Chân dung vâng phục của chị em Mân Côi

CHÂN DUNG VÂNG PHỤC CỦA CHỊ EM MÂN CÔI

  1. Vâng Phục là gì?

Theo nghĩa tiếng việt: “vâng phục” hay “vâng lời” có nghĩa là “lắng nghe” và “làm theo” lời của người nào đó. Chẳng hạn như: con cháu vâng lời bố mẹ, ông bà và người lớn; học trò vâng lời thầy cô; nhân viên vâng lời cấp trên; công dân phải tuân hành luật pháp …

Trong đời sống tu trì ki-tô giáo, “vâng phục” được xét là nhân đức và được cam kết khấn giữ nhưng theo tinh thần, linh đạo và đặc sủng của mỗi Hội Dòng.

  1. Vâng phục theo linh đạo Mân Côi

Trong niên khóa 2021-2022, chị em được mời gọi chiêm ngắm đào sâu để làm sáng rõ chân dung nữ tu Mân Côi trong các chiều kích khác nhau. Hôm nay trong tâm tình chuẩn bị để nhắc lại Lời Khấn chúng ta cùng suy tư, nghiền ngẫm và nhìn lại việc tuân giữ những điều mình cam kết cụ thể là lời khấn vâng phục được thực hiện thế nào dưới ánh sáng Tin Mừng và Hiến Luật Dòng để thấy rõ hơn chân dung sống lời khấn vâng phục.  

a. Vâng Phục Thánh Ý Chúa như Đức Giêsu

Vâng phục là 1 trong 3 lời khấn mà người nữ tu Mân Côi đã tự nguyện công khai tuyên bố sẽ sống và tuân giữ trong suốt đời thánh hiến của mình. Bản chất đức vâng phục của chị em Mân Côi đặt nền tảng trên gương mẫu của Đức Giê-su luôn hướng về thực thi Ý Chúa Cha. Hiến luật Dòng số 12.1 minh định: “Đức Giêsu đến trần gian không phải để làm theo ý riêng mình nhưng là để thực thi thánh ý Thiên Chúa.” Đọc tin mừng chúng ta thấy rõ sự vâng phục ý Chúa Cha của Đức Giêsu. Sự vâng phục biểu lộ rõ nơi hình ảnh của cậu thiếu niên Giêsu lúc 12 tuổi đã tự ý ở lại Đền Thờ để lo việc của Chúa Cha. Khi được Mẹ hỏi tại sao lại làm thế, thì Người trả lời: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,50). Trong đời sống công khai Đức Giêsu đã từng tuyên bố “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết… Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,32-34). Lần khác Đức Giêsu khẳng định trước mặt người Do Thái: “Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6, 38). Lần khác Đức Giêsu khẳng định với mọi người rằng: “Tôi không thể tự ý mình làm gì… vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 5, 30). Cuối cùng sự vâng phục được thành toàn khi Người bị treo trên Thánh giá. Trước khi trút hơi thở, Đức Giêsu vẫn hướng về Cha với lời nguyện phó thác: “mọi sự đã hoàn tất, (Ga 19, 30) con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46). Đức Giêsu không chỉ vâng phục Thiên Chúa cách trực tiếp nhưng Người còn vâng phục Chúa Cha qua trung gian liên hệ: chẳng hạn như vâng phục Đức Mẹ và Thánh Giuse, Người tuân giữ luật dân sự nộp thuế, Người giữ luật phụng tự của Đạo Do Thái lên đền thờ Giêrusalem mừng lễ Vượt qua hằng năm, Người đến hội đường nghe và đọc lời Chúa ngày sabat.

Đối với người kitô hữu nói chung và với người sống đời thánh hiến nói riêng đức vâng phục trước hết là sự vâng phục với Thiên Chúa yêu thương Đấng tạo nên mình. Chị em Mân Côi cũng được mời gọi tìm kiếm và vâng phục Thiên Chúa. Nhưng với thân phận thụ tạo thấp hèn chúng ta không thể. Do đó, chúng ta hãy học cách của Chúa Giêsu luôn đặt thánh ý Chúa lên trên mọi sự để vâng phục. Vì thế đức vâng phục của chị em trước hết là vâng nghe tiếng Chúa và thi hành điều Chúa muốn cho cuộc đời chị em. Trong thực tế, Thiên Chúa không hiện ra để truyền khiến bày tỏ thánh ý như người với người, nhưng Thiên Chúa dùng các trung gian để nói thay Người. Như xưa kia Chúa dùng các tổ phụ, ngôn sứ … để thông đạt mệnh lệnh ý định của Người, thì nay nơi cộng đoàn sống đời thánh hiến, Thiên Chúa tỏ lộ thánh ý qua trung gian là các bề trên hợp pháp, Hiến Luật Dòng, chỉ thị của các công hội: khi tuyên khấn sống vâng phục, chị em Mân Côi không tuyên khấn vâng lời cá nhân bề trên, nhưng là vâng lời Thiên Chúa mà bề trên là đại diện. Luật Dòng Chị Em Mân Côi xác định: “Đức vâng phục của chị em được thể hiện trong đời tu bằng sự vâng lời các người đại diện Chúa hướng dẫn Hội Dòng” (HLD 12.4). Ngoài ra, việc tuân giữ luật dòng cũng nhằm một mục đích là giữ luật Chúa. Theo “Chỉ Nam Hiến Luật” (số 24) giải thích: “Lời khấn vâng phục còn bao hàm việc chị em cam kết giữ Luật Dòng”, nghĩa là những “chỉ thị thành văn” chính thức như: Hiến Luật, Nội Quy, Chỉ Nam, Quy Chế Tỉnh Dòng, và nghị quyết của các công hội (HLD 13.3) cũng như những chỉ thị chính thức của bề trên hợp pháp.

Ở điểm này, đức cha tổ phụ đã căn dặn chị em Mân Côi rằng: “Đức Chúa Trời chẳng hiện ra mà phán bảo trực tiếp với ta, Người dùng miệng các đấng bề trên mà phán dạy, nên khi ta vâng lời bề trên ấy là vâng lời Chúa vậy” (I, 225). Người còn thêm: “nếu ta không vâng lời bề trên thì vâng lời ý Chúa sao được, vì ý bề trên là ý Chúa vậy” (I, 227). Đọc lại lời dạy của đức cha, chị em ý thức rằng khi vâng lời bề trên thì hãy mặc lấy tâm tình như Đức Giê-su là vâng theo ý Chúa Cha, hướng về nguồn gốc mọi sự. Tương tự, khi chúng ta vâng giữ các điều khoản trong luật dòng cũng là chúng ta đang giữ luật theo ý Chúa muốn. Chúng ta giữ luật không phải vì luật nhưng vì luật là đường lối dẫn dắt của Chúa. Chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của vịnh gia để thân thưa với Chúa: Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con (Tv 25, 4). Lạy Chúa, xin dạy con đường lối thánh chỉ, con nguyện đi theo mãi đến cùng (Tv 118, 33). Thánh ý Chúa kỳ diệu lắm thay, nên hồn con tuân giữ. (Tv 118, 129)

Vâng lời cách tự nguyện và trách nhiệm“Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10, 7) là tâm nguyện của Chúa Giêsu trong suốt hành trình trần thế. Cảm nếm được tình yêu của Chúa Cha, Chúa Giêsu đã đáp lại bằng sự vâng phục. Và theo thánh Phaolo Đức Giê-su là Đấng đã “vâng phục cho đến chết” (Pl 2,8). Đây là sự vâng phục vì tình yêu: yêu Chúa Cha và yêu nhân loại. Vì yêu nên đã tự nguyện vâng phục đi vào trần gian mang thân phận tôi tớ trung thành. Vì yêu đã tự nguyện hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người. Với thân phận thụ tạo, Đức Giêsu vẫn biết rằng vâng theo ý Cha là hy sinh ý riêng là hủy mình ra không điều này khó nhưng Người đã học để lời xin vâng được nên trọn, ý Cha được thành toàn. “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8).  Đây là hành vi hiệp nhất ý chí mình với thánh ý Thiên Chúa. Đức Giêsu trong khi vâng theo phận thụ tạo của mình và vâng nghe lời Chúa, Thánh Thần đã luôn hiện diện với quyền năng và hành động của Ngài. Thần Khí Thánh là ân sủng tuôn trào vào trong lòng chúng ta giúp chúng ta kêu cầu Thiên Chúa với ngôn từ thân thương gần gũi: “Abba! Cha ơi” (x.Rm 8,15).

Tinh thần sống của người nữ tu Mân Côi cần phải có khi thực hành lời khấn vâng lời là “noi gương chí hiếu và muốn đi theo sát Chúa Kitô, Chị em sống vâng phục trong hành vi tự hiến, hiệp nhất ý chí mình với thánh ý Chúa Cha trong tâm tình yêu mến và tôn thờ, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần” (HLD 12.3). Mỗi lần thực hành đức vâng phục hay lời khấn vâng lời là lúc chị em từng bước trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô trong sự hiệp nhất ý riêng với ý Chúa Cha. Chị em noi gương Đức Kitô mà thân thưa rằng: “xin đừng theo ý con một theo ý Cha” (Mc14,36). Hiến Luật Dòng xác nhận: “Đức vâng phục của chị em được thể hiện trong đời tu bằng sự vâng lời các người đại diện Chúa hướng dẫn Hội Dòng. Sự vâng phục ấy là điều kiện thiết yếu giúp thống nhất ý chí và đường lối hoạt động, trong việc thực thi sứ vụ của Dòng” (12.4) Vì chính sự vâng phục mà Đức Kitô đã trở nên con người, Ngài là con do sự vâng phục. Điều đó có nghĩa chị em Mân Côi có thể sống trọn vẹn trong vai trò làm con khi biết vâng phục thực sự. Đó là biết lắng nghe tiếng Chúa qua những dấu chỉ, qua những người chị em sống chung trong cộng đoàn và đặc biệt là lắng nghe qua Bề trên, những vị hữu trách. Vì thế, vâng phục mời gọi chị em từ bỏ quyền thế gian để trở nên con người phục vụ tình yêu.

Đức cha tổ phụ hướng dẫn chị em “dù việc gì trái ý tôi, không hợp tâm tình tôi, thì tôi cũng hy sinh ý riêng mình, mà theo ý các Đấng bề trên như theo ý Chúa vậy.” (I, 196)

b. Ơn Cứu Độ được thực hiện bằng sự vâng phục

Ngay sau khi Adam Eva phạm tội không vâng lời Thiên Chúa thì kế hoạch cứu độ nhân loại cũng được khởi sự. Chính Ngôi Lời Thiên Chúa đã tự nguyện thân thưa cùng Chúa Cha: “Lạy Chúa này con đây, con đến để làm theo ý Chúa” (Dt 10,7). Thiên Chúa đã dùng nhiều cách, qua nhiều giai đoạn chuẩn bị lòng người đón nhận Đấng Cứu Thế. Khi tới thời viên mãn Thiên Chúa đã sai con của Người đến trần gian để hoàn tất kế hoạch này. Như vậy mục đích của Đức Giêsu đến trần gian cốt để thực hiện chương trình cứu độ. Do đó, trong thời gian sống thân phận là một con người ngoại trừ tội lỗi, Đức Giêsu đã từng ngày thực hiện những hành vi vâng phục để biểu lộ lòng thương xót và ban ơn cứu độ cho con người đương thời. Đức Giêsu không mệt mỏi loan báo, giảng dạy về ơn cứu độ.  Anh em hãy sám hối và tin vào tin mừng vì Nước Trời đã đến gần. Đức Giêsu nghe lời Cha đón nhận người tội lỗi như Matthêu: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến nhà này.” Người rộng rãi thi ân giáng phúc, giơ tay chữa lành, ban ơn tha thứ và cuối cùng là hiến dâng mạng sống đổ máu ra để cứu độ toàn thể nhân loại. Như vậy, hiệu quả của sự vâng phục nơi Đức Giêsu là ơn cứu độ cho con người và vũ trụ. Tác giả thư Rôma khẳng định: nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu đã vâng lời Thiên Chúa, ân sủng được ban cho dồi dào, muôn người được cứu và sẽ thành người công chính, nghĩa là được sống (5.18). Trái lại vì sự bất tuân của Adam đã dẫn lối cho tội lỗi và sự chết đi vào trần gian. (x. Rm 5, 12-19).

Hiến Luật Dòng (12.1) nói: “Đức Giê-su cứu độ thế giới bằng sự vâng phục Chúa Cha, để từ nay đức vâng phục vì tình yêu là nền tảng cho tất cả đời sống và sự phục vụ của Giáo hội cũng như của các kitô hữu.” Suy tư về điều này chúng ta thấy rằng việc sống lời khấn vâng phục của Chị em có giá trị cứu độ khi gắn kết với sự vâng phục của Đức Giêsu. Công đồng Vatican II, trong sắc lệnh Perfectae caritatis cho rằng: “Nhờ giữ lời khấn vâng phục, các tu sĩ tận hiến ý muốn mình như của lễ bản thân dâng lên Thiên Chúa, nhờ đó họ được kết hợp với ý muốn cứu rỗi của Ngài cách kiên trì và chắc chắn hơn”. Như thế, mỗi khi chị em thực hành đức vâng lời theo gương Đức Giêsu tuân giữ những điều nhỏ bé hằng ngày hoặc thi hành những sứ vụ được trao dù rất âm thầm thì cũng có thể cảm nhận được niềm vui ơn cứu độ đến với chính mình hoặc với tha nhân. Ngược lại nếu chị em không giữ lời đã khấn hứa, bất tuân phục những chỉ thị hay kỷ luật nhỏ nhặt thì chúng ta cũng chẳng khác gì Adam Eva. Tội bất tuân thì gây ra tội lỗi. Tội làm chúng ta xa cách Thiên Chúa, xa cách tha nhân, tâm hồn mất bình an tăm tối và sự chết rình rập.

Đức Cha tổ phụ ngay từ những ngày đầu lập Dòng Ngài đã khuyên dạy chị em: “Vâng lời phải trọn vẹn. Sự trái ý cũng như vừa ý. Sự khó cũng như sự dễ. Việc hèn cũng như việc vẻ vang, thảy đều vâng thuận như nhau, không phân biệt gì sốt.” (I, 227) Người còn nhấn mạnh: “Các việc làm vì đức vâng lời, dù việc hèn cũng sẽ được công trạng vô giá. Mà việc gì làm bởi ý riêng, dù là cả thể, thì trước mặt Đức Chúa Trời sẽ chẳng được công lênh gì” (I, 226).

c. Cùng Mẹ Maria sống vâng phục

Hiến Luật Dòng số 13.1 dạy: “Cùng Mẹ Maria, Chị em Mân Côi tự nguyện bước theo Chúa Kitô trên con đường vâng phục.” “Cùng Mẹ Maria” đây là nét riêng của chị em Mân Côi. Chị em không đi theo Đức Kitô trên con đường vâng phục một mình nhưng là đi cùng với Mẹ Maria – một mẫu gương vâng phục tuyệt vờ bên cạnh gương vâng phục của Đức Giêsu. Thánh Irênê viết: “Song song với Chúa, người ta cũng thấy Đức Trinh nữ Maria vâng phục, khi Người trả lời với Thiên Thần Gabriel: “Này tôi đây là nữ tỳ của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Từ tiếng Fiat trong ngày truyền tin cho đến lúc phải xin vâng dưới chân thập giá, Mẹ Maria đã trở thành nguyên ngân cứu độ cho chính mình và cho toàn nhân loại. Ngược với người phụ nữ đầu tiên đã bất tuân, bà đã trở thành nguyên nhân tử vong cho chính mình và cho toàn thể nhân loại. Mẹ Maria là một thụ tạo đã sống trọn sự vâng phục thánh ý Chúa Cha với bao nhiêu lần phải từ bỏ ý riêng để thuận theo thiên ý. Mẹ cũng đã khiêm cung phó thác cuộc đời cho Thiên Chúa dẫn dắt như một nữ tỳ hèn mọn. Mẹ không ngại lên đường theo lời mời gọi của Thiên Chúa đi đến những nơi mới lạ, làm những điều đơn giản và những chuyện vĩ đại như vâng phục thân phụ của người, tuân giữ luật Môsê, tuân phục thánh Giuse và đỉnh cao của vâng phục dâng hiến người con duy nhất trong nỗi thống khổ tột cùng để hoàn tất chương trình cứu độ của Thiên Chúa. (x. HLD 12.2)

Chị em Mân Côi thật diễm phúc và vinh hạnh được làm con cái của Mẹ Maria. Hội Dòng chúng ta được Mẹ bao bọc, chở che và nuôi dạy vì Mẹ là Mẹ Bề trên tối cao. Noi gương Mẹ sống đức tin mạnh mẽ “để nhận ra ý muốn của Chúa qua các lệnh truyền của các bề trên, sống vâng phục với lòng yêu mến và sự tự do nội tâm đích thực; dùng tất cả năng lức trí tuệ, ý muốn, và khả năng để chu toàn một các hiệu quả nhất mọi phận vụ được ủy thác vì biết răng mình đang góp công xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô theo ý đinh của Thiên Chúa” HLD 13.1). Với nhiệm vụ khó khăn này, hằng ngày Chị em cầu xin Mẹ dạy cho biết noi gương Chúa Giêsu chu toàn ý Chúa và đồng hành với Người trong mầu nhiệm khổ nạn của Người.” Như thế, Chị em tin chắc rằng: Mẹ Maria là Đấng bầu cử đắc lực cho chúng ta. Hơn thế nữa, Mẹ cùng tiến bước với chúng ta, cùng chúng ta vâng phục Thiên Chúa trong hành trình hoàn tất ơn gọi của mình theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa nơi trần gian này. Chúng ta có quyền tự tin xác tín rằng có Mẹ chúng ta sẽ không bất trung, thất tín với ý Thiêc Chúa. Mẹ Maria đã nhiều lần phải phân định để biết và tuân phục thánh ý Chúa, thì Mẹ cũng sẽ dạy chúng ta làm như vậy mỗi khi chúng ta gặp thử thách khó khăn, do dự, cám dỗ chống lại chỉ thị của Bề trên, để sống và làm theo ý riêng. Mỗi ngày chị em lặp lại tinh thần sống của mình “chị em Mân Côi cùng Mẹ Maria sống mầu nhiệm cứu độ và mang ơn Cứu độ đến cho mọi người” điều này có ý nghĩa gì nếu chị em không mau mắn thực hành đức vâng phục như Mẹ Maria: tôi đây là nữ tỳ của Chúa, tôi xin vâng những điều Chúa truyền dạy vì ơn cứu độ được thực hiện và thành toàn bằng đức vâng phục của Đức Giêsu và Mẹ Maria.

Đức Cha Tổ Phụ dạy chị em phải giữ tinh thần vâng phục của chị dòng Mân Côi là “vâng lời phải vui vẻ, vì khi thấy ai vâng lời mà khó mặt, thì bề trên cũng chẳng được an lòng. (I, 228).

  1. Nhìn lại

Để chuẩn bị cho việc nhắc lại lời cam kết hiến dâng cuộc đời cho Chúa trong việc sống 3 lời khấn dòng, chúng ta được mời gọi nhìn lại việc tuân giữ lời khấn vâng phục của mình. Soi mình vào tấm gương vâng phục của Chúa Giesu và đối chiếu với những hướng dẫn sống vâng phục theo Hiến Luật Dòng, Chị em thấy mình đã thể hiện được dung mạo Chị Dòng Mân Côi trong khi thực hành đức vâng phục và lời khấn vâng phục như thế nào? Tôi vâng lời và đón nhận sứ vụ vì ai? với ý hướng nào? Tôi vâng phục Hiến Luật, Nội Quy, Quy Chế, chỉ thị của bề trên và các kỷ luật cộng đoàn với tinh thần thế tục hay tinh thần của Tin Mừng? Tôi thi hành sứ vụ của mình với phong cách vâng phục của Chúa Giêsu, của Mẹ Maria, hay của chủ nghĩa cá nhân, tư lợi, hẹp hòi của cái tôi ích kỷ? 

***

Chúng con cũng xin cám ơn Mẹ Maria đã tiếp nhận chúng con vào trong gia đình của Mẹ Mân Côi để được tham gia sống linh đạo vâng phục theo tinh thần Mân Côi của đấng sáng lập. Chúng con cùng nhau hướng về Mẹ và cầu xin “Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con thi hành điều đẹp ý Chúa, như Mẹ đã làm xưa”. 

Giacôbê Đinh Thị Thanh Thúy, FMSR

Trích nguyện gẫm tháng 11/2021

About dongmancoichihoavn

Check Also

Tĩnh tâm Định hướng Ơn gọi – Phục Sinh với Chúa!

“Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25) Sống tâm tình mùa …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *