Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi Toàn năng, chúng con xin sấp mình thờ lạy và chúc tụng Chúa! Chúng con cảm tạ Chúa về những ơn lành Chúa đã dành sẵn cho chúng con hôm nay. Lạy Chúa, theo nhịp sống đều đặn mỗi ngày, chúng con tưởng chừng mọi thứ như rất quen thuộc, từ những bổn phận thiêng liêng cho đến trách vụ thường nhật. Thế nhưng, khi chúng con thật sự mong mỏi tìm kiếm Thánh Ý ngay khi vừa thức giấc, thì mỗi khoảnh khắc chúng con sống lại như rất mới. Bởi lẽ, “Chúa không bao giờ được tìm thấy một lần và mãi mãi”[1], nhưng Chúa là Đấng phải được tìm thấy lại mỗi ngày, trong tâm hồn và trong hành trình đời sống của chúng con. Đây cũng là cung cách sống của Mẹ Maria mà chúng con cần chiêm ngắm. Nguyện xin Chúa Thánh Thần soi lòng mở trí cho chúng con, giúp chúng con suy gẫm về những đàng lành Mẹ đã sống và vẫn hằng chỉ bảo chúng con, hầu qua Mẹ chúng con có thể đến với Thiên Chúa, với Giêsu Con Mẹ.
***
Trong lịch sử kinh nguyện Kitô giáo, Giáo Hội dùng nhiều danh xưng để tôn kính và khẩn cầu cùng Đức Trinh Nữ Maria. Một trong những danh xưng ấy là “Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành”. Thường mỗi khi tước hiệu này được xướng lên trong các buổi họp, học tập hay đồng hành, phải chăng tâm tình của ta là muốn xin Đức Mẹ trợ giúp, chỉ giáo hoặc hướng dẫn cho ta biết những “đàng lành” phải theo?
Điều kỳ diệu là những gì Mẹ chỉ bảo ta, Mẹ đã kinh nghiệm, Mẹ đã sống. Càng chiêm ngắm Mẹ Maria, ta càng được Mẹ mách bảo cho biết nhiều bài học quý giá, đặc biệt, việc sống thinh lặng trong Đức Tin và trao ban phúc lành trong Đức Mến. Và, một khi sống theo những điều Mẹ dạy, ta chắc chắn đi trên con đường trọn lành để đến với Thiên Chúa, đến với Chúa Giêsu là Con Đường đích thật.
Mẹ dạy ta sống thinh lặng trong Đức Tin.
Là những môn đệ thân tín của Đức Kitô, hành trình ta đang đi theo Ngài là một hành trình Đức tin. Bước đi mỗi ngày trên hành trình đời sống ấy, ta đã và đang trải nghiệm rằng: luôn có đó những buồn vui, bình an hay bất ổn, ánh sáng hoặc bóng tối… Chúng có thể đến với ta cách bất ngờ, ngẫu nhiên, ngoài ý muốn… Quả thực, có biết bao chuyện đã xảy ra và đã trôi qua trong từng ngày sống, hoặc vẫn còn tiếp diễn… Điều quan trọng, thái độ nội tâm của ta trước những câu chuyện ấy là gì? Dù muốn dù không, thì thái độ nội tâm của ta thường được biểu lộ qua nét mặt, phản ứng, hành vi, lời nói – có thể là bình thản, nhẹ nhàng, ưu tư, lặng thinh hoặc thậm chí bực bội, khó thương…
Nhìn ngắm lại một chút hành trình Đức tin của Mẹ Maria, bắt đầu từ biến cố Truyền Tin cho đến khi Mẹ đứng dưới chân thập giá của người Con Chí Ái, ta nhận thấy cuộc đời Mẹ cũng đan xen biết bao niềm hạnh phúc và bình an, cùng đêm đen và sóng gió… Mẹ đã hạnh phúc trong khiêm hạ sau khi nhận sứ điệp truyền tin là Mẹ Đấng Cứu Thế (Lc 1, 30 – 31). Mẹ đã hăm hở lên đường thăm viếng gia đình người chị họ Êlizabeth (Lc 1, 39). Mẹ đã ca khen Đức Chúa – Đấng “đoái thương nhìn tới phận nữ tỳ hèn mọn” là Mẹ (Lc 1, 48). Mẹ đã lưu giữ kỷ niệm đẹp khi “muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen” và các mục đồng đến viếng trong ngày Hài Nhi Giêsu ra đời (Lc 2, 13 – 16)…
Song song với những niềm vui ấy là những lắng lo, khó nhọc hoặc sầu muộn xảy ra trong cuộc đời Mẹ: “không tìm được chỗ trong nhà trọ” cho việc hạ sinh Hài nhi Giêsu (Lc 2, 7); cùng với Thánh Giuse, “đang đêm, đưa Hài Nhi trốn sang Ai-cập” (Mt 2, 14); quay lại Giêrusalem tìm kiếm con khi chẳng thấy con về (Lc 2, 44 – 45); nhìn thấy con bị gièm pha, bị chống đối trong sứ vụ công khai; chứng kiến con vác thập giá, chịu sỉ nhục và chết đau thương trên đồi Golgotha…
Vì luôn hiện diện trong ân sủng của Thiên Chúa, thái độ nội tâm của Mẹ trước những hoàn cảnh sống khác nhau ấy là: “ghi nhớ tất cả… và suy niệm trong lòng” (Lc 2, 19). Trong Đức tin, Mẹ lặng lẽ đưa những chuyện vui buồn của đời sống vào thế giới nội tại. Nơi đó, Mẹ kết hợp với Chúa, đối diện với mình, bình tâm suy xét, mở lòng lắng nghe, mong tìm Thánh Ý và buông mình thuận theo với tất cả niềm tín thác.
Trong cuộc sống hôm nay, Mẹ Maria vẫn dạy ta kinh nghiệm sống thinh lặng nội tâm đó, đặc biệt khi ta gặp phải sự gì không vui hoặc trái ý. Đức Cha Tổ phụ đã từng dạy chị em rằng: “Lúc thấy nao núng, hãy lại gần Chúa” (I, 640), và khi “ta càng sống bên trong hơn, ta càng được hạnh phúc hơn” (I, 434).
Theo tác giả Anselm Grun, thinh lặng đích thực là sự thinh lặng bên trong. “Chính cái thinh lặng bên trong là cái thinh lặng mà các tu sĩ đi tìm.”[2] Nhưng, đó phải là một sự thinh lặng tích cực: mở lòng ra cho Thiên Chúa hoạt động, và tác giả giải thích thêm:
“Mục đích của thinh lặng là làm cho mình sẵn sàng hơn với Chúa, để Thần Khí tuôn tràn trên công việc, trong tư tưởng và trong hành động của mình. Thinh lặng làm chúng ta trong sáng với Thần Khí, để từ đó Chúa hướng dẫn đời chúng ta. Không phải chúng ta quyết định đời chúng ta, vì chúng ta ích kỷ và hẹp hòi, nhưng chính Thần Khí của Thiên Chúa quyết định đời chúng ta mà trong thinh lặng chúng ta mới biết phó thác và tin tưởng.”[3]
Nhìn lại bản thân trước những sự cố lớn nhỏ, dù vui hay buồn trong đời, thường thì thái độ của ta là gì? Ta có cần chiêm ngắm lại và bắt chước những đàng lành Mẹ đã trải nghiệm:
– Làm chủ những cảm xúc tự nhiên,
– Mau chóng nối kết với Chúa,
– Đối diện với chính mình trong cõi lòng,
– Lắng nghe và đối thoại với Chúa,
– Khao khát tìm Ý Chúa ngang qua biến cố hiện tại,
– Xin cho được ơn đón nhận Ý Ngài trong tin yêu, phó thác…
Mẹ dạy ta trao ban phúc lành trong Đức Mến.
Nơi Mẹ Maria, hoa trái của việc kết hiệp với Thiên Chúa trong cõi lòng là trao tặng những phúc lành của Thiên Chúa cho người khác. Trước hết, Mẹ dùng ngôn từ để:
- Thông chia niềm vui cứu độ: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1, 46 – 47);
- Khiêm tốn nhìn nhận những phúc lành Mẹ có là do lòng thương xót Chúa: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!” (Lc 1, 49);
- Xin Chúa can thiệp khi nhận biết người khác đang gặp khó khăn: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2, 3);
- Và mách bảo họ thực hiện những gì Chúa muốn: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2, 5).
Theo ĐGH Phanxicô, nơi Mẹ Maria, Mẹ không chỉ là người được Thiên Chúa chúc phúc, nhưng Mẹ còn được mời gọi mang phúc lành của Thiên Chúa Cha là Đức Giêsu đến cho nhân loại. Mẹ đồng thời chỉ dẫn ta “trở thành người mang ơn lành của Chúa” đến cho tha nhân. Ngài nói:
“Thế giới của chúng ta đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi cách chúng ta ‘nói’ và nghĩ ‘xấu’ về người khác, về xã hội, về chính chúng ta. Nói xấu hủy hoại và làm suy thoái, trong khi chúc lành phục hồi cuộc sống và mang lại sức mạnh cần thiết để bắt đầu lại.”[4]
Ngoài ngôn từ, Mẹ Maria trao tặng những phúc lành Chúa ban bằng việc cho đi thời gian để hiện diện với những ai đang có nhu cầu. Đó là:
- Sự phục vụ khi Mẹ “ở lại với bà Êlizabeth độ ba tháng” (Lc 1, 56);
- Sự quan tâm nhạy bén tại Tiệc cưới Cana (Ga 2, 1 – 11);
- Sự đồng hành âm thầm với Con Mẹ trong suốt ba năm hoạt động công khai;
- Sự có mặt trọn vẹn với Con Chí Ái trong cuộc khổ nạn;
- Sự hiệp thông sâu xa trong thinh lặng thánh trên Núi Sọ.
- Sự “đồng tâm nhất trí và chuyên cần cầu nguyện” với các Tông đồ tại Giêrusalem (Cv 1, 12 – 14).
- Và, trải qua dòng thời gian cùng qua bao thế hệ, Mẹ tiếp tục bước đi với Dân Chúa trên con đường lữ thứ trần gian, để phù trì, che chở và chỉ bảo cho ta biết những đàng lành trong hành trình tiến về quê trời.
Nơi Mẹ, ta học được rằng: chỉ khi thinh lặng đủ trong cõi lòng, ta mới có thể nghe được Tiếng Chúa thúc đẩy, mời gọi ta chia sẻ những phúc lành của Người. Và chỉ “khi học cách dành thời giờ cho Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ có khả năng tìm ra thời giờ cho nhau nhiều hơn. Để tâm đến Chúa sẽ dạy chúng ta biết để tâm đến người khác”[5].
Khi nói đến việc trao tặng thời gian cho tha nhân, như Đức Maria “đã mang Chúa vào thế giới thời gian”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ:
“Sẽ rất tốt nếu chúng ta tìm thời gian dành cho ai đó. Thời gian là kho báu mà tất cả chúng ta đều sở hữu, nhưng chúng ta lại sở hữu nó cách ghen tuông, vì chúng ta chỉ muốn sử dụng nó cho riêng mình. Chúng ta hãy cầu xin ơn để tìm được thời gian dành cho Chúa và cho người lân cận – cho những người cô đơn hoặc đau khổ, cho những người cần ai đó lắng nghe và quan tâm đến họ. Nếu chúng ta có thể tìm thấy thời gian để cho đi, chúng ta sẽ ngạc nhiên và tràn đầy niềm vui.”
Là những người con tận hiến cho Thiên Chúa, tài sản mỗi người chúng ta luôn có là những phúc lành Chúa ban: ân sủng, tình yêu, nghị lực, sức khỏe, sứ vụ, khả năng, thời gian… Những đàng lành Mẹ đã sống, những con đường Mẹ đã trải qua – đặc biệt là trao tặng tha nhân những phúc lành Chúa ban trong Đức Mến, nay Mẹ vẫn hằng chỉ bảo ta sống mỗi ngày. “Tình yêu cho đi là tình yêu còn mãi”; phúc lành trao ban là phúc lành luôn đong đầy! Cách tự nhiên, quy luật cho đi là thua thiệt, tặng trao là mất mát. Thế nhưng, ta thực sự chẳng mất gì, cũng chẳng thua gì, vì “chẳng ai có thể nhận được gì mà không phải do Trời ban cho” (Ga 3, 27).
Hơn thế, chính “Đấng Toàn Năng đã làm cho ta biết bao điều cao cả” (Lc 1, 49); vậy nên, như Mẹ Maria, việc ta tự do chia sẻ những phúc lành Chúa ban riêng cho bất kỳ ai, thì đơn giản ta đang trao tặng họ những gì ta được nhận lãnh, được chúc phúc từ chính Tình yêu Thiên Chúa. Điều này chính Chúa Giêsu đã căn dặn rất rõ: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10, 8).
***
Lạy Mẹ Maria mến yêu, Mẹ “không chỉ là nhịp cầu nối chúng con với Chúa; còn hơn thế, Mẹ là con đường mà Chúa đã đi qua để đến với chúng con, và là con đường mà chúng con phải đi để đến được với Chúa. Qua Mẹ, chúng con gặp gỡ Thiên Chúa theo cách Người muốn chúng con thực hiện: trong tình yêu dịu dàng, trong tình thân mật, trong thân xác”[6]. Xin Mẹ giúp mỗi người chúng con bình tâm đủ để có thể nhận ra Tiếng Chúa mời gọi trong từng biến cố, hầu sống vâng phục Thánh Ý trong Đức Tin. Xin Mẹ dạy chúng con sống thinh lặng đủ để có thể nghe theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, hầu sẵn sàng trao ban chính mình trong Đức Mến, qua những lời nói “mặn mà, dễ thương” (Cl 4, 6) hay sự phán đoán theo ý ngay lành, bằng những thái độ quan tâm chân thành hay âm thầm phục vụ, qua những lời cầu nguyện và mong ước điều tốt lành cho người khác…
Nguyện xin Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành luôn cầu bầu cùng Chúa cho chúng con, và xin dẫn dắt chúng con đến với Thiên Chúa, với Giêsu Con Mẹ trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Amen.
Emmanuel Phan, Fmsr
Trích nguyện gẫm ngày 26/4/2021
[1]ĐGH Phanxicô (2021). “Mẹ Maria là con đường mà chúng ta phải đi để đến với Chúa”. Vatican News. 01.01.2021
[2]Anselm Grun (2007). Học sống thinh lặng (An Nguyễn chuyển ngữ). NXB An tôn & Đuốc Sáng, tr. 31.
[3]Anselm Grun (2007). Học sống thinh lặng (An Nguyễn chuyển ngữ). NXB An tôn & Đuốc Sáng, tr. 163.
[4]ĐGH Phanxicô (2021). “Mẹ Maria là con đường mà chúng ta phải đi để đến với Chúa”. Vatican News. 01.01.2021.
[5]Jacques Philippe (2014). Dành giờ cho Chúa (Lm. Minh Anh chuyển ngữ). NXB Hồng Đức, tr. 34.
[6]ĐGH Phanxicô (2021). “Mẹ Maria là con đường mà chúng ta phải đi để đến với Chúa”. Vatican News. 01.01.2021.