“Tận cùng của đường hầm không phải là bóng tối nhưng là ánh sáng. Tận cùng của màn đêm không phải là màn đêm nhưng là bình minh. Tận cùng của mùa đông không phải là mùa đông nhưng là mùa xuân. Tận cùng của cái chết không phải là cái chết nhưng là sự sống vĩnh hằng” (Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)
Đại dịch Covid – 19 giống như một con giao long khổng lồ quét qua và cuốn đi tất cả những gì trong tầm với. Hai năm rồi, đã hơn hai năm trôi qua nhưng cơn ác mộng của thế kỷ vẫn từng ngày, từng giờ bao trùm thế giới này. Không chống đỡ được sức tàn phá của nó, những nhà chức trách kêu gọi mọi người sống chung với dịch bệnh và gọi tên đời sống ấy là trạng thái “bình thường mới”. Nhưng dù cho có là “bình thường mới” hay là “bình thường mới hơn” đi nữa thì những hoang mang và khủng hoảng do virus Sars – CoV – 2 đem lại vẫn ngày một gia tăng, bởi vì tình hình không chỉ dừng lại ở đó. Biến chủng mới rồi lại một biến chủng mới ra đời, không có cách nào khống chế. Vắc – xin hay thuốc đặc trị cũng chỉ là chạy theo sau thời đại của Sars – CoV – 2. Tốc độ “cải tiến” của Sars – CoV – 2 có thể nói là nhanh đến chóng mặt. Nếu như từ trước đến nay, ngành công nghiệp có tốc độ thay đổi nhanh nhất chính là công nghệ số, mỗi năm sẽ phải cập nhật lại công nghệ, thì bây giờ, có thứ còn “phát triển” nhanh hơn cả công nghệ số. Thế giới với những trí thông minh nhân tạo ngỡ như đang phát triển đến cực đại nhưng thật ra là đã vỡ nát, vỡ nát hoàn toàn ….
Chìm trong quay cuồng không lối thoát của cơn đại dịch, có một đất nước nhỏ bé tên là Việt Nam. Đã từng được biểu dương trên diễn đàn thế giới bởi chiến lược chống dịch vững chắc, nay Con Rồng Cháu Tiên cũng đang “đồng lao cộng khổ” với các cường quốc khác. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt dịch này là Sài Gòn. Sau hơn ba tháng, với nhiều lần áp dụng dãn cách xã hội theo chỉ thị 16, mức độ ngày càng siết chặt, Sài Gòn gần như một “thành phố chết”, im lìm, thiếu sức sống, nhưng số lượng ca nhiễm vẫn không hề có mức độ hạ nhiệt. Lúc trước, nghe thông tin nơi này hay nơi kia trên thế giới có hàng ngàn người tử vong, cũng thật thương tâm, nhưng vẫn còn ở bên kia bầu trời, xa xôi lắm. Hôm nay, nghe ông hàng xóm, người bà con…. qua đời vì dịch bệnh, sao thật xót xa và đau lòng, vì đã gần, quá gần rồi…
Hiện diện trong bối cảnh đó, Nó hằng ngày đứng ngồi không yên, chờ thông báo cho tuần Tĩnh Tâm Năm của Viện Khấn Tạm. Sau một năm sứ vụ, Nó thực muốn gặp lại từng khuôn mặt thân thương của chị em trong Viện Khấn Tạm, cùng chung chia những niềm vui nỗi buồn, những kinh nghiệm trong hành trình sứ vụ, như tiếp thêm lửa cho hành trình sắp tới. Nhưng Nó cơ hồ cảm nhận được, không ổn. Thế mà Nó vẫn không nén được cảm giác tiếc nuối và mất mát khi nhận được Email thông báo về tuần Linh Thao online. Online nghĩa là “ai đang ở đâu ở yên đấy”. Online nghĩa là không được họp mặt với nhau. Online nghĩa là ….
Tối ngày 01/08, Chị Phụ Trách Viện Khấn Tạm nhờ Cha giảng phòng mở Zoom để thử máy, đảm bảo cho những ngày tiếp theo có thể diễn ra bình an. 19h30, hầu hết các chị em ở cộng đoàn đều đã vào được Zoom. Nhìn thấy những gương mặt thân quen, Nó thật có chút chạnh lòng. Các chị em lao nhao trao đổi trên không gian ảo, nhìn thấy nhưng không thể chạm vào, nghe được nhưng không thể cảm thấy. Nó vẫn yên lặng. “T. ơi sao không nói gì?” – Một chị cất giọng hỏi. Nó không có gì muốn hỏi ư? Nhiều lắm chứ! Nhưng căn bản là nếu Nó mở miệng cất tiếng nói thì chắc chắn hai hàng nước mắt sẽ lăn dài trên má. Cảm xúc lúc này không thể gọi tên …
Mái nhà Học viện đã từng là cả khoảng trời trong Nó. Ba năm cách xa nhưng Nó vẫn không ngừng nhớ đến và cầu nguyện cho Chị Phụ trách, các Chị giáo và từng chị từng em nơi ấy. Nó biết, bên cạnh Thiên Chúa thì đó chính là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất của nó. Sau một năm chân chùn gối mỏi, Nó thực cảm thấy hạnh phúc khi được chìm trong hơi ấm của Viện Khấn Tạm. Dù rằng sống bên nhau không phải lúc nào cũng đồng điệu, nhưng sự ngây thơ, trong sáng, thánh thiện và năng động của các chị em nơi đây đã xóa nhòa những khoảng cách khác biệt. Nó thật sự nhớ, rất nhớ…
Mang một tâm trạng phức tạp đi vào Tuần Linh Thao, Nó không bi quan, không chờ mong, cũng không vội đặt dấu chấm hết. Và đúng là, “trong mọi hoàn cảnh, Thiên Chúa luôn có giải pháp”. Đến lúc này, Nó thật sự thấm thía câu nói mà Chúa Giêsu rất thường lặp lại trong Tin Mừng, cách này hay cách khác: “Đừng sợ! Chỉ cần TIN thôi”. Có lẽ chưa một tuần Tĩnh Tâm Năm nào mà Nó cầu nguyện được sốt sắng như thế. Những năm trước, việc cầu nguyện cũng tốt, nhưng có những điểm, Nó không thể sử dụng được gợi ý của Cha giảng phòng, mà phải đi theo hướng khác. Nhưng năm nay, đặc biệt những gợi ý của Cha đánh sâu vào trong nội tâm Nó, khiến Nó thật dễ dàng đi vào Cầu nguyện. Đương nhiên, Nó biết, đó không đơn thuần chỉ là nhờ Cha giảng phòng, hay nhờ bản thân Nó, nhưng phần lớn chính là nhờ tác động của Thiên Chúa – Chúa Thánh Thần. Nó thầm tạ ơn Chúa vì đã cho Nó có cơ hội được Linh Thao trong một môi trường, dù đã quá quen thuộc nhưng lại vô cùng mới mẻ. Ở nơi đây, Nhà Nguyện có, vườn tược có, sân rộng có… quá lý tưởng để đưa tâm tình lên cùng Thiên Chúa và để Chúa thủ thỉ với Nó. Tám ngày Linh Thao qua đi đã cho Nó một trải nghiệm mới của đức tin. Rồi đây, khi kết thúc những ngày được ở lặng bên Chúa, quan chiêm tình yêu và sự quan phòng của Chúa, Nó sẽ tiếp tục ở một địa chỉ nào đó, Nó không biết, nhưng “xin Chúa cứ làm nơi con những gì Ngài muốn”, với một tình yêu mới, sức sống mới tràn ngập tâm hồn Nó.
Lạy Chúa, con đã nhận ra những an bài tuyệt vời của Chúa trên cuộc đời con. Dù có là đau thương, là mất mát hay là niềm vui, cũng đều là hồng ân của Chúa trao tặng cho con, để con có thêm hành trang cho những chuyến đi sứ vụ. Xin dâng lên Chúa các Chị Bề Trên của Hội Dòng, đang phải vất vả gồng gánh nặng nề một trách nhiệm quá lớn trước Cơn đại dịch Covid – 19. Xin dâng lên Chúa Cộng Đoàn nơi con đang phục vụ, với trái tim nhiệt huyết, các chị đã sẵn lòng hy sinh dành cho con một không gian ở lặng bên Chúa. Xin dâng lên Chúa thế giới hôm nay, đặc biệt là đất nước Việt Nam của chúng con, đang trải qua những chuỗi ngày tăm tối. Vì lòng thương xót vô biên, xin Chúa thứ tha tội lỗi cho nhân loại chúng con.
Chúa ơi! Con nhớ những ngày,
Quây quần sớm tối xum vầy chị em.
Chúa ơi! Con nhớ sớm hè,
Cầu kinh, nguyện ngắm, Misa đủ đầy.
Chúa ơi! Con nhớ trưa thu,
Vỗ về giấc ngủ bé thơ tựu trường.
Chúa ơi! Con nhớ chiều đông,
Giúp người đói khổ no lòng, chiếu manh.
Chúa ơi! Con nhớ đêm lành,
Bao giờ trở lại bình an thuở nào?
Dom. Hoài Thu, Fmsr