Ở LẠI TRONG THẦY để TRUNG TÍN SỐNG ĐỜI NGHÈO KHÓ
Tin mừng Ga 15, 4: “Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thê, nếu không ở lại trong Thầy”.
- Hãy ở lại trong Thầy – lời mời gọi sống trung tín với Thầy
Ngày nay, trước thực trạng nhiều tu sĩ nam nữ đánh mất sự trung tín và kiên trì trong ơn gọi, lời mời gọi “Hãy ở lại trong Thầy”- như một tiếng chuông ngân vang, nhắc nhớ chúng con- những người môn đệ của Chúa cần trở về với Nguồn Cội, với chính Đấng mà chúng con đã từng quyết định đi theo, để tìm lại niềm vui và sức mạnh trong ơn gọi.
“Hãy ở lại trong Thầy” là di ngôn của Chúa vào cuối bữa tiệc ly, một lời mời gọi thiết tha trước khi Ngài bước vào cuộc khổ nạn. Đặt mình trong khung cảnh của bữa tiệc ly, con cảm nhận: không gian phòng tiệc lúc ấy đầy ắp sự hiện diện của tình yêu, nhưng cũng là khoảnh khắc chuyển giao đầy căng thẳng và lo âu. Khi Chúa lặp đi lặp lại điệp khúc: “Hãy ở lại trong Thầy, Hãy ở lại trong Thầy”. Chúa không chỉ đang dạy các môn đệ về một mối liên kết tâm linh vững bền, mà còn kêu gọi họ trung tín, giữ vững lòng tin vào Ngài, ngay trong những giây phút đầy thử thách phía trước.
Trong khi các môn đệ đang lắng nghe và chiêm niệm, thì Giuđa đi ra khỏi phòng tiệc, sau khi anh nhận miếng bánh Thầy trao cho. Cái khoảnh khắc mà Giuđa từ bỏ sự ở lại trong Thầy, từ bỏ tình yêu và sự hiệp nhất trong cộng đoàn, là một sự chia ly đau đớn và đầy đen tối. Khi Giuđa quyết định ra đi, sự ra đi của Anh không chỉ là một hành động vật lý rời khỏi phòng tiệc, mà còn ra khỏi tình yêu và ra khỏi ánh sáng của Chúa. Đó là một bước đi trong đêm tối, không gian đêm tối đó, không chỉ là đêm tối ngoài trời, mà còn là đêm tối trong tâm hồn của người bất trung. Giuđa đã chọn cho mình một con đường riêng, con đường của phản bội và lợi lộc cá nhân, bỏ lại đằng sau những lời hứa, những tình bạn, và mối quan hệ sâu sắc mà Chúa Giêsu đã trao cho anh.
Lựa chọn của Giuđa đã phản ánh một xu hướng mà không ít người, đâu đó cũng có chúng con, những người theo Chúa, đang phải đối diện: giữa lựa chọn trung tín trong lời khấn và sự cám dỗ khổng lồ của thế gian. Giống như Giuđa, chúng con bị cám dỗ bởi những lợi lộc cá nhân, những cơ hội thủ đắc vật chất, danh vọng hay những giá trị trần gian có vẻ hấp dẫn hơn lời mời gọi sống nghèo khó, khiêm nhường và vâng phục mà Chúa đã trao ban cho chúng con trong ơn gọi tu trì…
Lạy Chúa Giêsu, trong thế giới đầy cám dỗ hôm nay, nơi mà giá trị vật chất, danh tiếng, quyền lực được tôn vinh như là đích đến của cuộc đời. Từ người bình thường đến các nhà lãnh đạo, ai ai cũng nỗ lực kiếm tìm sự thịnh vượng về vật chất và sự khẳng định bản thân, tiền bạc và danh vọng được xem như những biểu tượng của hạnh phúc và quyền lực, lời mời gọi “Hãy ở lại trong Thầy” – quả là một thách đốmạnh mẽ cho chúng con, vì đôi khi chúng con cảm thấy bị tách biệt hoặc thua thiệt so với những người khác trong xã hội. Sự trung tín trong ơn gọi dường như là một nhiệm vụ ngày càng khó khăn, khi chúng con phải đối mặt với những đổi thay không ngừng của thế giới… Xin cho chúng con sức mạnh nội tâm và niềm vui đích thực khi kiên trì ở lại trong Chúa, cảm nếm được sự diệu vời của tình yêu Chúa và sự tròn đầy trong sự hiệp thông với Chúa- Đấng là Gia Nghiệp, là Nguồn Sống Vĩnh Cửu của cuộc đời chúng con.
- Hãy ở lại trong Thầy – lời mời gọi cùng nhịp sống nghèo khó với Thầy
Ngay từ những ngày đầu bước vào trần thế, Chúa Giêsu đã chọn một cuộc sống nghèo khó. Ngài sinh ra trong một chuồng chiên đơn sơ, không có chỗ cho Ngài trong quán trọ, không có những vật dụng sang trọng, không có sự vinh quang của một người lãnh đạo thế gian. Cuộc sống của Ngài không có nơi để tựa, không có của cải, không có một vật sở hữu nào, ngoại trừ lòng tin tưởng tuyệt đối vào Cha trên trời. “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có nơi tựa đầu” (Mt 8,20); “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người.”(Ga 4, 34 ). Chúa đã tự nguyện sống trọn thân phận của người nghèo: nghèo sở hữu và nghèo hiện hữu. “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nhất thiết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân” (Phil 2,6-8) .
Như thế, lời mời gọi “ở lại trong Thầy” không chỉ mời chúng con đi vào một mối tương quan gắn bó mật thiết với Chúa, mà Chúa còn muốn chúng con cùng nhịp sống nghèo khó với Ngài.
Trong ngày tuyên khấn, giữa lòng đại hội dân Chúa, từng người chúng con đã thưa lên một cách dõng dạc rằng: “Con quyết tâm tận hiến đời con cho Chúa, và nguyện suốt đời bước theo Chúa Kitô hơn…”. Con nguyện suốt đời chứ không phải nguyện một thời gian, trong một giai đoạn nhất định; nguyện suốt đời- là xin được trung tín với Chúa trong mọi hoàn cảnh, khi mạnh khỏe hay ốm đau, thành công hay thất bại, thiếu thốn hay dư dật, no hay đói… vì sống nghèo khó không phải là một mục tiêu mà là một con đường. Con đường của Chúa là con đường của sự từ bỏ, của hy sinh, của khiêm nhường và phục vụ. Nghèo khó của Chúa là nghèo khó trong sự hiến dâng, là sự tự do thanh thoát khỏi mọi thứ trói buộc vật chất và tinh thần.
Khi “ở lại trong Thầy”, chúng con được mời gọi đi vào hành trình phó thác hoàn toàn, để bình an sống theo Hiến luật Dòng: “từ bỏ quyền tự do sử dụng và định đoạt về của cải vật chất, chấp nhận sự hạn chế và lệ thuộc Bề trên cũng như Hội Dòng trong việc sử dụng tiền của” (9.3). Khoản luật trên mời gọi chúng con sống giá trị của sự khổ chế trong từng ngày, qua mọi chọn lựa, để làm nên căn tính của người môn đệ Chúa. Điều này Đức Cha Tổ Phụ cũng chỉ dạy chúng con rất cụ thể: “Đã vào nhà Dòng thì đã có Chúa lo; chớ hề để trí về của ăn, áo mặc, đồ dung, nhà Dòng nuôi làm sao, cho mặc thể nào, cho dùng đồ gì, thì cám ơn và vui lòng làm như vậy, chớ hề chiều theo tính hư xác thịt, mà phàn nàn, năn nỉ…” (GSD I, tr.229)
Lạy Chúa Giêsu, chúng con thành thật nhìn nhận rằng: dù đã khấn sống nghèo khó, nhưng có lúc lòng chúng con vẫn còn xốn xang khi cộng đoàn cần chúng con hy sinh, khổ chếtrong những thiếu thốn và giới hạn về đời sống vật chất; lòng chúng con vẫn còn luyến tiếc khi trao nộp cho bề trên những món quà được tặng; lòng chúng con còn ái ngại khi phải xin phép hay giải trình những nhu cầu của mình về sức khỏe và các đồ dùng trong cuộc sống, lòng chúng con chưa vui, chưa quảng đại hiến dâng khi sứ vụ cần chúng con gánh thêm một chút vất vả, lòng chúng con chưa tĩnh để đón nhận những cái nghèo của bản thân và chưa mở rộng để đón nhận cái nghèo của chị em, của tha nhân. Chúng con dễ dàng bị cám dỗ bởi sự tiện nghi, bởi những mong muốn sở hữu, chiếm hữu, bởi những so đo hơn thiệt… Đôi khi chúng con quên mất lý tưởng mà chúng con đã dâng hiến là sống nghèo khó như Chúa. Xin ơn thánh Chúa giúp chúng con vượt qua những xáo trộn trong lòng, khi chúng con phải từ bỏ những sở thích cá nhân, sâu xa hơn là từ bỏ mình, từ bỏ những ràng buộc, những dính bén, những ham muốn, những quan điểm…từng chút, từng chút trong từng ngày, để nét đẹp thánh thiện trong sự nghèo khó và hiến dâng, được họa ra một hình ảnh Nước Trời mai sau trong đời sống dâng hiến hiện tại của mỗi người chúng con.
Nguyện ước cho việc thường xuyên ở lại trong Chúa giúp chúng con cảm nhận được sự đủ đầy và niềm vui có Chúa, hầu chúng con có đủ lòng mến, lòng say mê, niềm xác tín sống trung tín với đời nghèo khó, luôn nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mọi hoàn cảnh, mọi hy sinh, mọi bước đi của cuộc đời, và luôn hướng về sự sống vĩnh cửu mà Chúa đã dành sẵn cho chúng con.
- Hãy ở lại trong Thầy – lời mời gọi cùng nhịp bước với Thầy đến với người nghèo
Sự ở lại trong Thầy không phải chỉ là ở lại trong không gian tâm linh, mà là ở lại để sống theo gương mẫu của Thầy, đặc biệt là gương mẫu phục vụ người nghèo.
Trong suốt cuộc đời trần thế, Chúa đã không ngừng đến với người nghèo, người đau khổ, người bị bỏ rơi trong xã hội. Chúa không chỉ đến với họ bằng lời nói, mà Ngài sống cùng họ, ăn uống với họ, chữa lành cho họ, và hiến dâng chính mạng sống mình để cứu chuộc họ. Mọi hành động của Chúa đều hướng về việc phục vụ và nâng đỡ người nghèo. Chúa chọn cách sống đơn sơ, gần gũi với họ, chạm vào nỗi đau của họ, nâng đỡ họ, và đem lại cho họ hy vọng mới.
Chúng con, những người môn đệ của Chúa, được mời gọi cùng nhịp bước với Thầy gieo yêu thương đến bao phận người nghèo đang lay lất trong nhân loại này, không chỉ là nghèo vật chất, mà còn là nghèo tình thương, nghèo niềm tin và hy vọng.
Đức Thánh Cha Phanxicô – vị cha chung của chúng con đã khẳng định trong bài giảng lễ ngày Quốc tế người nghèo (2017), rằng: Giáo hội Công giáo là Giáo hội của người nghèo. Sống đồng cảm, chia sẻ với những người nghèo không những về nhu cầu vật chất, mà thông qua những dịp tiếp xúc, hòa mình cùng chung chia cuộc sống nghèo, không thờ ơ trước nỗi đau của họ, chúng ta tìm cách thăng tiến phẩm giá của họ, đem Lời Chúa đến với họ bằng chính lối sống nghèo của mình.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn nhớ rằng: mỗi lần chúng con đến gần người nghèo, là chúng con đang đến gần Chúa, bởi Chúa đã dạy: “Những gì các con làm cho một trong những anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các con đã làm cho chính Ta” (Mt 25,40). Xin cho chúng con luôn kiên trì ở lại trong tình yêu của Chúa, để qua những hành động phục vụ người nghèo- cách ân cần, tử tế, tôn trọng, yêu thương…chúng con có thể sinh nhiều hoa trái cho vinh quang của Chúa và lợi ích cho anh chị em.
- Ở lại trong Thầy để trung tín sống đời khó nghèo
Giữa một thế giới phát triển không ngừng về mọi mặt: kinh tế, xã hội, công nghệ và văn hóa, con người dễ dàng quên đi những giá trị vĩnh cửu, đặc biệt là giá trị của nghèo khó, khiêm nhường, hy sinh, khổ chế. Chính vì vậy, lời mời gọi của Chúa Giêsu, “Hãy ở lại trong Thầy”, càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Lời mời gọi này không chỉ là một sự khích lệ tinh thần mà còn là một hướng đi cho những môn đệ của Chúa muốn sống trung tín với ơn gọi nghèo khó. Một sự nghèo khó không chỉ là từ bỏ vật chất mà là một sự sống hoàn toàn dành cho Thiên Chúa và tha nhân.
Trong thế giới đổi thay không ngừng, việc ở lại trong Thầy trở thành một dấu chỉ của sự kiên vững và trung tín. Khi mọi thứ xung quanh luôn thay đổi, duy chỉ có tình yêu của Chúa là bất biến. Sự kết hiệp với Chúa qua việc ở lại trong tình yêu của Ngài- là nền tảng giúp chúng con duy trì sự kiên định và trung tín trong đời sống nghèo khó. Chúa mời gọi chúng con đừng để những giá trị vật chất, những thành công tạm thời của thế gian chi phối đời sống dâng hiến của chúng con. Ở lại trong Thầy là một lựa chọn của niềm tin, là quyết định đặt Chúa lên trên hết mọi sự, để chúng con có thể sống nghèo khó trong một sự tự do hoàn toàn.
Đúng như Chúa nói: “Không có Thầy, các con không thể làm gì được” (Ga 15,5). Để có thể trung tín sống đời nghèo khó trong bối cảnh của xã hội hôm nay, chúng con phải luôn ở lại trong sự kết hiệp với Chúa. Chính Ngài là sức mạnh giúp chúng con vượt qua thử thách, là nguồn cảm hứng để chúng con sống nghèo khó với niềm vui và sự bình an. Vì đời nghèo khó của chúng con không chỉ là từ bỏ vật chất, mà là dâng hiến trọn vẹn cuộc đời cho Thiên Chúa và tha nhân, như Chúa đã làm gương cho chúng con. Sự trung tín trong nghèo khó là niềm hy vọng và bình an đích thực.
Lạy Chúa Giêsu, Chúng con xin tạ ơn Chúa vì tình yêu vô biên Ngài đã dành cho chúng con. Chúa là nguồn sống, là Đấng ban phát mọi ơn lành, và là mẫu gương tuyệt vời về đời sống nghèo khó mà chúng con được mời gọi bước theo. Chúng con xin dâng lên Chúa lời cầu nguyện, với lòng khao khát được sống trung tín, sống nghèo khó như Chúa, để cuộc đời chúng con trở thành chứng nhân của tình yêu và lòng thương xót Chúa.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn ở lại trong Chúa, để đời sống của chúng con không bị lôi cuốn vào những cám dỗ của thế gian, nhưng luôn tìm thấy sự đủ đầy trong tình yêu của Ngài.
Lạy Chúa Giêsu, Ngài là cây nho, chúng con là cành. Xin cho chúng con luôn được gắn bó với Chúa, để đời sống chúng con sinh nhiều hoa trái tốt lành.
Lạy Chúa, xin cắt tỉa chúng con từng ngày, để chúng con trở nên thanh thoát hơn trong từng chọn lựa. Xin giúp chúng con từ bỏ những gì không cần thiết, những gì làm chúng con xa cách Chúa, để trái tim chúng con luôn sẵn sàng dâng hiến mọi sự cho Chúa. Xin giúp chúng con nhận ra rằng nghèo khó không phải là một gánh nặng, mà là một ơn gọi cao cả, để chúng con sống như Ngài đã sống: khiêm nhường, đơn sơ và yêu thương.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin dâng đời sống nghèo khó của chúng con lên Chúa, như một lễ vật tình yêu, một dấu chỉ của lòng trung tín và sự hiến dâng trọn vẹn. Xin giúp chúng con trở thành những cành nho sinh hoa trái, mang lại niềm vui và sự sống cho anh chị em xung quanh.
M. Têrêsa Nguyễn Phúc Diễm Hạnh, Fmsr
(trích nguyện gẫm dịp nhắc lại lời khấn 2024)