Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 6
“Không ai có thể chối bỏ tầm quan trọng của gia đình trong đời sống Giáo Hội: gia đình là tế bào đầu tiên, là vườn ươm hạt giống Đức Tin, là viên đá thứ nhất xây dựng nên tòa nhà Giáo Hội. Công đồng Vat. II tuyên bố: “Ở mọi nơi và mọi lúc và nhất là ở những miền mà hạt giống Phúc Âm vừa được gieo vãi, hoặc ở những nơi Giáo Hội mới được thành lập, hay trong những nơi Giáo Hội đang gặp những trở ngại lớn lao, những gia đình Kitô giáo vẫn là chứng nhân quý giá nhất của Chúa Kitô đối với thế gian”. Vì gia đình là những chứng nhân quý giá nhất của Chúa Kito nên gia đình công giáo trên toàn thế giới cần phải sống yêu thương vô vị lợi và thánh thiện trong đời sống hằng ngày như ý mà Đức Thánh Cha Phanxico hướng Giáo Hội cầu nguyện trong tháng 6 này.
Vậy gia đình cần yêu thương vô vị lợi như thế nào?
Trở về với những ngày xa xưa, chúng ta sẽ bắt gặp hình ảnh một gia đình đầm ấm yêu thương nhau trong nếp sống đơn sơ và bình dị. Mọi thành viên trong gia đình yêu thương nhau cách chân thành và vô vị lợi. Thế nhưng, thực tế của các gia đình ngày nay kể cả gia đình công giáo, đã không còn những hình ảnh tuyệt vời của ngày xưa mà thay vào đó là hình ảnh anh chị em tranh giành tài sản, con cái đối xử với cha mẹ như người giúp việc, hay người cùng một gia đình chẳng nhìn mặt nhau chỉ vì chút tư lợi của miếng cơm áo gạo tiền. Vì những lý do các mối tương quan trong gia đình bị xuống cấp nên các gia đình cần bắt đầu lại để tái khám phá cách sống yêu thương vô vị lợi cụ thể như sau:
Thứ nhất, gia đình cần dành thời gian chonhau.
Dành thời gian cho nhau là điều thật khó đối với các gia đình của thời đại hôm nay. Vì mỗi thành viên trong gia đình đều có bên cạnh chiếc điện thoại và thế là mỗi người có một thế giới riêng của mình, bữa cơm của gia đình không còn là lúc mọi người quây quần kể cho nhau nghe mọi chuyện vui buồn của đời sống. Mỗi gia đình cần lấy lại niềm vui của bữa cơm gia đình, mỗi người dành thời gian cho nhau bằng cách tạm gác thế giới của chiếc điện thoại, để đối thoại, trao đổi, để chia vui sẻ buồn với mọi thành viên trong gia đình. Nhờ đó, mọi thành viên trong gia đình sẽ hiểu nhau hơn và gắn bó cùng nhau hơn. Không chỉ dành thời gian cho nhau trong bữa cơm, mà mọi thành viên có thể dành cho nhau thời gian khi cùng nhau chia sẻ mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình, như cha mẹ dành thời gian hướng dẫn con học tập, con cái phụ giúp cha mẹ công việc nhà hay gánh vác gắng nặng của kinh tế gia đình bằng cách cố gắng học hành và không đua đòi với bạn bè. Riêng đối với tương quan vợ chồng, chồng nên nhìn thấy những công việc chất như núi của người vợ để làm cùng, ngược lại vợ cũng nên thấy những nhu cầu của một người chồng cần được đáp ứng như tương quan bạn bè, sự thành đạt bên ngoài. Hơn thế nữa, gia đình dành thời gian cho nhau qua buổi kinh tối với nhau. Vì Chúa Giêsu đã phán: “Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy.” có sự hiện diện của Chúa nơi gia đình thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua, mọi mâu thuẫn được giải quyết và nguồn bình an lại cư ngụ giữa gia đình. Khi dành thời gian cho nhau mỗi người sẽ lắng nghe được nhau, sự lắng nghe không hời hợi bên ngoài nhưng sự lắng nghe của con tim và nhiều con tim cùng hòa lên nhịp đập của sự cảm thông. Dành thời gian cho nhau là lúc gia đình đang dành cho nhau tình yêu vô vị lợi và tình yêu đó còn được thể hiện qua việc kiên nhẫn với nhau.
Thứ hai, kiên nhẫn với nhau
“Truyện kể: Một Hoàng đế Trung Hoa đi thăm đất nước và con dân của mình. Màn đêm buông xuống bắt buộc ông phải trú ẩn tại một nhà nông dân. Trong gia đình có 20 người. Tất cả sống chung trong hòa thuận và thương yêu nhau. Vua ngạc nhiên hỏi: Xin cho trẫm biết các ngươi làm cách nào mà giữ được hòa khí với số đông người và khác biệt nhau như vậy? Chủ gia đình điềm tĩnh trả lời: Kiên nhẫn, kiên nhẫn và kiên nhẫn.”
Không ai trên đời là thập toàn và không một gia đình nào lại không có lúc to tiếng với nhau, nên gia đình cần có sự kiên nhẫn. Cha mẹ cần kiên nhẫn trong cách giáo dục con cái để thấy được ưu – khuyết nơi con từ đó giáo dục con trên nền tảng chính bản thân con, không áp đặt và đưa ra khuôn mẫu để tạo nên đứa con theo mẫu mà cha mẹ đúc thành. Mặt khác, cha mẹ kiên nhẫn để lắng nghe con, trong nội tâm của một đứa trẻ là một thế giới huyền bí, khi người lớn kiên nhẫn lắng nghe, người lớn sẽ khám phá được những tư tưởng mới mà có khi người lớn cần học hỏi nơi chúng. Trong tương quan vợ chồng thì càng phải kiên nhẫn với nhau, khi sống chung cùng nhau sẽ dễ dàng thấy những tật xấu của nhau, cuộc sống khó khăn mệt mỏi càng làm cho đời sống vợ chồng gặp nhiều áp lực, nhưng nếu kiên nhẫn nói với nhau về tật xấu của mình, kiên nhẫn mở lòng ra để đối thoại với nhau chắc chắn mọi khó khăn sẽ sớm vượt qua vì sau cơn mưa thì trời lại bừng sáng.
Trong ý cầu nguyện tháng 6 này, Đức Thánh Cha còn mời gọi gia đình cần thánh thiện trong đời sống.
Có hai thứ trên đời mà không ai tự chọn cho bản thân mình được, đó là chọn mẹ để mình được sinh ra và chọn bào thai để cưu mang, thế nhưng hai người đó lại gặp nhau và trở nên một gia đình. Từ đó giúp chúng ta xác tín rằng, mỗi gia đình đều nằm trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Vì thế, gia đình cần xây dựng sự thánh thiện dựa trên khuôn mẫu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Gia đình là một trong những minh chứng và thể hiện rõ nhất về tình yêu hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa. “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm của hiệp thông tình yêu, và gia đình là phản ảnh sống động của mầu nhiệm hiệp thông ấy”(ĐGH Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia, số 11) Và “Để đời sống gia đình có thể trở chứng nhân cho tình yêu Chúa thì trên hết và trước hết vợ chồng phải đặt tình yêu tình yêu hiệp thông Ba ngôi làm trung tâm điểm của đời sống hôn nhân và gia đình của mình. Sự hiệp nhất trong tình yêu Ba ngôi chính là nguồn gốc, cơ sở và gương mẫu cho sự kết hợp giữa người nam và người nữ trong hôn nhân. Vì vậy, vợ chồng được kêu gọi là hình ảnh và trở nên giống tình yêu trút bỏ mình hoàn toàn và trao thân trọn vẹn cho nhau như Ba ngôi Thiên Chúa.”
Ba Ngôi luôn yêu thương nhau và hỗ trợ cho nhau trong công cuộc sáng tạo – cứu chuộc và thánh hóa. Gia đình cần nhìn vào mẫu gương của tình yêu Ba Ngôi để biết yêu thương nhau và sống thánh thiện trong bậc sống của mình. Bên cạnh việc noi gương tình yêu của Ba Ngôi, để xây dựng sự thánh thiên trong đời sống gia đình thì mỗi gia đình cần hướng đến một Giáo Hội hiệp hành khởi đi từ việc xây dựng sự hiệp hành ngay trong mỗi gia đình, “mọi thành viên cùng đi với nhau, và cùng nhau nên thánh theo mẫu gương Thánh gia, một gia đình sống tinh thần hiệp hành trọn vẹn, với cả 3 chiều kích: hiệp thông, tham gia và sứ vụ.”
Sự hiệp thông với Thiên Chúa được thể hiện khi mọi thành viên trong gia đình cùng nhau đi tham dự thánh lễ, hay hiệp thông trong lời cầu nguyện của buổi kinh tối, cha mẹ cầu nguyện cho con cái và ngược lại con cái cầu nguyện cho gia đình. Các thành viên trong gia đình cùng tham gia mọi sinh hoạt của gia đình như cùng chia sẻ gánh nặng gia đình, cùng giải quyết mọi vấn đề khó khăn của nhau. Theo hướng mục vụ hiệp hành thì gia đình còn cộng tác vào sứ vụ mà Thiên Chúa trao phó đó chính là làm chứng cho Chúa giữa đời, gia đình chỉ cần sống yêu thương, chu toàn bổn phận là một người kito hữu thì gia đình đang cộng tác vào sứ vụ.
Ban TĐTG