Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó

PHÚC THAY AI CÓ TINH THẦN NGHÈO KHÓ, VÌ NƯỚC TRỜI LÀ CỦA HỌ (Mt 5, 3)

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, là nguồn mạch sự sống và mọi sự thiện hảo. Chúa đã ban sự sống cho chúng con, và ban cho chúng con ngày mới sau một giấc ngủ bình an. Chúng con xin cảm tạ Chúa. Chúng con xin dâng lên Chúa ngày mới hôm nay, với khát vọng được thuộc về Chúa, được sống trọn vẹn cho Chúa, và được phụng sự Chúa hôm nay cũng như trót cuộc đời con.

Chúng con cảm tạ Chúa đã chọn gọi chúng con trở nên những môn đệ của Chúa, cho chúng con biết chọn Chúa là cùng đích, là gia nghiệp, và là tất cả cho cuộc đời chúng con trong đời sống thánh hiến tu trì, dù chúng con bất xứng bất toàn.

Qua 3 lời khấn dòng, chúng con đã thể hiện quyết tâm chọn Chúa là tuyệt đối, là tối thượng trong lòng mến và việc thờ phượng của chúng con.  Tuy nhiên, như dân Israel xưa: quên sót, yếu đuối, và bất trung là bản tính loài người chúng con, nên chúng con phải thường xuyên hâm nóng lại những chọn lựa của mình. Hôm nay, đặt mình dưới sự hiện diện của Chúa, chúng con ôn lại lời cam kết sống nghèo khó, theo gương Đức Giêsu, Đấng là Con Thiên Chúa, đã chấp nhận sống đời nghèo khó trong thân phận con người, để nêu gương cho chúng con.

***

Chúng ta có cảm tưởng rằng, suy gẫm về lời khấn nghèo khó trong thời đại hôm nay là việc có vẻ lạc lõng, thừa thãi, khi mà sự giầu có và hưởng thụ vật chất đang là xu hướng mạnh hơn cả trong các chọn lựa của người đời; khi mà giá trị con người thời nay được đánh giá bằng số tài sản và những tiện nghi vật chất họ sở hữu; khi mà ngay cả người tu sĩ cũng quan niệm rằng cần phải có đầy đủ vật chất mới có thể hoạt động cho Nước Chúa. Tuy nhiên, Đức Giêsu lại tuyên bố mối phúc thứ nhất trong Hiến Chương Nước Trời của Người là: “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó”. Và thực tế là hiện tại cũng đang có số đông những tâm hồn thánh hiến chọn lối sống này, như một mối phúc.

Dĩ nhiên, đây là một chọn lựa chỉ của những ai sống niềm tin cánh chung, là sự chọn lựa của những người sống trong nhãn giới và niềm tin về một cuộc sống mai hậu, những người sống và chờ đợi phần thưởng Nước Trời mai sau. Đó là nếp sống của những tâm hồn thánh hiến như chúng ta, những chị em Mân Côi, chọn đi theo một Đức Giêsu khó nghèo, hiền lành và khiêm tốn.

  1. Nghèo khó trong Cựu Ước

Cũng như về đời sống độc thân, theo những mặc khải và giáo huấn thời các Tổ Phụ, sự giầu có của cải tài sản được coi như phần thưởng Thiên Chúa ban, là dấu chỉ phúc lành của Chúa cho những ai sống công chính, đẹp lòng Thiên Chúa. Như tổ phụ Abraham có đông đảo chiên cừu súc vật; như ông Job, có nhiều tài sản, “Ông có một đàn súc vật gồm 7 ngàn chiên dê, ba ngàn lạc đà, năm trăm đôi bò, năm trăm lừa cái và một số rất đông tôi tớ. Ông là người giầu có nhất trong số các con cái phương đông” (G 1,3-5). Trước đó, sách Gióp cho biết: “Ông là một người vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và xa lánh điều ác” (G 1,1). Sự nghèo túng, mất mát về tài sản vật chất, được coi như sự ruồng bỏ của Thiên Chúa, là dấu chỉ kẻ có tội.

Tuy nhiên, đến thời các Ngôn sứ, sự phú quý giầu sang không nhất thiết gắn liền với phúc lành của Thiên Chúa, do có tình trạng các người giầu có sống kiêu căng, đối xử bất công, bóc lột người nghèo. Những người nghèo khó khốn cùng kêu cầu lên Chúa, họ chỉ biết cậy dựa vào Chúa vì không có nơi nương tựa nào ngoài Thiên Chúa. Và Chúa đứng về phía họ, đáp lời sẽ cứu thoát họ (Tv 69, 30. 33-34).

Như vậy, dần dần những quan niệm và niềm tin như trước đây đã thay đổi. Vào thế kỷ thứ 8 trước Chúa Giáng sinh, tiên tri Isaia là người đầu tiên đã nói đến từ Anawim để chỉ những người nghèo khó, giai cấp thấp bé trong xã hội, những người góa bụa không nơi nương tựa, họ chỉ biết đặt hết tin tưởng cậy trông vào một mình Thiên Chúa. Chính họ sẽ là những người được lãnh nhận ơn Cứu độ.

Các nhà tu đức hôm nay đưa ra hình ảnh cụ thể về mẫu người Anawim là Đức Maria và thánh Giuse, những người sống đời đạm bạc, khiêm nhường, hoàn toàn cậy trông và tuân theo thánh ý Thiên Chúa.

Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI trong buổi tiếp kiến chung tại Vatican ngày 15-2-2006, cũng đã phát biểu về mẫu người Anawim như sau: “Đó là những tín hữu tự ý thức mình nghèo, từ bỏ những thần tượng về sự giầu có; những tâm hồn khiêm cung, và mở lòng cho ân sủng Thiên Chúa tràn vào”

  1. Nghèo khó trong Tân ước

Vào thời Tân Ước, Sách Tin Mừng cho thấy tình trạng nghèo khó không là một dấu chỉ tiêu cực như trước, nhưng được trân trọng và đề cao; bầu khí trong Tin Mừng là bầu khí một nếp sống đơn nghèo, nhưng bình an, vui tươi:

Các người chăn chiên ngoài đồng là những người đầu tiên được đón nhận Tin Mừng Giáng sinh (Lc 2,8-14); Gia đình Thánh gia được xếp vào loại gia đình sống nghèo, khi Đức Maria và thánh Giuse tiến dâng Chúa Giêsu vào đền thờ ngày lễ thanh tẩy, đã dâng những lễ vật của người nghèo: một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non (Lc 2,23-25); Chúa Giêsu và Thánh Gia sống giữa xóm lao động Nadarét (Mc 6, 1-6)

Chính Đức Giêsu, khi công bố mối phúc cho những ai tự nguyện sống nghèo, Người đã nêu gương trước: Là Con Thiên Chúa, Đấng sáng tạo và điều khiển cả vũ trụ muôn loài, nhưng đã chọn nếp sống “hạ mình làm người rốt hết trong nhân loại” (x. Phil 2, 6…). Người chọn làm con một người mẹ nghèo khó; sinh hạ trong một hang giữa đám chiên bò; được bọc sơ sài trong một tấm khăn (Lc 2,11).

Sau này, sứ vụ của Chúa Giêsu liên đới với những người người bất hạnh, khổ đau, là “rao giảng Tin mừng cho người nghèo, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho người bị giam cầm, cho người mù được thấy …” (x. Lc 4, 16-30). Người đã trải qua 30 năm sống bằng sức lao động của mình; cuộc đời rao giảng dong duổi không có nơi là nhà, (Mt 8, 20); Cả đời thi ân và cứu độ, nhưng đã bị ghen ghét thù hận; bị kết án tử, chết treo trên thập tự và phải chôn cất trong một ngôi mộ của người khác (Ga 19, 41-42).

  1. Chị em Mân Côi khấn sống nghèo khó

Noi gương đời sống Đức Giêsu và thánh gia Nadarét, các tu sĩ sống đời thánh hiến được mời gọi sống đời nghèo khó. Chị em Mân Côi cũng được mời gọi bước theo Đức Giêsu, tự nguyện khấn lời khấn khó nghèo.

Hiến Luật dòng số 9.1 viết: “… Khấn nghèo khó, chị em muốn nên giống Chúa Giêsu, Đấng đã xuống trần gian làm một người nghèo và sống giữa những người nghèo; chị em từ bỏ mọi sự như điều kiện tiên quyết để đi theo Người, chọn Chúa làm gia nghiệp duy nhất của mình, và sử dụng của cải như phương tiện để phục vụ và thực thi sứ vụ tông đồ.

Lời khấn nghèo khó của chị em Mân Côi được Hiến luật dòng trình bầy và hướng dẫn thực hành, cả về mặt pháp lý của lời khấn, và cả về mặt tinh thần như một nhân đức.

  • Về mặt pháp lý, bản chất lời khấn nghèo khó trong đời sống thánh hiến có đối tượng là của cải vật chất. Hiến luật Dòng xác định bản chất và giới hạn của lời khấn như sau:

 “Khấn nghèo khó, chị em từ bỏ quyền tự do sử dụng và định đoạt về của cải vật chất; chấp nhận sự hạn chế, và lệ thuộc Bề trên cũng như Hội dòng trong việc sử dụng tiền của” (HL 9.3).  

Hệ quả là chúng ta cần có phép của Bề trên hợp pháp mỗi khi có hành vi nào liên quan đến việc sử dụng và định đoạt tiền của, trong mức độ luật dòng quy định.

  • Về mặt đời sống, Giáo hội trong các giáo huấn đã nhắc đến 3 hình thức thể hiện đức nghèo của tu sĩ là: lao động, phục vụ người nghèo, và sống chia sẻ. (GL 640).

Sống nghèo là sống như những người phải lao động mới có của để sống. Người khấn nghèo khó chia sẻ thân phận của người nghèo, thể hiện bằng nếp sống cần cù thanh đạm, hy sinh dấn thân phục vụ, và biết chia sẻ cả về vật chất và tinh thần cho mọi người, từ những thành quả lao động của mình.

HLD số 10.2 viết: “Noi gương thánh gia Nadarét, chị em biểu lộ cách cụ thể đức nghèo khó qua lao động hằng ngày, chấp nhận nếp sống nghèo cả về tinh thần và vật chất, không dính bén của cải, giảm bớt những chi tiêu không cần thiết, sống cần cù và thanh đạm trong niềm tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa; dấn thân phục vụ và chia sẻ cho những nhu cầu của Giáo hội và người nghèo”

  • Cộng đoàn sống nghèo. Đức nghèo khó của chị em không chỉ được thực hành cách cá nhân, nhưng còn được thể hiện trong nếp sống cộng đoàn, bằng đời sống chứng tá giữa các môi trường mình sống và phục vụ.

HLD 11.1 viết: “Đức nghèo khó cũng phải được thể hiện trong nếp sống cộng đoàn. Chị em Mân Côi làm chứng về đức nghèo khó bằng nếp sống đơn sơ, vui tươi và siêu thoát, qua đó, mọi người sẽ nhận ra giá trị đức nghèo khó Phúc Âm và những giá trị vĩnh cửu đời sau”

  • Nghèo khó trong tinh thần. Tuy nhiên, người môn đệ Đức Giêsu được mời gọi không chỉ từ bỏ các quyền về của cải vật chất, thực hành trong mức độ lời khấn, nhưng còn đi xa hơn. Trên núi bát phúc, Đức Giêsu công bố lối sống nghèo của người môn đệ là nghèo khó trong tinh thần: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó”. Đức Cha Tổ Phụ cũng giáo huấn chúng ta: “Muốn nên người nữ tu trọn lành, thì một sự giữ lời khấn cho đúng mặt chữ mà thôi chưa đủ đâu. Một phải hết lòng ái mộ mến yêu đức khó khăn” (GSD I, 94).

HLD số 9.2 khuyến khích chị em:“Đời sống nghèo khó của chị em Mân Côi có một ý nghĩa và giá trị sâu xa hơn khi chị em sống khó nghèo trong tinh thần, chỉ lo tìm kiếm kho tàng trên trời. Điều này giúp chị em tín thác nơi Thiên Chúa như những thụ tạo của Người, được tự do nội tâm, siêu thoát mọi của cải trần gian, để mở rộng lòng với Chúa và tha nhân.

  1. Lý tưởng sống nghèo của người môn đệ Đức Giêsu
  • Của cải chỉ có giá trị tạm thời

Thực tế mọi vật chất tự nó không xấu, trái lại, đó là những thụ tạo Thiên Chúa dựng nên để phục vụ con người, và Chúa thấy là tốt! (St 2). Trong đời sống thường nhật, người tu sĩ vẫn cần đến những tiện nghi vật chất, tiền bạc của cải. Chúng là phương tiện để con người sinh sống, phát triển, để phụng sự Thiên Chúa và thi hành đức ái đối với tha nhân. Tuy nhiên tội phát sinh từ chỗ con người đã tôn chúng lên như mục đích, trong khi ý định của Thiên Chúa khi tạo dựng là để chúng phục vụ con người (St 2, 29-30tt).

Giá trị của tiền bạc của cải chỉ có tính tương đối; vật chất thì có tính tạm bợ, chóng qua, không nhất thiết đem lại hạnh phúc viên mãn.

Tác giả Thánh vịnh 61 đã nhận định:

“Tiền tài dẫu sinh sôi nảy nở;

Lòng chẳng nên gắn bó làm chi”,

Vì khi chết họ đâu mang được cả,

Kiếp vinh hoa chẳng theo xuống mộ phần

Nơi họ ở muôn đời muôn kíếp”.

Người Tu sĩ muốn tìm sống lý tưởng nghèo của Phúc Âm vì ý thức rằng, tiền tài sản vật không đương nhiên đem lại hạnh phúc cả đời này lẫn đời sau; mải mê tìm kiếm và thần tượng về sự giầu có, có khi là nguyên nhân đưa đến sự bất an, vong thân và hư hỏng. Gương của vua Salômon cho thấy một kinh nghiệm trước mắt!  Hơn nữa, sự sung túc đầy đủ mà không biết chia sẻ, xót thương tha nhân, có khi lại là nguyên nhân khiến người ta mất phần phúc đời sau. Tổ Phụ Abraham nói với linh hồn người phú hộ xưa đã không biết xót thương người nghèo ngồi ăn xin ngoài cửa: “Con hãy nhớ lại, khi xưa còn sống, suốt đời, con đã nhận được phần phúc của con rồi!!”

Chúa Giêsu đã tuyên bố:Người giầu có khó vào nước trời.Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu có vào nước trời(Mt 19,23-24).

Lý tưởng sống nghèo triệt để theo Tin Mừng

Cũng như các nhân đức siêu nhiên khác, đức nghèo khó Phúc Âm cũng không có giới hạn.

Thực hành tinh thần nghèo khó theo Tin Mừng, Tu sĩ phải siêu thoát trong cả những điều không lỗi lời khấn, nhưng trái với con đường “đi vào cửa hẹp” của Đức Giêsu. Tu sĩ phải từ bỏ đi những khuynh hướng thích sống dễ dãi hưởng thụ, tìm an toàn về mặt vật chất, thích sở hữu những tiện nghi thời thượng xa xỉ, khó dứt bỏ những dính bén đối với những thứ mình đang có; không biết chia sẻ và cảm thông với người thiếu thốn nghèo đói.

Ngoài những chia sẻ vật chất, nghèo khó thực còn là biết chia sẻ bản thân, những cái mình có như thời giờ, sức khỏe, kiến thức, khả năng của mình. Thời giờ và khả năng của tu sĩ không thuộc về mình, nhưng thuộc về Chúa và các linh hồn. Chúa Giêsu đã không có thời giờ ăn uống nghỉ ngơi, thì trong giới hạn của đức Vâng phục và kỷ luật dòng, môn đệ đi theo Chúa cũng phải biết hiến thân cho sứ vụ, để không tính toán so đo, hoặc từ chối dấn thân trước những nhu cầu cần thiết của những người xung quanh, của Cộng đoàn, Hội dòng, của Giáo Hội và của người nghèo.

Người môn đệ thân tín của Chúa cũng được mời gọi thực hành một sự từ bỏ triệt để, cả những từ bỏ chạm đến những sở hữu thâm sâu của bản thân, thanh luyện con tim khỏi mọi ràng buộc với thụ tạo và với chính mình, ngõ hầu có thể gắn bó hoàn toàn với Thiên Chúa. Nghèo khó thực là siêu thoát ngay cả đối với những yêu sách chính đáng của cái tôi: những sự nghiệp, những thành quả của những lao nhọc hy sinh trong sứ vụ; cả lòng biết ơn và mộ mến của tha nhân; cả những tham vọng, chức danh, địa vị, tiếng khen…

Nghèo khó thực còn là thông dự vào mầu nhiệm “tự hủy”, “Người phải nổi bật lên, còn tôi thì phải lu mờ đi” (Ga 3,30), là sống theo gương Đức Giêsu Kitô: “Phận Người là Thiên Chúa, nhưng đã hạ mình làm người rốt hết trong nhân loại…” (x. Phil 2,11), để sống khiêm tốn, hạ mình và bác ái với mọi người, duy trì bầu khí yêu thương hiệp nhất trong cộng đoàn.

Và trên tất cả, nghèo khó là chấp nhận những giới hạn về trí tuệ và thể xác của bản thân, những thiếu thốn, bất lực, những bệnh tật, ốm yếu, tuổi già. Và cuối cùng, là phó mình trong tay Bề trên và chị em, sẵn sàng thưa lời FIAT với Thiên Chúa, hoàn toàn tay không lòng không những của đời này, để về với Chúa vào ngày giờ Người gọi.

  1. Nghèo khó là một mối phúc

Chúng ta biết rằng, tự bản chất, sự nghèo khó không là một điều tích cực, tự nó không là điều đáng mơ ước tìm kiếm.

Tuy nhiên, nghèo khó trở nên mối phúc như Đức Giêsu công bố (Lc 6, 20), vì đó là lối sống của những người biết chọn Chúa làm gia nghiệp duy nhất. Họ chỉ tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu của các mối Bát Phúc, và tín thác nơi một mình Thiên Chúa, do đó họ có được những hồng ân vô giá là “Ân sủng Chúa ban dồi dào” (Ep 1,8), và nhất là có Nước Trời là phần thưởng đời đời.

Xưa chi tộc Lêvi không nhận phần đất trong miền đất hứa làm sản nghiệp, vì họ được dành riêng để phụng sự Nhà Chúa, Chúa Giavê chính là gia nghiệp của họ. Chị em Mân Côi hôm nay cũng “chọn sống nghèo khó như một mối phúc, và như một lựa chọn ưu tiên đối với Thiên Chúa là chủ duy nhất của đời mình”. (HLD 10.1)

Chỉ trong mức độ này, chúng ta mới tìm được sự bình an và hạnh phúc đích thực trong Nhà Chúa, trong đời tu.

***

Lạy Chúa Giêsu Nadarét, Đấng đã đưa chúng con lên núi, chọn gọi chúng con đến ở với Chúa, và để Chúa sai đi cộng tác vào sứ vụ Cứu độ của Chúa (x. Mc 3, 14).

Nhưng lạy Chúa, thật khó cho chúng con khi Chúa mời gọi chúng con đi theo Chúa, chia sẻ cuộc sống với Chúa, mà Thầy trò “không có nơi tựa đầu” (Lc 9, 58).

Thật khó cho chúng con khi Chúa sai chúng con đi vào sứ vụ mà “không được mang 2 áo, không bao bị, không lương thực dự trữ, chỉ có một cây gậy và đôi dép đi đường” (x. Mc 6,8).

Thật khó cho chúng con khi mà xã hội hôm nay luôn có những mời mọc hấp dẫn, với những sản phẩm mới, nhu cầu mới, có khi tưởng là cần thiết, nhưng đôi khi là xa xỉ dư thừa. Thật khó trong khi những tiện nghi, tiền của vật chất ấy thì hữu hình trước mắt, gắn liền với cuộc sống hiện sinh của chúng con, mà viễn tượng phần thưởng Nước Trời Chúa hứa thì xa vời và chưa cảm nghiệm được.

Sau này khi đã quen thân với Chúa, Chúa còn đòi chúng con phải có sự lựa chọn rạch ròi, hoặc chọn Chúa làm cùng đích đời mình, hoặc chọn tiền của và những lợi lộc trần thế, vì “Không ai có thể làm tôi hai chủ… Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”!  (Mt 6, 24-25).

Hằng năm khi nhắc lại lời khấn, chúng con luôn phải sám hối ăn năn vì những yếu đuối bất trung. Chúng con đã nhiều lần lỗi phạm điều đã khấn hứa với Chúa, đã mải mê với những thần tượng đời tạm và với cái tôi của mình, những thứ không mang theo được về đời sau. Chúng con tha thiết xin Chúa thứ tha. Dẫu vậy, lạy Chúa, chúng con vẫn xin được ở lại với Chúa, và quyết đi theo Chúa đến cùng.

Những ngày này, khi nhắc lại lời khấn, không phải chỉ là sự lặp lại việc con đã một lần thực hiện vào ngày tuyên khấn, nhưng còn là một cam kết phân định từng ngày, từng khoảnh khắc khi đối diện với những lựa chọn cụ thể và thực tế, khi muốn đặt Chúa làm mục đích tối hậu, là “chủ tuyệt đối” của đời con.

Lạy Chúa, Chúa đã chọn Israel và cả chúng con đây làm dân sở hữu của Chúa, dân thuộc về Chúa (Đnl 14.2); thì xin cho chúng con hôm nay cũng biết chọn Chúa làm gia nghiệp duy nhất của đời con. Amen.

Cécile Vũ Thị Thanh, fmsr

About dongmancoichihoavn

Check Also

Mẹ Thiên Chúa

Mẹ sống mật thiết với Thiên Chúa và hài hoà với con người và với thiên nhiên.

Để lại một bình luận