Tâm tư gởi Mẹ

TÂM TƯ GỞI MẸ

Một chút dòng cảm nghiệm con gửi Mẹ Dòng thân yêu. Để cùng Mẹ con tạ ơn Thiên Chúa và cám ơn Mẹ đã cho con cơ hội, cơ hội để cùng Mẹ con mang Chúa đến cho người con gặp gỡ.

Mẹ thân mến! vậy là con đã kết thúc những ngày tháng của một thiện nguyện viên, kết thúc những ngày tháng trong bộ đồ bảo hộ. Hôm nay, trong không gian của ngôi nhà Foyer Cao Thái, trên sân thượng con ngồi và ngắm nhìn thành phố. Ngắm nhìn những dòng người thưa thớt đang trôi trên đường. Con nhớ lại những ngày tháng qua. Thời gian chỉ hai tháng thôi, không dài mà cũng chẳng ngắn nhưng nó đủ để cho con cảm nhận và sống. Mẹ biết không, hai tháng qua đã để lại trong con nhiều điều.

Đại dịch Corona là một thảm họa cho nhân loại, nhưng con luôn tin đó là công việc Chúa làm và là một điều huyền diệu. Đúng thật, Corona làm đảo điên tất cả mọi dự định, mọi công việc, mọi toan tính, mọi hứa hẹn…Tất cả đều ngưng lại, không còn chỗ cho những cuộc tụ tập huyên náo, hấp dẫn, nhưng có chỗ cho những hoạt động của tình yêu, hoạt động của con tim và lòng trắc ẩn. Con thầm nghĩ có bao giờ người ta dám xả thân đến nơi đây. Biết là nguy hiểm chỉ một chút, một chút của sơ sẩy thôi cũng phải trả một cái giá, nhẹ thì có thể bị nhiễm bệnh chữa trị rồi khỏi, nhưng nặng thì phải mất cả mạng sống. Ở trong bệnh viện ngoài những lúc làm việc, khi tan ca hay nghỉ ngơi đôi chút, con vẫn theo dõi tin tức. Con biết không chỉ trong này mà ngoài kia nhiều thật nhiều những anh chị em con vẫn đang xả thân cho việc chống dịch, người vật chất, kẻ tinh thần. Liều thân lặn lội vào mọi ngóc ngách của từng con hẻm, đường phố, bất chấp thời tiết nắng mưa thất thường, bất chấp ngay cả con virus đang cận kề bên mình, chỉ mong một điều là anh chị em mình được cứu chữa, cứu trợ, anh chị em mình không phải đói, không phải lao đao, lắng lo. Đó chẳng phải là huyền nhiệm sao?  Sức mạnh nào đã đánh thức, đã làm trỗi dậy con tim của một nhân loại tưởng chừng như hóa đá?  Một con tim chỉ còn biết đến hưởng thụ, đến bản thân, đến công việc. Một con tim quên mất anh chị em mình. Giờ đây con tim ấy đang nóng lên, đang rung cảm và quặn đau, đang xả thân và lặn lội đi đến bất kỳ nơi nào có tiếng khóc, có tiếng cầu cứu. Trong hoàn cảnh này người ta thường hỏi: Thiên Chúa ở đâu lúc này? Rằng Ngài có thấu cảm nỗi đau của nhân loại đang mang? Ngài có ở cùng hay Ngài vẫn ở trên cao?

Nhớ lại những ngày tháng trong bệnh viện dã chiến, con thấy tất cả là hồng ân. Hồng ân vì Thiên Chúa vẫn luôn gìn giữ, chở che cho con được bình an từ ngày đầu cho đến khi từ giã ra về. Từng ngày, từng giờ, từng phút nơi bệnh viện bên cạnh bệnh nhân, dù con phải mang bộ đồ bảo hộ kín như bưng, ngột ngạt trong chiếc khẩu trang nhiều giờ hay ướt sũng trong đôi găng tay. Nhưng thêm một lần nữa con lại tạ ơn Chúa vì dù có những khó khăn thật đó, con cũng phải bỏ sức để thích nghi thì cũng không bằng các anh chị em con đang nằm kia, người thoi thóp thở theo nhịp của máy, người gồng mình cố hít một chút ôxy cho lá phổi để duy trì sự sống. Con mang trên mình bộ đồ bảo hộ và di chuyển với những bước cũng khó khăn, thì cũng chẳng bằng các anh chị em con dây rợ chằng chịt và bất động. Bấy nhiêu thôi cũng cho con ý thức rằng từ nay con phải sống tâm tình tạ ơn nhiều hơn, ý nghĩa hơn, phải trân quý nhiều hơn những gì là ân ban.

Có nhiều kỷ niệm đã đi qua trong đời con và con sẽ không bao giờ quên những kỷ niệm của ngày tháng tình nguyện đẹp. Những kỷ niệm mà con như được hòa mình vào trong từng bước rong ruổi của Thầy Giêsu nơi từng giường bệnh, nơi mỗi bệnh nhân, nơi mỗi đường đi của bệnh viện, đút từng muỗng cháo, hộp sữa hay lau người, thay tã… Con quên đi mệt nhọc và ngại ngùng, chỉ còn biết một điều: Đây là chi thể của Chúa, là chính Chúa, con phục vụ những người nằm đây là con đang phục vụ chính Chúa. Con cảm thấy hân hoan và ấm lòng vì con chẳng là gì, nhưng Chúa đã dùng con như cánh tay nối dài của Chúa để đến với anh chị em con. Chúa đâu có bỏ chúng ta phải không mẹ? Chúa vẫn luôn đồng hành và ở cùng chúng ta, Chúa cũng đang đau nỗi đau của nhân loại. Mẹ biết không, mỗi bệnh nhân nơi đây là một lời nhắc nhở cho con và cả nhân loại này. Tiền bạc, danh vọng, và nhiều thứ vinh hoa cũng chẳng là gì, khi tử thần gõ cửa. Mỗi lần tiễn biệt một người ra đi là một lần đau. Tất cả mọi người từ bác sĩ, điều dưỡng đến các tình nguyện viên đều buồn. Con cảm nhận sâu xa sự bất lực của con người, dù có văn minh đến đâu, hiện đại đến đâu thì tất cả chúng ta đều cần một sức mạnh thực sự, một sức mạnh đưa đến sự sống thật, một sức mạnh giúp tất cả vượt qua.

Con nhớ khi mới bước chân vào bệnh viện này, con cũng hoang mang lắm, sợ hãi nữa. Những ngày đầu ở đây, con chỉ chăm chú vào chiếc đồng hồ, cứ một lúc con lại nhìn đồng hồ và hỏi sao lâu hết thời gian vậy? Có những lúc con cũng đã  tự hỏi mình. Tôi vào đây làm gì vậy? Rồi đến một ngày khi con được tiếp xúc với Chú M. Chú M vào bệnh viện trong tình trạng hôn mê tay chân đều bị trói ở bốn góc giường, hành trang của chú chẳng có gì, khi đến gần bên chú con nghe chú nói: khó thở…khó thở! thế là con gọi điều dưỡng đến. Họ xử lý một hồi thì chú lại thở được, rồi bất chợt con nhận ra ánh mắt chú đang muốn nói với con điều gì mà con không hiểu, rồi con mới tiến lại gần hỏi chú, chú có muốn uống nước không? Chú có cần gì không? Chú nói: Chú vào đây 5 ngày rồi mà không liên lạc được với ai, người nhà chú cũng không biết chú vào đây, con có thể cho chú mượn cây viết và tờ giấy để chú viết số điện thoại của con chú, rồi con liên lạc giúp chú với. Thế là từ đó con làm cầu nối giữa bệnh nhân và người thân luôn. Ai cần liên lạc hay chuyển đồ từ ngoài vào là con cho mượn điện thoại để gọi và chuyển đồ giúp họ. Qua việc này con nhận thấy được niềm vui cũng như một sự an ủi cuối đời của bệnh nhân, vì có thể đây là lần nói chuyện, lần gặp gỡ cuối cùng của bệnh nhân với gia đình họ. Rồi một ngày chú được chuyển lên lầu trên, lầu này ít tình nguyện viên hơn. Mẹ biết không, khi gặp con chú nói: Chú mong con hơn mong người thân của chú. Chú nói với con rằng, chú đã nằm trên ‘sản phẩm’ của chú gần một  ngày rồi nhưng không có người giúp thay. Đau phải không Mẹ? Nhưng cũng chính từ lúc này qua sự mong mỏi của chú, con như nhận ra, con không còn nhìn đồng hồ như những ngày qua nữa, con bắt đầu cho công việc của mình. Con cũng thưa với Chúa, con cần Chúa bên con lúc này. Vâng, con cần Chúa cùng đi với con. Có Chúa trong đời con kiên vững niềm tin. Có Chúa trong đời tình yêu vươn sức sống, vì bàn tay Chúa dẫn đưa. Có Chúa đến trong đời nhịp chân con tiến bước, vì con tin có Chúa ở bên luôn.

Những ngày tháng qua ở bệnh viện con cũng được chứng kiến hình ảnh của những con người với sức mạnh anh hùng. Đó chính là các Bác Sĩ – những thiên thần áo trắng. Các bác sĩ ở đây cũng vất vả lắm, họ cũng đã nỗ lực cố gắng, tận tâm, tận tụy chiến đấu như một chiến binh với tấm lòng y đức. Họ đã hy sinh rất nhiều, hy sinh bản thân, gia đình, sức khỏe… để cứu chữa người bệnh. Khuôn mặt họ hằn lên vết lằn của chiếc khẩu trang, đôi mắt thâm quầng với những đêm trực, bước chân họ cũng có những lúc chậm lại vì mỏi. Nhất là những bước đi với dáng buồn đau mỗi khi có bệnh nhân qua đời. Còn tất cả chúng con, những tình nguyện viên không chuyên môn nhưng cũng cố gắng với hết khả năng của mình, với ơn soi sáng để xứ trí và thích ứng trong những hoàn cảnh, mang niềm vui, sự bình an của Chúa đến cho những con người đang mệt mỏi bằng những lời hỏi thăm, động viên, bằng những cử chỉ của sự ân cần, cẩn thận, nhiệt tình, không quản ngại khó khăn.

Một chút tâm sự con gửi tới Mẹ. Tạ ơn Chúa trong tất cả mọi sự, tạ ơn Chúa vì dù trong những đau thương nhất của kiếp người, Chúa vẫn luôn đồng hành cùng nhân loại. Chúa cũng đang cùng đau với nhân loại, cùng chiến đấu với nhân loại và Chúa vẫn mãi yêu thương nhân loại, vì nhân loại là con của Người.

M.Cata, FMSR

About dongmancoichihoavn

Check Also

Mẹ Thiên Chúa

Mẹ sống mật thiết với Thiên Chúa và hài hoà với con người và với thiên nhiên.

Để lại một bình luận