Khoảng cách – Covid – không khoảng cách

KHOẢNG CÁCH – COVID – KHÔNG KHOẢNG CÁCH

N-CoV! Covid-19! Rồi lại Covid! Có thể nói, đây đang là chủ đề HOT, rất HOT. Đã hơn một năm trôi qua quê hương, đất nước, con người Việt Nam chúng ta sống dưới sức ảnh hưởng của Covid. Chính vì vậy mà bây giờ nhà nhà, người người nói chuyện Covid. Covid đã trở nên một điều không còn xa lạ với người dân Việt cũng như trên thế giới. Nó có mặt khắp nơi trong mọi ngõ ngách, không giới hạn phạm vi không gian, thời gian… nơi nào có sự xuất hiện của nó là nơi đó có sự tang thương, chết chóc lan tràn. Chính vì sức mạnh tàn khốc và hủy diệt mà nó mang trong mình nên người ta mới sợ hãi, hoang mang. Cả thế giới đã và đang quằn quại trong nỗi đau do Covid gây ra trong hơn một năm nay, đặc biệt là trong khoảng thời gian gần đây người dân Việt chúng ta đang gồng mình gánh những nỗi đau thương.

Thời xưa khi chiến tranh, người ta sợ quân địch, sợ bom đạn, sợ chết nên phải đào hầm đắp lũy để ẩn thân, để trốn mưa bom bão đạn. Ngày nay thời bình, chẳng có súng đạn bay, lại càng không có bom rơi, ấy vậy mà ngoài đường phố cũng vắng tanh, buồn thiu, tất cả như chìm vào trong giấc ngủ sâu không biết khi nào mới thức dậy… Chúng ta đang mang trên mình những vết thương, khắp nơi trên thân thể quê hương Việt Nam thân yêu là những nỗi đau, những vết trọng thương, những vết băng bó…tất cả đều đang cần được chữa lành.

Với tình trạng dịch bệnh ngày càng lây lan với tốc độ chóng mặt cùng với sức hủy diệt của nó thì nhiều vùng miền trên đất nước đang trong cảnh báo động được khoanh vùng để phân biệt trên bản đồ với những gam màu: đỏ, da cam,vàng, ngày càng nhiều cho thấy sự tàn khốc của loại virus này, ứng phó với tình hình này thông điệp 5K đã được đưa ra áp dụng để phòng chống dịch, trong đó có biện pháp khoảng cách. Vì sự an toàn của bản thân, của gia đình, của xã hội nên mọi người dân đang nỗ lực thực hiện các biện pháp: người người giãn cách, nhà nhà giãn cách. Để giữ khoảng cách nên người ta cũng chẳng dám bước chân ra ngoài, chẳng dám tiếp xúc với ai. Ai cũng lo cố thủ trong nhà, lo chuẩn bị cho mình đủ các tư trang bảo hộ, tìm mọi biện pháp để chống đỡ, trốn tránh trước cái chết do Covid gây ra. Vì giữ khoảng cách nên không có những cuộc tập trung: không đến trường, không hội họp, không làm việc, không Thánh Lễ… mọi sự chuyển sang hình thức online. Các cửa hàng ăn uống, các chợ bán hàng theo hình thức mang về, ship tận nhà… mọi sự chỉ được thu nhỏ lại trong khuôn viên mình đang sống. Các hoạt động đều bị hạn chế chỉ còn những lãnh vực cấp thiết mới hoạt động nhưng cũng trong sự canh chừng dè dặt. Cứ như vậy, con người dường như đóng cửa với các mối tương quan: hạn chế tương quan xã hội, không việc làm, không bạn bè, không sinh hoạt tôn giáo đạo cũng như đời…

Thực hiện giãn cách, giữ khoảng cách xem ra đang là biện pháp tốt nhất lúc này để giúp chúng ta bảo vệ mình và bảo vệ lẫn nhau… giữ khoảng cách có thể làm chúng ta thực sự xa nhau về địa lý nhưng phải chăng chúng ta lại thấy gần nhau, thấy không khoảng cách bởi sự chân thành, bởi con tim yêu thương.

Ca dao tục ngữ Việt Nam có câu: “Lá lành đùm lá rách” hay “Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

Trong bối cảnh đất nước chúng ta hiện nay đang gánh chịu đại dịch Covid với những thương vong về người và của. Tính đến nay (ngày 09/10/2021) cả nước đã có hơn 827.000 ca nhiễm Covid với con số tử vong là 20.223 người, họ đều là anh chị em, là bà con thân thuộc của chúng ta. Sài Gòn và một vài tỉnh thành khác đang mang trên mình những vết trọng thương, những nỗi đau về tinh thần, về con người, về vật chất… và trong nỗi tang thương, trong bóng tối ấy, chúng ta đã thấy bừng sáng lên tinh thần sống đã ăn sâu vào trong tâm khảm của người dân Việt đó là tinh thần yêu thương, sẻ chia, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều. N-CoV buộc chúng ta phải giữ khoảng cách xã hội, nhưng chúng ta lại thấy sáng lên hình ảnh không khoảng cách của những con tim đang đau đáu hướng về nhau. Không tường rào nào, không virus nào có thể ngăn nổi trái tim yêu của người dân Việt. Nó được thể hiện qua những nghĩa cử cao đẹp của những anh chị em đang  cùng đồng lòng chung tay góp sức để đẩy lui cơn đại dịch Covid này… vì chúng ta là con rồng cháu tiên, cùng chung một nguồn gốc nên chúng ta đau với nỗi đau của anh chị em mình, một nỗi đau chung.

Qủa thực, có những khoảng cách gần trong gang tấc vẫn như trăm ngàn dặm xa xôi, và ngược lại có những khoảng cách thật xa nhưng thật ra lại rất gần, lại là không khoảng cách. Trong cơn dịch bệnh này, chúng ta đã được thấy một địa cầu sống không khoảng cách qua sự dấn thân, hy sinh , phục vụ của các thiện nguyện viên đang chiến đấu ở tuyến đầu chống dịch, họ đã bỏ qua tất cả những rào cản của sự bất tiện, khó chịu; nhất là khi trời nóng bức mà lúc nào cũng phải mặc bộ đồ bảo hộ đến kín mít, thời gian làm việc tận suất, nhiều người phải thức trắng đêm để giành giật lại sự sống cho những người bệnh… cũng như những người hậu phương vững chắc đã gửi trao tình yêu qua những nghĩa cử cao đẹp: phiên chợ 0 đồng, nhà trọ 0 đồng, áo quan miễn phí, những bữa ăn miễn phí, hay những cây ATM gạo, ATM Oxy miễn phí… Và có cả những lời cầu nguyện, những lời khấn xin của hàng triệu  triệu người đang hướng về nỗi đau của người dân Việt…Với những nghĩa cử cao đẹp đó hỏi rằng còn có khoảng cách nào giữa chúng ta nữa không? Câu trả lời chắc hẳn mỗi người chúng ta đều nhận được qua những gì mình đã làm, đã thấy, đã cảm nghiệm bằng chính con tim đang rung nhịp yêu thương của mình.

Khoảng cách sẽ là số 0 nếu chúng ta xem nhau là tất cả. Những người đang đau khổ vì bệnh dịch kia chính là gia đình của tôi, là anh chị em tôi.

Rõ ràng, lúc này không có khoảng cách nào có thể ngăn nổi những con tim, những bước chân, những đôi tay của những thiện nguyện viên, thậm chí ngay cả cái chết. Nghĩ về cái chết có ai mà không sợ nhưng tình yêu đối với anh chị em mình còn lớn hơn, nên đứng trước nỗi đau, chứng kiến anh chị em mình đang thoi thóp giành giật từng phút sống, chẳng ai còn nghĩ đến bản thân mình nữa mà chỉ còn biết cho đi tất cả những gì mình có thể. Ở nơi đây, trong lúc này đây chúng ta không còn  thấy khoảng cách phân biệt nào, chẳng có khoảng cách giữa giàu nghèo, cũng chẳng có khoảng cách về trình độ văn hóa, cấp bậc hay tôn giáo mà lại thấy những hình ảnh nghĩa cử cao đẹp của tình yêu thương tương thân tương ái.

Và với người Ki-tô hữu chúng ta thì còn có một động lực siêu nhiên giúp chúng ta vượt thắng mọi rào cản, bất chấp cả những khó khăn, những nguy hiểm thậm chí là có thể chính bản thân mình cũng sẽ bị lây nhiễm, cũng có thể bị mất mạng…đó chính là Tình Yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta, là nỗ lực sống lời mời gọi của Chúa Giêsu: “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Thánh Augustinô cũng đã nói: “Hãy yêu đi rồi làm gì thì làm”. Vâng, tình yêu có thể vượt qua tất cả trở ngại, mấy núi cũng trèo mấy sông cũng lội, trong Đức Kitô tình yêu chúng ta dành cho anh em đồng loại chắc chắn mạnh mẽ hơn rất nhiều sức mạnh hủy diệt của Covid, nên không gì có thể ngăn cản trái tim và con người chúng ta hướng về nhau với những nghĩa cử cao đẹp trong tinh thần Đức Ái.

Ước mong mỗi trái tim con người chúng ta luôn đong đầy thật đầy tình yêu, để mỗi khi đứng trước những khó khăn, thử thách chúng ta lại thấy được những thước phim sống động của những trái tim không giới hạn, không khoảng cách với những nhịp đập có biên độ rộng lớn… nhờ đó cuộc sống của chúng ta luôn thấy đẹp bởi không gian sống không khoảng cách vì chúng ta có chung một nguồn gốc, một Cha trên trời. Và ước mong cơn đại dịch Covid  này cũng chóng qua để người dân trên khắp thế giới được trở về với cuộc sống an bình.

Cát Bụi, FMSR

About dongmancoichihoavn

Check Also

Khi nào tôi được thứ tha?

“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *