Thư định hướng đầu niên học 2018 – 2019

TRUNG THÀNH TRONG VIỆC Ở VỚI CHÚA VÀ ĐỂ CHÚA SAI ĐI

Kính thưa hai chị Giám Tỉnh, các chị Cố vấn, các Bà,

                Các chị Phụ trách và toàn thể Chị Em quý mến,

Chúng ta bước vào năm thứ tư của nhiệm khóa 2015-2019. Để chủ đề sống của Tổng Công hội được xuyên suốt trong 4 năm của nhiệm khóa và để việc học tập của chúng ta mang lại một kết quả tốt đẹp và trọn vẹn hơn trong đời sống, năm nay chúng ta sẽ cùng nhau suy tư, học hỏi và sống chủ đề : “TRUNG THÀNH TRONG VIỆC Ở VỚI CHÚA VÀ ĐỂ CHÚA SAI ĐI”. Chúng ta xác tín rằng việc học hỏi và sống các chủ đề của những năm trước đây sẽ khó đạt đến đích nếu chúng ta thiếu sự trung thành.

“Trung thành trong việc ở với Chúa và để Chúa sai đi”, chính là kiên định trong đường lối của Chúa, là thể hiện sự quyết tâm vươn tới một lý tưởng, một mục đích, cho dù có phải trải qua nhiều khó khăn trắc trở. Khi Chúa Giêsu nói : “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” (Mc 12, 30), là Chúa muốn chúng ta phải tuyệt đối trung thành với Chúa. Một khi chúng ta trung thành với Chúa, thì Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi hoặc làm chúng ta thất vọng như Thánh Phaolô đã quả quyết : “Thiên Chúa là Đấng luôn trung thành” (1 Cr 1, 9).

Cũng như những năm trước, với chủ đề này, chúng ta sẽ có 10 tiểu đề được phân chia cho 10 tháng. Ước mong những gì chúng ta học tập và sống trong năm nay sẽ giúp chúng ta có thể duyệt xét mình trong hiện tại và đánh giá đời thánh hiến của chúng ta theo quan điểm của lòng trung thành.

1.    Thiên Chúa là Đấng thành tín và đầy yêu thương.

Nếu người ta muốn tóm tắt toàn bộ Kinh Thánh vào một ít chữ thì câu tóm ấy sẽ là : “Thiên Chúa là Đấng thành tín và yêu thương”. Thiên Chúa đã tự mạc khải trong Thánh Kinh là một Thiên Chúa luôn quan tâm đến đời sống con người. Cho dù con người dễ thay đổi và bất trung, nhưng Chúa vẫn một mực thành tín và yêu thương : “Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” (2Tm 2,13). Dẫu cho loài người có bất tín bất trung, thì tình yêu thương và lòng thành tín của Thiên Chúa vẫn không hề thay đổi. “Bởi vì Chúa nhân hậu, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, qua bao thế hệ, Ngài vẫn một niềm thành tín” (Tv 99, 5). Chính từ nền tảng của một niềm tin như thế mà con người có thể thực sự đi vào mối tương quan sâu đậm và thân tình với Chúa trong cuộc sống của mình.

Tất cả chúng ta là những người vốn mang trong mình những yếu đuối nên dễ sai lầm và bất tín. Nhưng với ơn Chúa và với sự quyết tâm kiên vững, chúng ta cũng có thể sống trung thành. Bởi vì những ai tựa nương vào tình thương và lòng trung tín của Thiên Chúa, đồng thời biết tin tưởng, phó thác và thành khẩn kêu xin Người cứu giúp, chắc chắn họ sẽ được Chúa ban sức mạnh để bước đi với niềm hy vọng sẽ hoàn tất cuộc đời cách tốt đẹp và trung thành.

2.    Trung thành với đời sống thiêng liêng.

Trong chương trình hằng ngày của chị em Mân Côi, có khoảng thời gian dành cho các việc thiêng liêng. Đó là những việc quan trọng nhất trong ngày mà chị em phải làm trước tiên trong các việc phải làm từ sáng đến tối như Đức Cha Tổ Phụ đã dạy : “Điều căn bản cốt yếu của tất cả đời sống chị em là phải luôn luôn đặt các việc thiêng liêng lên hàng thứ nhất” [1].

“Đời sống thiêng liêng” không chỉ giới hạn trong các giờ phụng vụ hay các giờ cầu nguyện chung-riêng, mà còn được diễn tả trong phần còn lại của đời sống, bao gồm mọi sinh hoạt thường ngày khi chúng ta biết mở lòng cho sự thúc đẩy của Thánh Linh mà tiến bước trong sự hoàn thiện. Đời sống thiêng liêng giúp chúng ta sống theo tinh thần của Chúa. Tinh thần này làm cho chúng ta nên một với Chúa, biết suy nghĩ, nói năng, hành động và ứng xử giống Thiên Chúa. Khi sống theo tinh thần của Chúa, chúng ta sẽ được Chúa tác động để có thể sống phù hợp với những điều Chúa muốn.

Khi trung thành và kiên định với những bổn phận thiêng liêng qua từng ngày sống, chị em bước đi trong tiến trình ngày càng thân thiết với Chúa hơn để được nên đồng hình đồng dạng với Người. Các việc thiêng liêng là nơi chúng ta có thể bày tỏ lòng trung tín với Chúa và là nơi cơ bản để đời sống chúng ta được trở nên thánh thiện.

3.    Trung thành với ơn gọi Mân Côi.

Thiên Chúa đã chọn gọi chúng ta vào đời tu Mân Côi và Người muốn chúng ta sống ơn gọi này một cách năng động và trung thành. Để có thể trung thành, chúng ta không cậy dựa vào sức riêng mình, nhưng chúng ta có thể tìm được sự hỗ trợ cho lòng trung thành của mình trong sự trung tín của Thiên Chúa. Sự trung tín của Thiên Chúa chính là nền tảng cho sự trung thành của chúng ta.

Trung thành với ơn gọi, trước hết là một ân ban của Thiên Chúa, vì chính Chúa đã chọn chúng ta trước, Người đã tin tưởng, hướng dẫn, quyến dụ chúng ta bước theo Người và đồng nhất hóa chúng ta với Người. Chúng ta tin rằng khi khởi sự công trình này, Thiên Chúa sẽ lo liệu cho nó được hoàn tất. Về phía Thiên Chúa, khi đã kêu gọi ai thì Người không hề đổi ý như Thánh Phaolô quả quyết trong thư Roma 11, 29 : “Khi Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi ai thì Người không hề đổi ý”. Như vậy, cho dù chúng ta không thể biết trước về phía con người rằng chúng ta có dứt khoát hay không, nhưng chúng ta có thể tin tưởng rằng Chúa rất mong muốn và hằng ban ơn giúp đỡ chúng ta sống trung thành với ơn gọi của mình.

4.   Trung thành với tinh thần và ý hướng ban đầu của Đấng Sáng Lập.

Theo tinh thần của công đồng Vaticanô II, các dòng tu được mời gọi canh tân bằng cách trở về nguồn và thích nghi với hoàn cảnh hiện tại của con người : “Việc canh tân thích nghi đời sống dòng tu một trật bao gồm sự liên tục trở về nguồn mạch của đời sống Kitô hữu và ơn linh ứng nguyên thủy của hội dòng cũng như sự thích nghi với những hoàn cảnh đổi thay qua các thời đại” [2]. Như vậy, một mặt Giáo Hội dạy chúng ta phải trở về với Tin Mừng, về với tinh thần và đặc sủng của Đấng Sáng Lập, mặt khác, đáp ứng lại những nhu cầu mới của Giáo Hội.

Sự thường khi nói đến canh tân, người ta thường nghĩ đến một sự dễ dãi, thoải mái, hợp thời mà quên đi chính cội nguồn của mình. Chúng ta biết rằng Đấng Sáng Lập của Hội Dòng chính là điểm hội tụ và là nguyên tố hợp nhất của các thành viên trong dòng qua các thời đại, và Đặc sủng của một hội dòng là một ân ban của Chúa Thánh Thần nên không bao giờ già cỗi. Do đó, việc trung thành với tinh thần Đấng Sáng Lập sẽ giúp chúng ta không đánh mất lòng trung thành đối với nguồn cội của mình. Nếu chúng ta không trung thành với tinh thần Đấng Sáng Lập thì chúng ta sẽ không còn là mình nữa ; Nếu đời thánh hiến của chúng ta không bám chặt vào nguồn gốc với một lòng trung thành năng động thì chúng ta không thể sinh hoa kết trái trong cuộc sống.

5.    Trung thành sống linh đạo Dòng.

Tất cả mọi Kitô được mời gọi nên thánh, và hơn ai hết, người tu sĩ được thúc giục nên thánh một cách triệt để hơn. Đã có ai đó từng ví Giáo Hội như vườn hoa muôn sắc được kết thành bởi linh đạo rất đa dạng và phong phú của đời sống các dòng tu. Chính sự phong phú từ các linh đạo khác nhau ấy mà đời sống của các tu sĩ đã góp phần họa lên chân dung của Đức Kitô. Các nữ tu Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi cũng thể hiện sự thánh thiện của mình qua linh đạo Dòng, một linh đạo đưa chị em vào con đường Đức Ái phục vụ Ơn Cứu Độ như Mẹ Maria : “Với tinh thần Đức Ái trọn hảo, chị em Mân Côi cùng Mẹ Maria sống Mầu Nhiệm Cứu Độ và mang Ơn Cứu Độ đến cho mọi người”.

Đức Cha Tổ Phụ Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn, khi lập Dòng, đã muốn chị em Mân Côi đi theo lộ trình này như một ơn gọi riêng biệt để nên thánh. Vì thế, khi trung thành sống linh đạo Dòng, chị em bước đi trên con đường trở nên giống Chúa mỗi ngày một hơn qua những phương thế mà Đức Cha Tổ Phụ đã vạch ra cho chị em, những phương thế này làm thành một con đường nên thánh riêng cho Hội Dòng.

6.   Trung thành sống khiết tịnh, niềm vui của đời thánh hiến.

Trong bầu khí thế tục hóa của xã hội ngày nay, việc các tu sĩ tự nguyện sống khiết tịnh nói lên sự nhận biết về vẻ đẹp và giá trị của tình yêu Thiên Chúa. Bởi đó, để yêu mến Chúa Kitô cách trọn vẹn hơn và để được Người yêu mến, chị em Mân Côi chọn lối sống khiết tịnh theo gương Chúa Kitô để hiến dâng cho Thiên Chúa tất cả con người của mình, hiến dâng những tình yêu nhân loại chính đáng và cả những người mình yêu thương nhất đời, sẵn sàng để Chúa dùng trái tim của mình mà yêu thương hết mọi người.

Đức khiết tịnh thật là cao quý, Đức Cha Tổ Phụ dạy rằng : “ Đức khiết tịnh rất khả ái, nhân đức của các thiên thần, làm cho trên trời dưới đất phải cảm phục và nâng người ta lên tới Thiên Chúa” [3]. Để trung thành với lời khấn khiết tịnh cao quý, chị em được mời gọi cậy dựa vào ơn Chúa, không tự phụ vào sức riêng mình, sống khổ chế và gìn giữ ngũ quan, dùng những phương thế tự nhiên cũng như siêu nhiên để mỗi ngày được lớn lên trong sự trưởng thành cá nhân và trong khả năng yêu mến (xem Hiến luật số 7.1 và 7.2). 

7.  Trung thành sống nghèo khó, một lựa chọn tự nguyện

Với danh nghĩa là một tu sĩ, chị em Mân Côi tự nguyện sống nghèo khó như Đức Kitô, chấp nhận trở nên “nghèo khó trong thực tế và trong tinh thần, cần cù và đạm bạc, thanh thoát với của cải thế gian, lệ thuộc và bị hạn chế trong việc sử dụng và định đoạt tài sản theo quy tắc luật riêng của hội dòng” [4]. Việc tự nguyện sống nghèo khó này nhằm làm nổi bật đời sống của người theo bước chân Đức Kitô và phản ánh rõ nét giá trị siêu việt của Tin Mừng là mang ơn cứu độ đến cho mọi người.

Chị em Mân Côi được mời gọi nhìn vào đời sống nghèo khó của Đức Kitô và kết hợp mật thiết với Chúa trong sự nghèo khó tự nguyện và thanh thoát với mọi của cải trần gian. Trong một thế giới mà vấn đề phân phối các tài nguyên thiên nhiên không đồng đều và việc chia sẻ của cải vật chất đang có tính phong trào, thì qua việc khấn nghèo khó, chị em Mân Côi có cơ hội dấn thân phục vụ và chia sẻ của cải với mọi người như Hiến luật Dòng hướng dẫn: “Chị em làm chứng cho đức nghèo khó bằng cách sống từ bỏ và tiết độ, tận tụy với việc bổn phận hằng ngày và giảm bớt những chi tiêu không cần thiết để có của cải chia sẻ cho người khác” [5].

Để sống trung thành với lời khấn nghèo khó, chúng ta ý thức về sự tự nguyện của mình. Sự tự nguyện này thúc đẩy chúng ta tích cực trong việc họa lại nếp sống của Chúa Kitô bằng chính đời sống và gương sáng của mình trong cách sống thường ngày, sống phó thác mọi sự trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa để chỉ lo tìm kiếm Thiên Chúa và những sự thuộc về Người.

8.  Trung thành sống vâng phục để thi hành thánh ý Chúa

Khấn vâng phục là cách thể hiện tình yêu với Chúa và làm vui lòng Chúa qua việc thực thi thánh ý của Người. Như vậy, cốt tủy của đức vâng phục là noi gương Chúa Giêsu, thi hành thánh ý Chúa Cha : “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4, 34).

Đối với Chúa Giêsu, Thánh ý Chúa Cha là lương thực và là điểm tựa cho mọi hoạt động của Người. Vậy, nếu mục đích của đời thánh hiến là nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu thì sự vâng phục chính là con đường giúp chúng ta đạt được mục đích ấy, nghĩa là thánh ý Chúa cũng trở nên nguồn lương thực không thể thiếu trong đời sống chúng ta. Vậy chỉ khi nào chúng ta nhận diện ý Chúa như là của ăn thức uống, là lẽ sống, thì chúng ta mới tìm được ý nghĩa cho đời dâng hiến của mình. Lúc ấy, sự vâng phục mới thực sự giải thoát, đem lại cho sự tự do nội tâm và làm cho chúng ta nên một với Chúa.

Vâng phục là trung thành với ý muốn của Thiên Chúa trên tất cả mọi sự. Trung thành với ý muốn của Thiên Chúa là chăm chú lắng nghe và thực thi lời Chúa cho dù lời của Người được diễn tả dưới bất cứ hình thức nào và qua bất cứ trung gian nào. Hiến luật của chị em Mân Côi đã hướng dẫn mọi phần tử trong Dòng sống vâng phục như sau : “ Lời khấn vâng phục buộc chị em triệt để tuân giữ Hiến luật Dòng, Quy chế Tỉnh Dòng, các quyết định của các Công hội và những chỉ thị của Bề trên liên hệ đến đời sống Dòng” [6]. Vậy, chỉ khi nào chúng ta trung thành với thánh ý Chúa, chúng ta mới được nên đồng hình đồng dạng với Chúa. Chỉ khi nào chúng ta lấy thánh ý Chúa như nguồn lương thực cho cuộc đời, chúng ta mới sống đầy đủ ý nghĩa của lời khấn vâng phục.

9.    Trung thành thực thi đức ái cộng đoàn.

Tinh thần của các chị em Mân Côi là tinh thần đức ái, do đó đức ái không thể nào thiếu vắng trong tâm hồn và trong đời sống của mỗi chị em. Đức Cha Tổ Phụ đã khuyên nhủ chị em : “Chị em hằng phải hết sức bao bọc đức yêu nhau, sẵn lòng vui mặt giúp đỡ nhau, mà nhất là phải làm gương sáng cho nhau trong việc đi đàng nhân đức và giữ luật phép nhà”[7]. Chị em Mân Côi đã được Thiên Chúa kêu gọi và quy tụ thành cộng đoàn là để sống tình hiệp thông, yêu thương và giúp đỡ nhau thi thành sứ vụ. Vì thế, nơi mỗi cộng đoàn, chị em có nhiệm vụ cộng tác với nhau để làm nên một cộng đoàn yêu thương và hiệp nhất.

Một nhà dòng yêu thương, theo Đức Cha Tổ Phụ, “là nhà dòng bình an, vui vẻ cùng là hình bóng chốn thiên đàng”[8]. Nơi nhà dòng này, đức ái chính là nhân tố quan trọng tạo nên niềm vui, sự bình an và sức mạnh cho cộng đoàn. Với đức ái, mọi chị em sẽ tìm được phương cách thể hiện mối tương giao như tôn trọng, phục vụ, tin tưởng, kính phục, xây dựng và khuyến khích lẫn nhau.

Thánh Phaolô mời gọi chúng ta : “Anh em hãy cố đạt cho được đức ái” (1Cr 14, 1), vì đức ái chính là con đường trổi vượt và duy nhất dẫn đến sự hoàn thiện. Để trung thành thực thi đức ái cộng đoàn, chị em Mân Côi phải gắn kết đời mình với đức ái mục tử của Chúa Kitô, tập sống yêu như Chúa đã yêu. Yêu như Chúa yêu làm nên sức sống của cộng đoàn, làm nên nét đẹp của nếp sống chung và phản chiếu được dung nhan Thiên Chúa giữa cộng đoàn của mình.

10.    Trung thành với sứ vụ được trao.

Sứ vụ căn bản của đời thánh hiến là họa lại chân dung của Chúa Kitô, trở nên một kitô khác cho mọi người. Tuy nhiên, tùy theo đặc sủng của mỗi hội dòng, sứ vụ này được thực hiện dưới nhiều hoạt động tông đồ khác nhau và thích hợp cho mỗi đối tượng khác nhau. Vì thế mà mỗi hội dòng lại có một sứ vụ riêng biệt.

Sứ vụ của người nữ tu Mân Côi chính là mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Một cách cụ thể, Hiến luật Dòng nói đến sứ vụ của Chị em Mân Côi như sau :“Sứ mạng của chị em là hiến thân cho việc tông đồ truyền giáo của Giáo hội bằng việc rao giảng Tin Mừng và giáo dục đức tin, đặc biệt cho người nghèo khổ, trong các lãnh vực giáo dục, y tế, từ thiện, xã hội, và mục vụ tông đồ” [9]. Như vậy chị em Mân Côi thực thi sứ vụ một cách đa dạng trong sự dấn thân mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Ngoài ra, theo Đức Cha Tổ Phụ, thì mỗi sự hiện diện của chị em cũng là một sứ vụ, mỗi hoạt động, mỗi bổn phận chị em thi hành trong đời sống ơn gọi Mân Côi, thì cũng phải được thực hiện với sứ mệnh là đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Chị em Mân Côi được mời gọi bước theo Chúa Kitô, can đảm trở nên chứng nhân trung thành, đem tình yêu của Chúa đến cho mọi người.

Kính thưa quý Bề trên và toàn thể gia đình Hội Dòng quý mến,

Sống trong một thế giới thay đổi không ngừng, chúng ta cũng dễ bị lôi cuốn vào thái độ thay lòng đổi dạ. Một sự khủng hoảng rất lớn của xã hội con người hôm nay là khủng hoảng về lòng trung thành. Từ những chuyện làm ăn, những hợp đồng kinh tế cho đến tình bạn và gia đình, tất cả dường như dễ dàng rơi vào tình trạng đổ vỡ, phản bội. Ngay cả những người kitô hữu, nhiều lúc cũng bị cám dỗ chối bỏ đức tin. Đối với các tu sĩ, có những người không còn sống đúng với ơn gọi của mình, nhất là khi gặp những biến cố thử thách hay một cám dỗ nào đó.

Thiên Chúa yêu quý những con người trung thành, nhưng trung thành bước theo Chúa cho đến cùng không phải là điều dễ thực hiện, vì có những lúc chúng ta cảm thấy mình quá yếu đuối, mong manh trước những tấn công của thử thách mà chỉ có ơn Chúa mới giúp chúng ta vượt thắng được. Để có thể sống trung thành trong suốt cuộc sống của mình, chúng ta cần cậy dựa vào ơn Chúa và bắt đầu lại mỗi ngày để “không bao giờ đánh mất tình yêu thuở ban đầu” (Kh 2, 4). Xin Chúa chúc lành cho cuộc sống và mọi công việc của chúng ta, để tất cả được diễn ta trong tinh thần trung thành sáng tạo, trong niềm tín thác vào Chúa là Đấng đầu tiên trung thành với những lời Người đã hứa.

Thân mến trong Chúa Kitô và Mẹ Mân Côi

M. Rose Vũ Loan, Fmsr


[1] Gia Sản Dòng cuốn I, trang 438

[2] Sắc lệnh Đức Ái Trọn Hảo  số 2

[3] Gia Sản Dòng cuốn I, trang 463

[4] Giáo luật số 600

[5] Hiến luật Dòng Chị em Con Đức Mẹ Mân Côi Chí Hòa  số 10.3

[6] Hiến luật Dòng Chị em Con Đức Mẹ Mân Côi Chí Hòa  số 13.3

[7] Gia Sản Dòng cuốn I, trang 491

[8] Gia Sản Dòng cuốn I, trang 222

[9] Hiến luật Dòng Chị em Con Đức Mẹ Mân Côi Chí Hòa  số 2.3


[1] Gia sản Dòng, cuốn I, trang 493

 

 

 

 

 

About dongmancoichihoavn

Check Also

Con đường nhỏ

“con đường nhỏ” với tình yêu lớn...

Để lại một bình luận