Vài nét thực hành đức ái trong cộng đoàn Mân Côi

CHỦ ĐỀ SỐNG THÁNG 05 VÀ 06-2021

VÀI NÉT THỰC HÀNH ĐỨC ÁI TRONG CỘNG ĐOÀN MÂN CÔI

Lời đức cha Tổ phụ: “Nhà Dòng như một gia đình, phải có sự bằng yên hòa thuận, phải biết phép lịch sự mà cư xử với nhau, ai nấy một lòng một ý lo đến ích chung[1].

Gia đình gợi lên một điều gì đó rất thiêng liêng trong lòng người mà không gì có thể so sánh được. Đó là nơi mà những người cùng chung sống nương tựa vào nhau, hết lòng tin tưởng, gắn bó với nhau và yêu thương nhau bằng những mối tương quan thân thiết nhất… Vì thế, ai trong chúng ta cũng hiểu đức cha Tổ Phụ muốn gì khi lấy hình ảnh “gia đình” để giáo huấn chúng ta về cung cách sống trong cộng đoàn chị em con Đức Mẹ Mân Côi. Nhất là ngày nay, khi bầu khí gia đình trên thế giới đang bị đe dọa trầm trọng, thì bầu khí gia đình trong cộng đoàn dòng tu, cách riêng cộng đoàn Mân Côi theo tinh thần Đấng Sáng Lập, càng phải được bảo vệ và nâng cao về mặt tinh thần cũng như về mặt hiểu biết tự nhiên… Mục đích là để làm “đèn hiệu” cho sự hiệp thông trong gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa[2]. Ở đây, chúng ta lưu ý ba điểm thực hành cụ thể mà đức cha Tổ Phụ đưa ra như những tiêu chuẩn, mà cộng đoàn Mân Côi phải luôn nhắm đến.

  1. Phải có sự bằng yên hòa thuận

Sự bình an mà đức cha Tổ Phụ nói ở đây, là sự bình an của chính Chúa. Thế gian cũng có thể đem đến bình an cho con người, nhưng còn tùy vào hoàn cảnh!  Khi nghịch cảnh bủa vây thì bình an biến mất, thay vào đó là bối rối, sợ hãi, nghi ngờ, ghen tương, hờn giận, phô trương, tự ái…vv. Trái lại, sự bình an Chúa ban là một trong những hoa trái của Chúa Thánh Thần[3], khởi đi từ trong tâm hồn con người, nên bền vững và không lệ thuộc bất cứ hoàn cảnh nào.

Làm sao để vun trồng ơn bình an của Chúa trong gia đình Mân côi? Bằng tâm tình người cha, đức cha Tổ Phụ khuyên bảo chị em: “Con gọi chị cùng em, hai tiếng xưng hô rất dịu dàng, nhắc lại cho mình những thú êm ái trong cảnh gia đình xưa, lẽ đâu lại không hòa hợp với nhau được? Ai cũng khắc khổ, cũng có một mục đích, cũng đi cùng một con đường với nhau. Như thế tất nhiên người ta thương yêu nhau, nơi sự mình thương trăm nghìn cách. Nhưng người ta không kiêu hãnh cũng không e dè, ở dễ dàng giúp nhau mà không ngại ngùng gì, thương yêu thực tình…[4]

Qua đoạn văn trên, chúng ta thấy một khung cảnh gia đình thật an hòa mà đức cha Tổ Phụ phác họa. Thế nhưng trong thực tế, sự “bằng yên hòa thuận” luôn bị thách đố bởi sự khác biệt lớn lao giữa chị em về nhiều phương diện tự nhiên cũng như siêu nhiên: tuổi tác, khả năng, sở thích, giáo dục gia đình, trình độ học vấn, trình độ đức tin… Sự khác biệt dễ đưa đến những va chạm và hiểu lầm, khiến việc chấp nhận lẫn nhau quả là điều rất khó! Càng khó hơn để có thể thay đổi tính tình con người do sự phức tạp của “cái tôi”, mà con đẻ của cái tôi chính là tự ái! Bởi thế, đức cha Tổ Phụ dạy mỗi chị em cần phải “học biết tính mình cho khỏi phạm đến người khác, không than van, không nghe nói hành, biết dùng trí khôn khéo mà đem những người bất thuận làm hòa cùng nhau”.[5]Thay vì phóng đại những lỗi lầm và nhược điểm của nhau, hãy lấy tình yêu thương để “che phủ muôn vàn tội lỗi”[6].

Đây vừa là kết quả của ân sủng Chúa, vừa do nỗ lực thao luyện của bản thân. Bằng cách áp dụng những phương pháp khoa học tự nhiên cũng như siêu nhiên, chúng ta dần khám phá ra giá trị thật về cái tôi của mình. Chúng ta sẽ có thể là chính mình khi sống thật với mình; Sẽ không còn bị môi trường chung quanh chi phối cách nhìn về “cái tôi” của mình; Sẽ bớt mặc cảm tự ty hay tự tôn, và không còn dễ bị tổn thương hay “chạm tự ái” bởi những câu nói, hành vi, thái độ dù vô tình hay hữu ý của người khác. Nhờ đó, sẽ dễ dàng hơn trong việc khắc phục những tình cảm, cảm xúc thường rất chủ quan trong cộng đoàn như buồn giận, ghen ghét, nóng vội, buông xuôi…, vốn là một phần của cuộc sống chung.

Một nguyên tắc vàng giúp sống chung là phải học chấp nhận người khác như họ là…, bởi vì cảm nhận cũng như các giá trị của mỗi người rất khác nhau. Do đó, chúng ta phải tập kiềm chế chính mình khi đối diện với những cái “khác” mình, đồng thời mở rộng con tim và trí óc để giữ ý tứ với mọi người… Thực tế, chính nhờ người “khác” mà chúng ta thấy được vấn đề với nhiều mặt khác nhau. Khi đó chúng ta có cơ hội thoát ra khỏi lối suy nghĩ hẹp hòi và mở lòng đón nhận những phẩm chất của người khác[7].

Tuy nhiên, bên cạnh những cố gắng thao luyện để trở thành khí cụ bình an, chúng ta hãy đề phòng những “vũ khí” có khả năng tiêu diệt sự bình an, ví như mọi thứ ganh tị, đua đòi, chống phá, dèm pha…, và mọi hình thức cá nhân chủ nghĩa trong đời sống cộng đoàn và trong việc tông đồ! Đặc biệt, sự bình an thường bị “tấn công” bởi lời nói, cách nhìn chị em và công việc của chị em. Chúng ta muốn nói đến hai vũ khí rất lợi hại, đó là “đôi mắt” và “cái lưỡi”.

Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn; Đôi mắt thể hiện nội tâm, cốt cách và phẩm chất của mỗi con người. Khi nội tâm chúng ta bình an, hài hòa với chính mình và với tha nhân, đôi mắt cũng ánh lên nét thân thương, trìu mến như đôi mắt mẹ Maria, khoan thay! nhân thay! dịu thay! Nhưng khi trong tâm hồn nổi sóng ghen tương, hiềm khích, giận hờn…, đôi mắt bỗng trở nên “sắc như dao cau”, mà dân gian thường tiêu biểu bằng “mắt cú vọ”, “mắt diều hâu!”

Cái lưỡi cũng đáng nêu lên, vì nó có thể là công cụ của bình an hiệp nhất hay chia rẽ hận thù… Là công cụ bình an, lưỡi có thể nói lên những lời yêu thương, khích lệ, những điều hay lẽ phải, tô vẽ lên cái đẹp, biến cái xấu thành cái tốt… Nhưng lưỡi cũng là nguyên nhân của sự chia rẽ, của mọi sự đặt điều vu khống, cũng do lưỡi mà sinh ra tranh chấp, bất hòa, nịnh hót… Theo đức cha Tổ phụ, đầu mối của nó là “tính tọc mạch, muốn biết, muốn nghe, muốn xem hết mọi sự… Đã biết lại muốn thông ra, cho nên đã không giữ tai, giữ mắt, tới miệng lưỡi cũng không hay giữ[8].

Chúng ta cần hiểu rằng, tính cách con người tùy thuộc giáo dục gia đình, và sau này, tùy thuộc sự huấn luyện và tự luyện của mỗi cá nhân. Chúng ta cũng không quên rằng, trọng tâm của việc khổ chế Kitô giáo là chiến đấu với những động lực vô thức[9]. Càng biết rõ những bản năng và dục vọng vô thức của mình, chúng ta càng có thể sống với tinh thần trách nhiệm[10], nên nhiệm vụ xây dựng bình an trong cộng đoàn, cần đi đôi với một hình thức khổ chế đặc thù của mỗi cá nhân, đòi hỏi luôn thức tỉnh để khám phá những điều bất nhất nơi đáy lòng mình, mà hoán cải liên tục bằng một tinh thần hy sinh, can đảm mài giũa cái tôi ngay trong từng nếp nghĩ, từng cử chỉ, thái độ, từng lời qua tiếng lại giữa chị em với nhau. Thực vậy, đời sống cộng đoàn là một hồng ân, nhưng cũng đòi hỏi sự đáp trả bằng học tập kiên trì và cả kinh nghiệm chiến đấu, hầu thắng vượt những thái quá trong bản năng và tính thất thường trong các ước muốn. Kết quả là chúng ta sẽ có được tương quan tốt trong quan hệ giữa người với người, nơi cộng đoàn cũng như khi dấn thân vào sứ vụ tông đồ.

Vậy một khi đã hy sinh từ bỏ mọi thứ dễ dãi và những tình cảm tự nhiên trong một gia đình ruột thịt để đi theo Chúa qua ba lời khấn Dòng, thì Hội dòng phải trở thành gia đình của mình, trong đó, mỗi con tim tìm thấy một tình cảm lưu luyến, chân thành, sâu sắc và hòa thuận được với nhau. Nhất là ngày nay, sự bình an là điều đang trở thành khẩn thiết nhất cho thế giới, cho Giáo hội, cho đất nước, cho gia đình, và cho bản thân mỗi người. Chính mỗi người chúng ta hãy là con người bình an, và đem lại sự bình an cho những người chung quanh.

  1. Phải biết phép lịch sự

Chúng ta sống là sống với người khác, và trong cuộc sống chung này, chúng ta phải dung hòa sở thích với cuộc sống thế nào, để trở nên một người “dễ ăn dễ ở tươi cười nết na…,[11]sao cho người khác có thể tự nhiên giao tiếp mà không e ngại, dè chừng! Tuy nhiên trong khi giữ phép lịch sự, chúng ta cần thành thực, chân thành, bằng không thì chúng ta sẽ trở thành những kẻ bôi bác giả hình. Theo đức cha Tổ Phụ, cách cư xử lịch sự, tế nhị có thể được định nghĩa là cách sống dựa trên nguyên tắc vàng: muốn người khác đối xử với mình như thế nào thì mình phải đối xử với họ như thế: “Khi con đến cùng chị em, con hãy tỏ mặt thật thà, đơn sơ, vui vẻ, để chị em đến cùng con chẳng ngại ngùng e lệ…, hãy nhịn nhục chị em con, dầu không tỏ mặt vui cười được vì đôi khi cũng khó, thì ít nữa, con cam lòng nhịn nhục chị em con. Hãy năng suy rằng, chính con cũng có những điều làm chị em phải nhịn nhục con…[12] Đành rằng, trong cách ăn ở của chị em nhà Dòng cũng có điều phải dè dặt, song sự dè dặt ấy là hoa trái đức khôn ngoan thì hại gì đến sự thương yêu thật tình”.[13]

Qua những lời khuyên trên, chúng ta hiểu phép lịch sự nói lên sự tôn trọng tha nhân, được biểu lộ qua lời nói và hành vi ứng xử của một người có văn hóa, hiểu biết các quy định, phép tắc trong quan hệ giữa người với người. Hơn nữa, lịch sự là ý thức về tinh thần trung dung trong tất cả mọi lãnh vực chứ không phải là xã giao, cũng không phải là sự giả dối, thủ đoạn, khôn vặt… Bởi những điều đó chỉ là kỹ xảo trong cuộc sống và bị mọi người xa lánh. Phép lịch sự và sự tế nhị thuộc lãnh vực đạo đức và làm nên nhân cách của một con người. Nó giúp người ta nên khiêm tốn, nhã nhặn, có khả năng chịu đựng và mang lại sự hòa thuận vui vẻ với mọi người.

Cư xử thiếu lịch sự với nhau, nhiều khi khởi đi từ não trạng “gần chùa gọi Bụt bằng anh!” Câu tục ngữ nói lên thực trạng của những người quen biết nhau, chung đụng với nhau hàng ngày thì dễ coi thường nhau. Não trạng “quen quá hóa nhàm” dẫn đến việc đối xử “tự nhiên” với nhau quá đến độ không cần dè giữ. Tiếc thay, thái độ “không dè giữ” thường thiếu lịch sự, thiếu tế nhị và thiếu tôn trọng người khác… Trái lại tương quan giữa chị em phải luôn được đổi mới và củng cố ngày thêm sâu đậm… là điều đã đi vào thói lệ, tập tục Dòng Mân Côi, như đức cha Tổ Phụ minh định: “Chị em cùng một Dòng, nên tâm tình bề trong, lễ phép bề ngoài đối với nhau, không nên một khuôn một rặt, thì không đáng gọi là con cái một nhà, chị em một Dòng. Vậy phải giữ trọn điều răn Chúa dạy, mến yêu tôn kính, dưới thuận trên hòa. Bề trong đừng tí nào chích mích, bề ngoài tươi cười vui vẻ…[14]

Thực vậy, cộng đoàn cũng như trong một gia đình, mọi người sống trong cùng một không gian, sử dụng chung nhiều vật dụng, theo đuổi cùng một tinh thần, chí hướng… Trong hoàn cảnh “chung đụng” như vậy, phép lịch sự kêu gọi sự tôn trọng nhau qua những lời nói nhẹ nhàng, khiêm tốn khi cần trao đổi, khi muốn nhờ vả việc này việc nọ, hay qua những lời cảm ơn, xin lỗi… Cần tôn trọng cõi riêng tư của chị em như chuyện bí mật riêng, nhật ký riêng, phòng riêng, ngăn kéo hay tủ quần áo riêng…, và đừng bao giờ lấy đi thứ gì mà chưa được phép, trừ ra dùng tạm một chút rồi bỏ lại ngay…[15]Bữa ăn là lúc cả cộng đoàn quây quần bên nhau, ta không nên “giữ thinh lặng ngặt” nhưng có thể kể chuyện xảy ra trong ngày, khi thi hành sứ vụ bên ngoài, hay khi làm công việc bổn phận ở nhà…, đồng thời vui vẻ thưởng thức bữa ăn ngon, và đừng phàn nàn về của ăn của uống cách nào bao giờ[16]Ngoài ra, vừa ăn vừa theo dõi chương trình trên tivi, có thể là một lý do làm cho sự tương tác giữa chị em trong cộng đoàn bị ảnh hưởng, vì không còn nhiều cơ hội trò chuyện, khiến sự gắn kết với nhau trong thời buổi bận rộn này bị giảm thiểu.

  1. Phải lo đến ích chung

Đây là nguyên tắc mà đức cha Tổ Phụ đưa ra để nhắc nhở chị nữ tu Mân Côi phải biết vượt qua hàng rào tư lợi để quan tâm đến lợi ích chung, bất cứ thuộc lãnh vực đạo hay lãnh vực đời. Tư lợi là những lợi ích hay lợi lộc người ta có ý đi tìm để hưởng riêng một mình mà không quan tâm đến sự thiệt thòi cho người khác, hoặc làm ngưng trệ, thậm chí phá hoại sự phát triển chung của cộng đoàn.Đức cha Tổ Phụ gọi đó là “người có tính thờ ơ…, vì kẻ ấy ra như chỉ biết mình, và chỉ biết lo cho mình, còn ai sao thì mặc ai…” Đó là phạm vi cá nhân chủ nghĩa mù quáng, nại tới một thứ tự do cũng mù quáng, khiến cho tình yêu thành trống không, chẳng được đón nhận cũng chẳng được trao tặng đi[17].

Ngày nay, căn bệnh “cha chung không ai khóc” đang hoành hành đất nước! Khi đa số con người ta chỉ biết tìm cái lợi cho bản thân và thờ ơ với những nghĩa vụ “chung lưng đấu cật” để xây dựng quê hương, không màng đóng góp công sức gì vào việc xây dựng ích chung…; Thì chị em càng phải là những chứng tá cho lòng siêu thoát mọi thứ lợi lộc bất chính, để giới thiệu liều thuốc chữa lành những vết thương do lòng ham muốn, thống trị và hưởng thụ gây ra. Bên cạnh đó, xét như một tu sĩ hoạt động tông đồ, chị em không đi tìm sự thành công, vinh quang cho bản thân, nhưng tham dự vào sứ mạng của Hội Dòng trong một cộng đoàn được chỉ định; Việc ta làm là do Dòng phân công, ta làm với tất cả khả năng và sức lực như thể đó là việc của mình. Cụ thể, mỗi chúng ta phải cố gắng làm việc hòa hợp với những chị em khác, Dòng khác trong các phần vụ đã được Giáo hội trao phó cho Hội dòng, góp phần của mình vào việc xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô[18]. Khi hoàn cảnh đòi buộc, ta nên sẵn sàng từ bỏ các sở thích riêng để mưu cầu ích lợi cho việc chung. Nếu công việc tông đồ đòi phải hy sinh chương trình cá nhân, nếu đời sống cộng đoàn đòi phải từ bỏ sở thích riêng…, thì ta sẵn sàng từ bỏ ý riêng cùng những lợi lộc riêng ấy. Cũng cần tập giải quyết công việc theo lẽ phải, phát xuất từ lợi ích chung, chứ không để lợi lộc cá nhân chi phối, tập làm gì cũng phải toàn tâm toàn ý, có trách nhiệm với công việc được giao và hoàn thành cho tốt.

Đây cũng là lãnh vực phải được giáo dục và huấn luyện cho có ý thức và trở thành thói quen ngay từ lúc khởi đầu đời tu, tập chống lại chủ nghĩa cá nhân bằng cách đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng, khởi đi từ những việc hy sinh tự ý nhỏ nhặt từ trong nhà, như cài lại cái móc cửa bị gió đập, xếp lại bàn ghế ngay ngắn, lấy đi một sợi kẽm gai giữa đường, tắt ngọn điện dư thừa, lấy nước vừa đủ cho việc tắm giặt…; Cho đến ra ngoài xã hội như không bước lên những bồn hoa, không bứt hoa hái cảnh nơi công cộng, không xả rác bừa bãi, không lấy phấn viết bảng ném nhau, không đi trộm đường cấm, không biển lận của công…, và rất nhiều việc chung đang chờ.

Một điều quan trọng hơn, đó còn là chia sẻ của cải tinh thần với cả linh hồn và tâm trí, chia sẻ về đức Vâng phục, Nghèo khó và Khiết tịnh, chia sẻ về các nhân đức và tài năng, chia sẻ về tất cả những gì mà người thánh hiến có, cũng như những gì tạo nên con người của mình. Một khi đã làm tất cả chỉ để tôn vinh danh Chúa qua việc xây dựng Giáo Hội và cho ơn Cứu độ của mọi người[19], thì tự nhiên những khuôn mặt trong cộng đoàn ánh lên một niềm vui, không phải niềm vui được đo bằng những tính toán hơn thiệt của người đời, mà là niềm vui phục vụ sâu lắng, khiến cho đời sống chị em ngày càng thêm phong phú.

Kết luận

Đức ái là một chủ đề mà chúng ta đã nghe, đã học hỏi rất nhiều, đặc biệt từ khi bước vào Dòng cho đến hôm nay. Bởi đó là một thực tại nằm trong bản chất của đời sống người Kitô hữu. Hơn nữa, đức ái chính là tinh thần mà đức cha Tổ Phụ đã chọn riêng cho Hội Dòng. Vì thế, ngài đã chỉ thị cho bà Tập “phải dạy cho chị em về tinh thần bác ái[20], và định nghĩa về chị em chúng ta như là “các chị em Dòng Bác Ái Con Đức Mẹ Mân Côi[21].

Một cách đặc thù hơn, dù ngài không nói rõ, nhưng bàng bạc trong giáo huấn của ngài, chúng ta nhận thấy đức ái ngài nói đến là đức ái thực hành trong đời sống cộng đoàn, và trong tương quan liên vị giữa người với nhau, qua những tương tác rất đỗi bình thường trong đời sống hàng ngày[22]. Đây là đường hướng tu đức đặc thù, phải chi phối toàn bộ cuộc sống chị nữ tu Mân côi từ tư tưởng, lời nói đến hành động. Bởi vậy, ngài từng nhắn nhủ chị em, mặc dù “chẳng bao giờ giữ cho trọn hết được, song chị em phải cố hết sức bình sinh mà tiến tới bậc trọn lành ấy[23]. Đúng vậy, sẽ còn gặp nhiều thử thách, sẽ còn phải chiến đấu rất nhiều; Nhưng có ơn Chúa soi dẫn, có Mẹ Maria đồng hành, chúng ta hy vọng đi đến đích điểm của tinh thần đức ái trọn hảo. Xin Chúa Thánh Thần ban thêm đức mến và hồng ân Khôn ngoan, để chúng ta nhận ra điều đẹp ý Chúa trong những chọn lựa hàng ngày, nhận ra thời gian Chúa ban như cơ hội để khám phá những vẻ đẹp Chúa làm trong mỗi giây phút hiện tại, qua mỗi hoàn cảnh, mỗi con người chúng ta cùng chung sống, để tạ ơn, để sám hối, để biết từ bỏ chính mình, để sống trong sự khao khát muốn biết sự thật về mình…

Câu hỏi gợi ý suy tư

  1. Đức cha Tổ Phụ mời gọi chị em “phải học biết tính mình cho khỏi phạm đến người khác”, ngài có ý muốn gì?
  2. Đâu là những dự phóng cụ thể mà tôi đang nỗ lực thực hiện, nhằm biến đổi chính mình nên quân bình và hài hòa hơn với chị em trong cuộc sống cộng đoàn?

Maria Trần Thị nên, FMSR

[1] GMCT, đoạn I, số 3; GSD1, tr. 328

[2] VC 41

[3] GL 5, 22

[4] BTCND, đoạn 5, GSD1, tr. 370

[5] BTCND, trí ý nhà Dòng; GSD1, tr. 371

[6] X. như trên, tr. 371; Ep 4, 2-3

[7] JACK PHILIP, Tôi muốn sống tự do; Sức mạnh của đức tin, đức cậy và đức mến; Chuyển ngữ, NGUYỄN NGỌC KÍNH, ofm; Tr 64-65

[8] GMCT, đoạn 6, số 25: Ba điều ngăn trở phải cất; Mục 3; GSD1, tr. 362

[9] WIKIE AU, PH.D VÀ NORREN CANNON, PH.D; Những thôi thúc trong tim; Linh đạo toàn nhập; Chuyển ngữ: NGUYỄN NGỌC KÍNH, ofm; Nhà xuất bản Phương Đông, tr. 40

[10] Như trên, tr. 58

[11] VNTLG, đoạn III, số 3, 3; GSD1, tr. 208

[12] BTCND, những nhân đức phải thi hành, đoạn 2, 4; GSD1, tr. 399

[13] Như trên, số 5; Tr. 370

[14] TL, đoạn IV; GSD1, tr. 548

[15] Như trên, đoạn II, mục II; GSD1, tr. 538

[16] Như trên, đoạn II, mục IV; GSD1, tr. 541

[17] VNTLG, đoạn III, số 2, 1; GSD1, tr. 203

[18] x. Ep 4,11-12

[19] GL 573

[20] NVBT, đoạn II, II, 9; GSD1, tr. 150

[21] Như trên, II, II, 10

[22] Ví dụ xem VNTLG, đoạn V, mục 4, số 1 – 1- 10; GSD1, tr. 224 – 225

[23] BTCND, nhân đức phải thi hành, đoạn 2; GSD1, tr. 396 – 400

About dongmancoichihoavn

Check Also

Vị trí của Đức Maria trong linh đạo Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi

Đức ái trọn hảo trong linh đạo Mân Côi phải là tình yêu vượt xa sự tính toán hơn thiệt...nó đến từ Thiên Chúa, là hoạt động của Chúa Thánh Thần...

Để lại một bình luận