TÂM THƯ THÁNG 07-2022
PHẢI QUYẾT MỘT LÒNG TU THÂN LUYỆN ĐỨC (GSD I, 326)
Trong cuộc sống hôm nay, việc tu dưỡng đạo đức và rèn luyện khả năng đối với người sống đời thánh hiến dường như đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ, vì xã hội càng phát triển về kinh tế và khoa học kỹ thuật thì các chuẩn mực đạo đức cũng như những nét đẹp truyền thống càng xuống dốc. Hơn nữa, việc thi hành sứ vụ ngày càng đòi hỏi người tu sĩ một mặt phải là chứng nhân tỏa sáng khuôn mặt thánh thiện của Thiên Chúa, một mặt phải đủ khả năng đáp ứng những đòi hỏi của con người. Vì thế, nếu chúng ta thiếu quan tâm và thiếu tích cực trong việc tu thân luyện đức; nếu chúng ta không đủ tiêu chuẩn tâm linh, đạo đức, tinh thần và kỹ năng phục vụ, chúng ta dễ dàng bị loại bỏ hoặc không còn đủ khả năng thi hành những công việc mà sứ vụ đòi hỏi. Điều này cho thấy việc kiên trì tu luyện là nhân tố quan trọng để tăng trưởng trong ơn gọi và để thi hành sứ vụ tông đồ có hiệu quả.
Lịch sử loài người cho thấy ở bất cứ một triều đại, một tập thể, một tổ chức hay một dòng tu nào cũng phải kết thúc sự tồn tại của mình khi có những dấu hiệu xuống dốc về mặt luân lý đạo đức mà không khắc phục được. Cuộc sống mỗi cá nhân hay tập thể cũng thường đi theo một định luật ấy. Khi cuộc sống thiếu phẩm chất, thì sự hiện diện của chúng ta có khi chỉ là một sự rắc rối, phiền toái vì không thể đem lại ích lợi cho ai. Cuộc sống mỗi cá nhân hay mỗi tập thể đều pha trộn những điều hay điều dở; ở đâu cũng có cái xấu cái tốt. Nhưng tất cả đều có thể thay đổi, và sự thay đổi tùy thuộc vào sự tự giác cũng như khả năng rèn luyện của mỗi người hay mỗi tập thể. Vì thế, vấn đề quan trọng là biết nhận thức về bản thân và biết tu luyện mỗi ngày để có thể khắc phục những yếu kém, đồng thời phát huy những điều xứng hợp. Đó chính là sự “tu thân”, một việc mà ai cũng cần làm để trở nên con người hữu ích.
Đức Cha Tổ Phụ, khi nói về những dấu chỉ có ơn kêu gọi thật, đã nêu lên một trong những dấu chỉ ấy là “phải quyết một lòng tu thân luyện đức”. “Tu thân” là sửa mình, là tu dưỡng bản thân, luyện tập để ngày càng trở nên hoàn hảo. “Luyện đức” là rèn luyện các đức tính để thấm nhuần và thực hành trong cuộc sống. Tu thân luyện đức đơn giản là chỉnh sửa lối sống, là hoàn thiện nhân cách, là tập luyện những khả năng cho phù hợp với lý tưởng mình theo đuổi. Để có những tiêu chuẩn phù hợp, chúng ta cần biết rõ những giá trị mình đang theo đuổi và thích ứng với mọi thay đổi để đạt được mục đích quan trọng. Điều 3 trong Quy chế Huấn luyện của Dòng nêu rõ các chiều kích huấn luyện mà một nữ tu Mân Côi phải được huấn luyện từ khi bước chân vào nhà dòng. Sáu chiều kích: nhân bản, thiêng liêng, ơn gọi, tri thức, cộng đoàn và mục vụ tông đồ là những yếu tố giúp chị em được phát triển toàn diện và cân đối. Sự liên kết chặt chẽ và bổ túc cho nhau giữa các chiều kích huấn luyện sẽ giúp người nữ tu Mân Côi đạt được sự quân bình trong đời sống về các lãnh vực tâm linh, tâm cảm, lý trí, ý chí và thể lý, là những yếu tố giúp sống ơn gọi cách sung mãn và thi hành sứ vụ cách hiệu quả.
Trong việc huấn luyện, mặc dù trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, nhưng cơ bản vẫn là trở nên một nữ tu như Chúa và Giáo Hội mong đợi. Việc tu tâm, luyện tính là điều ai cũng đã bắt đầu, nhưng huấn luyện thế nào và thay đổi được tới đâu, thì mỗi người có thể khác nhau. Tất cả chúng ta đều đã đón nhận sự huấn luyện chung của Hội Dòng, nhưng mức độ kiên trì và sự tích cực trong việc tự luyện của mỗi cá nhân sẽ định hình cho sự hoàn thiện của mỗi người. Vì thế, để đi trên hành trình “hoàn thiện như Cha ở trên trời”, mỗi chị em cần soi mình trong Lời Chúa và theo những chỉ dẫn của Giáo Hội cũng như Luật Dòng để tự giác, đề ra mục tiêu, tích cực học tập và tu tâm dưỡng tính. Đây phải là quá trình tu luyện thường xuyên và suốt đời thì mới mong đạt đến thành công. Đức Cha Tổ Phụ dạy rằng: “Sự trọn lành chẳng phải là một ngày, đó là một việc làm trọn đời. Người ta bước đi từng bước, người ta tấn tới một cách không xem thấy” (GSD I, 428).
Việc tu luyện bản thân phát xuất từ nhu cầu hoàn thiện của mỗi người, nhưng nhu cầu này cũng cần được thống nhất với các hoạt động sứ vụ, bởi vì chúng ta có trách nhiệm giáo dục và làm gương sáng về những phẩm chất đạo đức cho những người chúng ta phục vụ. Thánh Phaolô dạy rằng:“Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt nếu không sờn lòng. Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin” (Gl 6,9). Việc giữ gìn và phát huy những đức tính không chỉ cần thiết đối với bản thân chúng ta, nhưng còn cần thiết đối với mọi người mà chúng ta gặp gỡ, tiếp xúc hằng ngày, vì con người ngày nay được thuyết phục bởi gương sáng hơn là những lời dạy suông. Thánh Phaolô dạy phải luôn để ý thực hành các nhân đức đã luyện tập: “Những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực, tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen thì xin anh em hãy để ý” (Pl 4, 8).
Khi tu thân luyện đức chúng ta luôn cần đến sự trợ giúp của ân sủng Chúa, vì có những phẩm chất thuộc lãnh vực nhân bản, năng khiếu, tri thức, chúng ta có thể cố gắng được, nhưng cũng có những nhân đức như căn nguyên và động lực giúp chúng ta hành động như người con cái của Chúa, thì chúng ta cần đến sức mạnh của ơn thánh như Sách Giáo Lý Công Giáo số 2340 dạy: “Ai muốn trung thành với những lời hứa khi được rửa tội và chống lại các cơn cám dỗ, phải dùng những phương thế sau: Phải biết mình, khổ chế tuỳ theo hoàn cảnh, tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa, thực hành các đức tính luân lý và chuyên cần cầu nguyện”. Khi cầu nguyện, chúng ta được ân sủng Chúa nâng đỡ và soi sáng giúp chúng ta biết được ý Chúa trong việc canh tân bản thân để vươn lên mỗi ngày. Vì“ơn cứu độ của Đức Kitô đem lại cho chúng ta ân sủng cần thiết để kiên trì trong việc tìm kiếm và thực hành các nhân đức” (GLCG số 1811).
Kính thưa toàn thể chị em quý mến,
Việc tu luyện bản thân để trở nên con người thành toàn là một việc rất quan trọng và không thể tách rời khỏi cuộc sống chúng ta, vì cuộc sống là một tiến trình phát triển không ngừng trong mọi lãnh vực, là một sự chuyển hóa từ những gì chưa tốt sang những gì tốt hơn. Những chiều kích huấn luyện mà Hội Dòng đòi hỏi là những phẩm chất tốt đẹp mà chúng ta phải tu dưỡng, rèn luyện suốt đời cho phù hợp với ơn gọi thánh hiến. Những phẩm chất đạo đức này là nguồn nuôi dưỡng và tăng trưởng đời sống chúng ta. Vì thế, với danh nghĩa là một nữ tu tông đồ, chúng ta luôn trung thành trong việc tu luyện bản thân để trở nên một nữ tu thánh thiện và cũng có khả năng đáp ứng những yêu cầu của sứ vụ.
Xin kính chúc toàn thể gia đình Hội Dòng luôn sẵn sàng đón nhận sự huấn luyện của Chúa xuyên qua những con người, môi trường và hoàn cảnh sống. Xin Mẹ Maria Mân Côi giúp chúng ta hấp thụ được nền giáo dục toàn diện từ nơi Chúa, để chúng ta sống trọn vẹn căn tính người nữ tu Mân Côi, xứng đáng với ơn gọi mà Chúa đã yêu thương ban tặng.
Thân mến trong Chúa Kitô và Mẹ Mân Côi
Rose Vũ Loan, FMSR