TINH THẦN SỐNG THÁNG 10-2018
Thiên Chúa – Đấng yêu thương và thành tín, một danh xưng rất quen thuộc đối với dân Chúa, bao gồm cả dân Israel và dân mới của Người là Giáo hội, là chính chúng ta. Thật vậy, trải qua biết bao thăng trầm với kinh nghiệm cả một đời, con người mới khám phá ra “Cõi Lòng” của Thiên Chúa, một Thiên Chúa “nhân hậu từ bi, chậm giận, lại giàu tình thương và lòng thành tín”[1], mà sự khám phá này cũng do chính Người mạc khải. Sự mạc khải này được kiện toàn theo thời gian, được biểu lộ cụ thể qua chính Con Một Người, Đức Giêsu Kitô, Đấng đã nhập thể đi vào trần gian, để con người gặp gỡ được Thiên Chúa vô hình. Mầu nhiệm Nhập Thể là bước cuối cùng trọn vẹn nhất của Thiên Chúa đi vào lịch sử loài người. Một lịch sử được Thiên Chúa yêu thương dẫn dắt qua từng giai đoạn:
– Chọn gọi Abraham và ban cho ông một dòng dõi
– Chọn gọi Môsê làm người giải phóng dân và ký kết Giao ước Sinai…
– Thiên Chúa tiếp tục hướng dẫn lịch sử ấy qua các vị Vua và các Ngôn sứ của Người.
– Sau cùng chính “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”[2].
Chính nhờ tình yêu trung tín của Thiên Chúa mà chương trình Cứu độ được thực hiện một cách tiệm tiến trong thời gian qua giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với dân Người, cho dù con người có bất trung phản bội, phá vỡ kế hoạch của Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa đầy thương xót luôn trung thành, nên “Dù ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình”[3]. Như vậy, tình yêu trung tín chính là bản chất của Thiên Chúa và Ơn Cứu Độ đã được ban cho nhân loại một cách trọn vẹn vào thời sau cùng, nhờ bởi lòng khoan dung tha thứ, nhờ bởi tình yêu đến cùng của Thiên Chúa thể hiện qua Đức Giêsu Kitô.
- Mầu nhiệm cứu độ – Giao ước tình yêu
1) Mầu nhiệm cứu độ: Mầu nhiệm cứu độ, một sáng kiến khởi nguồn từ ý định yêu thương muôn đời của Thiên Chúa, nhằm thông ban sự sống hạnh phúc của Người cho nhân loại. Ý định này được thực hiện qua công cuộc sáng tạo, nhưng vì loài người khước từ, mở đường cho sự dữ xâm nhập vào thế gian, gây nên đau khổ và sự chết. Thiên Chúa vẫn tiếp tục ý định yêu thương, nên đã sai Con Một xuống thế làm người để cứu chuộc loài người. Ý định cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện qua một chương trình, diễn ra ngay trong lịch sử loài người, qua lịch sử một dân được tuyển chọn: dân Israel, và nối dài trong lịch sử nhân loại đến muôn dân, với diễn tiến trong thời gian, từ khai thiên lập địa cho tới Chúa Kitô, trung tâm của ơn cứu độ, và tiếp nối cho đến ngày tận thế, ngày Chúa Kitô lại đến.
Những diễn tiến này làm nên Lịch sử cứu độ, một dòng chảy liên tục từ Cựu ước đến Tân ước, với những thăng trầm của mối tương quan giữa Thiên Chúa và Con người. Tương quan này được thể hiện qua giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với dân Người.
2) Giao ước: Giao ước hiểu theo đúng nghĩa, chỉ được thiết lập giữa hai bên ngang hàng với nhau. Vì thế, không thể có giao ước đúng nghĩa giữa Thiên Chúa và con người được. Tuy nhiên, vì yêu thương, Thiên Chúa đã hạ mình xuống ngang hàng với con người để thiết lập giao ước với con người. Như vậy, giao ước là dấu chứng biểu lộ tình yêu thương vô điều kiện của Thiên Chúa. Để thực hiện chương trình cứu độ Thiên Chúa đã ký kết giao ước với con người và lặp lại giao ước qua từng thời điểm:
– Giao ước Nôe: “Đây Ta lập giao ước của Ta với các ngươi, với dòng dõi các ngươi sau này, và tất cả mọi sinh vật ở với các ngươi: chim chóc, gia súc, dã thú ở với các ngươi, nghĩa là mọi vật ở trong tàu đi ra, kể cả dã thú. Ta lập giao ước của Ta với các ngươi: mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thủy hủy diệt, và cũng sẽ không còn có hồng thủy để tàn phá mặt đất nữa”[4].
– Giao ước Abraham: Thiên Chúa ký kết với Abram một giao ước, đổi tên cho ông thành Abraham, đổi tên vợ ông là bà Sarai thành Sara, ông sẽ làm cha nhiều dân tộc, sẽ ban đất Canaan cho miêu duệ ông làm sở hữu, dòng dõi ông sẽ phải giữ giao ước từ thế hệ này qua thế hệ khác, mọi đàn ông con trai của dòng dõi người sẽ phải chịu cắt bì, đó là dấu chỉ dòng dõi thuộc về Thiên Chúa[5].
– Giao Ước Sinai: Giao ước tại Sinai ghi nhớ việc Thiên Chúa chính thức nhận Israel làm dân riêng của Người. Đồng thời, Israel nhận Giavê là Thiên Chúa độc nhất, chỉ tôn thờ và tùng phục một mình Người. Cùng với việc thiết lập giao ước, Thiên Chúa ban lề luật để hướng dẫn dân đi theo đường lối của Chúa[6].
– Giao ước Đavít: Thiên Chúa thiết lập giao ước với Đavít. Giao ước này liên quan trực tiếp đến triều đại Đavít và dòng dõi của ông, cũng như toàn thể dân Israel. Dẫu Đavít có bất trung, giao ước này cũng không bị hủy bỏ, bởi được đặt trên nền tảng lời hứa và lòng trung tín của Thiên Chúa.Chính Thiên Chúa đã bảo đảm điều đó: “Giao ước của Ta, Ta sẽ không vi phạm, miệng đã nói ra, Ta chẳng nuốt lời. Một khi đã thề với danh nghĩa là Đấng Thánh, thì cùng Đavít, Ta chẳng thất tín đâu”[7].
– Giao ước mới: Giao ước mới được ký kết bằng chính Máu của Đức Giêsu Kitô: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy… Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu giao ước, đã đổ ra cho muôn người được tha tội”[8]. Trong giao ước mới, Thiên Chúa đi đến mức tuyệt đỉnh nơi con người Đức Giêsu Kitô. Chính nhờ Người với Người và trong Người, chúng ta được đón nhận trọn vẹn Ơn Cứu Độ và đi vào mối tương giao thân tình với Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là Cha[9]. Giao ước mới thời Tân ước mang tính cách kết giao vĩnh viễn. Tuy nhiên,giao ước mới chỉ thực sự trọn vẹn vào ngày cánh chung. Trong khi còn trông đợi “ngày sẽ đến”, chúng ta luôn cần tháp nhập vào Đức Giêsutrong cuộc sống đời thường, để qua đó, chúng ta tiếp nối công trình cứu độ của Người trong dòng lịch sử của mỗi cá nhân.
Quả thật, chỉ Thiên Chúa mới là Đấng Tín Trung, Người chẳng bao giờ từ bỏ giao ước Người đã ký kết với con người; nhưng sự trung tín của Thiên Chúa còn trọn vẹn hơn ở chỗ ngay cả khi con người bất trung, thì sự trung tín của Người vẫn trải dài một cách bền vững để chờ đợi sự bắt đầu lại của con người; bởi vì chính “bản chất” của Thiên Chúa là tình yêu, và trung tín là một khía cạnh thiết yếu của tình yêu.
- Thiên Chúa – Đấng yêu thương và thành tín
Niềm tin vào một Thiên Chúa đầy yêu thương và thành tín không bao giờ xóa nhòa khỏi ký ức của dân Israel dù trải qua muôn cuộc bể dâu. Thực vậy, chính Benjamin Netanyahu, thủ tướng đương nhiệm của Israel đã xác tín điều đó trong bài diễn văn của ông khi nhận chức năm 2009:
Chỉ 70 năm trước thôi! Người Do Thái bị đem đi giết như giết cừu. (Thế chiến II)
Còn 60 năm trước! Không có quốc gia. Không có quân đội. (Lập quốc 1948)
Quốc gia mà Liên Hiệp Quốc cho chúng ta có 65% là sa mạc. Một đất nước không ai biết tới!
Hôm nay chúng ta có: quốc gia, quân đội, đội không quân mạnh mẽ, nền kinh tế hiện đại, xuất khẩu hàng triệu đô la. Intel – Microsoft – IBM phát triển sản phẩm của họ tại đây […]
Chúng ta đã làm sa mạc nở hoa, và xuất khẩu hoa, cam và rau trên khắp thế giới. Israel đã gửi các vệ tinh của riêng mình vào không gian! Chúng ta tự hào sánh ngang với: Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Châu Âu […]
… Lễ Vượt Qua đã được cử hành, chúng ta đừng quên ý nghĩa của nó. Chúng ta đã sống sót sau sự tấn công của Pharaô, chúng ta sống sót sau cuộc diệt chủng của Nga Hoàng, chúng ta sống sót sau thảm họa Hitler, chúng ta đã sống sót sau cuộc tấn công của bảy quốc gia Ảrập, chúng ta đã sống sót sau sự tấn công của Saddam Hussein. Chúng ta vẫn sẽ tồn tại trước những kẻ thù bây giờ…
Hãy nhớ rằng: Tất cả các quốc gia hoặc nền văn hóa đã từng cố gắng tiêu diệt chúng ta, không còn tồn tại nữa – trong khi chúng ta vẫn còn sống! Ai Cập? người Hy Lạp? Alexandre của Macedonia? Người La Mã? Đức Quốc Xã? Và nhìn chúng ta, đất nước Kinh Thánh, nô lệ của Ai Cập, chúng ta vẫn còn đây…
Chỉ vì Thiên Chúa luôn trung tín, Đấng Canh Phòng của Israel không bao giờ ngủ quên! Cảm tạ Giavê, Chúa của Abraham, Isaac và Giacob.
Mặc dù niềm xác tín trên đây dựa trên cái nhìn về khía cạnh kinh tế, chính trị, tuy nhiên điều đó cho chúng ta thấy Thiên Chúa yêu thương thành tín đã trở thành Thiên Chúa duy nhất của dân tộc Israel, một dân tuyển chọn, dân của lời hứa, mà trải qua bao thế hệ họ vẫn loan truyền niềm tin của cha ông, của dân tộc. Chính niềm tin này đã mở ra cho họ cánh cửa hy vọng để bước tới một tương lai sáng lạn.
Phần chúng ta, chúng ta cũng được nuôi dưỡng và lớn lên bằng chính đức tin và giáo huấn của Giáo hội qua các thời đại, để chúng ta mãi mãi xác tín về một Thiên Chúa yêu thương và thành tín, một Thiên Chúa thường hằng bất biến từ đời nọ đến đời kia. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô:[10]
“Trong Thánh Kinh Thiên Chúa được giới thiệu như là “Thiên Chúa xót thương”. Đó là Tên của Người, qua đó vén mở cho chúng ta gương mặt và con tim của Người.
Bởi vì Thiên Chúa cao cả và quyền năng, nhưng sự cao cả và quyền năng này được trải dài ra trong việc yêu thương chúng ta, là những người bé nhỏ, bất lực… Chính tình yêu đã đi bước trước, không tùy thuộc nơi các công nghiệp của con người, nhưng là tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Đó là sự quan tâm ân cần của Thiên Chúa mà không gì có thể ngăn chặn được, kể cả tội lỗi, bởi vì tình yêu này vượt qua tội lỗi và chiến thắng tội lỗi.
Và vì Thiên Chúa đầy thương xót này luôn trung thành trong lòng từ bi của Người, nên “Dù ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình”[11]. Như vậy, tình yêu trung tín chính là bản chất của Thiên Chúa. Vì thế Thiên Chúa luôn luôn và hoàn toàn đáng tin cậy. Một sự hiện diện vững vàng và ổn định. Đó là sự bảo đảm cho đức tin của chúng ta”.
Thực vậy, Thiên Chúa yêu thương và thành tín chính là cảm nghiệm thâm sâu và riêng tư của mỗi người chúng ta, khi chúng ta đã bước qua những khúc quanh cuộc đời với nhiều cung bậc khác nhau: niềm vui hay nỗi buồn, thành công hay thất bại, những thành tựu hay đổ vỡ; nhất là khi chúng ta đã có những trải nghiệm về sự bất tín, đã có những lần lạc bước đi thật xa tưởng chừng quên cả lối về… Nhưng cuối cùng, dù chúng ta đã bao lần quên Người, đã bao lần bước ra khỏi Nhà Người, thì muôn đời Người vẫn là Thiên Chúa tình yêu, một tình yêu vững bền mãi mãi! Chính Người đã xác định: “Nào người mẹ có thể quên con mình mà không thương xót chính đứa con mình đã cưu mang ư? Cho dù người mẹ đó có quên, nhưng Ta sẽ không quên ngươi đâu”[12]. Một lời xác quyết mang lại cho chúng ta niềm vui phục sinh, mang lại cho chúng ta niềm hạnh phúc được thứ tha, được đón nhận, được thương yêu.
Lạy Chúa,
Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng,
Qua muôn ngàn thế hệ, miệng con rao truyền lòng thành tín của Ngài[13].
- Chúng ta còn trung thành là nhờ tình yêu trung tín của Thiên Chúa
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúa yêu chúng ta vô bờ bến, và điều mong mỏi nhất của Người là cứu chuộc chúng ta. Không có tội lỗi nào có thể tách rời con người với Thiên Chúa được… Những ai để cho Chúa Kitô cứu độ, thì cũng được cứu khỏi tội lỗi, khỏi các buồn chán, khỏi các rỗng tuếch và cô lập trong nội tâm… Thiên Chúa chẳng hề nhàm chán đối với việc tha thứ tội lỗi chúng ta. Chỉ có chúng ta nhàm chán không kêu cầu tới lòng nhân hậu của Người mà thôi”.
Chính qua cái chết của Đức Giêsu, Con của Người, mà chúng ta nhận biết được Thiên Chúa là Đấng rất mực công bằng nhưng cũng đầy yêu thương. Chỉ có Thiên Chúa mới có khả năng giải thoát và cứu độ chúng ta. Thiên Chúa vượt trên các tội lỗi của chúng ta, và lúc nào Người cũng yêu thương chúng ta một cách vô điều kiện. Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi ban chính Con Một, thì còn gì mà Người đã không làm cho chúng ta, cho từng người chúng ta? “Quả vậy, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là tội nhân; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Phương chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ máu Đức Kitô đổ ra”[14]. Vậy điều quan trọng là chúng ta có đủ khiêm tốn và chân thành để đón nhận tình yêu tha thứ của Người hay không?
Chúng ta sống trong dòng lịch sử và con người chúng ta cũng thay đổi theo thời gian, Thiên Chúa chấp nhận chúng ta trong sự thăng trầm của dòng dòng lịch sử ấy, nghĩa là Người chấp nhận chúng ta không phải như giây phút hiện tại mà thôi, Người tỏ bày sự trung tín của Người qua việc kiên trì chờ đợi và tha thứ, cho chúng ta nhiều cơ hội để thay đổi, để bắt đầu lại, để thể hiện tình yêu giữa những thăng trầm của cuộc sống, giữa những bước chân xiêu té, vấp ngã và chỗi dậy của chúng ta trên đường đời. Chính tình yêu trung tín của Chúa giữ chúng ta ở lại bên Người và gieo vào lòng chúng ta niềm hy vọng, giúp chúng ta có thể sống trung thành. Niềm hy vọng và phó thác của chúng ta vào Thiên Chúa được đặt nền trên sự thật, được Thiên Chúa bảo đảm.
Bởi vì Chúa nhân hậu, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,
qua bao thế hệ, Ngài vẫn một niềm thành tín[15].
- Kết luận
Có thể nói chúng ta càng cảm nghiệm mình giới hạn, tội lỗi, bất trung bao nhiêu thì càng cảm nghiệm sâu hơn về một Thiên Chúa rất mực yêu thương và mãi mãi yêu thương. Nhận thức này đã mở ra một lối về cho dân Chúa, dân Israel bước đi trong từng khúc quanh lịch sử dù bao phen lầm đường lạc lối, nhưng lại được đưa về chính lộ, đến với Ơn Cứu độ, sống lại giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với họ. Vị Thiên Chúa đầy yêu thương và thành tín của Israel cũng chính là Thiên Chúa của chúng ta, vì thế, niềm xác tín này cũng là cơ hội cho mỗi người chúng ta bắt đầu, bắt đầu lại mãi mãi trên hành trình sống Mầu nhiệm Cứu độ cũng như giao ước tình yêu mà mỗi người chúng ta đã ký kết với Chúa khi tuyên khấn. Một giao ước đòi buộc phải trung tín!
Hơn lúc nào hết, sống trung tín là một lời chứng hùng hồn cho sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dòng đời. Thật vậy, giữa một thế giới thực dụng và một xã hội coi nhẹ giá trị của tình yêu và lòng trung tín, con người dễ thay lòng đổi dạ. Các hợp đồng kinh tế bị vi phạm, giao ước hôn nhân bị đổ vỡ, tình bạn bị phản bội; ngay cả các tu sĩ cũng bị lôi cuốn bởi lối sống hưởng thụ, hướng chiều theo sự dễ dãi, suy nghĩ và lý luận theo thói thế tục, coi nhẹ việc hy sinh khổ chế, thờ ơ với bổn phận nên thánh, nên trọn lành của bậc sống, dần dần đưa đến lỗi phạm lời khấn một cách nghiêm trọng. Vì thế, chúng ta càng phải nỗ lực hơn gấp nhiều lần để trung thành với đặc sủng, với lời khấn, với những đòi hỏi của đời thánh hiến, với chính Thiên Chúa, Đấng hằng yêu thương chúng ta và yêu cho đến cùng. Như vậy chúng ta mới có thể trở thành ánh sao chiếu sáng giữa thế gian, thức tỉnh mọi người sống trung tín với nhau và cùng nhau tìm về với Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành.
Để sống trung tín chúng ta cần:
1) Khiêm tốn nhìn nhận sự yếu đuối bất toàn và luôn có nguy cơ thất tín của mình. Phải chọn lựa và bắt đầu lại mỗi ngày để làm mới lại giao ước tình yêu và sống trung thành.
2) Tin tưởng phó thác vào tình yêu trung tín của Chúa để được Người nâng đỡ giúp sức mỗi ngày mà bước đi đến cùng trên con đường mình đã chọn.
3) Thể hiện tình yêu mà chúng ta đã lãnh nhận nhưng không từ Thiên Chúa qua đời sống bác ái yêu thương, đồng thời trung tín trong các mối tương quan.
Nt. M. Gaudentia Xuân Huệ, FMSR.
[1] Tv 86, 15
[2] Ga 1, 14
[3] 2Tm 2, 13
[4] St 6, 14-22
[5] x. St 17, 4-27
[6] x. Xh 19, 3-8 tt
[7] Tv 89, 35-36
[8] Mt 26, 26-28
[9] x. Rm 8, 15
[10] Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài huấn dụ ngày 23-01-2016
[11] 2Tm 2, 13
[12] Is 49, 15
[13] Tv 89, 2
[14] Rm 5, 5-9
[15] Tv 99, 5