TÂM THƯ THÁNG 08-2020
TU DƯỠNG TÂM LINH
Theo dòng thời gian, cuộc sống con người luôn thay đổi, từ lãnh vực thể xác đến tinh thần. Sống trong vòng xoay chuyển này, chúng ta thường tự hỏi ngày mai mình sẽ ra sao ? Đức Cha Tổ Phụ có nhắc đến một phương châm sống :“Nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân”(ngày một mới, mỗi ngày một mới, lại mới hơn). Đây là câu châm ngôn giúp chúng ta ý thức hơn về sự hoàn thiện bản thân. Nếu hôm nay chúng ta đổi mới và từng ngày lại tiếp tục đổi mới thì đó là dấu chỉ cho thấy chúng ta đang “bước đi trước mặt Chúa và sống hoàn hảo”.Là người sống đời thánh hiến, từng ngày chúng ta được mời gọi đổi mới cuộc sống, đổi mới tâm linh. Ai trong chúng ta cũng kinh nghiệm rằng để vững bước trên hành trình đổi mới, chúng ta luôn cần đến một kỷ luật tâm linh tự nguyện, bởi vì “tinh thần thì hăng hái nhưng thể xác lại yếu hèn”(Mt 26, 41). Hơn nữa, lãnh vực rất quan trọng định hướng cho sự hoàn thiện của con người là lãnh vực tâm linh, nó bao trùm và ảnh hưởng đến mọi lãnh vực khác.
Trong niên học vừa qua, với chủ đề sống “Trung tín với kỷ luật đời thánh hiến Mân Côi”.Chúng ta đã nỗ lực tìm về với “Trung tâm” của đời sống, với “Nội vi tâm hồn” để có một nhận định chính xác hơn về mối tương quan phải có đối với Thiên Chúa, với bản thân và tha nhân. Chúng ta đã được Chúa thanh luyện cái nhìn, đôi tai và cả con tim để nhận ra điều cốt yếu của đời sống. Chúng ta cũng đã khởi đầu hành trình lột bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới theo hình ảnh của Đức Kitô (x. Ep 4, 22-23). Và chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa luôn sẵn sàng ban ân sủng giúp chúng ta đổi mới, nhưng Chúa không bao giờ đơn phương hành động. Người cần đến sự cộng tác của chúng ta, vì thế, mức độ biến đổi của chúng ta nhiều hay ít, còn tùy vào việc chúng ta có quan tâm thực hành việc tu dưỡng tâm linh của mình luôn được tăng trưởng hay không ?
Để tiến bước trên hành trình tăng trưởng tâm linh, Thánh Phaolô khuyên chúng ta phải để cho con người nội tâm của mình vâng theo luật Chúa mà loại bỏ đi con người xưa cũ (Ep 4, 22), con người khô khan cứng cỏi với những thói hư tật xấu và đầy xung khắc, để mặc lấy con người mới (Ep 4, 24), con người công chính và thánh thiện theo chuẩn mẫu của Đức Kitô phục sinh.
Mặc lấy con người mới là thay đổi đời sống, là tích cực dự phần vào quá trình hoàn thiện bản thân. Thay vì trước đây chúng ta sống theo các tiêu chuẩn và lối sống trần tục, thì hôm nay chúng ta sống theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Tâm trí và mọi hoạt động của chúng ta phản ánh được tư tưởng và ý muốn của Người (1Cr 1, 16b). Sự thay đổi này được diễn ra trong mọi sinh hoạt thường ngày, từ các việc thiêng liêng, mọi hoạt động tông đồ cho đến những công việc lớn nhỏ trong cộng đoàn, tất cả đều tốt hơn, thánh thiện hơn.
Sự đổi mới đời sống sẽ đạt đến đỉnh cao khi chúng ta đi vào sự kết hợp mật thiết với Chúa và sống theo ý muốn của Người. Theo thánh Gioan Thánh Giá, đỉnh cao của sự đổi mới là khi “ý muốn của chúng ta và ý muốn của Chúa là một; ý muốn của Chúa đã trở nên ý muốn của chúng ta. Do đó, linh hồn yêu mến Chúa hoàn toàn chỉ muốn điều Chúa muốn và làm điều Chúa muốn; không hề muốn và làm điều gì ngoài thánh ý Chúa”.Trên con đường phát triển tâm linh, chúng ta luôn cần đến một kỷ luật tâm linh để có thể thi hành ý Chúa. Đời sống sẽ không thiếu những lần đạt đến đỉnh cao tâm linh nếu chúng ta trung tín với thánh ý Chúa. Tuy nhiên, vì những giới hạn bản thân, cũng có lúc chúng ta phải bắt đầu lại. Nhưng cho dù thế nào, chúng ta cũng luôn khởi đầu lại với mức độ mới, và cứ như thế cho đến khi kết thúc hành trình, chắc chắn chúng ta “sẽ không mất phần thưởng”(Mc 9, 41) vì đã trung tín.
Thánh Phaolô cho chúng ta một kinh nghiệm về kỷ luật tâm linh rút ra từ lãnh vực thể thao : “Phàm là tay đua thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát”(1 Cr 9, 25). Thánh Phaolô nhắc chúng ta ý thức về tinh thần kỷ luật cần thiết thế nào trong cuộc chạy đua, nhất là khi bước vào cuộc chạy đua tâm linh. Ngài cho chúng ta một kinh nghiệm là phải ra kỷ luật cho mình và bắt thân thể phải tuân theo: “Tôi chỉ chú ý đến một điều là quên đi chặng đường đã qua để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích để chiếm được phần thưởng từ trời cao mà Thiên Chúa dành cho kẻ Người kêu gọi”(Pl 3, 14).
Trên hành trình tu dưỡng tâm linh, chúng ta cũng sẽ gặp không ít những chướng ngại có thể làm chúng ta bỏ cuộc, vì hành trình này đòi hỏi nhiều chuyên tâm và cố gắng.Do đó, việc tu dưỡng tâm linh đòi chúng ta phải có tinh thần kỷ luật tâm linh như trung tín với đời sống cầu nguyện, thực hành tốt các bổn phận thiêng liêng, siêng năng học hỏi và sống Lời Chúa, luyện tập các nhân đức, tích cực tham gia những sinh hoạt chung của cộng đoàn… Tất cả đều là những yếu tố quan trọng giúp chúng ta lớn lên, không phải chỉ về mặt tâm linh nhưng còn tất cả các khía cạnh khác của đời sống. Bởi vì mọi phương diện cuộc sống đều có liên quan, nối kết chặt chẽ với nhau và đời sống tâm linh bao trùm toàn bộ các lãnh vực khác của con người, nên khi tích cực tu dưỡng tâm linh, chúng ta “sẽ lớn lên về mọi phương diện”(Ep 4, 15). Thí dụ :
- Trong lãnh vực tâm linh, việc trung tín với các bổn phận thiêng liêng sẽ giúp chúng ta ngày càng đào sâu kinh nghiệm sống với Chúa, đưa đến khát vọng được biến đổi để nên giống Chúa.
- Trong lãnh vực tri thức, sẽ ham thích việc học hỏi về Chúa, biết tổ chức thời gian cho việc đọc sách, nghiên cứu để nâng cao sự hiểu biết về Chúa, về Giáo Hội và về con người.
- Trong lãnh vực tình cảm, có khả năng kiềm chế cảm xúc, biết tự chủ trong việc điều hướng bản thân, lành mạnh và tử tế trong giao tiếp, sống hòa hợp trong các mối tương quan.
- Trong lãnh vực thể lý, biết giữ cho thân thể khỏe mạnh, kỷ luật trong việc thể dục, ăn uống và hợp lý trong các sinh hoạt thường ngày.
- Trong lãnh vực luân lý đạo đức, biết tự nguyện rèn luyện kỷ luật bản thân, luyện tập các đức tính, biết hấp thụ và hội nhất các giá trị sống, chuẩn mực trong đời sống, nói không với những cám dỗ và điều xấu.
- Trong lãnh vực cộng đoàn, có khả năng cộng tác, sống hòa hợp, hướng đến ích lợi chung của mọi người, tương tác lành mạnh và sống tích cực.
Như vậy, một đời sống tâm linh sâu sắc sẽ hướng chúng ta đến những suy nghĩ và hành động tích cực, lành mạnh và trưởng thành trong nhiều lãnh vực khác nhau. Từ góc nhìn này, việc tu dưỡng tâm linh kéo theo sự nghiêm túc trong đời sống. Sự nghiêm túc này chính là kỷ luật bản thân, giúp chúng ta được lớn lên một cách hài hòa và quân bình về mọi phương diện. Eckhart Tolle nói rằng: “Khi sống giây phút hiện tại với tràn đầy ý thức, chúng ta sẽ nhận thấy một sự thánh thiêng bao trùm mọi khía cạnh cuộc sống. Khi càng cảm nhận được cách sâu sắc sự thánh thiêng bao trùm mọi sự, chúng ta càng cảm nhận được niềm vui tròn đầy về sự hiện diện của Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa là trọng tâm ý thức của chúng ta”.
Kính thưa toàn thể chị em,
Tất cả chúng ta đều được mời gọi lớn lên từng ngày. Lời mời gọi này luôn vang vọng trong suốt hành trình cuộc sống trần thế. Việc tu dưỡng tâm linh vẫn chưa hoàn thành cho đến khi chúng ta được biến đổi nên giống Chúa và thuộc trọn về Người (1Ga 3, 2). Khi tâm hồn khát mong được nên một với Chúa và sống trong sự thuần phục thánh ý Người, đó là tín hiệu cho thấy chúng ta đang được tăng trưởng trong đời sống tâm linh.
Xin Chúa ban cho mỗi chị em Mân Côi nhận được một ơn đổi mới nào đó phù hợp với sự cần thiết và với mức độ của từng người, để khi kết thúc một niên học mới, cuộc sống của chúng ta không còn như trước, vì đã được Thiên Chúa soi dẫn cho biết đâu là thánh ý Chúa, cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo (x. Rm 12, 2).
Chúng ta cảm tạ Chúa về một niên học bình an. Xin Chúa tiếp tục dẫn đưa chúng ta vào hành trình mới, hành trình dẫn đến một cuộc sống hoàn hảo, tươi đẹp và phong phú hơn theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Xin Mẹ Maria Mân Côi giúp chúng ta sống xứng đáng với tình yêu và ân sủng của Chúa.
Thân mến trong Chúa Kitô và Mẹ Mân Côi.
Rose Vũ Loan, FMSR