CHỦ ĐỀ HỌC TẬP THÁNG 07 và 08 – 2022
CHÂN DUNG LÃNH ĐẠO MỤC VỤ
Khi đến trong trần gian cứu độ con người, Chúa Giêsu đã thi hành ba chức vụ Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế. Chúa đã thiết lập Giáo Hội và thông truyền ba chức vụ này cho Giáo Hội. Qua Bí tích Thánh tẩy, các tín hữu được tham dự vào ba chức vụ cao quý này theo cách thức riêng của mỗi người: “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế, vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền”[1]. Ba chức vụ này tương ứng với ba hoạt động trong đời sống Giáo Hội là thánh hóa,giáo huấn và phục vụ (lãnh đạo).
Trong phạm vi bài này, chúng ta sẽ chỉ nói đến chức năng Vương giả (lãnh đạo), một chức năng được Thiên Chúa ban, giúp chúng ta biết làm chủ bản thân, làm chủ những sinh hoạt trần thế và làm cho các hoạt động của con người thấm nhuần tinh thần Phúc Âm. Thực ra, ơn gọi lãnh đạo được ban cho mọi kitô hữu, họ là những người Chúa dùng để làm cho thế giới này nên tốt đẹp hơn. Chức năng lãnh đạo này không nhắm đến việc cai quản nhưng là để phục vụ theo gương Chúa Giêsu là Mục Tử tốt lành, Đấng đã đến, không phải để người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và thí mạng sống vì đoàn chiên[2]. Vì thế, Hiến chế về Giáo Hội số 36 đã hướng dẫn người tín hữu thi hành chức vụ Vương giả bằng những cách thế sau đây:
- Mỗi người phải tự chủ bản thân, luôn nhớ đến phẩm giá cao quý của mình mà diệt trừ các nết xấu, luyện tập các nhân đức và sống thánh thiện.
- Phục vụ anh chị em trong thái độ khiêm hạ, vô vị lợi, nhiệt thành.
- Làm cho cảnh sống chung quanh trở nên thuần khiết, lành mạnh và mọi công việc lớn nhỏ đều phải thấm nhuần tinh thần Chúa Giêsu.
Như vậy, với thiên chức lãnh đạo, điều quan trọng nhất là tự lãnh đạo chính mình, biết làm chủ bản thân, làm chủ các suy nghĩ, hành động và cuộc sống của mình, nhờ đó, chúng ta sẽ có khả năng lãnh đạo những người chúng ta phục vụ khi sứ vụ đòi hỏi.
Hầu hết các chị em Mân Côi, trong khi thi hành sứ vụ tông đồ, có cơ hội hướng dẫn người khác trong lãnh vực tinh thần và tâm linh, nên được xem như những người lãnh đạo mục vụ qua việc điều hành các hội đoàn, các trường nhóm, các lớp giáo lý, các tổ chức lớn nhỏ v.v…Thiên Chúa muốn hoàn tất mục đích của Người qua việc sử dụng những trung gian phục vụ việc lãnh đạo, và chúng ta, tùy theo ơn gọi và sứ vụ, chúng ta sẽ đáp trả lời mời gọi của Chúa, bất kể khi chúng ta nhận ra những bất toàn và yếu đuối của mình.
Chúng ta sẽ khởi đi từ thiên chức Vương giả của Chúa Giêsu, là Đấng được trao toàn quyền trên trời dưới đất[3], để từ đó, chúng ta khám phá nét chân dung lãnh đạo tinh thần của người nữ tu Mân Côi theo gương Chúa Giêsu.
I. LÃNH ĐẠO THEO GƯƠNG CHÚA GIÊSU
Chúa Giêsu, nhà lãnh đạo tuyệt vời, đã thực hành các nguyên tắc lãnh đạo và để lại cho chúng ta một tấm gương sáng về tấm lòng và thái độ của người lãnh đạo theo tinh thần tôi tớ. Chúa Giêsu đã chọn các tông đồ không phải để cầm quyền cai trị nhưng là để phục vụ dân Chúa. Ngài đã đảo ngược hướng phục vụ mà không đánh mất đi vai trò lãnh đạo khi dạy các môn đệ: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” [4].
Tinh thần lãnh đạo phục vụ của Chúa Giêsu nay đã trở thành khuôn mẫu cho tất cả mọi người qua mọi thời đại. Vậy, đâu là những nét nổi bật trong việc lãnh đạo của Chúa Giêsu?
- Điểm mấu chốt trong cuộc đời phục vụ của Chúa Giêsu bắt nguồn từ mối tương quan của Người với Chúa Cha: “Tôi đến để làm theo ý muốn của Đấng đã sai tôi”[5]. Đây là điều quan trọng đã củng cố phong cách lãnh đạo của Chúa Giêsu.
- Việc phục vụ bắt nguồn từ tình yêu. Vì yêu thương nên Chúa Giêsu phục vụ, và vì muốn phục vụ nên Chúa Giêsu lãnh đạo[6].
- Lãnh đạo trong tâm tình người đầy tớ và quản gia, không phải là người chủ[7].
- Lãnh đạo không chỉ bằng lời nói nhưng còn bằng hành động và gương sáng:“Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em đã làm mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”[8].
- Chúa Giêsu quan tâm đến hạnh phúc của mọi người, không loại trừ ai, cách riêng những người nhỏ bé, nghèo khổ và bị áp bức. Ngài chỉ mong cho mọi người “được sống và sống dồi dào”[9].
Từ những nét nổi bật trong chân dung lãnh đạo của Chúa Giêsu, cùng với những lời dạy của Giáo Hội và những chỉ dẫn cụ thể trong giáo huấn của Đức Cha Tổ Phụ, chúng ta đối chiếu và xây dựng hình ảnh người nữ tu tông đồ Mân Côi, là người đang được thông phần chức năng lãnh đạo của Chúa Giêsu.
II. CHÂN DUNG LÃNH ĐẠO CỦA NGƯỜI NỮ TU MÂN CÔI
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, đã nhiều lần nhắc nhở những người lãnh đạo rằng nếu thông thường, đối với con người, lãnh đạo đồng nghĩa với chiếm hữu, thống trị, thành công, thì theo gương Chúa Giêsu, lãnh đạo luôn là phục vụ, khiêm nhường, yêu thương. Đó cũng là tiêu chí mà mỗi chị em Mân Côi xem như kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình. Hiến luật Dòng cũng xác định việc lãnh đạo trong Hội Dòng được thực thi với tinh thần khiêm tốn và phục vụ theo gương Chúa Giêsu, Đấng đã đến để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người[10]. Sau đây là một số vẻ đẹp làm nên chân dung lãnh đạo mục vụ của nữ tu Mân Côi:
- Là người có chiều sâu tâm linh
Chị em Mân Côi noi gương Chúa Giêsu, luôn gắn bó với Chúa Cha và luôn cầu nguyện trước khi thực hiện một công việc nào. Người cầu nguyện cho các môn đệ, cho đám đông, cho từng cá nhân, cho những người có nhu cầu, cho những người bắt bớ và cho cả kẻ thù. Người luôn hướng về Cha mọi lúc và mọi nơi. Người cầu nguyện lúc gặp thử thách, khi bị cám dỗ. Người cầu nguyện trước những quyết định quan trọng. Người sống đời cầu nguyện và làm gương trong sự cầu nguyện. Người huấn luyện các môn đệ bài học về cầu nguyện và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cầu nguyện. Người cho thấy cầu nguyện là chìa khóa để đón nhận sự khôn ngoan và năng lực từ Chúa Cha cũng như để hoàn thành sứ mạng được trao. Khi thực hành được những điều này, chúng ta sẽ kinh nghiệm được sự gần gũi và ơn trợ giúp của Thiên Chúa trong mọi hoạt động của mình.
Đức Cha Tổ Phụ cũng khuyên chị em phải học cách nghe tiếng Chúa từ trong chiều sâu tâm hồn, vì Chúa nói với ta dưới muôn hình vạn trạng, và tiếng nói ấy thật nhẹ nhàng, tế nhị: “Khi thì Người soi sáng chỉ dẫn ở bề trong, khi thì Người chỉ vẽ ở bề ngoài bởi một câu sách ta đọc, hoặc bởi một lời lành ta nghe trên toà giảng, trong toà giải tội, hay là bởi một người bạn”[11]. Để nghe tiếng Chúa, ta cần có sự thinh lặng nội tâm, và sự thinh lặng bên ngoài cũng là một điều kiện hỗ trợ quý báu: “Hãy hết sức yêu mến sự làm thinh ắng lặng”[12]. Ngoài ra, Đức Cha Tổ Phụ còn dạy chị em muốn có đời sống nội tâm sâu sắc thì phải duy trì“tình thân với Chúa chẳng ngơi”[13], nghĩa là năng “nhìn xem Chúa, nghe Chúa truyền, mến yêu, tưởng nhớ, cầu nguyện thở than”[14], để tinh thần nội tâm đi vào cuộc sống và chi phối mọi hoạt động của chị em. Đây là đường hướng tu đức đặc thù của chị em Mân Côi, là nét đẹp tâm linh mà Đức Cha Tổ Phụ mong muốn chị em trung thành củng cố và phát huy.
- Là người có tinh thần Giáo Hội
Như Đức Kitô “đã yêu thương Giáo Hội và hiến mình vì Giáo Hội”[15], người nữ tu Mân Côi, khi sống linh đạo“…mang ơn Cứu độ của Chúa đến cho mọi người”, cũng tự đồng hóa mình với Đức Kitô, theo gương Người để yêu mến và hiến thân cho Giáo Hội. Tình yêu của Đức Kitô đối với Giáo Hội, một tình yêu trao ban mạng sống, sẽ là tấm gương soi và điểm quy chiếu cho người nữ tu Mân Côi trong sứ mạng tông đồ truyền giáo.
Khi làm việc tông đồ, tâm tình của người nữ tu Mân Côi luôn hướng về và hòa nhịp với Giáo Hội. Tất cả công việc tông đồ phải được trù liệu để đem lại lợi ích cho Giáo Hội và các tâm hồn, chứ không nhắm đến Hội Dòng hay cộng đoàn mình. Vì thế, việc trung thành với sứ vụ và thích nghi những hoạt động ấy tuỳ theo nhu cầu từng lúc từng nơi, vì lợi ích của toàn thể Giáo Hội với những kế hoạch thích hợp, là một cách làm cho tinh thần truyền giáo ngày càng vững mạnh khi chúng ta phục vụ trong đức ái và theo nhãn giới của Giáo Hội.
Mang trong mình tinh thần Giáo Hội, người nữ tu Mân Côi luôn tìm cách nuôi dưỡng và củng cố hồn tông đồ, luôn nhiệt tâm và trung thành đem ơn Cứu độ của Chúa đến cho mọi người[16]. Hiến Luật Dòng cũng chỉ cho thấy những phương cách và thái độ giúp chị em đạt được hiệu quả khi thi hành sứ vụ với tâm tình yêu mến và gắn bó với Giáo Hội: “Để đạt những kết quả hữu hiệu trong khi thi hành sứ vụ, ngoài những phương thế thiêng liêng đạo đức là nguồn mạch đời sống tông đồ, chị em luôn ý thức tự luyện cho mình những đức tính cần thiết, như nhẫn nại, hy sinh, khiêm tốn, nhân từ, độ lượng, và khả năng đối thoại. Đồng thời cũng biết tự học hỏi, có tinh thần cầu tiến để làm giàu kiến thức và cải tiến phương pháp làm việc cho hữu hiệu”[17]. Với những phẩm chất này, người nữ tu Mân Côi thể hiện được tinh thần Giáo Hội trong mọi hoạt động của mình.
- Là người phục vụ với động lực yêu thương
Trong tinh thần đức ái trọn hảo, chị em Mân Côi phục vụ mọi người với động lực yêu thương. Thánh Phaolô đã chia sẻ tâm tình của ngài khi phục vụ tín hữu Thexalônica: “Chúng tôi đã thương yêu anh em thắm thiết đến nỗi muốn giao phó cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa mà còn chính mạng sống chúng tôi nữa, bởi chưng anh em đã trở nên chí thân chí thiết với chúng tôi”[18]. Sứ mạng tông đồ đòi hỏi chúng ta phải luôn yêu thương và tôn trọng những người được trao phó cho mình. Tình yêu thương là động lực giúp cho chúng ta trở nên nhân hậu, vị tha, công bằng, tế nhị và tận tâm hơn. Nếu không có lòng yêu thương, chúng ta khó vượt qua được những thách đố của trách nhiệm.
Trong đời sống của người nữ tu Mân Côi, tình yêu và phục vụ là hai điều quan trọng có liên quan mật thiết với nhau và không thể tách rời: Tình yêu phải là nền tảng, là động cơ của sự phục vụ, và phục vụ phải được thực hiện với thái độ yêu thương. Như vậy, vẻ đẹp của người nữ tu Mân Côi là bày tỏ tình yêu Chúa trong cuộc sống qua mọi hoạt động của mình.
- Là người hiền lành và khiêm nhường
Sự hiền lành và khiêm nhường bắt nguồn từ mẫu gương sống và hành động của Chúa Giêsu mục tử, Đấng “hiền lành và khiêm nhường trong lòng”[19], đã đến trong trần gian để làm chứng về tình yêu Chúa Cha và đã sống tình yêu mục tử đến mức tuyệt đối. Người đến để tha thứ chứ không lên án, đón nhận chứ không xua đuổi, làm cho sống chứ không giết chết. Từ nguồn mạch đức ái mục tử của Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi sống yêu thương với thái độ hiền lành và khiêm tốn khi phục vụ mọi người, nhất là trong công việc giáo dục. Chúa Giêsu muốn chúng ta học hỏi với Người sự hiền lành và khiêm nhường, vì đây chính là hoa trái xuất phát từ tình yêu và cũng là tiền đề giúp con người sống hài hòa, nhẹ nhàng và hạnh phúc với nhau.
Đặc biệt trong vai trò lãnh đạo tinh thần, Chúa Giêsu muốn chúng ta thực hành hai đức tính này như kết quả của việc phục vụ: không tìm quy chiếu điều gì về mình nhưng nhằm lợi ích cho người khác. Tính tự kiêu chính là kẻ thù lớn nhất của các nhà lãnh đạo mục vụ, vì họ không thể nhận ra con đường tốt nhất để đạt đến mục đích thật mà chỉ nhìn thấy điều gì đem lại danh lợi và sự ca ngợi cho bản thân. Thánh Phaolô dạy:“Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác”[20].
Hiền lành và khiêm nhường là hai đức tính của người phục vụ mà Đức Cha Tổ Phụ khuyên chị em phải luyện tập, nhất là trong vai trò giáo dục: “Sự hiền lành phải có ở nơi người thầy, dẫu trò làm gì trái ý cũng một mực ôn hòa đằm thắm”[21]. Như vậy, hiền lành và khiêm nhường là hoa quả của đức bác ái mục tử, là phẩm chất cao quý mở lối cho thấy sự hiện diện của Chúa nơi mọi người. Khi hiểu được giá trị thâm sâu của hai nhân đức này, chúng ta sẽ làm chủ được cái tôi to lớn và có khả năng yêu thương thực sự.
- Là người tận tụy và vui tươi
Tận tụy hay tận tâm là đức tính của người biết siêng năng làm việc cách mau mắn, kỹ lưỡng và vui tươi; biết quên mình nghĩ đến người khác; nhiệt tình không ngại vất vả mệt nhọc để chu toàn trách nhiệm được trao. Khi nhập thể làm người, Chúa Giêsu đã thưa với Cha: “Này con xin đến để thi hành ý Cha”[22]. Và trong suốt cuộc sống, Người đã đón lấy ý Chúa Cha như của ăn thức uống[23]; đã tận tâm tận lực với sứ mạng được trao; đã hết lòng, hết sức cho đến chết vì hạnh phúc vĩnh cửu của con người. Khi bị người Do thái chống đối vì đã chữa bệnh ngày Sabat, Chúa Giêsu nói: “Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy”[24]. Điều này cho thấy chân dung của Chúa Giêsu là một con người mau mắn thi hành ý Cha và thiết tha với công việc của Đấng đã sai mình: “Ta đến không phải để làm theo ý Ta, nhưng là làm theo ý Đấng đã sai Ta”[25]. Mặc dù phải chịu nhiều đau khổ cho đến chết, nhưng Ngài kiên tâm thực hiện ý Cha cho đến khi“mọi sự được nên trọn”[26].
Tận tụy và vui tươi còn biểu hiện qua sự kiên trì nhẫn nại, qua cách làm việc chu đáo, hiệu quả, không vì lợi ích riêng tư hay cục bộ. Đức Cha dạy chị em không chỉ kiên nhẫn với người khác mà còn phải kiên nhẫn với chính bản thân nữa: “Làm việc phải đằm thắm, phải kiên nhẫn, không những với chị em mà còn đối với mình nữa. Phải tập tính sửa nết sao cho an vui hòa nhã luôn, làm việc với ai thì người ấy cũng thích tính mình, làm việc với ai thì cũng không có gì ái ngại”[27]. Người tận tụy với bổn phận luôn có ý hướng ngay lành, chỉ lấy Chúa làm mục đích cho đời mình, vì thế họ được bình an, nét mặt luôn tươi vui, mọi lời nói, cử chỉ đều đáng mến.
- Là người phục vụ bằng gương sáng
Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta hình ảnh một nhà lãnh đạo tuyệt vời, đó là lãnh đạo làm gương: “Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”[28].
Sứ mạng làm chứng cho Chúa bằng đời sống gương sáng trong môi trường sống là trách nhiệm của mỗi chị em Mân Côi như Hiến luật dạy: “Chị em thực thi sứ mạng tông đồ bằng đời sống chứng tá: qua việc sống đời thánh hiến cách vui tươi… qua việc lành và gương sáng của chị em; bằng lời rao giảng, giáo huấn trong các môi trường chị em phục vụ…”[29]. Giữa một xã hội đang dần xa lìa Thiên Chúa, bổn phận của chúng ta là thắp lên ngọn lửa, đó chính là đời sống thánh thiện của người nữ tu Mân Côi. Đức Cha Tổ Phụ dạy rằng: “Một việc làm gương thì có thế lực lạ thường… Muốn được như vậy, thầy phải nên một người khiêm từ đức hạnh, kiên tâm, nhẫn nhục, ôn hòa, bác ái” [30].
Khi cuộc sống tốt lành của chúng ta có ảnh hưởng trên người khác là chúng ta góp phần nâng họ lên cao hơn. Chúa luôn mong muốn chúng ta trở nên ánh sáng cho mọi người: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”[31]. Ý thức được trách nhiệm này, chúng ta thi hành sứ vụ lãnh đạo trong ý hướng truyền giáo, nghĩa là khi điều hành, hướng dẫn người khác, chúng ta còn cần đến gương sáng, một yếu tố thuyết phục để làm lan tỏa những nét đẹp của Tin Mừng.
KẾT LUẬN THỰC HÀNH
Sáu vẻ đẹp trên đây làm nên chân dung tinh thần của người nữ tu Mân Côi trong vai trò lãnh đạo mục vụ. Chúng ta cùng nhau học hỏi và luyện tập trong hai tháng này. Tất nhiên, không ai trong chúng ta hội tụ đủ hết các đức tính và kỹ năng lãnh đạo. Người có được điều này lại có thể yếu về điều kia. Vì vậy, ngoài ơn Chúa, chúng ta cần duy trì khả năng tự luyện liên tục và phát triển những gì mình còn khiếm khuyết, cũng như áp dụng một cách linh hoạt những kỹ năng trong công việc phục vụ của mình. Chúng ta cần chủ tâm sống và biểu tỏ được những vẻ đẹp của đời thánh hiến trong môi trường sống và làm việc của mình, vì đó là cách chúng ta giới thiệu dung nhan của Thiên Chúa, là Đấng chúng ta hết lòng tin tưởng bước theo. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói rằng: “Đời sống thánh hiến phải trở thành một trong những dấu chỉ hữu hình mà Thiên Chúa Ba Ngôi để lại trong lịch sử, để cho loài người có thể nhận ra được sức hấp dẫn của vẻ đẹp thần linh và lưu luyến nó”[32]. Đây là điều mời gọi người lãnh đạo mục vụ, trước hết phải cảm nghiệm được vẻ đẹp của việc bước theo Chúa Giêsu và có khả năng thông chuyển cho người khác để họ cũng cảm nhận được như thế. Vì vậy, khi sống các chiều kích của ơn gọi thánh hiến và thực thi sứ vụ tông đồ, người lãnh đạo mục vụ có thể làm cho mọi tư tưởng, lời nói và hành động của mình trở nên thống nhất và hài hòa trong một vẻ đẹp thánh thiện. Đây chính là cách thức giúp cho mình và cho người khác sống theo “hình ảnh của Thiên Chúa”, một cách thức sống linh đạo đặc thù của Hội Dòng chúng ta.
Rose Vũ Loan, FMSR
[1] 1Pr 1, 9
[2] x. Mt 11, 29
[3] x. Mt 28, 18
[4] Mt 20, 25-28
[5] Ga 6, 38
[6] x. Mt 20, 28
[7] x. Lc 12, 42-44
[8] Mt 5, 16
[9] Ga 10, 10
[10] x. HLD 64. 3
[11] GSD I, 250
[12] GSD I, 338
[13] GSD I, 251
[14] GSD I, 250
[15] Ep 5,25
[16] x. HLD 39. 1
[17] HLD 40.2
[18] 1 Tx 2,8
[19] Mt 11, 29
[20] Pl 2, 3
[21] GSD II, 130
[22] Dt 10, 7
[23] Ga 4, 34
[24] Ga 5, 17
[25] Ga 5, 30
[26] Ga 19, 30
[27] GSD I, 539
[28] Ga 13, 14-15
[29] HLD 38.3
[30] GSD II, 125-126
[31] Mt 5, 16
[32] TH 20