Sống dâng hiến

SỐNG DÂNG HIẾN

 Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi ? Ai là anh em tôi ?” Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”

  1. Mẹ Maria dâng hiến một lần – sống một đời

Sự kiện Mẹ Maria dâng mình vào Đền Thờ lúc ba tuổi được Giáo hội cử hành hằng năm như mẫu gương cho các tu sĩ nam nữ dâng mình cho Thiên Chúa. Khi Ông Bà Gioakim và Anna đem Đức Maria lên Đền thờ để dâng cho Thiên Chúa theo luật dạy, Đức Maria còn nhỏ, chưa đủ hiểu hết chuyện. Tuy nhiên, càng khôn lớn thì Mẹ càng nhận thức được sự dâng mình của Mẹ chính là sự phụng thờ Thiên Chúa. Ý nghĩa quan trọng nhất của biến cố Đức Maria dâng mình trong đền thờ – là lòng ước ao của Mẹ muốn thuộc về Chúa. Sự kiện Mẹ dâng mình chỉ có thể được hiểu rõ hơn trong truyền thống của Giáo hội khi Đức Maria được xem như là người nữ khấn giữ đồng trinh, bắt nguồn từ sự kiện Sứ Thần truyền tin Mẹ mang thai Con Thiên Chúa. Mẹ đã khiêm tốn thưa rằng: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng”.

Sự dâng hiến của Mẹ Maria được khởi đi từ ý muốn dành trọn con người của Mẹ cho Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã chọn Mẹ là nơi cho Chúa Giêsu cư ngụ. Thiên Chúa đã đón nhận tấm lòng của Mẹ và từ nơi Mẹ, Thiên Chúa thực hiện kế hoạch cứu độ cho toàn thể nhân loại. Sự dâng hiến này tiếp tục được thực hiện trong suốt cuộc đời của Mẹ khi trải qua những biến cố vui mừng và đau thương, cách riêng khi Mẹ dâng người con duy nhất của Mẹ cho Thiên Chúa. Một sự dâng hiến đến tận cùng trong thân phận làm người. Dù xâu xé trong con tim, nhưng Mẹ vẫn vững lòng tin cậy nơi Thiên Chúa.

Noi gương Mẹ Maria xưa, nay chúng ta được thuộc về Chúa trong ngày tuyên khấn dòng, ngang qua việc tự do cam kết sống khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục trong một Hội Dòng mà ta thuộc về. Sống sự dâng hiến dành cho Chúa, cũng đồng nghĩa ta phải lội ngược với dòng đời để sống trọn vẹn hơn ý nghĩa đời thánh hiến. Theo dòng thời gian, chiều sâu của sự dâng hiến như phải đối diện nhiều hơn trước những thách đố hiện sinh trong ba lời khấn dòng, hoặc những cản trở lắm khi đến từ chính lối sống cá nhân trong đời sống cộng đoàn và sứ vụ.

Có những khó khăn đến từ bối cảnh của xã hội, khi quanh ta có quá nhiều điều mới lạ hấp dẫn và lôi cuốn những giác quan hay dục vọng của ta. Đôi khi những cám dỗ cũng đến từ trong chính con người của mình. Ta muốn tự quyết định cho đời mình một cách thái quá để không còn quảng đại đặt Ý Chúa lên trên. Những khó khăn trong đức vâng phục cũng chính là ý riêng khi tự tính toán cho ta quá nhiều, hoặc không nhìn ra được điều Chúa mời gọi qua ý của bề trên trong Hội Dòng. Cũng có lúc chính lòng ta ước ao một sự thoải mái vô độ mà khó có thể đi vào sự thanh thoát của lời khấn khó nghèo. Hay trái tim của ta có quá nhiều tiếng gọi, hoặc bị ghì chặt bởi một mối tương quan khiến ta không thể dành trọn tình yêu cho Chúa, không dành hết sức lực cho cộng đoàn và cho những tâm hồn chúng ta đang phục vụ. Một lúc nào đó, ta cảm thấy mọi sự cứ cuốn ta trôi theo dòng chảy của chúng, và đôi khi ta đánh mất chính mình mà không hay biết – trong công việc cũng như trong cách sống của ta.

Như thế, sự dâng hiến của ta muốn được triển nở và tròn đầy, nó phải có Chúa, bao gồm những suy nghĩ, chọn lựa và hành động của ta. Chính Chúa thánh hóa con người ta và mọi chiều kích của cuộc sống. Trong giây phút thinh lặng, ta cùng chiêm ngắm Mẹ Maria đã sống sự thánh hiến cho Chúa cách trọn vẹn, mặc dầu đã không thiếu sóng gió trong cuộc đời Mẹ. Mẹ đã hằng suy đi nghĩ lại Lời Chúa trong mọi hoàn cảnh. Mẹ vâng nghe tiếng Chúa, và tận tâm tận lực sống theo ý Người.

  • Cùng với Mẹ, ta cũng thân thưa với Chúa về những ước muốn tốt đẹp thuở ban đầu khi ta khao khát hiến dâng mình cho Chúa.
  • Qua ba lời khấn dòng, ta đã sống sự dâng hiến cách quảng đại ra sao? Ta đã thường xuyên phân định và chọn ý Chúa trong ngày sống của ta thế nào?
  • Đâu là những thách đố hay cản trở đang đè nặng tâm hồn khiến ta không thể hiến dâng Chúa hết lòng?

2. Mẹ dâng hiến đời mình qua việc sống Thánh Ý Chúa

Khi gặp những khủng hoảng và thách đố trong cuộc đời, Mẹ Maria vẫn kiên trì giữ thái độ lắng nghe Ý Chúa, bằng việc suy đi gẫm lại trong lòng. Điều làm cho Mẹ được ơn nghĩa với Chúa là Mẹ không buông tay Thiên Chúa trong những lúc đau khổ nhất. Mẹ kiên vững trong xác tín: Đối với Thiên Chúa không gì là không thể. Chính cảm nghiệm về Thiên Chúa đã giúp Mẹ nhạy bén với những đòi hỏi của Chúa trong đời thường, ngay cả những điều Chúa muốn đôi khi thật khó hiểu và mầu nhiệm với Mẹ.

Như Mẹ Maria, sự dâng hiến của ta hôm nay trở nên có ý nghĩa hơn khi ta sống tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Bởi Người nói với ta trong tất cả những biến cố an vui hoặc đau buồn. Chỉ khi ở lại với Chúa, ta mới có được những khoảng lặng cần thiết để nghe, để nhận và để chọn những gì là chính yếu hoặc bỏ đi điều gì là phụ thuộc, hầu có thể sống Ý Chúa trong từng phút giây. “Chính trong tương quan tình yêu thần linh này, cuộc đời người tu sĩ được gọi là thánh hiến” (Benedicto XVI).

Quả thật, đời dâng hiến của ta cần lắm một sự nối kết cá vị với Chúa! Khi ở lại trong tình yêu Chúa, chính Người sẽ làm mới ước muốn thánh thiện thuở ban đầu cho ta. Sự dâng hiến của ta thật sự là một của lễ dâng hiến khi ta ở lại trong tương quan thân thiết với Giêsu. Niềm tin của ta dành cho Thiên Chúa cũng sẽ là yếu tố nền tảng giúp ta sống sự dâng hiến với những động lực siêu nhiên.

Trong việc chiêm ngắm sự dâng hiến của Mẹ, ta cùng nhìn lại đời thánh hiến hiện tại:

  • Những khó khăn đời thường có làm ta lạc hướng, dễ dàng buông xuôi, hoặc thoái thác một công việc hay sứ mạng ta được trao phó?
  • Những xu hướng của thời đại có làm ta rời xa lời mời gọi của Chúa, hay làm nhạt sắc Đặc sủng của Hội Dòng?
  • Những gì ta cho là gương xấu không thể tránh có làm ta mất đi năng lượng tích cực và sự nhiệt tâm tông đồ, vốn là những điều Chúa gieo trong ta?

3. Xin ơn vững bền sống đời dâng hiến

Nhìn lại chặng đường ta đã đi qua, đôi lúc ta chợt nhận ra có nhiều điều lôi cuốn làm ta dễ dàng trở về con người tự nhiên của mình; hoặc quay trở lại với lối sống hưởng thụ, tục hóa. Những gì ta đã dâng Chúa lại có khi bị chính ta từ từ lấy lại. Đôi khi sức khỏe hay tuổi tác cũng làm ta chai lì hoặc dậm chân với sự cố gắng từng có trước đây ở khía cạnh nào đó. Cũng có thể tinh thần thế tục làm ta có cái nhìn khác về những giá trị tốt đẹp mà ta đã từng chọn lựa.

Chúa Giêsu có lần nói: Ai đã tra tay cầm cày còn ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa (Lc 9, 62). Lời Chúa giúp ta nhìn lại sự dâng hiến của mình; có thể là canh tân những gì cũ kỹ và xin Ngài làm mới lại; những gì cần đổi thay thì xin Chúa cho ta ơn can đảm để thay đổi.

Đức cha Tổ phụ cũng lưu ý chị em Mân côi trong việc tự luyện bản thân, cần xin ơn vững vàng sống đời dâng hiến để có thể giữ mãi được ơn nghĩa cùng Chúa. Vì “triều thiên không phải là hứa cho kẻ đã bắt đầu tốt, một là cho kẻ sẽ sống một cuộc đời thánh thiện cho tới ngày sau cùng” (I, 421).

Và theo Đức cha Tổ phụ, phương thế cho được ơn bền vững, cũng là ơn sống sự dâng hiến cách tốt đẹp bao gồm: gớm ghét sự tội và trung thành giữ kỷ luật.

  • Gớm ghét sự tội: Chúa ban cho ta những ơn thiêng và các phương thế để sống sự dâng hiến. Vì thế, ta luôn xin ơn Chúa để xa tránh dịp tội và sự tội. Đức cha Tổ phụ nói: “chẳng có sự gì có tội hơn và nguy hiểm hơn bằng sự làm dụng ơn Chúa (x. I, 427).
  • Trung thành giữ kỷ luật: một chị dòng càng mến và càng giữ kỹ luật chừng nào thì càng trung tín sốt sắng, càng quý trọng ơn kêu gọi, và càng làm trọn những nghĩa vụ về ơn kêu gọi một cách can đảm chừng ấy (x. I, 429). Thật vậy, Đức cha tổ phụ đã có kinh nghiệm trong đàng thiêng liêng. Người nói rằng: chị em hãy giữ kỷ luật nếu chị em muốn vững vàng trong ơn kêu gọi. Một người nữ tu ơ hờ trễ nải, giả như họ đã luôn luôn trung tín với kỷ luật, có lẽ họ khác hẳn với cái tình trạng họ đang sống bây giờ (x. I, 431).

Ta hãy dành ít phút để thầm thĩ với Chúa trong ước muốn dâng hiến trọn đời.

  • Ta có giữ được sự bền bỉ trong sự dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa?
  • Ta cần lưu tâm đến việc gớm ghét sự tội và trung thành giữ kỷ luật hơn?
  • Ta ước muốn chuyên chăm kết hợp với Chúa qua giờ cầu nguyện, hoặc có những tâm tình nguyện tắt nào dành cho Chúa trong ngày hôm nay?

Maria Tố Oanh, Fmsr

trích nguyện gẫm ngày lễ Mẹ Dâng Mình (21/11/2024)

About dongmancoichihoavn

Check Also

Ở lại trong Thầy để trung tín sống đời nghèo khó

đời nghèo khó của chúng con không chỉ là từ bỏ vật chất, mà là dâng hiến trọn vẹn cuộc đời cho Thiên Chúa và tha nhân...

Để lại một bình luận