Bài học cuối cùng

“Lạy Chúa, đường nẻo Ngài xin dạy cho con biết,

Lối đi của Ngài xin hướng dẫn con” (Tv 25, 4).

Bài Tin Mừng: Ga13:1-17

Trước lễ Vượt Qua, Ðức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. Trong bữa ăn tối, ma quỷ đã gieo vào lòng Giuđa, con ông Simon Ítcariốt, ý định nộp Ðức Giêsu.  Ðức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, nên bấy giờ Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng.  Rồi Ðức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.  Vậy, Người đến chỗ ông Simon Phêrô, ông liền thưa với Người: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?”  Ðức Giêsu trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu”.  Ông Phêrô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!” Ðức Giêsu đáp: “Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy”.  Ông Simon Phêrô liền thưa: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa”.  Ðức Giêsu bảo ông: “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!” Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch”. Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Ðức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không?  Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì phúc cho anh em!

Suy niệm

Bữa Tiệc cuối cùng của Chúa Giê su với các Tông Đồ là một bữa tiệc của tình yêu. Cả bầu không khí thấm đẫm tình yêu. Từng lời nói, từng cử chỉ của Chúa Giê-su đều trang trọng và đậm đặc sứ điệp tình yêu làm cho phòng Tiệc ly hôm nay thật ấm cúng. Hai cử chỉ nổi bật trong bữa Tiệc ly là việc Chúa Giê-su lập Bí Tích Thánh Thể và rửa chân cho các Môn đệ.

Nhưng Tin Mừng Gio-an hôm nay không tường thuật việc lập Bí Tích Thánh Thể, tác giả chỉ tập trung vào việc rửa chân. Việc rửa chân được miêu tả rất tỉ mỉ, rành rọt, từng chi tiết, bằng lời văn trang trọng qua 7 cử chỉ của Chúa Giê su: “đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, lấy khăn mà thắt lưng, đổ nước vào chậu, rửa chân và lấy khăn thắt lưng mà lau.” Bảy cử chỉ cuối cùng này mang thật nhiều ý nghĩa nơi cung cách và tâm tình phục vụ của một Vị Thiên Chúa dành cho những kẻ thuộc về Ngài, những kẻ được Ngài yêu đến cùng.

Trong thinh lặng nội tâm, chúng ta được mời gọi đi vào phân tích, chiêm ngắm và cảm nếm tình yêu đến cùng của Thiên Chúa dành cho các Tông Đồ cũng như cho mỗi người chúng ta trong bữa Tiệc cuối cùng của Ngài trên trần gian: qua hành vi rửa chân với những cung cách thật độc đáo và sáng tạo.

Cung cách phục vụ của Giê su

Trước hết chúng ta thấy ngay hình ảnh phục vụ của một con người hết sức thận trong, chu đáo, tỉ mỉ: một hành vi tuy rất đỗi bình thường, một việc làm tầm thường của người đầy tớ, nhưng ở đây Chúa Giê su đã thực hiện một cách hết sức trang trọng và tận tâm: “đứng lên, rời bàn ăn, cởi áo, lấy khăn, đổ nước, rửa chân, lau chân”. Cung cách phục vụ của Ngài như đang cử hành một Bí Tích, có lẽ không phải vì để biểu diễn một vài chiêu xuất sắc, hay để thể hiện tài năng như bao diễn viên khác trên sân khấu cuộc đời hôm nay. Nhưng vì đây là những “kẻ thuộc về Ngài” và Ngài “yêu họ đến cùng”.

  • Phục vụ trong tự do và đầy sáng tạo

 Hành vi rửa chân của Chúa Giê su được thực hiện trong bữa ăn, một hành động như đi ngược với tập tục, truyền thống: Vì theo phong tục Do Thái thời đó thì người ta thường rửa chân khi bước vào nhà (x. Ga 19,21; Lc 7,44; 1Tm 5,10), trước lúc chuẩn bị ăn uống. Ở đây việc rửa chân diễn ra trong lúc ăn. Như thế đây không phải là dấu hiệu phục vụ khách, giúp khách rủa sạch bụi đường ngay trước bữa ăn, như thói quen thường làm của những người phục vụ. Nhưng đây là cử chỉ của một “tình yêu đến cùng” và trong tình yêu thì không chỉ là những hành vi lặp lại nhàm chán, nhưng đầy sáng tạo và luôn mới, luôn chuyển động: “đứng lên, rời bàn ăn”. Cung cách của Chúa Giê su luôn độc đáo, luôn khác biệt, nhưng không dị biệt, Ngài phục vụ trong hài hòa, uyển chuyển và tự do, không câu nệ, không nguyên tắc và cũng không tính toán.

  • Phục vụ trong sự thận trọng và thanh thoát.

Hình ảnh “cởi áo ngoài, thắt đai lưng” một việc làm hết sức thận trọng và tế nhị. Để phục vụ tha nhân cách hiệu quả ta cần bỏ đi những gì là cồng kềnh, là hình thức, là thành kiến, để đến với tha nhân “Ngài cởi áo ngoài ra và thắt lưng cho gọn”. Tôi không thể đến với tha nhân, không phục vụ được họ, gặp gỡ họ khi tôi mang theo bao nhiêu thứ cồng kềnh bên mình, những mối bận tâm riêng, những định kiến, quan điểm bảo thủ: “Anh em đừng mang theo bao bị, túi tiền, giày dép…”. Người môn đệ phải gọn nhẹ, thanh thoát và tự do mới có thể len lỏi vào những vùng ven của cuộc sống, mới đến được những vùng ngoại biên của phận người.

  • Phục vụ trong khiêm hạ và dấn thân

Trong bữa tiệc ly hôm nay, khi cởi áo ngoài và thắt đai lưng, Chúa Giê su mới có thể quỳ xuống để rửa chân cho các môn đệ. Rửa chân đòi Thầy phải cúi xuống rất sâu, phải trở thành người tôi tớ phục vụ. Rửa chân là điều mà tôi tớ không hẳn phải làm cho chủ, thì bây giờ Thầy làm cho trò. Chiêm ngắm hình ảnh một vì Thiên Chúa lại quý gối xuống trước mặt một con người tội lỗi để chăm sóc, để chữa lành và để yêu thương.

Lậy Chúa Giê su! Ngài là Đầu và là Thiên Chúa mà lại cúi xuống để chăm sóc cho con người tội lỗi của con bằng tất cả sự nâng niu, trân trọng và yêu mến. Cung cách phục vụ này đã thức tỉnh con phải nhìn lại thái độ phục vụ của mình: Đôi khi những công việc, những bổn phận rất quan trọng, cần thiết, được trao qua sứ vụ thì con lại thực hiện một cách hời hợt, qua loa, chiếu lệ ; thiếu thận trọng và thái độ thờ ơ, coi thường. Con chưa dám dứt khoát, đứng lên, ra khỏi chỗ đứng an toàn của mình mà phục vụ tha nhân, con chỉ có thể thi hành bổn phận và sứ vụ trong giờ hành chánh, lúc thuận tiện, hợp sở thích hay có lợi nhuận cho bản thân. Đôi khi có dấn thân phục vụ thì lại mang theo «nguyên hình» : những thứ cồng kềnh không cần thiết cho sứ vụ, những nguyên tắc thiển cận của bản thân và cả những phóng chiếu bất ổn tâm lý lên tha nhân…nên công việc phục vụ và tương quan tha nhân của con cứ mãi dở dang.

Lạy Chúa Kitô là Đấng khiêm nhường, qua nghi thức rửa chân hôm nay, Chúa đă phá vỡ những mô hình truyền thống, những nguyên tắc bảo thủ… Chúa đã đảo ngược các giá trị thuần túy của con người và mời gọi chúng con đi theo Người để xây dựng một thế giới mới, dựa trên tinh thần phục vụ mới theo phong cách Giê su : dấn thân và khiêm hạ.

  • Phục vụ đến cùng và vô vị lợi

«Đôi chân» của chúng ta ở vị trí thấp nhất, bẩn nhất, đi «ngang dọc mọi nơi”, mang nhiều dấu ấn và dấu vết cuộc đời nhất…. Vậy mà hôm nay, Chúa Giêsu đã cúi xuống sát gần bên để nâng nui, để tẩy rửa. Có thể nói, cũng như mầu nhiệm Thánh Thể, hành vi rửa chân muốn diễn tả tình yêu đến cùng của Đức Giêsu dành cho các môn đệ. Qua hành vi đổ nước và lấy khăn thắt lưng mà lau: «Đức Giê-su làm cho các môn đệ trở nên thanh sạch tận căn, làm cho chúng ta nên công chính tận căn, bằng chính ngôi vị của Ngài, bằng sự sống của Ngài, bằng máu của Ngài. »

Lạy Chúa ! Qua cử chỉ rửa chân hôm nay, con thấy Ngài đang nâng niu bàn chân nhân loại. Những bàn chân đã lầm đường lạc lối. Những bàn chân mang đầy thương tích. Những bàn chân cáu bẩn bụi trần. Người âu yếm kỳ cọ cho sạch mọi đau thương. Người nhẹ nhàng tẩy rửa mọi vết nhơ phản bội. Người dịu dàng phủi đi lớp bụi kiêu căng. Người lặng lẽ xoá đi những dấu vết mặc cảm. Người rửa sạch đôi chân để từ nay nhân loại có thể đứng thắng lên. Người uốn nắn đôi chân để từ nay con người biết đi vào đường nay nẻo chính. Lạy Chúa! Cái chết của Chúa trên thập giá là sự phục vụ cao nhất được diễn tả qua việc rửa chân, để rửa chân không còn là chuyện của hèn hạ, nhưng là mối phúc. Xin cho con luôn thấy Chúa vẫn cúi xuống trên đời từng người chúng con, để nhờ đó con can đảm cúi xuống trên cuộc đời những ai đau khổ, bất hạnh.

  • Phục vụ không phân biệt bạn thù, nhưng phục vụ vì một ngôi vị

Bài học cuối cùng nơi cung cách phục vụ của Chúa Giê su trong căn nhà tiệc ly hôm nay và cũng là đỉnh điểm của hành vi rửa chân mà Ngài nhắm đến là những «kẻ Ngài thuộc về Ngài» và Ngài «yêu họ đến cùng». Mọi công việc, mọi cử chỉ, mọi hành vi dấn thân không phải để đạt thành quả, nhắm hiệu năng, nhưng để phục vụ con người, phục vụ một ngôi vị. Nhóm 12 được Chúa rửa chân hôm nay không phải tất cả đều là bạn tốt, không phải ai cũng hiểu Thầy, nhưng Chúa Giêsu vẫn rửa chân cho mọi người và từng người. Ngài không rửa «bao đồng», cũng không làm mẫu trên một vài người rồi tự rửa cho nhau. Ngài tự làm lấy tất cả, thận trọng và trìu mến. Hành vi này giống như hành vi trao «bánh» cho các môn đệ trong trình thuật Nhất Lãm: «Trong đêm bị trao nộp, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ». Qua hành vi này, Ngài muốn chia sẻ chính ngôi vị của Ngài và những gì thuộc về Ngài, cho mỗi người và từng người cá vị, như Ngài đã nói với Phêrô: “Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy” (c. 8).

Lời tâm nguyện

Lạy Chúa Giê su! Bài học mà Ngài dạy chúng con trong bữa tiệc cuối cùng hôm nay qua hành vi quỳ gối trước mặt chúng con, cúi xuống tận chỗ sâu nhất, dơ bẩn nhất trong con người chúng con. Ngài đã làm điều đó cho chúng con, để hiểu thấu chiều sâu của kinh nghiệm con người chúng con, toàn bộ sự tồn tại của chúng con, tất cả những điều xấu xa trong con người chúng con, để đến gần chúng con và không bỏ rơi chúng con trong đau khổ, mặc cảm tội lỗi và cái chết; để tha thứ, để cứu chuộc và để yêu từng người chúng con. Tình yêu của Ngài đến gần với sự yếu đuối của chúng con; chạm đến chính những điều mà chúng con xấu hổ nhất, mặc cảm nhất. Tình yêu của Ngài đã nâng chúng con dậy và bảo vệ chúng con trong khung trời tình yêu của Ngài: «những kẻ thuộc về Ngài, Ngài yêu họ đến cùng».

Lạy Chúa ! Xin khắc ghi trong con “di chúc” tình yêu phục vụ này, để hành trình sứ vụ của con được tái diễn, được «cử hành» lại những hành vi, những tâm tình của Chúa trong bữa tiệc cộng đồng nhân loại của chúng con hôm nay. Để bàn tiệc cuộc sống của chúng con luôn tràn ngập niềm vui và bình an của những người thuộc về Chúa, được Chúa cứu chuộc và yêu thương. Amen!

Bosco Trần Sách, fmsr

About dongmancoichihoavn

Check Also

Vị trí của Đức Maria trong linh đạo Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi

Đức ái trọn hảo trong linh đạo Mân Côi phải là tình yêu vượt xa sự tính toán hơn thiệt...nó đến từ Thiên Chúa, là hoạt động của Chúa Thánh Thần...

Để lại một bình luận