Thánh ý Ngài là gia nghiệp con mãi mãi,
Vì đó là hoan lạc của lòng con (Tv 119, 111)
- Bản chất lời khấn Vâng phục
Khi tuyên khấn Vâng phục chúng ta hiến dâng tất cả ý chí và toàn bộ đời sống để bước vào kế hoạch cứu độ của Chúa Giêsu một cách vững mạnh và quyết liệt hơn (ET 23). Bởi vậy cuộc đời của ta trở nên một của lễ hiến dâng, hiệp cùng hy tế cứu độ của Chúa Giêsu dâng lên Thiên Chúa Cha với lòng tôn thờ và yêu mến. Sẵn sàng làm bất cứ điều gì Chúa muốn, vì đó là nhu cầu của tình yêu: khi yêu thì muốn làm đẹp lòng người mình yêu.
– Dâng hiến cho Thiên Chúa ý chí và khả năng hành động: Qua lời khấn Vâng phục, ý chí, khả năng hành động của chúng ta đã được thánh hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa, cụ thể là dâng hiến cho Chúa quyền tự do định đoạt về cuộc sống của mình, về kết quả của công việc mình làm, về việc sắp xếp đời sống và những mục đích riêng trong công việc, cùng toàn bộ đời sống hoạt động của ta. Tất cả đều được dâng hiến cho Thiên Chúa.
Nói rõ hơn: khi đem tặng người nào một cây ăn trái, ta cũng tặng họ luôn hoa trái mà cây đó sẽ trổ sinh. Cũng thế, khi hiến dâng cho Thiên Chúa ý chí của ta cùng khả năng hành động, những tài năng làm việc, thì ta cũng dâng cho Người tất cả những gì ta sẽ làm dưới muôn mầu muôn vẻ dệt nên cuộc sống thường nhật của ta, như là hoa trái phát sinh do tài năng của mình vậy.
– Đời sống trở nên một của lễ tôn thờ: Vì đã dâng hiến cho Thiên Chúa trọn vẹn con người của mình, bao gồm cuộc sống hoạt động cùng tự do ý chí, chúng ta đem tất cả khả năng đó phục vụ Nước Trời, đoan hứa sử dụng nó theo cách thức và mục đích mà Hiến luật dòng đã xác định. Toàn bộ sinh hoạt trong cuộc sống với tất cả mọi âu lo và hy vọng, niềm vui và nỗi buồn, cầu nguyện hay làm việc, vất vả hay nghỉ ngơi thư giãn… đều được thực hiện theo Hiến luật hay theo ý bề trên chỉ định; tất cả đều quy hướng về Chúa, thuộc trọn về Chúa, vì đã dâng hiến cho Chúa như một của lễ. Và như thế đời sống chúng ta mang giá trị của đức thờ phượng. Bởi con người được dựng nên là để thờ phượng Thiên Chúa, phụng sự Ngài, nhất là làm theo Thánh Ý Ngài.
- Những khó khăn khi giữ đức Vâng phục
– Quá đề cao cá nhân: Ngày nay, người ta thường nhân danh con người, đề cao tự do cá nhân và sự độc lập của mỗi người để cho rằng lời khấn Vâng phục làm tha hóa nhân vị và gây tổn hại đến sự phát triển nhân cách. Quả thật, nếu vâng phục một cách miễn cưỡng, phi nhân, thì sẽ đưa đến hậu quả tiêu cực ấy. Thêm vào đó, quan điểm của người đời về một “người trưởng thành” là phải có lập trường, phải biết tự quyết…
Nhưng đức Vâng phục của đời thánh hiến hoàn toàn khác, đó là một lời đáp trả trong tương quan cha con, khởi đi từ đức Vâng phục của Chúa Giêsu. Chúng ta ý thức mối tương quan nghĩa tử này và sống trong tương quan đó để đón nhận thánh ý Thiên Chúa Cha như lương thực hằng ngày (x. Ga 4,34). Đồng thời giúp chúng ta lớn lên trong chân lý toàn vẹn về chính mình, được gắn liền với nguồn mạch, với cứu cánh của chính mình và cảm nghiệm được niềm vui sâu xa của một tâm hồn chọn Thánh Ý Chúa là gia nghiệp là hoan lạc của cõi lòng.
– Quan niệm sai về tự do: Từ ngữ tự do thường bị hiểu sai, người ta cho rằng vâng phục là mất tự do. Nhưng thực ra chỉ khi nào chúng ta vâng phục một cách tự do thì sự vâng phục đó mới có giá trị. Thật vậy, Thiên Chúa đã tác tạo nên chúng ta, Ngài chỉ muốn chúng ta yêu Ngài cách tự nguyện. Tình yêu này không bao giờ là ép buộc, nhưng luôn mời gọi chúng ta đón nhận, đáp trả cách tự do. Tình yêu này càng lớn lên trong lòng chúng ta, càng làm cho chúng ta được tự do. “Thánh Thần Chúa ở đâu, thì ở đấy có tự do” (2Cr 3, 17). Chúng ta đôi khi viện vào tự do để “tự do theo xác thịt”. Nhưng tự do theo Thánh Thần là không muốn điều gì khác ngoài những gì Thiên Chúa muốn: đây là một sự tự do dâng hiến chính tình yêu của mình.
Đức Vâng phục không tiêu diệt tự do, nhưng dựa trên tự do và cần đến tự do. Bởi nếu Chúa có mời gọi, thì luôn luôn gọi mời chúng ta tự do đáp trả bằng chính con tim của mình.
– Trào lưu tục hóa: Trào lưu tục hóa không nhìn cuộc đời dưới ánh sáng đức Tin, theo tinh thần siêu nhiên, mà chỉ đánh giá theo lối nhìn nhân loại và trần tục, theo phán đoán loài người. Do đó, người ta khó chấp nhận những gì đi ngược lại với xu hướng tự nhiên: muốn thống trị, muốn làm chủ cuộc đời mình và muốn sống độc lập. Quả vậy, mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá, làm sao có thể hiểu được theo lý luận loài người dựa trên tinh thần thế tục như thế.
Lời khấn Vâng phục cần phải có cái nhìn đức Tin và thể hiện qua đức Ái để đi đến cùng mầu nhiệm tự hủy của Chúa Giêsu, Đấng đã vâng phục Chúa Cha, hiến tế chính mình làm hy tế cứu độ qua lời xin vâng: “Này con xin đến để thực thi Thánh Ý Ngài, Lạy Thiên Chúa!” (Dt 10, 9).
Như vậy, lời khấn Vâng phục không làm chúng ta nhu nhược, từ bỏ tự do và sự trưởng thành của mình, mà là một phương thức sử dụng tự do, giúp cho tự do trở nên phong phú. Chính Chúa Giêsu đã chọn sống như thế: “Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6, 38). Quả thật, vâng phục chính là sự quy phục triệt để cho một điều cao trọng hơn mình, cho một Đấng Tuyệt Đối xứng đáng để chúng ta quy phục, chứ không làm nô lệ cho bản ngã, dục vọng, ý riêng, và cho những thương tích nơi chính mình.
- Nữ tu Mân Côi sống vâng phục
– Hiến luật dòng về lời khấn Vâng phục:
“Khấn vâng phục, chị em tự nguyện vâng phục các bề trên hợp pháp khi các ngài truyền dạy hợp với Hiến luật dòng” (HL 12.3).“Lời khấn Vâng phục buộc chị em phải triệt để tuân giữ Hiến luật Dòng, Quy chế Tỉnh dòng, các quyết định của các Công hội, và những chỉ thị của bề trên liên hệ đến đời sống Dòng” (HL 13.3).
– Đức cha Tổ Phụ huấn dụ chị em về đức Vâng phục:
Hãy lấy đức vâng lời làm gương mẫu cách ăn nết ở luôn và phó thác mình hoàn toàn mặc ý các bề trên… Hằng ngày chị em phải làm cho mình nên trọn lành hơn trong sự thực hành đức vâng lời. Hãy xem Chúa ở nơi các bề trên; phải bắt chẳng những ý muốn mà lại cả trí đoán xét vâng phục các đấng bề trên; hãy vâng lời một cách mau mắn luôn, chớ hề lấy lời lẩm bẩm hay là đối lại mà bôi nhọ đức vâng lời.
Hãy luôn luôn ở trong tay Đấng chỉ dẫn cho chị em như một dụng cụ, một cục đất mềm mại trong tay người thợ. Chớ có dùng những phương thế quanh quéo để từ chối một địa vị, một việc bổn phận. Tác giả sách Gương Phúc nói: “Khi con bỏ không vâng lời, thì ơn Chúa cũng bỏ con”. (GSD I, 472, 474).
– Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 1900 cũng xác định:
“Bổn phận vâng phục đòi buộc mọi người phải tôn trọng quyền bính cho xứng hợp; đối với những người đang thực thi nhiệm vụ phải tôn trọng và tùy công trạng của họ mà tỏ lòng biết ơn và quý mến”. Như vậy, thái độ coi thường quyền bính, phê bình chỉ trích các chỉ thị và quyết định của bề trên, thiếu lòng tôn trọng và biết ơn đối với bề trên, đều là nguy cơ đưa đến lỗi lời khấn Vâng phục.
Tuy nhiên lời khấn Vâng phục chưa phải là cùng đích, đó chỉ là cánh cửa mở ra dẫn chúng ta đi vào một nẻo đường nhỏ hẹp nhưng vô cùng phong phú là tìm kiếm và thực thi ý muốn của Thiên Chúa. Lời khấn Vâng phục đưa ý chí chúng ta vào một khuôn khổ là thánh ý Thiên Chúa, giúp chúng ta từ bỏ ý riêng của mình, để ngày càng nên giống Chúa Kitô, Đấng đã vâng lời cho đến chết.
Bởi vậy, vâng phục không chỉ là chuyên chăm tuân giữ điều này điều kia, nghiêm túc làm theo những gì bề trên truyền lệnh hay đề nghị, nhưng còn là một sự từ bỏ liên tục tự thâm sâu, một nỗ lực hãm dẹp ý riêng, một cuộc sát tế chính mình. Sống vâng phục là sống mầu nhiệm tự hủy của Con Thiên Chúa, để chết đi từng ngày trong suốt cuộc đời cho đến khi hoàn tất lễ dâng, hiệp nhất ý mình với thánh ý Thiên Chúa trong tình yêu. Thực vậy, chúng ta được mời gọi:
“Noi gương chí hiếu của Chúa Giêsu, sống vâng phục trong hành vi tự hiến, hợp nhất ý chí mình với thánh ý Chúa Cha trong tâm tình yêu mến và tôn thờ, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Đức Vâng phục của chị em được thể hiện trong đời tu bằng sự vâng lời các người đại diện Chúa hướng dẫn Hội dòng, để công cuộc tông đồ truyền giáo đạt được những kết quả tối đa theo ý muốn của Thiên Chúa”(HL 12.2).
Trong cuộc sống đời thường để thực sự sống đức Vâng phục trọn vẹn, tôi cần ý thức mình đang cử hành hy lễ hiến dâng từng ngày. Đã gọi là hy lễ thì luôn có hy sinh từ bỏ. Làm sao có thể gọi là sống đức Vâng phục nếu tôi luôn làm theo ý riêng mình, nếu tôi không biết từ bỏ cái tôi, từ bỏ sở thích, đam mê… để uốn mình theo thánh ý Chúa. Chính Chúa đã nói: “Tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy” (Is 55, 6-9). Vì thế, chỉ khi nào chúng ta biết từ bỏ ý riêng mình để thi hành thánh ý Chúa, từ bỏ chính mình để đi vào đường lối của Chúa, chúng ta mới nên đồng hình đồng dạng với Người.
Hành trình bước theo Chúa là một hành trình từ bỏ. Muốn theo Chúa Giêsu đến cùng, phải ra đi tay không, phải bỏ lại đằng sau cả hành trang, kỷ vật và người thân. Rồi bỏ hết cả những sở thích ý riêng, những đam mê, để tìm thánh ý Chúa. Khi đã từ bỏ hết, chỉ còn lại mình Ngài là lúc hành trình kết thúc, là chúng ta đã đến đích. Đó chính là đòi hỏi mà Chúa Giêsu ngỏ lời với chúng ta, những môn đệ đang bước đi theo Người.
- Lời nguyện xác tín
Lạy Chúa, Thánh ý Ngài là gia nghiệp con mãi mãi,
Vì đó là hoan lạc của lòng con (Tv 119, 111)
Lạy Chúa, Chúa mời gọi con bước đi theo Chúa và con đã đáp lời đi vào con đường hẹp, con đường từ bỏ, con đường khổ chế, con đường hy tế, cùng Chúa đóng đinh ý riêng vào thập giá trong cuộc sống mỗi ngày. Thế nhưng, nhiều khi con đi tìm sự khôn ngoan của người đời, những tính toán của thế gian, con muốn hoạch định cuộc sống mình theo ý riêng mà quên rằng qua lời khấn Vâng phục con đã trao quyền sử dụng cuộc đời mình, cùng những quan năng và khả năng hành động của mình và cả tự do cho Chúa, để Chúa làm chủ. Nhiều khi con sắp xếp mọi việc theo cách nhìn riêng của mình, bất chấp ý kiến của người khác, của cộng đoàn, con bỏ qua hết những linh hứng mà Chúa Thánh Thần, Đấng như làn gió nhẹ len lỏi vào cuộc đời con qua những ngả rất bình thường và rất bất ngờ. Đôi khi con cũng gặt hái thành công rồi cảm thấy tự hào với những sắp xếp và suy tính của mình, nhưng nếu không phải là con thực sự đi tìm thánh ý Chúa thì những thành công đó sẽ không tồn tại, không mang lại lợi ích cho ai, kể cả bản thân con. Nếu không phải là thánh ý Chúa thì niềm vui của thành công đó cũng mau qua, rồi con lại sẽ rơi vào bất an vì “ngoài Chúa ra không tìm đâu được hạnh phúc” và chỉ trong thánh ý Chúa con mới được vui sướng bình an. (Tv 16, 2; x. Tv 119, 24; x. Tv 62,2)
Xin cho con biết quảng đại và trung thành để đi đến cùng con đường thánh ý Chúa, hoàn tất những gì làm đẹp lòng Chúa. Xin cho con chỉ còn mối bận tâm duy nhất là luôn tìm và chu toàn thánh ý Người, như thánh Têrêsa Lisieux đã xác quyết: “…Con cần phải từ bỏ tất cả, từ bỏ chính mình vì đó là một sự tự do làm cho chuyến bay về Trời được dễ dàng, không còn gì ngăn cản được chuyến bay của con vì con không còn bất kỳ một ước muốn lớn lao nào nữa ngoài việc khao khát thánh ý Chúa… Thật ngọt ngào biết bao khi bỏ mình trong vòng tay của Thiên Chúa nhân lành mà không hề sợ hãi, không còn ước muốn nào”.
– Như Mẹ Maria, một mẫu gương tuyệt vời về lòng vâng phục thánh ý Chúa. Một khi Mẹ đã thưa tiếng “xin vâng” thì cũng có nghĩa là Mẹ từ bỏ chương trình dự tính riêng của mình, để dấn thân cộng tác vào công trình xiết bao kỳ diệu của Thiên Chúa. Quả thật, chính Mẹ đã từ bỏ bản thân cho những hoạch định của Thiên Chúa, và thực thi thánh ý Ngài không phải chỉ một lần trong ngày Truyền Tin ấy, nhưng là suốt đời, Mẹ đã dò dẫm từng bước trong hành trình khám phá thánh ý Thiên Chúa. Mẹ đã khắc khoải lo âu khi từng bước lặp lại lời xin vâng trong suốt chiều dài cuộc sống với từng biến cố lớn nhỏ vui buồn lẫn lộn trong đời. Mẹ mãi mãi là tấm gương cho chúng con soi trong cuộc đối thoại lắng nghe Lời Chúa và đáp trả Lời Chúa.
– Sau cùng, chính con cũng xin được thưa lời “xin vâng” với Chúa như một sự lặp lại “Giao Ước” giữa Chúa và con, lời “xin vâng” trong đức Vâng phục sẽ dẫn con qua suốt quãng đường dài, sẽ đưa con đến những chân trời mới. Bởi Thánh Ý Chúa là hoan lạc của lòng con, là hướng đi cho cả cuộc đời con.
Con hiểu rằng những biến cố tầm thường nhất trong cuộc đời con đều do Chúa quan phòng hướng dẫn. Bàn tay Chúa điều khiển mọi sự. Con yêu mến tất cả những gì Chúa nhân lành ban cho con và con cố gắng khước từ thể hiện sở thích cá nhân, để làm theo ý người khác, bởi đó là dấu chỉ Chúa muốn khơi gợi lên trong con, là lời mời gọi con từ bỏ chính mình, là con đang thực hiện hiến tế đời mình, hiến tế mà con khởi sự từ ngày tuyên khấn. Qua đức Vâng phục, con dâng Chúa chính con người của con, trọn cuộc sống của con cùng với tự do ước muốn. Khi vâng lời, con lấy chính mình con, ý riêng con, tự ái của con dâng làm của lễ toàn thiêu. Đó mới chính là của lễ đẹp lòng Chúa nhất. Bởi vì, “Khi bước vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, lạy Thiên Chúa” (Dt 10,5-7).
Trong ngày lặp lại lời đoan thệ với Chúa, nhìn lại bước đường theo Chúa, con đã có nhiều bất trung và yếu đuối, cuộc sống của con không như là ước mong, nhưng con không hối tiếc nếu phải chọn lại, con vẫn đi theo Chúa, vẫn đáp lại “xin vâng” mỗi ngảy, xin Chúa dẫn dắt con vượt qua những vấp ngã những yếu đuối trong đời, để trung tín bước đi từng ngày với lời “xin vâng” của đức Vâng phục, với ước mong được nên giống Chúa, Đấng đã vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá! (x. Pl 2, 8).
M. Gaudentia Xuân Huệ, FMSR.