Trung thành với đời sống Thiêng liêng

Tinh thần sống tháng 11-2018

  1. Đời sống thiêng liêng là gì?

Nói đến “đời sống thiêng liêng”, ta thường nghĩ đến đời sống nội tâm hoặc đời sống cầu nguyện. Thế nhưng, theo nghĩa gốc của từ Latin – vita spiritualis – “đời sống thiêng liêng” (spiritual life) là “đời sống theo Thánh Linh”. Với nguyên nghĩa này thì đời sống thiêng liêng hay đời sống tâm linh trong hành trình tận hiến không chỉ đơn giản là việc đọc kinh, cầu nguyện, thực hành các nhân đức…, nhưng phạm vi của đời sống ấy còn mở rộng và bao trùm toàn bộ con người cũng như cuộc sống của mỗi tu sĩ và cả cộng đoàn, bao gồm việc “sống trong Đức Kitô và với Đức Kitô”. Chính Thánh Linh đồng thời “uốn nắn ta nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô,” [1] và đây chính là điểm đến của đời sống thiêng liêng!

  1. Trung thành với đời sống thiêng liêng:

Theo lời dạy của Đức Cha Tổ phụ, “việc thiêng liêng là việc” chị em cần “làm trước tiên trong các việc phải làm từ sáng đến tối” (I, 259), và chị em “phải làm việc thiêng liêng mà nuôi hồn được sống trong ơn nghĩa Chúa” (I, 259). Giáo huấn của Đức Cha rõ ràng mời gọi chị em sống trung thành với đời sống tâm linh mỗi ngày, hầu có thể sống mật thiết với Chúa.

Giữa nhịp sống khá tất bật và ồn ào, mỗi người chúng ta có nên chăng dừng lại đôi chút và tự hỏi: Tôi vẫn trung thành với đời sống thiêng liêng? Nếu không thì đâu là những nguyên nhân? Tôi chu toàn các bổn phận thiêng liêng với tâm tình, thái độ nào? Tôi có tìm cách để làm phong phú đời sống thiêng liêng của mình, của cộng đoàn?…

Và để có thể trung thành với đời sống tâm linh, chắc hẳn mỗi chị em đều có những quyết tâm hoặc nguyên tắc nào đó cho riêng mình, đang khi hòa chung với nếp sống thiêng liêng của Hội Dòng và của cộng đoàn mình. Trong phạm vi của bài chia sẻ, em xin được đưa ra hai điểm liên quan đến việc trung thành với đời sống thiêng liêng.

  1. Ý thức:

Trước hết, cầu nguyện là một bổn phận của một thụ tạo đối với Đấng đã dựng nên mình. Và chỉ duy trong Người, bản thân mới được bình an, như Thánh Augustinô đã từng cảm nghiệm: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa và tâm hồn con luôn khắc khoải cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa” (Tự thuật I, 1, 1).[2]

Khi cầu nguyện, bản thân ý thức mình đang “tiếp xúc với đời sống nội tâm, tiếp xúc với dòng chảy cảm xúc và tư tưởng, cảm giác, khát vọng, nhu cầu, thèm muốn, mơ mộng và những thôi thúc khiến ta thiếu đi tầm nhìn khách quan.” Nhờ đó, ta không chỉ “có thể biết mình một cách sâu sắc hơn, nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cõi lòng mình” hơn, nhưng còn “ý thức và trách nhiệm hơn khi tương tác” với chị em hoặc với tha nhân. [3]

Mặt khác, trong cả đời sống cầu nguyện và hoạt động, nhờ Thần Khí soi sáng, ta ý thức về sự đồng hành của Thiên Chúa tình thương, bằng việc đặt toàn bộ con người mình trước sự hiện diện của Người. Sự ý thức này vừa là một hồng ân, vừa là yếu tố quyết định cho đời sống tâm linh[4], bởi nó giúp chị em có thể chú tâm và buông bỏ để ở lại với Chúa. Một sự buông bỏ bằng việc dâng lên Chúa những sự chia trí, cám dỗ, lo lắng, ưu tư, dự tính…, để có thể chú tâm hơn vào lời kinh ta đọc, ý chỉ ta cầu nguyện, lời nguyện ta thưa đáp, hoặc vào bổn phận ta đang cố gắng chu toàn, hầu có thể trung thành kết hiệp với Chúa trong thinh lặng, tin yêu và phó thác. Nhờ vậy, Thánh Linh dễ dàng hoạt động, khơi gợi trong tâm trí ta về những chân lý, mầu nhiệm, sự kiện, biến cố, thách đố và hướng đi cho bản thân.[5]

  1. Yêu mến:

Trung thành với đời sống tâm linh, chị em cùng với cộng đoàn nỗ lực chu toàn các bổn phận thiêng liêng của mình: nguyện gẫm, tham dự Thánh lễ, đọc kinh thần vụ, Chầu Thánh Thể, lần hạt, đọc sách thiêng liêng… Thế nhưng, nếu chu toàn vì bổn phận hay vì Luật bảo vậy, ta có lẽ dễ rơi vào sự nhàm chán, nặng nề… Ta vì vậy rất cần có tình yêu, có lửa mến trong đời sống tâm linh của mình. Chính tình yêu giúp ta tự nguyện, năng động, sáng tạo, và nhờ đó, ta dễ dàng trung thành nối kết với Chúa hơn trong những sinh hoạt đời thường.

Động lực tình yêu cũng giúp ta khao khát tìm kiếm và làm theo ý Chúa, trong chiêm niệm và hoạt động. Lửa mến thúc giục ta dành thêm giờ cho Chúa Giêsu và ở lại với Ngài. Tình yêu mời gọi ta dâng lên Thiên Chúa tâm tình cảm tạ từ đáy lòng mình trong các giờ kinh nguyện cho đến thái độ sống khi thi hành sứ vụ. Chính lửa mến đó thôi thúc ta đưa vào cuộc sống, sứ vụ và các mối tương quan những gì ta đã cảm nghiệm hoặc được soi sáng. Nhờ tình yêu và với tình yêu, ta không chỉ cảm nếm sự hạnh phúc để kết hợp với Chúa trong các giờ thiêng liêng, nhưng còn bình an gắn bó với Người trong những tương quan và công vụ thường nhật. Đời sống tâm linh của ta vì vậy được kéo dài, không bị gián đoạn hay đứt quãng. Ta có cơ hội để mặc lấy tâm tình của Đức Kitô hơn, và có thể đồng hình đồng dạng với Ngài hơn. Kết quả, ta duy trì và trung thành với đời sống thiêng liêng của mình.

  1. Gợi ý thực hành:

–       Chị em tích cực tham dự các giờ kinh nguyện với cộng đoàn. “Chị em phải lấy việc đọc kinh chung làm trọng, chớ ai lấy làm thị thường, dễ bỏ” (I, 266).

–       Bước vào cầu nguyện, chị em buông bỏ những bận tâm, dự phóng, kế hoạch…, vì xác tín rằng ta cần tìm kiếm trước hết “Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ khác Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 33).

–       Liên kết với Thần Khí luôn luôn, cả trong chiêm niệm và hoạt động. Chính Ngài sẽ giúp chị em biết quyết định và cầu nguyện thế nào cho phải (Rm 8, 26 – 27).

–       Cố gắng tự dành thêm giờ để ở lại với Chúa Giêsu, và chỉ riêng một mình Người.

–       Và “vì là dòng Con Đức Mẹ Mân Côi, nên chị em phải biết lần hạt và suy ngắm những sự mầu nhiệm phép Rất Thánh Mân Côi cách ý tứ thâm trầm (I, 149).

Trong những khả năng và trách nhiệm khác nhau, ước mong mỗi chị em Mân Côi luôn mở rộng cõi lòng cho Chúa Thánh Linh hướng dẫn đời sống thiêng liêng của mình. Mỗi ngày là một ngày sống mới, là món quà đặc biệt Thiên Chúa yêu thương trao gửi cho từng người; đời sống tâm linh nhờ thế cũng rất mới mẻ cho dù các việc thiêng liêng tựa những điệp khúc lặp đi lặp lại, bởi lẽ, Thiên Chúa là vẻ đẹp của mỗi ngày mỗi mới. Trung thành với đời sống thiêng liêng, chị em ý thức để Thần Khí hướng tâm trí mình về Thiên Chúa, giúp sống gắn bó với Người và mặc lấy tâm tình của Đức Kitô,[6] trong chiêm niệm và hoạt động, hầu bản thân, sứ vụ và đời sống tận hiến của chị em được thăng tiến và sinh nhiều hoa trái!

Sr. M. Emmanuel Thanh Đào, Fmsr

[1] Lm. Phan Tấn Thành, OP: “Đời Sống Thiêng Liêng”

[2] Thánh Augustinô

[3] Nguyễn Ngọc Kính, OFM: Những Thôi Thúc Trong Tim, tr. 265

[4] Mark Link, SJ: Cầu Nguyện Theo Gương Chúa Giêsu Kitô, tr. 32 – 33

[5] “Làm Sao Để Phát Triển Một Đời Sống Cầu Nguyện Sâu Sắc Hơn?”: dongcatminh.org

[6] Đan sĩ Dom Godefroid Bélorgey: “Dưới Ánh Nhìn của Thiên Chúa

 

 

 

 

About dongmancoichihoavn

Check Also

Kiên trì tiến tới đích điểm đời tu Mân Côi

Chúa không đòi chúng ta phải thành công, Người chỉ đòi chúng ta trung thành và kiên trì bước đi...

Để lại một bình luận