THIÊN CHÚA VẪN HIỆN DIỆN
Khép lại những ngày tháng nhộn nhịp, những tiếng ồn ào, náo nhiệt của nhịp sống thời đại 4.0. Thay vào đó, là những ngày trầm buồn, cuộc sống dường như chậm lại và con người phải bước vào khoảng thời gian không biết ngày mai sẽ ra sao? Là người tu sĩ, tôi cũng không nằm ngoài dòng chảy của cuộc đời. Thế nhưng, tôi đón nhận mọi sự như thế nào? Và Thiên Chúa giờ đây đối với tôi ở nơi đâu? Thì lại là một chuyện mà tôi phải dành giờ suy gẫm và tìm ý Ngài.
Khi đối mặt với những khó khăn của dịch bệnh, niềm tin của con người vào Thiên Chúa có phần lung lay. Chúa ở nơi đâu? khi từng giờ trôi qua có bao nhiêu người phải nằm xuống. Chúa ở đâu, Chúa hỡi? khi con người đang đau khổ vì đói khát, vì thất nghiệp. Chúa hiện diện ở đâu? khi đâu đó trên dải đất hình chữ S vẫn có những con người phải đi bộ mấy tháng trời để trở về quê hương trong sự mệt nhoài và chán chường. Chúa ở đâu? khi mỗi ngày trôi qua là thêm sự mất mát, thêm đau buồn và mất hy vọng. Và còn rất nhiều câu hỏi đang đặt ra và ai sẽ người trả lời cho họ? Phải chăng là tôi? chính những người dấn thân trong đời sống tu trì, là người đại diện cho niềm tin tưởng và nguồn trông cậy vào Thiên Chúa.
Để trả lời cho câu hỏi của con người ngày nay, tôi xin xác tín rằng : “Chúa vẫn ở đây, ngay bên cạnh và trong tâm hồn bạn”. Thiên Chúa, giờ đây không còn hiện diện nơi những ồn ào, náo nhiệt của nhịp sống sôi động hay những bận rộn của công việc, của cuộc sống mưu sinh. Ngài hiện diện nơi những con người đang ngày đêm miệt mài phục vụ tại các khu cách ly, nơi các bệnh viện. Chẳng những thế, Thiên Chúa còn hiện diện nơi sự hiệp nhất nơi các tôn giáo khi cùng nhau hướng đến lý tưởng là phục vụ. Chính Thiên Chúa đang đưa con người lại gần nhau hơn trong sự cảm thông – chia sẻ và mang gánh nặng của nhau. Chúa vẫn âm thầm sai Thánh Thần của Ngài hiện diện trên mặt đất này, khi đánh động sự sáng tạo của con người trong những biện pháp, để dù khó khăn nhưng vẫn đáp ứng được phần nào nhu cầu của con người.
Còn đối với bản thân, sống những ngày tháng mùa dịch, tôi lại có cơ hội suy gẫm những ngày tháng ẩn dật của Chúa Giêsu tại Nazareth trong 30 năm trước khi thi thành sứ vụ. Chiêm ngắm những ngày tháng này của Chúa, tôi hình dung ra khung cảnh Chúa nhặt rau, quét nhà, làm mộc, rửa chén, trồng cây, chăm sóc Thánh Giuse và Đức Mẹ. Ngài không buồn, hay chán nản và tự đặt câu hỏi: “Sao mình không đi rao giảng, ngoài kia đang cần mình, biết đâu nghe lời mình giảng nhiều người đi theo Chúa?” Chúa Giêsu không đặt câu hỏi như thế, nhưng Ngài trầm mình vào thánh ý của Thiên Chúa, sống những ngày tháng ẩn dật, âm thầm và không người biết đến. Đây cũng là lời mời gọi cho chính bản thân tôi, nhiều lúc tôi cũng muốn xông pha ra chiến trường, dấn thân nơi các bệnh viện, cảm thấy nhức nhối khi mình chẳng làm gì được gì nơi những con người đang cần đến sự phục vụ của tôi. Cũng như bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico trong buổi đọc Kinh Truyền Tin ngày lễ Mẹ Lên Trời ngày 15.08.2021: “Đức Maria chỉ âm thầm trong bốn bức tường nhưng Đức Maria luôn được Thiên Chúa ghé mắt nhìn đến. Chính sự khiêm nhường âm thầm sống thánh ý Chúa nên Mẹ diễm phúc được ân thưởng Nước Trời cả hồn lẫn xác.” Một đời sống âm thầm chỉ làm những công việc nhỏ bé, nhưng mang lại những giá trị cao cả vì khi đó tôi đang sống thánh ý của Thiên Chúa.
Bên cạnh đó, khi làm những công việc bình dị tôi lại bắt gặp một tác động của Chúa mà bấy lâu nay tôi đã lãng quên. Một ngày kia, khi tôi đang quét nhà, tôi dâng công việc này lên Chúa, lúc đó tôi chợt nhớ ra đã lâu lắm rồi tôi quên dâng lời nguyện tắt. Cuộc sống bận rộn, tôi đã quên đi những lời âm thầm – than thở cùng Chúa. Và khi tìm hiểu lại giáo huấn của Đức Cha Tổ Phụ, tôi đọc được lời dạy về sự sống bên trong như sau: “Kẻ ấy theo hoàn cảnh mà nhớ đến Chúa cho được kết hợp cùng Chúa để lấy sức thiêng liêng, lấy sự yên ủi mà làm việc mình đang làm, hay là chịu sự khó mình đang chịu. Như thế việc nặng cũng ra nhẹ, điều khó cũng ra dễ, vì kết hợp cùng Chúa mà làm mà chiu, cho nên ra như có Chúa đồng làm đồng chịu với mình.”[1] Như một luồng gió mới thổi vào đời tôi, tôi bắt đầu lại con đường tự luyện của chính mình. Khi làm bất cứ một việc gì, tôi đều làm một tác động kết hợp với Chúa để cầu nguyện cho những ai mà tôi nghe được họ đang đau khổ. Dù chẳng đi đến với họ nhưng tôi cảm nhận họ thật gần với tôi, vì họ ở trong suy nghĩ và lời cầu nguyện của tôi. Và đây chính là thánh ý của Chúa muốn nơi tôi sống trong mùa dịch này. Có thể những lời cầu nguyện chẳng người nào biết đến, nhưng với đức tin và niềm cậy trông tôi tin tưởng Thiên Chúa đã đón nhận và Ngài sẽ thi hành theo kế hoạch yêu thương của Ngài. Giờ đây, đối với tôi Thiên Chúa là Thiên Chúa của sự ẩn mình, âm thầm trong những công việc bình dị nhưng với một trái tim phi thường để hướng đến tha nhân và sống với nỗi đau khổ của họ trong nguyện cầu.
Thời gian mùa dịch là thời khắc của hồng ân, dù vẫn có đau khổ, chết chóc và bi thương. Đây cũng là thời khắc mà mọi người có thời gian để thinh lặng nhiều hơn. Chính trong sự thinh lặng, con người mới có đủ sự tĩnh lặng để lắng nghe sự hiện diện của Thiên Chúa. Vì Mẹ Têrêsa Calcuta đã nói: “hoa trái của thinh lặng là cầu nguyện, hoa trái của cầu nguyện là niềm tin, hoa trái của niềm tin là tình yêu, hoa trái của tình yêu là phục vụ và hoa trái của phục vụ là bình an”. Chỉ trong sự bình an, con người mới có đủ niềm tin để khám phá và xác tín Thiên Chúa vẫn hiện diện.
Phương Thanh, FMSR
[1] Ban Nghiên Cứu, Gia Sản I Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi Chí Hòa, 2011, 247 -248.