Đặc tính Mân Côi theo giáo huấn Đức Cha Tổ Phụ

TÂM THƯ THÁNG 11-2022

ĐẶC TÍNH MÂN CÔI THEO GIÁO HUẤN ĐỨC CHA TỔ PHỤ

 Kính thưa toàn thể chị em Mân Côi rất thân mến

Khi nói về gia sản tinh thần của một Hội Dòng, Bộ Giáo Luật điều 578 đã cô đọng giáo huấn của Công Đồng như sau:“Tất cả mọi người phải trung thành duy trì chủ tâm và ý định của Đấng Sáng Lập đã được nhà chức trách của Giáo Hội phê chuẩn về bản chất, mục đích, tinh thần, đặc tính của mỗi Hội Dòng, cũng như về truyền thống lành mạnh. Đó là tất cả những gì tạo thành gia sản của Hội Dòng”.

Để đào sâu gia sản tinh thần của Hội Dòng, tháng này chúng ta tìm hiểu về đặc tính Mân Côi theo giáo huấn của Đức Cha Tổ Phụ. Đặc tính Mân Côi là những nét riêng nổi bật của Dòng Mân Côi, là kết quả của một lối sống phong phú tinh thần, mục đích, linh đạo và sứ vụ của Hội Dòng mình. Chúng ta không định nghĩa một cách ngắn gọn được, nhưng một cách cụ thể, nếu chúng ta cẩn thận vâng giữ luật Dòng và những giáo huấn của Đức Cha Tổ Phụ, chúng ta sẽ có những nét riêng tư mang tính Mân Côi. Những nét riêng tư này làm nên nhân cách người nữ tu Mân Côi được biểu lộ trong lối suy tư, trong ngôn từ, trong thái độ, diện mạo và trong cách ứng xử.

Để diễn tả nét riêng của Hội Dòng, Đức Cha Tổ Phụ đã gói ghém những vẻ đẹp đặc thù của Mân Côi trong bài thơ sau đây:

“Đơn sơ vui vẻ thật thà,

Dễ răn dễ bảo hiền hòa an vui.

Hay chịu khó hay thương người,

Dễ ăn dễ ở tươi cười nết na.

Chẳng hay giả dối nịnh tà,

Nói phô ngay thẳng, xuyên hoa chẳng hề” (GSD 1, 208)

Đó là những vẻ đẹp tinh thần, là đặc tính của người nữ tu Mân Côi.

  1. “Đơn sơ – vui vẻ – thật thà”

Ba đức tính này được Đức Cha Tổ Phụ nhắc đến nhiều lần trong giáo huấn của ngài. Đức Cha luôn khích lệ chị em phải ra sức luyện tập những đức tính hàng đầu này. Bởi đây là những đức tính làm cho chị em trở thành một con người có tâm hành nhất quán, khẩu tâm như nhất, trong lòng làm sao, ngoài miệng và cách ăn nết ở cũng như vậy. Vui vẻ, thật thà là kết quả của một tâm hồn đơn sơ và có lương tâm trong sạch nên rất xứng hợp với bậc Nhà Dòng. Nếu thiếu những đức tính này, chị em chẳng có chân dung người thánh[1]. Người đơn sơ thật thà luôn có ý hướng ngay lành nên chỉ lấy Chúa làm mục đích cho đời mình. Vì thế, họ được bình an, nét mặt luôn tươi vui, mọi lời nói, cử chỉ đều đáng mến, dễ dàng tấn tới trên đường nhân đức và bay cao tới đỉnh trọn lành. Đây là những nhân đức đáng quý trọng vì nó làm cho Chúa Giêsu yêu mến con trẻ và làm cho Têrêsa Hài Đồng trở thành vị thánh cả[2]. Người có những đức tính này sẽ luôn để thánh ý Chúa soi dẫn cuộc đời mình. Đức Cha còn khuyên chị em phải đơn sơ thật thà trong lương tâm là không làm gì sai trái; trong tâm trí là không tìm những kiểu cách khác người; trong cách ăn mặc là không trau chuốt hào nhoáng; trong lời nói là không thêm bớt, nói sai hay nói quanh. Ngoài ra còn phải đơn sơ thật thà khi nhận lỗi, khi bàn hỏi và không dối mình hoặc nịnh hót ai bao giờ[3].

  1. “Dễ răn – dễ bảo – hiền hòa – an vui”.

Đức Cha Tổ Phụ dạy khi Bề trên hoặc chị em nói cho biết mình có những nết xấu nào cần sửa thì vui lòng vâng nghe và ra sức hoán cải, không nên nghĩ rằng do chị em không ưa hoặc nói thêm nói đặt cho mình[4]. Dễ răn dễ bảo là dễ vâng lời, không nghĩ việc này trọng hay hèn, không nghĩ đến việc khó hay việc dễ, không dựa vào ý riêng nhưng quyết tâm làm hết mọi việc được trao, dù có gặp trở ngại cũng không sờn lòng[5]. Dễ răn dễ bảo là dễ chấp nhận những trái ý, dù sao chăng nữa cũng cứ một mực an vui, đằm thắm, bình tĩnh, mặt mũi tươi cười, bởi vì có bực tức hay rối trí cũng không sinh lợi ích gì[6]. Dễ bảo thể hiện sự ngoan ngoãn, thành thật, dễ thương, trong sạch và hướng thiện, không phản kháng, bướng bỉnh. Người dễ bảo cũng thành thật công nhận sai lầm của bản thân nên dễ uốn nắn, sửa sai.

  1. “Hay chịu khó, hay thương người”.

Theo Đức Cha Tổ Phụ, đức chịu khó giúp chúng ta vượt thắng được các trở ngại trong việc tu luyện cũng như trong cuộc sống. Người chịu khó làm gì cũng dễ thành công, biết chấp nhận gian khổ, không tìm nhẹ lánh nặng, nhưng luôn biết hy sinh phần mình để nghĩ đến người khác[7]. Người có đức chịu khó luôn có thái độ an vui hòa nhã, kiên tâm bền chí trước những khó khăn, không phàn nàn, kêu ca hay bắt bẻ. Người chịu khó biết nhịn nhục mọi sự không vừa ý, biết dùng sự khôn ngoan giúp cho những người bất thuận làm hòa cùng nhau. Người chịu khó có lòng thương yêu chị em, không thuộc về mình nữa mà thuộc về chị em, sẵn sàng làm việc thay cho chị em[8].

  1. “Dễ ăn dễ ở, tươi cười nết na”

Theo Đức Cha Tổ Phụ, người dễ ăn dễ ở là người dễ tính, dễ vâng lời, sẵn sàng theo ý Chúa định đoạt và qua sự sắp xếp của Bề trên. Các ngài dạy làm việc gì, khi nào thôi, dạy ta đi đâu, ở đâu, ta cũng vui vẻ vâng theo, không xét việc nọ là hơn, là kém, nơi này là sướng, là vui, nơi kia là buồn, là khổ[9]. Người dễ ăn dễ ở cũng là người dễ sống với chị em, không quạu cọ, khó tính.

Trong việc tập các đức tính, Đức Cha Tổ Phụ lưu ý phải huấn luyện sự nết na cho chị em. Sự nết na bề ngoài là một thứ trang sức quý báu nhất của một người đã từ bỏ thế gian vào nơi tu viện, nhất là khi làm  công việc giáo dục và bác ái hay khi giao tiếp với người ngoài[10]. Người nết na biết giữ gìn con mắt, lời ăn tiếng nói cử chỉ thế nào cho đứng đắn, khiêm tốn, nhẹ nhàng, đằm thắm, làm cho người đối diện phải mến phục mà không dám trêu trọc hay coi thường[11].

  1. “Chẳng hay giả dối nịnh tà”

Không giả dối nịnh tà là không xuyên tạc dối trá: “Có thì nói có, không thì nói không” (Mt 5, 37). Đức Cha Tổ Phụ dạy rằng: Nếu không có nhân đức thì đừng tỏ bộ mình nhân đức. Nếu đang giận hờn, thì chẳng giả hình tỏ ra nghĩa thiết. Đức thật thà chẳng muốn làm sự gì dối trá để kẻ khác tưởng lầm về ta. Ta có sao thì cứ vậy mà thưa trình. Dối trá chẳng có lợi ích gì. Chỉ người sống thật mới được Chúa yêu, người mến, được bình an và chết cũng không phải lo sợ gì[12].

Trong sách Mãn Nhà Tập, Đức Cha Tổ Phụ dạy chị em phải luôn có ý hướng trong sạch trong mọi việc, chỉ để ý đến Chúa, tìm cách làm hài lòng Chúa, làm vinh danh Chúa và yêu mến Người. Ý ngay lành và trong sạch làm cho mọi việc trở thành lớn lao và cao quý. Còn những việc cả thể, có vẻ rất thánh thiện, có nhiều công sức, nhưng nếu làm với ý xấu thì cũng đáng chê ghét trước mặt Chúa và mất đi mọi công phúc đời sau[13]. Vậy, chị em hãy làm cho ý ngay lành của mình có hiệu lực, đừng xao nhãng để những ý hướng xấu nó vuốt ve cái xu hướng tự do và lòng tự ái của mình[14].

  1. Nói phô ngay thẳng, xuyên hoa chẳng hề.

Đức Cha Tổ Phụ dạy chị nữ tu Mân Côi phải luôn biểu lộ sự đơn sơ chân thật trong lời nói, không bao giờ nói xuyên tạc hay ba hoa, cung cách không yểu điệu cũng không cứng cỏi[15]. Ngài khuyên chị em đừng tỏ ra biết mọi sự mà đưa mình ra khoe trước mọi người, nên ít nói về mình, về gia đình mình… Hãy bỏ đi những điệu bộ kiêu hãnh, cách ăn mặc chải chuốt theo thói thế gian hay sửa sang làm dáng như người đời. Cũng không nói kiểu sai khiến hoặc dùng lời lẽ cứng cỏi không đủ nhân từ. Nếu Chúa ban cho mình chút tài khéo nào thì lấy làm vui vì được dùng tài đó mà giúp chị em, đừng để chị em năn nỉ quá. Ai cần gì thì vui lòng giúp ngay[16].

Tóm lại, những đức tính trên đã được Đức Cha Tổ Phụ nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong khi huấn đức và nhất là trong các sách ngài viết cho Hội Dòng. Thật ra, những hội dòng khác và các tín hữu vẫn có những đức tính này, nhưng đối với Đức Cha Tổ Phụ, ngài muốn các nữ tu Mân Côi phải chuyên chăm tập luyện và thực hành những phẩm chất này nhiều hơn để chúng trở thành nét đẹp nổi bật của “người nữ tu bác ái Con Mẹ Mân Côi”. Khi thủ đắc được những đức tính này, chị em sẽ nhạy bén trước những tác động của ân sủng Chúa và trở nên hiền hòa dễ thương với mọi người. Mỗi nhân đức mà chúng ta có được, không bao giờ đứng riêng rẽ một mình nhưng luôn gắn kết và bảo vệ nhau, làm chúng ta “được lớn lên về mọi phương diện, vươn tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4, 13).

Kính thưa toàn thể chị em rất thân mến,

Trong đời thánh hiến, chúng ta thấy các hội dòng có những yếu tố chung như đời sống thiêng liêng, việc khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm, kỷ luật Dòng… Tuy nhiên, tùy theo những nét riêng của đặc sủng, tinh thần, mục đích hay linh đạo, cũng như sứ vụ được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau mà mỗi hội dòng có những đặc tính riêng của mình. Đối với Hội Dòng Mân Côi, với ý hướng và chủ tâm ban đầu khi thành lập, Đức Cha Tổ Phụ đã dựa vào Tin Mừng để đưa ra những đức tính đặc trưng cho Hội Dòng. Những đức tính này không những giúp cho việc tông đồ của chị em luôn đạt được kết quả tốt mà chúng còn trở thành nét đẹp nổi bật của chúng ta, nghĩa là qua những đức tính này, chị em diễn tả được chân dung Đức Ái của mình.

Vào những ngày mới thành lập, dưới sự huấn luyện của Đức Cha Tổ Phụ, cùng với những người chị đi trước, đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành những nét đẹp riêng tư của Hội Dòng và truyền lại cho các thế hệ nối tiếp nhau. Vì thế, khi cuộc sống của từng chị em diễn tả được những đức tính đặc trưng của Hội Dòng mình, đó là cách chúng ta trung thành với chân tính và vẻ đẹp mà Thiên Chúa phú ban cho Hội Dòng qua Đức Cha Tổ Phụ.

Thân mến trong Chúa Kitô và Mẹ Mân Côi

Rose Vũ Loan, FMSR

[1] x. GSD I, 194

[2] x. GSD I, 245

[3] x. GSD I, 246

[4] x. GSD I, 207

[5] x. GSD I, 179

[6] x. GSD I, 100.

[7] x. GSD I, 101

[8] x. GSD I, 371

[9] x. GSD I, 227

[10] x. GSD I, 158-159

[11] x. GSD I, 161

[12] x. GSD I, 244

[13] x. GSD I, 435-436

[14] x. GSD I, 437

[15] x. GSD I, 246

[16] x. GSD I, 404

About dongmancoichihoavn

Check Also

Mẹ Thiên Chúa

Mẹ sống mật thiết với Thiên Chúa và hài hoà với con người và với thiên nhiên.

Để lại một bình luận