Tương quan với bản thân

CHỦ ĐỀ HỌC TẬP THÁNG 11 VÀ 12-2022

TƯƠNG QUAN VỚI BẢN THÂN

Bàn về tương quan của con người, nhà tu đức Thomas Merton xác nhận: “Không ai là một hòn đảo”, còn triết gia Martin Buber có triết lý: “Hiện sinh thiết yếu là tương quan”. Với Kitô hữu, khi truy tìm nguồn gốc hiện hữu của mình trong bản văn Kinh Thánh St 1, 26 – 27, chúng ta nhận ra các mối tương quan của con người được tựu trung trong ba chiều kích: hàng dọc – với Thiên Chúa; hàng ngang – với tha nhân, vũ trụ vạn vật; nội tại – với chính mình. Các mối tương quan này không phân chia từng mảnh nhưng luôn hòa quyện vào nhau, tỷ lệ thuận với nhau, mối tương quan này tốt sẽ khai thông cho các mối tương quan khác.

Hòa với nhịp sống tinh thần của Hội dòng, lời mời gọi Bước đi trước mặt Chúa và cố gắng nên hoàn thiện trong tương quan với bản thân muốn nói đến trạng thái của một tâm hồn luôn phản tỉnh về căn tính của mình: TÔI BIẾT TÔI LÀ AI. Là con của Chúa; Là môn đệ theo Đức Kitô trong một ơn gọi cụ thể- Ơn gọi thánh hiến Mân Côi. Tương quan với bản thân cách đúng đắn sẽ đặt nền cho các mối tương quan còn lại, vì khi nối kết với chính mình, trong sâu thẳm lòng mình, đó là lúc chúng ta gặp được Thiên Chúa[1], Đấng là Tình Yêu hiệp thông với mọi chiều kích hiện hữu.

  1. Tương quan với bản thân trong việc phản tỉnh: Tôi biết tôi là con của Chúa.

Sống tâm tình là con của Chúa sẽ giúp chúng ta trân quý và biết ơn món quà hiện hữu Chúa ban. Biết ơn thật từ trong tâm lòng, tâm hồn chúng ta sẽ chan chứa niềm vui và bình an trong cung cách hiện diện. Điều này hệ tại nơi người có niềm tin sâu xa vào kế hoạch yêu thương của Chúa, rằng trong công trình sáng tạo, Thiên Chúa luôn thông truyền sự tốt lành của Người cho ta[2]. Nếu có những điều ta cho là ‘chẳng lành’, thì đó là mầm mống vượt rào tự do của con người. Thế nên ta cần đón nhận con người thật của mình, đảm trách nó bằng việc cộng tác với ơn Chúa để nuôi dưỡng những ưu điểm, khắc phục các khuyết điểm, kiểm soát sự song đấu giữa cái ta làcái ta muốn là theo định hướng của Thần Khí: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ (Gl 5, 22).

Trân quý món quà hiện hữu Chúa ban còn là việc có trách nhiệm làm phong phú hóa nén bạc Chúa trao cho cuộc đời mình. “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2, 17). Khi tương quan với bản thân trong sự nhận biết tôi là con của Chúa, chúng ta sẽ nghiệm ra rằng: sở dĩ Thiên Chúa không trao ban cho ta và mọi người trong gia đình nhân loại cùng hình thức hay số lượng nén bạc là vì Người thấu hiểu ta một cách cá vị, Người muốn trao ban những điều phù hợp cho ta[3]. Việc của ta là đặt tên cho những nén bạc đó, ghi vào sổ bộ cuộc đời điều Chúa đang tín nhiệm trao ban để ta biết cách sinh lợi trong từng môi trường và nơi từng giai đoạn cuộc đời của mình. Mặt khác, để ta không so đo bì tỵ, kiêu hãnh hay tự ti mặc cảm với các ngôi vị khác, nhưng biết cộng tác, bổ túc cho nhau. Có như thế, ân phúc của công trình Thiên Chúa sáng tạo sẽ luôn tiếp diễn và triển nở cách tròn đầy trên tác phẩm Người đã tạo thành là cuộc đời ta.

Ngoài việc biết ơn và trân quý món quà hiện hữu Chúa ban, sự phản tỉnh: tôi biết tôi là con của Chúa sẽ điều hướng ta đặt nấc thang giá trị tôn giáo lên trên mọi giá trị khác. Điều này đã được Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắc nhở: “Làm sao không nghĩ đến sự phổ biến của thái độ dửng dưng tôn giáo và thuyết vô thần dưới nhiều hình thức rất khác nhau, đặc biệt dưới hình thức có lẽ đang phổ biến nhất hiện nay, là khuynh hướng duy thế tục? Say sưa vì những cuộc chinh phục kỳ diệu của một sự phát triển khoa học kỹ thuật mà không gì chặn đứng được, và nhất là bị mê hoặc bởi cám dỗ muốn bằng Thiên Chúa (x. St 3, 5), qua việc sử dụng tự do cách vô giới hạn, con người tự chặt đứt cội rễ tôn giáo sâu xa nhất của họ: quên lãng Thiên Chúa, họ nghĩ rằng Thiên Chúa chẳng có ý nghĩa gì trong cuộc sống của họ, họ từ chối Thiên Chúa để rồi sấp mình thờ lạy những “ngẫu tượng” đủ loại[4]. Chính khi chọn giá trị tôn giáo làm lẽ sống cho cuộc đời, ta mới có nhu cầu tìm kiếm sự hợp nhất với Thiên Chúa và ơn cứu độ cho tha nhân. Đây cũng là động lực để ta thực hiện một bước nhảy trên đường tiến đức: dám gạt bỏ những điều tầm thường để say mê xây dựng cuộc đời mình dựa trên những giá trị tinh thần, giá trị tâm linh. Không để cho mình bị thao túng bởi ham muốn, dục vọng hay những cảm xúc tiêu cực, để hình thành một cuộc sống mới trong sự hợp nhất với chính mình và hài hòa trong mọi tương quan.

Tự vấn: Những điều tôi đang gieo vào cuộc đời này thông qua suy nghĩ, lời nói, hành động, cảm xúc, có phản ánh được căn tính tôi là con của Chúa không?

  1. Tương quan với bản thân trong việc phản tỉnh: Tôi biết tôi là môn đệ đi theo Đức Kitô.

Được mang danh là môn đệ đi theo sát Chúa Kitô (Sequela Christi), nếu ta thường xuyên phản tỉnh và xác tín đây là hồng ân biệt chọn, “không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15, 16), tâm tình biết ơn sẽ tuôn tràn tâm hồn ta, kiến tạo thành niềm vui nội tâm giúp ta thêm yêu cuộc sống, yêu sự hiện hữu của mình và yêu các giá trị Tin Mừng mà chính ta đã tự do đáp trả. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui”[5]. Điều này có nghĩa là mọi không gian tu sĩ hiện diện, không phân biệt tu sĩ ở độ tuổi nào, giai đoạn nào trong đời tu, đảm nhận trách vụ nào, đang dấn thân trên cánh đồng truyền giáo hay ẩn thân trong nguyện cầu, trên giường bệnh… không gian đó luôn có niềm vui. Niềm vui trọn vẹn và bền vững sẽ không chỉ hệ tại ở thành quả của sứ vụ hay những thuận lợi trong đời thánh hiến, nhưng là được nên giống dung nhan của Thầy Chí Thánh – Đấng đã vì yêu thương nhân loại, không từ chối chấp nhận thập giá. Vị Cha chung cũng nhắc nhở chúng ta trong Tông thư về đời sống thánh hiến: Người thánh hiến có đủ lý do để vui, để sống an bình, cho dù cũng như bao sinh linh khác, chúng ta cũng trải nghiệm những khó khăn, những đêm tối tinh thần, những thất vọng, bệnh tật, kiệt sức do tuổi tác. Chính trong hoàn cảnh đó mà chúng ta cần phải khám phá “niềm vui trọn vẹn”, học cho biết cách nhận ra khuôn mặt Đức Kitô, Đấng đã trở nên giống như chúng ta mọi đàng, và vì thế cảm nghiệm sự vui mừng vì biết rằng mình được nên giống kẻ vì yêu thương ta đã không khước từ thập giá”.[6]

Thật vậy, khi bình tâm đón nhận tất cả thập giá đời mình trong sự phản tỉnh: tôi biết tôi là môn đệ đi theo Đức Kitô, ta sẽ dễ dàng mở lòng đối diện với những khó khăn nội tại và ngoại tại đang diễn ra trong cuộc đời mình với tâm thế bình an, hướng vọng vào ơn cứu độ của Chúa để chuyển hoán thập giá thành thánh giá, thay vì chống cự, bất mãn, than vãn, buông xuôi. Bình an với chính mình là dấu chỉ của một tâm hồn đang có Chúa, từ Nguồn Bình An Vô Tận này, ta sẽ hòa điệu cách lành mạnh với các mối tương quan khác.

Khi ta biết và cảm thụ được việc đi theo Đức Kitô là hồng ân biệt chọn, ta sẽ tìm cách gìn giữ, bảo bọc món quà thánh hiến Chúa trao ngang qua từng chọn lựa sống của mình. Đó không gì khác là họa lại nếp sống tại thế của Đức Kitô khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục, cho dẫu cách thế này đang đi ngược với tâm thức của thời đại như Huấn Thị  Xuất phát lại từ Đức Kitô đề cập: “Các lời khuyên Phúc âm: khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục mà Đức Kitô sống trong nhân tính trọn vẹn của người với tư cách là Con Thiên Chúa và được ôm ấp vì yêu mến Thiên Chúa, tỏ lộ như một con đường thực hiện nhân vị cách viên mãn ngược lại sự phi nhân hoá. Chúng là những thần dược chữa trị sự sa đoạ của tinh thần, đời sống và văn hoá, chúng công bố sự tự do của con cái Thiên Chúa và niềm vui sống theo các mối phúc lộc Tin mừng”(số 13).

Như thế, khi biết mình là môn đệ của Đức Kitô, theo gương Người, ta sẽ cố gắng vượt qua khuynh hướng quy ngã để mở rộng trái tim hướng về Thiên Chúa và tha nhân; tự nguyện chọn nếp sống nghèo hiện hữu để đón nhận sự phong phú vô biên của Thiên Chúa trong hoàn cảnh sống và môi trường phục vụ với tất cả lòng biết ơn, niềm tín thác và sự quảng đại sẻ chia; tín nhiệm vào thánh ý Chúa để dâng lên Người  ý chí, tự do và quyền định đoạt cuộc sống của ta qua trung gian những người Chúa chọn. Đây quả là một thách đố nên cần ta luôn phản tỉnh để chiến đấu với bản ngã của mình, một bản ngã bị tổn thương bởi tội nguyên tổ, như kinh nghiệm của Thánh Tông đồ Phaolô: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi” (Rm 7, 19 – 20). Cuộc chiến của người môn đệ đi theo Chúa sẽ luôn gay go bởi những điều ta từ bỏ để sống các giá trị Tin mừng- nó đụng chạm đến những thực tại thiết thân nhất trong đời sống của ta, lại thêm cộng hưởng bối cảnh xã hội đang bị nhuốm màu tục hóa. Nhưng ta vẫn có thể trung tín đến cùng khi buông mình cho Ân Sủng và để cho Lời có sức biến đổi âm vang mãi trong tâm trí ta: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48).

Tự vấn: Tôi có thật sự đang hạnh phúc trong nếp sống của ơn gọi đi theo Chúa?

  1. Tương quan với bản thân trong việc phản tỉnh: Tôi biết tôi là nữ tu Mân Côi.

Trong một cuộc phỏng vấn báo chí, Mẹ Têrêsa thành Calcutta đã cho biết lý lịch của Mẹ cách súc tích như sau: “Về dòng máu, tôi là người Albani. Về tư cách công dân, tôi là người Ấn Độ. Về đức tin, tôi là một nữ tu Công Giáo. Còn về ơn gọi, tôi thuộc thế giới. Về trái tim tôi, tôi hoàn toàn thuộc về Trái Tim Chúa Giêsu”[7]Đọc qua dòng chia sẻ của Mẹ Thánh, cùng với những hoa trái Mẹ đã để lại cho Giáo hội và thế giới, ta cảm nhận được cách chắc chắn rằng Mẹ đã biết chỗ đứng của Mẹ trong chương trình của Thiên Chúa, và Mẹ đã dấn thân trọn vẹn cho điều Mẹ biết.

Với mỗi người chúng ta, ngang qua việc khấn Dòng, chúng ta được thuộc về Hội dòng[8] và tạo nên đặc tính là đời sống chung[9]. Khi tương quan với bản thân trong việc phản tỉnh: tôi biết tôi là nữ tu Mân Côi, ta sẽ mang lấy vận mạng và cung cách hành xử của Dòng trong từng sứ vụ, nét đặc trưng là Đức Ái, như Nội Quy Dòng hướng dẫn: “Ngay từ khi vào Dòng, chị em phải được học hỏi về tinh thần bác ái của Dòng, để tinh thần ấy hướng dẫn đời sống chị em. Nhờ vậy, mọi tư tưởng, lời nói việc làm của chị em luôn thấm nhuần tinh thần bác ái, phát xuất từ tình yêu tri kỷ với Chúa Giêsu Kitô” (NQ 4). Về điểm này, Đức Cha Tổ Phụ đã dạy con cái mình cặn kẽ:  “Đối với tôi tớ, người nhà hay người ngoài, đều phải yêu thương thật tình, nết na thanh tịnh, trong lời nói, trong bộ diện tỏ đức thương yêu” (GS I, 98).

Như những mắt xích được kết nối với nhau, sự phản tỉnh biết mình là nữ tu Mân Côi sẽ điều hướng lòng trí ta cảm thức thuộc về, cảm thức thuộc về giúp ta đón nhận và tôn trọng những khác biệt của từng chi thể trong thân thể Hội dòng bằng cái tâm được thần hóa bởi ánh sáng siêu nhiên, tạo nên sự hiệp thông của “mối dây liên kết tuyệt hảo là lòng bác ái” (Cl 3, 14). Khi nói về tình hiệp thông, Đức Thánh Cha Phanxicô đã không mệt mỏi nhắc nhở những người sống đời thánh hiến: các chỉ trích, các lời tâng bốc, các ghen tương, tị hiềm, các cách chống ngược lại nhau, là các thái độ không có quyền ở lại trong nhà (trong tâm hồn) của các con. Hành trình đức bác ái mở ra trước chúng ta hầu như vô tận, bởi vì đó là việc đi tiếp theo, với sự đón nhận và sự chú ý lẫn nhau, thực hành tình hiệp thông về các của cải vật chất và thiêng liêng, việc sửa lỗi cho nhau, việc kính trọng những người bé nhỏ nhất… Đó là “huyền nhiệm” của việc sống với nhau”, đó là điều làm cho cuộc sống của chúng ta “thành một cuộc hành hương thánh thiện[10].

Tự vấn: Nếu phải viết lý lịch đời mình cách súc tích như Mẹ Thánh Têrêsa, tôi sẽ viết gì? Điều tôi đang sống có phản ánh lý lịch chân thực của người nữ tu Mân Côi không?

Tạm kết:

Nhìn lại hành trình cuộc đời, ta thấy khuynh hướng tự nhiên của mỗi người thường hay tập trung nhiều đến các mối quan hệ bên ngoài mà quên rằng, điều cốt yếu lại đến từ bên trong, đến từ mối quan hệ của ta với chính bản thân mình. Vô tình hay hữu ý ta đã để cho đời mình bị lấy cắp bởi sống theo những quy định của người khác. Sự hội nhất bản thân không có ở nơi ta nên ta thường gặp khổ đau, bất hòa và bất hạnh.

Sống chủ đề “Bước đi trước mặt Chúa và sống hoàn thiện trong mối tương quan với bản thân” mời gọi mỗi người chúng ta trước hết, thực hiện phút hồi tâm mỗi ngày theo luật Dòng[11] cách nghiêm túc hơn. Vì chỉ khi trở về tương quan với bản thân, trong sâu thẳm lòng mình, ta mới thực sự được Ánh Sáng Tâm Linh soi dẫn giúp ta nhìn ra giá trị cuộc đời mình cách chân thực nơi căn tính của ta, để ta nuôi dưỡng lòng biết ơn, quý trọng và đảm trách nó. Sau nữa, trong ngày sống, ta cần luôn phản tỉnh để kiểm soát con người nội tâm mình thông qua suy nghĩ và những dòng cảm xúc nội tại, quy hướng tất cả mọi sự trong Thiên Chúa là Đấng hoàn thiện tuyệt đối, ta sẽ được trở nên hoàn thiện trong các chiều kích tương quan nơi sự hiện hữu của ta.

Têrêsa Diễm Hạnh

[1] x. Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1176.

[2] x. Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 299

[3] x. ĐGH Phanxicô, Bài huấn dụ trong buổi đọc kinh Truyền Tin, ngày 16. 11. 2014.

[4] Tông huấn “Kitô hữu giáo dân”, số 4.

[5] Tông thư “Đời Sống Thánh Hiến”, mục II. 1

[6] Sđd, mục II.1

[7]  x. http://conggiao.info/me-teresa-ve-on-goi-toi-thuoc-the-gioi-d-37732

[8]  x. Giáo luật, điều 654.

[9]  HLD 1

[10]  Tông thư “Đời Sống Thánh Hiến”, mục III. 2

[11]  HLD 17.4

About dongmancoichihoavn

Check Also

An tĩnh nội tâm

hãy thường xuyên tìm về nơi thâm cung của cõi lòng mình, vì chính trong nơi thanh tịnh này, chúng ta dễ dàng nhận ra tính chân thực của một Tình Yêu...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *