Cộng đoàn tự huấn luyện

TÂM THƯ THÁNG 06-2022

CỘNG ĐOÀN TỰ LUYỆN

 Ngày nay, trong các hội dòng người ta nói nhiều đến việc tự luyện. Tự luyện là tự mình đảm nhận trách nhiệm huấn luyện bản thân, là khám phá con người mình với những ưu khuyết điểm nhằm phát huy hoặc rèn luyện để ngày càng nên hoàn thiện hơn. Tự luyện còn là làm cho mình có những điều kiện để Chúa Thánh Thần đổi mới nhân cách và tâm can được nên giống Chúa Giêsu hơn. Bên cạnh việc tự luyện cá nhân, người ta cũng lưu ý đến việc tự luyện của cộng đoàn, nghĩa là cả cộng đoàn cùng huấn luyện nhau, cùng làm thăng tiến đời sống của nhau, cùng nhau lớn lên về mọi phương diện, có khả năng tự điều chỉnh và hoàn thiện cộng đoàn của mình.

Văn kiện Những Chỉ Dẫn Về Việc Huấn Luyện khẳng định rằng: “Đời sống cộng đoàn giữ một vai trò ưu tiên trong việc huấn luyện, ở bất cứ giai đoạn nào. Việc huấn luyện tùy thuộc phần lớn vào phẩm chất của cộng đoàn. Phẩm chất này là kết quả của bầu khí sống chung và nếp sống của các phần tử trong cộng đoàn đó, phù hợp với đặc tính riêng và tinh thần của Hội Dòng”[1]. Với vai trò này, cộng đoàn là nơi rất thực tế và ưu tiên cho việc huấn luyện. Việc tổ chức nếp sống cộng đoàn có thể là những phương thế giúp cho cộng đoàn thực hiện vai trò tự luyện. Thí dụ:

  1. Soạn thảo kế hoạch cộng đoàn: Cùng nhau nói lên những ước muốn và quyết tâm của các thành viên về việc thực hành chương trình sống của cộng đoàn xuyên qua các các khía cạnh của đời thánh hiến.
  2. Giờ phụng vụ, kinh nguyện: Các giờ thiêng liêng nối kết mọi thành viên trong cộng đoàn chung quanh Đức Kitô, làm nẩy sinh sự gắn bó, hiệp nhất với nhau.
  3. Học hỏi, suy tư: Cùng nhau học hỏi, suy tư về một chủ đề, một sự kiện hay một vấn đề được cộng đoàn quan tâm để canh tân đời sống và mở rộng tri thức.
  4. Lao động: Cùng nhau làm việc nhằm phục vụ cho nhu cầu của cộng đoàn hoặc của sứ vụ. Lao động là cách diễn tả tình yêu thương và tình liên đới trong cộng đoàn.
  5. Lượng giá, chia sẻ: Cộng đoàn cùng ngồi lại với nhau để nhận định, phân tích về một chủ đề, một sự việc, một quan điểm hay lối sống chung của cộng đoàn để giúp nhau tiến bộ và sống hạnh phúc hơn. Cộng đoàn cùng lắng nghe nhau để phân định ý Chúa và lựa chọn điều tốt nhất.
  6. Bữa ăn cộng đoàn: bữa cơm không chỉ là cung cấp năng lượng cho cơ thể, nhưng còn là thời gian sum vầy đầm ấm, gắn kết tình chị em, chia sẻ những hoa quả lao động của chị em và là lúc thể hiện sự quan tâm đến nhau.
  7. Các giờ giải trí, chơi chung: Giúp cho cộng đoàn có không gian nghỉ ngơi, thư giãn thoải mải, vui vẻ, tạo tiền đề cho tinh thần học hỏi, kỹ năng sống, phát huy khả năng, nuôi dưỡng tình chị em thân thiện, rèn luyện đức tính và nhân cách…

Nói chung, có nhiều cách thế giúp cho cộng đoàn tăng trưởng về mọi khía cạnh đời sống. Nếp sống chung là môi trường huấn luyện tốt cho sự trưởng thành nhân cách làm người và làm tu sĩ. Khi cộng đoàn hòa hợp và có nhiều gương sáng, thì đó là một sự trợ giúp tuyệt vời cho mỗi cá nhân. Khi gặp những khó khăn vượt sức bản thân thì tình thương và sự hỗ trợ của cộng đoàn là một chiếc phao kỳ diệu nâng đỡ chị em vượt qua. Thánh Phaolô đã từng khuyến khích: “Chúng ta hãy quan tâm đến nhau, khích lệ nhau trong yêu thương và những việc thiện” (Dt 10, 24). Nếu mọi thành viên trong cộng đoàn đều vun trồng tinh thần này, thì tình thương và sự quan tâm sẽ tu chỉnh đời sống của nhau một cách tuyệt vời. Vì thế, để trở thành một cộng đoàn tự luyện thánh Phaolô khuyên“chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt. Chúng ta đừng bỏ các buổi họp; trái lại phải khuyến khích nhau, nhất là khi thấy Ngày Chúa đã đến gần” (Dt 10, 24-25). Trong tinh thần này, cộng đoàn sẽ là nơi giúp nhau được “lớn lên về mọi phương diện, vươn tới tầm vóc viên mãn là Đức Kitô(Ep 4, 15).

Trong thánh lễ ngày Quốc tế Đời Sống Thánh Hiến 02-02-2015, Đức Thánh Cha Phanxicô nói đến một đời sống tu chân chính thì phải có một công tác thường nhật là huấn luyện liên tục, phải có bầu khí thường huấn trong cộng đoàn. Nếu không có việc này, người tu sĩ sẽ đi xuống, bởi vì việc huấn luyện chỉ chấm dứt với cái chết của người tu sĩ.

Thiên Chúa, tác nhân huấn luyện đầu tiên, Người thường dùng các trung gian nhân loại để đào luyện chúng ta. “Trong công cuộc huấn luyện này, Người sử dụng những khí cụ nhân loại, đặt những người trưởng thành hơn đồng hành với những ai Người kêu gọi.”[2] Có rất nhiều trung gian nhân loại như thế trong Giáo Hội và trong Hội Dòng, như Bề trên, các vị hữu trách, các chị đồng hành và cả chị em nữa. Giáo luật thường gọi chung là “những khí cụ qua đó Thiên Chúa làm việc”[3] . Điều chúng ta cần xác tín là Thiên Chúa đang chăm sóc từng người chúng ta qua các trung gian là chị em trong cộng đoàn, vì chính trong cộng đoàn mà chúng ta sống, hành động và lớn lên trong ơn gọi thánh hiến cũng như trong sứ vụ.

Huấn thị Đời Sống Huynh Đệ Trong Cộng Đoàn số 24 nói rằng: “Ngay từ đầu, nhất thiết phải chuẩn bị để mình không phải là khách bàng quan của cộng đoàn, nhưng trên hết, phải là những người xây dựng cộng đoàn; những người có trách nhiệm đối với sự thăng tiến của cộng đoàn; những người cởi mở và có khả năng lãnh nhận hồng ân của người khác; những người có thể giúp đỡ và được giúp đỡ; những người có thể thay thế và có thể được thay thế”. Cộng đoàn là nơi hiệp thông chia sẻ và liên đới với nhau, nên mọi thành viên cũng được huấn luyện để từng bước có thể thay nhau đảm nhận những trách nhiệm xây dựng tương lai của cộng đoàn và Hội Dòng. Đây cũng là hướng huấn luyện tích cực để chị em được lớn lên trong tình liên đới và trong trách nhiệm chung.

Khi nói đến tình liên đới, Thánh Phaolô đã dùng một hình ảnh phong phú và cụ thể, đó là cấu trúc của thân thể: “Chúng ta liên đới với nhau như những bộ phận của một thân thể” (Rm 13,5). Mỗi bộ phận cơ thể có chức năng riêng, nhưng đều liên quan đến nhau và có ảnh hưởng trên toàn thân thể (x. 1Cor 12). Liên đới, một chiều kích sâu thẳm của đời sống huynh đệ cộng đoàn, nó bao hàm sự hiệp nhất, tương quan, cảm thông và có trách nhiệm với nhau. Tuy nhiên, liên đới cũng là sự tương tác, ảnh hưởng đến nhau cả điều tích cực lẫn tiêu cực, nên chỉ khi vượt qua được những tiêu cực, mà việc tự luyện trở nên có ý nghĩa và tuyệt vời hơn. Nhìn vào lịch sử Giáo Hội, có biết bao vị thánh và các danh nhân đã lớn lên trong hoàn cảnh không mấy thuận lợi.

Chúng ta vẫn biết rằng trong cộng đoàn, mỗi người là một ngôi vị riêng biệt, độc đáo; mỗi người là một thực thể độc nhất vô nhị, nhưng mỗi người lại không thể sống cô độc, không thể một mình trên một ốc đảo. Người này cần đến người kia để được lớn lên. Cộng đoàn, nơi chung sống của những con người có tương quan, có ảnh hưởng đến nhau cả điều tốt lẫn điều xấu, cả những nét đẹp lẫn lầm lỗi, những yêu thương và ghen ghét… Cộng đoàn luôn có niềm vui và nỗi buồn, có quảng đại và ích kỷ, có tha thứ và chấp nhất… Đó là thực tại của cộng đoàn. Vì thế, cộng đoàn, với những bài học đầy gương sáng và những kinh nghiệm trầy da thấm thía, sẽ trở thành trường dạy nên thánh, thành nơi đào luyện đầy thú vị mà chúng ta khó tìm được trong sách vở hoặc nơi nào khác. Bởi vì chính nơi cộng đoàn mà các giới hạn của mỗi người được lộ ra và chính trong cộng đoàn mà chúng ta biết mình, biết nhau, đồng thời cũng biết thông cảm và tha thứ cho nhau.

Trong đời sống cộng đoàn, không phải chỉ mỗi chị em có trách nhiệm tự luyện bản thân mình mà cả cộng đoàn đều góp phần vào việc huấn luyện nhau, giúp nhau thăng tiến qua tương quan, qua tình liên đới, nhất là bằng tình yêu thương và sự tế nhị khi đối xử với nhau. Khi cộng đoàn trở thành mái ấm yêu thương và bình an;  khi cộng đoàn đã là chốn an vui, thì dù có đi đâu, làm gì, tâm hồn chị em vẫn luôn hướng về. Đó là dấu chỉ của một cộng đoàn trưởng thành, có khả năng tự luyện, đang tăng trưởng và là cộng đoàn phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Cộng đoàn không đơn thuần là một nhóm người cùng chung sống và làm việc, nhưng còn là dòng chảy của sự sống: một trái tim, một tâm hồn và một tinh thần hướng đến sự hoàn thiện.

Kính thưa toàn thể gia đình Hội Dòng rất thân mến,

Trong cuộc sống, chúng ta cần nhiều thứ, nhưng nhu cầu thiết yếu nhất vẫn là “người khác”. Chúng ta đi theo Chúa nhưng không theo Chúa một mình. Chúng ta có chị em cùng đồng hành bên nhau trong một Đặc sủng và Linh đạo của Hội Dòng. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Người tu sĩ không thể lớn lên trong đời sống thánh hiến và không biết tự luyện bản thân nếu không có người khác bên cạnh mình. Các tu sĩ phải luôn tìm cách để bước đi trong hành trình đời tu với một người bạn đồng hành lớn tuổi hơn, nhiều kinh nghiệm hơn và đây là điều cần thiết để chống đỡ đời tu, đừng ai bước đi trong đơn độc lẻ loi. Bạn đồng hành cũng như người được đồng hành cũng cần phải xin ơn để biết lắng nghe, biết đồng hành”.

Xin Chúa ban cho chúng ta một tâm hồn biết tự luyện bản thân và thành tâm đón nhận sự huấn luyện của cộng đoàn, của Hội Dòng, để càng ngày chúng ta càng gắn bó hơn với thân thể của Dòng. Xin Mẹ Maria giúp chúng ta có một kinh nghiệm về vẻ đẹp và niềm vui trong ơn gọi Chúa ban cho mỗi người khi sống đời cộng đoàn. Từ đó, chúng ta biết chia sẻ như một chứng tá và đón nhận như một hồng ân Thiên Chúa ban tặng qua trung gian của cộng đoàn.

Thân mến trong Chúa Kitô và Mẹ Maria Mân Côi

Rose Vũ Loan, FMSR

[1] HL 26; x. HLD 43.4

[2] TH 66

[3] GL 104

About dongmancoichihoavn

Check Also

Vị trí của Đức Maria trong linh đạo Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi

Đức ái trọn hảo trong linh đạo Mân Côi phải là tình yêu vượt xa sự tính toán hơn thiệt...nó đến từ Thiên Chúa, là hoạt động của Chúa Thánh Thần...

Để lại một bình luận