LỄ SINH NHẬT ĐỨC MẸ
8/9/2022
Hôm nay Giáo Hội hoàn vũ mừng lễ sinh nhật Đức Maria!
Hơn 2000 năm trước, tương truyền rằng thân phụ mẫu của Mẹ là thánh Gioakim và thánh Anna son sẻ đang mong chờ một mụn con, và sự ra đời của Đức Maria là niềm vui cho dòng tộc. Nhưng đối với người thời đó, chẳng mấy người biết đến sự ra đời của Mẹ, một sinh nhật âm thầm lặng lẽ, bình dị như mọi người! Nhưng khi Đức Giêsu ra đời, Giáo hội đã nhận ra vai trò của Mẹ Maria trong công trình cứu độ, mới ngược lại lịch sử để nhìn nhận ngày sinh của Mẹ, khởi đầu một đời người đặc biệt, là khởi đầu một chương trình quan trọng, khởi sự một sứ mạng cao cả…
Vì ngày sinh nhật của Mẹ đã khai mở lời hứa của Thiên Chúa bắt đầu thành sự, là hy vọng của cả nhân loại. Mẹ ra đời để làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Chúng ta có lý do chính đáng để mừng kính ngày Mẹ ra đời, như lời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: Đây là “ngày mà niềm hy vọng và vầng hồng Cứu rỗi ló dạng trên trần gian” bởi vì “từ Mẹ mọc lên Mặt Trời công chính là Đức Kitô, Chúa chúng ta.” Mẹ đã đóng một vai trò không thể thiếu trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa: là Mẹ Thiên Chúa làm người và Mẹ của cả loài người. Ngày sinh của Mẹ báo hiệu ngày sinh của Đấng Cứu Thế, và nhờ đó mới có ngày chúng ta được tái sinh làm con cái Thiên Chúa. Vì thế, ngày sinh nhật của Mẹ là ngày mà cả trời đất phải vui mừng hoan hỉ. (Lm. Giuse Phan Tấn Thành, op. – Trang web nguồn: Daminhvn.net).
Mừng lễ sinh nhật Đức Mẹ, chúng ta hiệp cùng Giáo Hội ca tụng, tung hô Mẹ:” Lạy Mẹ, Mẹ Thiên chúa, nhờ việc Mẹ sinh ra mà thế gian được tràn ngập hoan lạc và khích lệ, bởi vì từ lòng Mẹ, mặt trời công chính là Đức Giêsu đã đến trong thế gian, chính Người sẽ kéo chúng ta ra khỏi sự chết và đưa vào đời sống vĩnh cửu”.
MẸ LÀ NIỀM HY VỌNG CỦA NHÂN LOẠI
{Theo truyền thống Thánh Mẫu của dòng Cát Minh, bắt nguồn từ thời Elia. Sách I các Vua 18, 42 – 44 viết “Elia trèo lên đỉnh núi Carmen, ông cúi xuống đất, gục mặt vào hai đầu gối. Đoạn ông bảo đứa tiểu đồng của ông”: “Con đi lên và nhìn về phía biển.” Nó đi lên, nhìn và nói: “Không có gì cả!” Ông bảo: “Hãy trở lại bảy lần.” Lần thứ bảy, nó nói: “Kìa có một đám mây nhỏ bằng bàn tay người đang từ biển bốc lên.” Chẳng mấy chốc, mưa như trút nước, và hạn hán chấm dứt. Truyền thống Cát Minh luôn cho rằng, theo cái nhìn linh hứng của Elia, đám mây nhỏ ấy là hình ảnh báo trước về Đức Trinh nữ, Mẹ Thiên Chúa. Mẹ chính là một điềm dịu dàng báo trước dòng thác ân sủng của Thiên Chúa mà sự cứu chuộc sẽ tuôn đổ trên loài người} (Thánh Gioan Thánh Giá-Tập trung vào tình yêu. Sister Mary Têrêsa of Crucified Heart, ocd. Trang 22, nhà xuất bản Thuận Hóa)
Như thế, sự ra đời của Mẹ Maria là dấu hiệu Thiên Chúa thương nhân loại, muốn ban ơn cứu độ, muốn tuôn đổ ơn phúc cho con người. Thánh Mẫu học đã làm rõ ý nghĩa này: lễ Sinh Nhật Đức Mẹ diễn tả hai ý niệm rất đẹp: thứ nhất là ý niệm về sự “tràn đầy viên mãn của thời gian” và ý niệm “sự vơi nhẹ mà Mẹ Maria đem đến cho loài người”. Là thụ tạo tuyệt vời được Thiên Chúa tuyển chọn từ đời đời để trở thành Mẹ của Đấng Cứu Thế, biến cố Đức Maria chào đời mở màn cho việc thực hiện công trình cứu cuộc của Thiên Chúa. Trong thư gửi tín hữu Galát thánh Phaolo diễn tả thời điểm quan trọng biến cố Chúa Giêsu Kitô nhập thể như sau: “Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật” (Gl 4,4). Nhưng trước khi Chúa Cứu Thế có thể sinh ra, đã phải có ngày Mẹ của Người là Đức Trinh Nữ Maria chào đời, đã phải có ngày Sinh Nhật của Mẹ. Vì vậy có thể nói thời gian viên mãn ấy đã bắt đầu với biến cố Đức Maria chào đời. Mẹ vào đời để bắt đầu hiện thực chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Mẹ là nước mát từ Trời đổ xuống trên trái đất khô cằn nứt nẻ vì tội lỗi của loài người, để cùng Chúa Giêsu Kitô Con Mẹ lại biến nó trở thành vườn địa đàng, nơi ngày ngày Thiên Chúa gặp gỡ và chuyện vãn thân tình với con người. (Thánh Mẫu học bài số 375, trích lại nguồn radiovatican).
Đàng khác, từ thời Thánh Giáo Phụ Ephrem, tước hiệu Sao Mai được đặc biệt dành cho Đức Maria, để nói đến vai trò của Người trong lịch sử cứu độ. Sau đêm dài tối tăm, sao mai xuất hiện báo hiệu đêm sắp tàn, và mặt trời sắp mọc mở đầu cho một ngày mới. Mẹ Maria được ví như sao mai bởi vì người chuẩn bị cho Chúa Cứu thế giáng trần.
Mẹ Maria được ví như đám mây nhỏ bé để tiên tri Elia nhận ra thời hạn hán đã hết, là nguồn cơn để Chúa làm nên trận mưa ân sủng Chúa dành cho nhân loại. Giáo Hội cũng sánh ví Mẹ như Sao Mai, dấu chỉ của thời ân sủng đã đến. Chúng ta tự hỏi, ngay từ thời thơ ấu Mẹ có biết và nhận ra sứ mệnh cao cả của Mẹ chưa? Mẹ có ý thức để Chúa chiếm hữu, và đổ tràn ân sủng bao trùm Mẹ và làm cho Mẹ trở nên cao cả, từ khi nào?
Thưa Kinh Thánh không nói gì đến thời thơ ấu của Mẹ. Nhưng chúng ta xem quả thì biết cây! Mẹ là thụ tạo ưu tuyển, được Chúa chọn để chuẩn bị cưu mang và hạ sinh Đấng Cứu tinh nhân loại. Ngay từ khi được hoài thai trong dạ mẹ, Đức Maria đã được Thiên Chúa ban dồi dào ơn thánh, đã bao bọc Mẹ trong tình yêu, được gìn giữ khỏi mọi vết nhơ của tội nguyên tổ. Vì Thiên Chúa muốn Con của Ngài được sinh ra từ cung lòng của một phụ nữ, để Người Con chí thánh ấy thực sự là một con người như chúng ta. Thật đúng như lời Sứ Thần chào “Đấng đầy ân sủng” (Lc 1, 28). Chính sự đoái thương của Chúa dành cho Mẹ, làm cho Mẹ trở nên tuyệt vời để xứng tầm làm mẹ của con Chúa, và Mẹ đã sống trọn vẹn các ơn Phúc ấy. Qua lời đáp “Tôi là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1, 38), Mẹ đã nhận ra những điều Mẹ nhận được là do tình thương của Chúa dành cho mẹ, và xác tín chính mình chẳng có công trạng gì. Từ đó Mẹ hoàn toàn mở ngỏ cuộc đời để Chúa đổ tràn ân sủng của Ngài trên Mẹ.
Mặc dù Thiên Chúa ban ơn đặc biệt cho mẹ đến như thế, đã chuẩn bị mọi sự để Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu độ trần gian, nhưng Chúa không đưa Mẹ vào thế bị động, cưỡng ép trong một định mệnh bắt buộc phải làm theo, nhưng luôn tôn trọng sự tự do của Mẹ. Ơn Chúa vẫn luôn hoạt động trong Mẹ, nhưng mọi người không thấy mẹ là người khác thường, Mẹ lớn lên cách bình thường như bao nhiêu thiếu nữ khác thời đó. Mẹ có khác nhiều người ở chỗ là tâm hồn Mẹ luôn gắn kết với Thiên Chúa, lắng nghe mọi hoạt động của ân sủng để chọn lựa vâng theo những dự định, những đường lối của Chúa trong mọi biến cố cuộc đời mẹ, cho dù Mẹ phải đối diện với biết bao những điều khó hiểu, và đau khổ.
Và theo Thánh Gioan Eu- Đê: từ thuở ấu thơ Chúa đã ban cho Mẹ 12 nhân đức: Trong trắng thơ ngây, đơn sơ trong sạch, nhẫn nhục, vâng phục, kiên trung, tình yêu dành cho Thiên Chúa, lòng bác ái dành cho mọi người, coi thường thế giới trần tục, tiết trinh, sự thinh lặng sâu sắc, sự tử tế và nhu mì, sự khiêm hạ nhún nhường (St. Jean Eudes, thời thơ ấu trổi vượt của Mẹ rất Thánh của Thiên Chúa, phần 3, chương 2. Anthony Lê dịch. Nguồn Vietcatholic). Với tất cả các nhân đức tuyệt vời đó, Mẹ luôn cởi mở đơn sơ để Ý Chúa được rõ ràng và dễ dàng được nhận ra trong tâm hồn Mẹ, Mẹ luôn ủ ấp Lời Chúa, tâm hồn Mẹ chỉ có một cùng đích là hướng tất cả mọi suy nghĩ, ước muốn của Mẹ về việc làm đẹp lòng Chúa, và sẵn sàng vâng phục các chương trình dự định của Chúa. Điều quan trọng là Mẹ đã cộng tác với ơn Chúa để làm cho các nhân đức ấy mạnh mẽ lên, lớn dần lên cùng với tuổi đời của Mẹ, cho đến khi Thiên Chúa thấy đủ để Ngài sai Thiên Thần đến hỏi ý kiến Mẹ về việc cho Ngôi Lời nhập thể trước tiên trong lòng Mẹ, và rồi để Mẹ sinh hạ đấng Cứu thế cho nhân loại.
Suy gẫm về ngày sinh của Đức Mẹ, trong đức tin, chúng ta nhận ra mỗi người chúng ta cũng được Chúa quan phòng cho sinh ra từ cha mẹ tự nhiên, bình thường trong một gia đình với một hoàn cảnh cụ thể nào đó, không phải ngẫu nhiên. Tiên tri Giêrêmia đã cảm nhận:
“Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi;
trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi,
Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân.” (Gr. 1, 5)
Như thế, mỗi người chúng ta cũng có vị trí đặc biệt trong chương trình của Chúa, Ngài biết và yêu thương chúng ta ngay cả trước khi chúng ta mở mắt chào đời để chiêm ngắm kỳ công của Chúa trong vũ trụ mênh mông. Và khi sinh ra mỗi người chúng ta nhận được một tên gọi trong gia đình trần gian, do cha mẹ đặt cho, nhưng ngay trước đó, mọi người đã có một tên thần thánh, mà Isaia đã nhận ra ĐỨC CHÚA đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. (Is. 49,1), “ngươi là tôi trung của ta” (Is. 49, 3). Tên mà Thiên Chúa Cha biết và yêu thương ta từ thuở đời đời, để ta thuộc về Chúa đến muôn đời muôn thuở. Điều này đúng cho hết mọi người, không trừ ai cả. Không ai là người vô danh trước nhan Thiên Chúa! Tất cả đều có giá trị trước mắt Chúa, và mỗi người chúng ta, đều có một sứ mạng Chúa trao, một chỗ đứng trong chương trình tạo dựng của Chúa.
TÔI ĐÂY LÀ NỮ TỲ CỦA CHÚA, XIN CHÚA THỰC HIỆN NƠI TÔI ĐIỀU CHÚA MUỐN (Lc. 1, 38)
Ngày nay, chúng ta hiểu rõ ràng, Mẹ Maria được sinh ra cho một sứ mạng quan trọng là tham dự vào công trình Cứu độ của Chúa, Mẹ để cho Chúa tự do hoàn toàn trên cuộc đời Mẹ. Nhưng từ thuở ấu thơ và cả khi đã lớn khôn, chắc chắn Mẹ Maria không thấy ngay, chưa hiểu rõ dự định của Thiên Chúa dành cho cuộc đời Mẹ. Mẹ phải từng bước khám phá, nhờ việc Mẹ hằng ghi khắc Lời Chúa trong lòng, và qua việc Mẹ quan sát các biến cố, các sự kiện của cuộc đời Mẹ, cuộc đời Đức Giêsu con Mẹ, mà suy đi gẫm lại, để nhận ra ý Chúa, hiểu ra việc Chúa làm, thấy được lời hứa của Chúa dành cho mình đang được ứng nghiệm dần dần từ từ. Với trái tim cởi mở và mềm mại, Mẹ bình an trước những biến cố vui mừng, không ngờ và khó hiểu, Mẹ bình tĩnh trước những thảm cảnh cuộc đời, từ biến cố Chúa Giáng sinh trong nghèo khó, chạy trốn trong lo âu, vất vả trong khi rao giảng, rồi Mẹ đứng vững để chứng kiến, chung chia toàn bộ đau khổ trong cuộc khổ nạn tang thương, mầu nhiệm của Chúa Giêsu, và ngỡ ngàng bừng sáng khi gặp được Chúa phục sinh! Để cuối cùng Mẹ hiểu rằng cái chết của Chúa Giêsu trổ sinh sự sống mới cho Mẹ, cho toàn thể nhân loại và khai sinh Hội Thánh của Người.
Cũng vậy, Chúa cho chúng ta sinh ra, không phải ngẫu nhiên, không phải để chúng ta bơ vơ trôi dạt không mục đích, nhưng Chúa có một dự phóng, một chương trình cho cuộc đời mỗi người chúng ta, chính chương trình của Chúa làm cho cuộc đời của chúng ta có ý nghĩa. Có thể nói thành công của cuộc đời chúng ta là làm sao để nhận ra được chương trình của Chúa cho cuộc đời mình, và sống theo ý Chúa. Thánh Phaolô cho chúng ta kim chỉ nam: Để khám phá ra mục đích đời mình, ta phải qui chiếu về Lời Chúa, sống theo Lời Chúa, vì “Chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Chúa Kitô Giêsu, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta”. (Ep 2,10).
Cũng như Mẹ Maria, khi chúng ta được sinh ra Chúa cũng ban cho chúng ta những ân sủng tự nhiên, như thành ngữ dân gian chúng ta vẫn nói “nhân chi sơ, tính bản thiện”. Với tính bản thiện bẩm sinh, chúng ta hướng về những điều thiện hảo, mà sự thiện hảo nhất là chính Thiên Chúa, Đấng chi phối toàn diện đời sống chúng ta.
Lạy Chúa, chúng con cảm nhận Chúa như một “kiến trúc sư” tài ba vẽ cuộc đời con, và Chúa giao bản vẽ cho con xây dựng cuộc đời của chính con. Bản vẽ ấy không rõ ràng hết một lúc từ đầu, bản vẽ ấy là mầu nhiệm cuộc đời con, mà Chúa sẽ từ từ tỏ cho con trong từng biến cố theo từng thời gian, thậm chí từng ngày trong đời, từng giờ trong cuộc sống con. Mặc dù vậy, Chúa vẫn tôn trọng tự do của con, để con có thể chọn làm theo ý Chúa hay làm theo sở thích của mình, theo bản năng xấu của mình.
Lạy Chúa, trong hiểu biết con nhận ra nếu con luôn liên hệ được với Chúa Đấng vẽ cuộc đời con, để qua Lời Chúa, trong cầu nguyện con sẽ giữ được lòng trung thành với Chúa, chọn sống theo ý Chúa thì cuộc đời con có bình an, hạnh phúc. Thế nhưng, không ít lần con đã dùng tự do của mình để làm hỏng bản vẽ của Chúa, con đã đi sai đường Chúa dành cho con. Nhất là những khi ý Chúa được tỏ lộ qua những trung gian, những khi con gặp điều trái ý, đau buồn, lúc đó con rất khó chọn ý Chúa, con hay kêu ca càm ràm về ý Chúa, về đường lối của Chúa. Cách sống thiếu tự do nội tâm đó, khiến đời con thiếu vui trong đời tu, đánh mất hạnh phúc đích thật của đời con!
Tâm nguyện :
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã quan phòng cho chúng con Mẹ Maria là mẫu gương sống tự do nội tâm, để Chúa hoàn toàn tự do dùng cuộc đời Mẹ cho chương trình cứu độ nhân loại. Hôm nay, chúng con chiêm ngắm sự khởi đầu của cuộc đời Mẹ, xin cho chúng con là những Kitô hữu, hơn nữa là nữ tu đã được thánh hiến, hơn ai hết chúng con ý thức cuộc đời mình đã được dành riêng cho Chúa, biết luôn gắn bó với Chúa, biết theo gương Mẹ sống tin cậy phó thác, để Chúa tự do sử dụng cuộc đời chúng con theo ý Chúa.
“Lạy Mẹ, Mẹ Thiên Chúa, nhờ việc Mẹ sinh ra mà thế gian được tràn ngập hoan lạc và khích lệ, vì bởi lòng Mẹ, mặt trời công chính là Đức Giêsu đã đến trong thế gian, chính Người sẽ kéo chúng con ra khỏi sự chết và đưa vào đời sống vĩnh cửu”. Và cùng với chính Mẹ, chúng ta ca tụng Thiên Chúa: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1, 49-50).
Têrêsa Đinh Thị Nụ, fmsr