. Sự sống mới này được thông ban cho chúng ta qua Đức Giêsu Kitô; Chính Chúa Giêsu đã khẳng định: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống”[3]. Như vậy Thiên Chúa là nguồn sống, Chúa Giêsu đem sự sống của Thiên Chúa đến cho chúng ta, Chúa Thánh Thần dẫn đưa chúng ta vào sự sống đó và duy trì chúng ta trong tương quan sinh động là con cái Thiên Chúa.
Chính vì thế, chúng ta cần nối kết với Thiên Chúa. Sự nối kết này phải được củng cố mỗi ngày để không ngừng phát triển mối tương quan thân tình và cá vị với Thiên Chúa. Con người chúng ta hữu hạn nhưng mang trong lòng một khát vọng vô biên mà chỉ mình Đấng Tuyệt Đối mới có thể lấp đầy, chúng ta biết Đấng đó là chính Thiên Chúa và chúng ta tìm đến Người, cầu khẩn Người. Thánh Tôma Aquinô xác quyết: “Lời cầu nguyện chính là một sự diễn tả nỗi khát vọng Thiên Chúa của con người”. Khát vọng Thiên Chúa chính là linh hồn của lời cầu nguyện.
Giống như khi điện thoại di động của chúng ta hết pin hoặc mất tín hiệu nối kết với liên mạng, chúng ta bỏ lỡ tất cả những gì đang diễn ra, chúng ta bị cắt rời khỏi thế giới mạng; lúc đó, chúng ta đi tìm bộ sạc điện hoặc cố nhớ lại mật khẩu để nối kết lại. Cũng vậy, trong đời sống đức tin của chúng ta, có những lúc chúng ta bị “mất sóng”, bị “rớt mạng”… Lúc ấy, chúng ta trở nên bất hạnh và chán nản, bởi khi không nối kết với Chúa, chúng ta sẽ rời xa nguồn sống, bị tách ra khỏi thế giới thần linh, và bị cắt khỏi mọi mối tương quan. Lời cầu nguyện chính là “mật khẩu” để chúng ta nối kết với Thiên Chúa, và cách duy nhất không quên mất khẩu là sử dụng nhiều lần. Ngày qua ngày sẽ đến lúc chúng ta thuộc lòng nó, và có ngày, dù không nhận ra, trái tim chúng ta sẽ đập như trái tim Chúa Giêsu[4].
Chúng ta xác tín rằng: Thiên Chúa là nguồn sống, Người thông ban cho chúng ta sự sống tự nhiên khi nhào nặn chúng ta trong lòng mẹ, và sự sống siêu nhiên khi chúng ta lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, tiếp theo đó là một chuỗi ân sủng nối dài qua đời sống Phụnng vụ Bí tích, qua kinh nguyện cộng đoàn, qua giờ phút cầu nguyện riêng tư… để chúng ta luôn được kết nối với nguồn sống vô tận là chính Người và sự sống thần linh được triển nở trong chúng ta. Từ đó, chúng ta mới có thể duy trì và phát triển những mối tương quan khác trong cuộc sống cũng như sống sung mãn ơn gọi của mình. Như vậy, để tiếp nhận sự sống, để sống hoàn hảo mối tương quan với Thiên Chúa, chúng ta phải liên kết với Người bằng một đời cầu nguyện liên lỉ và thâm sâu.
III. CẦU NGUYỆN, SỐNG HOÀN HẢO MỐI TƯƠNG QUAN VỚI THIÊN CHÚA
- Cầu nguyện, một nhu cầu thiết yếu
Chúng ta biết rằng, tình yêu và mọi mối tương quan trong cuộc sống luôn phải được nuôi dưỡng bằng sự liên lạc gặp gỡ; bằng những biểu lộ tình cảm qua lời nói, cử chỉ, hành động; bằng sự quan tâm, lắng nghe, chia sẻ, cảm thông… Tình yêu sẽ phai nhạt, mối tương quan sẽ đổ vỡ nếu không được đón nhận, nuôi dưỡng và làm mới lại từng ngày.
Cũng vậy, đời sống tâm linh sẽ hời hợt và tàn úa nếu không được nuôi dưỡng, tiếp sức bằng lương thực riêng là cầu nguyện. Qua cầu nguyện, chúng ta đón nhận sức sống từ Thiên Chúa, đi sâu vào mối tương quan với Thiên Chúa, Đấng khơi nguồn sự sống. Vì vậy, cầu nguyện là nhu cầu căn bản và thiết yếu của người Kitô hữu. Nhờ cầu nguyện, chúng ta duy trì mối tương quan với Chúa, được lớn lên trong đời sống thiêng liêng, và nhất là được hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa trong sự sống và tình yêu của Người.
Giáo lý Công Giáo đã xác định: “Cầu nguyện là mối tương quan sống động của con cái Thiên Chúa với Cha vô cùng nhân hậu của mình, với Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô và với Chúa Thánh Thần. Như vậy, sống cầu nguyện là luôn sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa Chí Thánh và trong sự hiệp thông với Người”[5].
Khi nói đến sự cần thiết của cầu nguyện, Chúa Giêsu cũng đã nhiều lần khuyên các môn đệ “Phải cầu nguyện luôn mãi không ngừng nghỉ”, “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện”; Người cũng luôn cầu nguyện mọi lúc mọi nơi, cuộc đời Chúa Giêsu là một lời cầu nguyện liên lỉ. Thật vậy, Chúa Giêsu hằng kết hiệp với Cha, gặp gỡ Cha, sống thân tình với Cha, chính Người đã xác quyết: “Tôi và Chúa Cha là một”, “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”[6]. Thật tuyệt vời, nơi Đức Giêsu, chúng ta có được một mẫu gương hoàn hảo về tương quan với Thiên Chúa, một tương quan Cha-Con, và tương quan này được nối kết bền vững qua đời sống cầu nguyện, đưa đến sự hiệp nhất với Thiên Chúa.
Như thế, để sống một đời Kitô hữu đích thực, cần thiết phải cầu nguyện. Để sống hoàn hảo mối tương quan với Chúa, cần gặp gỡ liên kết với Chúa trong cầu nguyện. Ngay cả khi lời cầu nguyện của chúng ta chưa hoàn hảo, đức tin của chúng ta chưa vững mạnh, chúng ta cũng không bao giờ được bỏ cuộc, bởi chúng ta đã có Chúa Giêsu, Đấng trung gian chuyển cầu để chúng ta không mất lòng tin; và trong Chúa Thánh Thần, Đấng nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta, mặc dù chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải[7].
- Cầu nguyện, bản chất đời thánh hiến
Nói về cầu nguyện, Thánh Grêgôriô Nazian nhắc nhở: “Ta phải nhớ đến Chúa nhiều hơn là ta thở”. Nếu cầu nguyện là hơi thở của người Kitô hữu, thì đối với chúng ta, những người sống đời thánh hiến, việc cầu nguyện còn cần thiết hơn như thế nào. Chúng ta phải là những “chuyên viên cầu nguyện”, việc trung thành cầu nguyện hay lơ là cầu nguyện là bằng chứng cho thấy đời sống tu còn sinh động hay đã suy thoái[8].
Quả thực, tu sĩ không thể đứng vững nếu không có một đời sống cầu nguyện sâu xa, qua việc cầu nguyện cá nhân, cầu nguyện cộng đoàn và cầu nguyện trong phụng vụ. Vì vậy, “Sự trung thành cầu nguyện mỗi ngày vẫn luôn là một nhu cầu thiết yếu và phải chiếm vị trí ưu tiên trong đời sống các tu sĩ”[9].
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Không cầu nguyện, đời tu không có ý nghĩa và không thể đạt được mục đích của mình”. Như vậy, đời sống thánh hiến thực sự chỉ có ý nghĩa khi được gắn liền với đời sống cầu nguyện. Điều này cũng nói lên căn tính của đời tu là cầu nguyện. Thực vậy, Mọi ơn gọi trong đời thánh hiến đều phát sinh từ cầu nguyện, từ những giây phút hiệp thông sâu xa, từ mối tương quan bằng hữu sâu sắc với Đức Kitô, từ vẻ đẹp và ánh sáng mà chúng ta thấy chiếu tỏa trên khuôn mặt Người. Từ đó ước muốn luôn ở với Chúa và bước theo Chúa trở nên vững mạnh để chúng ta có thể thưa với Người: “Chúng con ở đây thật là hay”. Mọi ơn gọi phải không ngừng tăng trưởng trong sự thân mật này với Đức Kitô[10].
- Nữ tu Mân Côi cầu nguyện
Đức Cha Tổ Phụ rất quan tâm đến đời sống tâm linh của chị em, ngài luôn nhắc nhở chị em trung thành với bổn phận thiêng liêng, giữ đúng giờ và khi đọc kinh thì miệng đọc lòng suy. Phải biết quý trọng các giờ thờ phượng và giữ thái độ cung kính khi cử hành phụng vụ cũng như các việc đạo đức. Ngoài ra, chị em phải dành giờ cầu nguyện riêng, cầu nguyện liên lỉ qua việc tưởng nhớ đến Chúa với những lời nguyện tắt, có thể nói cả ngày sống của chị em là một lời cầu nguyện luôn[11].
Để ngày sống của chị em là một “Lời Cầu Nguyện”, chị em cần “noi gương chí hiếu của Chúa Giêsu Kitô đối với Chúa Cha, bằng đời sống kết hợp liên lỉ, bằng những thời khắc cô tịch và cầu nguyện, chị em tích cực tham gia Phụng Vụ Thánh của Giáo Hội, chuyên cần cầu nguyện, và phải lấy việc thiêng liêng làm việc trước tiên trong các việc phải làm từ sáng đến tối”[12].
a) Cầu nguyện cộng đoàn trong cử hành phụng vụ bí tích
Phụng vụ là nguồn mạch và là đỉnh cao của lời cầu nguyện Kitô giáo. Đặc biệt khi “bước vào đời sống thánh hiến, chị em được mời gọi sống thân tình với Chúa hơn, đưa đến một nhu cầu tìm kiếm, tôn thờ và yêu mến Thiên Chúa trước hết và trên hết mọi sự bằng đời sống phụng vụ và bí tích”[13]. Đời sống phụng vụ bí tích và bổn phận thiêng liêng của chị em Mân Côi bao gồm các việc: tham dự Thánh Lễ, chầu Thánh Thể, cử hành các Giờ Kinh Phụng Vụ, lãnh bí tích Hòa Giải, nguyện ngắm, đọc sách thiêng liêng, lần chuỗi Mân Côi, hồi tâm xét mình, thực hành các việc sùng mộ và các việc đạo đức, trung thành với việc tĩnh tâm hằng tháng và hằng năm[14].
Về việc thi hành các bổn phận thiêng liêng theo luật định, Đức Cha Tổ Phụ đã lưu ý một cách ngắn gọn và súc tích: “Chị em phải lấy việc đọc kinh chung làm trọng, chớ ai lấy làm thị thường, dễ bỏ”. “Cái căn bản cốt yếu của tất cả đời sống chị em là phải luôn luôn đặt các việc thiêng liêng lên hàng thứ nhất”; và “hãy làm các việc thiêng liêng cho hẳn hoi, hãy làm hết các việc thiêng liêng cho cẩn thận ý tứ”[15].
b) Cầu nguyện cá nhân trong thầm lặng
Trong đời thánh hiến, chị em Mân Côi từng có những khoảnh khắc, những giờ phút cầu nguyện cá nhân, gặp gỡ Chúa riêng tư qua những biến cố xảy ra, những niềm vui nỗi buồn trải dài trong cuộc sống, những hồng ân Chúa ban, những cảm nhận về nỗi yếu hèn bất trung của bản thân, cảm nhận về tình yêu và lòng thương xót của Chúa… Tất cả mọi hoàn cảnh và tình huống khác nhau ấy giúp chị em đi vào mối tương giao mật thiết với Thiên Chúa, lòng kề lòng… Qua những giờ phút cầu nguyện cá nhân, chúng ta có được những kinh nghiệm riêng với Chúa, giúp chúng ta gắn bó hơn với Người, Đấng muôn đời tồn tại và mãi mãi cần thiết cho cuộc đời chúng ta, Người chữa lành mọi thương tích và mang lại bình an cho tâm hồn.
Do đó, “Đời sống cầu nguyện của chị em không chỉ bao gồm việc tham dự phụng vụ thánh mà thôi, chị em được mời gọi cầu nguyện và cầu nguyện liên lỉ. Vì thế chương trình sống của chị em còn có những giờ phút dành riêng cho việc cầu nguyện, để hun đúc đời sống nội tâm, phát triển đời sống náu ẩn trong Chúa và nuôi dưỡng tình yêu tha nhân”[16].
c) Cầu nguyện liên lỉ trong mọi khoảnh khắc đời thường
Thời Trung cổ, có hai tu sĩ tình cờ đọc thấy trong một cuốn sách cổ chép rằng: ở tận cùng trái đất sẽ có một nơi mà trời đất gặp nhau. Họ quyết định ra đi tìm cho bằng được điểm gặp nhau ấy và thề quyết sẽ không trở về nhà nếu không tìm ra nơi ấy, vì họ đã đọc được trong quyển sách cổ rằng tại điểm giao nhau giữa trời và đất, một cánh cửa sẽ mở ra và họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa tỏ tường. Họ vượt thác băng rừng, không quản ngại hy sinh. Cuối cùng thì họ cũng đứng trước giao điểm ấy. Với tất cả xúc động, họ đưa tay gõ vào cánh cửa hẹn hò, cánh cửa mở ra và họ bỡ ngỡ nhận ra đó chính là căn phòng của mình. Họ chợt hiểu rằng nơi gặp gỡ giữa trời và đất, nơi hẹn hò giữa Thiên Chúa và con người không gì khác hơn là chính cuộc sống hằng ngày của họ.
Thực vậy, cuộc sống thường ngày chính là nơi Thiên Chúa hẹn hò với từng người chúng ta, Đức cha Tổ Phụ với kinh nghiệm thiêng liêng, ngài đã nhắn nhủ con cái phải cầu nguyện liên lỉ bằng việc sống “sự sống bề trong”: luôn sống trước tôn nhan Chúa và bước đi trước mặt Chúa: “Ta đi đâu, ở đâu, ta cũng hằng nhớ Chúa ở trước mặt…”, như vậy mới không lạc đường. Bước đi trước mặt Chúa dưới cái nhìn của Chúa, chị em sẽ bình an không lo lắng sợ hãi. Thực hành sống trước sự hiện diện của Chúa chính là cầu nguyện; vì bằng cách đó, chúng ta ngăn ngừa tâm trí suốt ngày đi lang thang để giữ nó lại gần bên Thiên Chúa, kết hiệp với Người[17].
KẾT LUẬN
Cầu nguyện là sự liên lạc sống động giữa chúng ta với Thiên Chúa hằng sống…, là mối tương quan thân tình của những người con với Thiên Chúa là Cha của mình. Vì thế, bỏ cầu nguyện là cắt đứt mối dây liên lạc, cắt đứt tương quan với Chúa, giống như “dòng suối hễ mạch nước cạn, nó liền ngừng chảy, và như đống lửa hễ hết củi nó liền tắt”[18].
Vì vậy, ngoài những giờ cầu nguyện theo luật Dòng cần thi hành một cách nghiêm chỉnh, chúng ta hãy để cho lời cầu nguyện bao trùm cuộc sống của chúng ta một cách tự nhiên, bởi vì cầu nguyện là nỗi nhớ mong về Thiên Chúa, hãy để cho sự nhớ mong ấy hướng dẫn. Cầu nguyện ngay tại nơi chúng ta sống, vì Thiên Chúa ở khắp mọi nơi. Nếu vì lý do gì, chúng ta không thể cầu nguyện, thì sự khao khát cầu nguyện đã là lời cầu nguyện rồi.
Cũng không loại trừ có những lúc chúng ta rơi vào tình trạng khó cầu nguyện. Theo lời khuyên của Martin Helldorfer, một bác sĩ tâm lý trị liệu: Khi thấy khó cầu nguyện, hãy để mọi sự trở nên một lời cầu nguyện, bằng cách quên đi những từ ngữ cao siêu và cảm giác sốt sắng; hãy là một người đang sống ở giữa trần gian và chú tâm vào việc đang làm:
Đó là một công việc? Hãy làm với trách nhiệm.
Đó là cuộc trò chuyện? Hãy quan tâm và lắng nghe.
Đó là một cuốn sách? Hãy cầm lấy và đọc.
Đó là một bữa ăn? Hãy thưởng thức với lòng biết ơn.
…Như vậy chính là cầu nguyện![19].
ĐỀ NGHỊ THỰC HÀNH
Chúng ta biết cầu nguyện là bản chất của đời thánh hiến. Để nuôi dưỡng và sống hoàn hảo mối tương quan với Thiên Chúa chúng ta cần gặp gỡ, kết nối với Người trong cầu nguyện, Ở đây xin đề nghị mấy điểm thực hành sau:
1) Cầu nguyện chung: tham dự cách tích cực
Căn bản cốt yếu của tất cả đời sống chị em Mân Côi là phải luôn luôn đặt các việc thiêng liêng lên hàng thứ nhất. “Khi nào người ta đành lòng bỏ hay giảm bớt những việc thiêng liêng, khi nào người ta làm các việc ấy chẳng có chút lòng sốt sắng nào, hầu như không có chút lòng muốn làm đẹp lòng Chúa, thì người ta sẽ sa vào sự trễ nải khốn nạn rồi”[20].
2) Cầu nguyện cá nhân: gặp Chúa cách riêng tư
Trải qua nhiều giai đoạn cuộc sống, chúng ta càng nghiệm ra rằng chúng ta cần Chúa biết bao! Vì thế ngoài những giờ kinh nguyện chung, chúng ta cần có những giờ phút một mình bên Chúa. Đây là cuộc hẹn thân tình không thể thiếu để làm mới lại tình yêu, để củng cố niềm tin, để nuôi dưỡng đời sống tâm linh và là cách thế sống hoàn hảo mối tương quan với Chúa.
3) Cầu nguyện liên lỉ: sống trước tôn nhan Thiên Chúa
Nữ tu Mân Côi phải có một đời sống bề trong sâu xa, “hằng sống liên mãi trước mặt Chúa và kết hợp cùng Người”. “Phải học tập để biết cách sống bề trong, luôn nhớ mình ở trước mặt Chúa, nhìn xem Chúa, nghe Chúa truyền, yêu mến, tưởng nhớ, và năng than thở với Chúa”[21].
Nt. M. Gaudentia Xuân Huệ, FMSR.
[1] GLCG 27; MV 19
[2] R. Tagore, Lời Dâng 67
[3] Ga 14, 6a
[4] x. ĐGH. Phanxicô, Bài nói chuyện với giới trẻ tại Chilê, ngày 18-01-2018
[5] GLCG 2565
[6] Lc 18, 1; Mc 14, 38; Ga 10, 30; x. Lc 6, 12-13; Gl 2, 20; Ga 14,9
[7] x. Lc 22, 31-32; Rm 8, 26
[8] x. CT 42
[9] x. YT 28; CT 45
[10] XP 25
[11] x. MNT: XVI; GSD I, tr. 453
[12] HLD 15.1; VNTLG: Đoạn VII; GSD I, tr. 259
[13] HLD 2005: 15.1
[14] x. HLD 15.3; 17.4
[15] VNTLG: VII; GSD I, tr. 266; MNT: VIII; GSD I, tr. 438, 439
[16] HLD 2005, 21.1
[17] x. GSD I, 221, 247, 250, 251
[18] MNT: IX; GSD I, tr. 440
[19] Martin Helldorfer, PRAYER When it’s hard to pray
[20] MNT: VIII; GSD I, tr. 439
[21] x. VNTLG: VI,3; GSD I, tr. 247