Mẹ Maria vâng phục

CHIÊM NGẮM MẸ MARIA TRONG LỜI KHẤN VÂNG PHỤC

  1. Xin vâng – khởi đầu một hành trình: “Này tôi là tôi tá Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc 1, 38)

Lời đáp trả xin vâng đầy tin tưởng của Đức Maria đã khởi đầu cho ơn gọi đặc biệt của Mẹ, ơn gọi làm Mẹ Thiên Chúa. Khi thưa xin vâng với Thiên Chúa, Mẹ đã từ bỏ những kế hoạch riêng của đời mình để kế hoạch của Chúa được thực hiện. Mẹ từ bỏ tất cả những gì không còn phù hợp với ơn gọi mới mà Thiên Chúa vừa ban cho Mẹ. Mẹ vẫn là cô thiếu nữ Maria nơi làng Nazareth với cuộc sống và những sinh hoạt đời thường, nhưng từ đây, Mẹ không sống theo ý mình nữa. Từ sau tiếng xin vâng ấy, Mẹ luôn dõi mắt về Thiên Chúa để tìm kiếm và thực thi thánh ý Người trong mọi biến cố lớn nhỏ. Từ sau tiếng xin vâng ấy, lịch sử cuộc đời Mẹ đã sang một trang khác, vì từ đây Mẹ sẽ không viết những trang sử cuộc đời theo ý mình nữa, nhưng Mẹ tháp nhập cuộc đời Mẹ vào trong lịch sử cứu độ của Thiên Chúa, để cuộc đời của Mẹ được nên một với Thánh Ý của Người. Có thể nói, từ sau tiếng xin vâng, Mẹ chỉ còn muốn điều Chúa muốn.

Thiên Chúa, trong kế hoạch yêu thương của Người, cũng đã tìm đến mỗi người chúng con. Qua nhiều cách thế khác nhau, Chúa kêu gọi chúng con cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa. Ơn gọi của chúng con là sáng kiến và là lời mời gọi của Chúa, nhưng, cũng như Mẹ Maria, Chúa cần chúng con tự do nói lên sự ưng thuận trước lời mời gọi ấy. Khi bước lên khấn hứa cùng Chúa, chúng con ý thức rằng, đó không phải là kết quả sau một quá trình huấn luyện, nhưng là lời đáp trả của người ý thức rằng mình được Chúa yêu thương, và chúng con muốn đáp trả bằng cách hiến dâng cuộc đời mình để sống cho tình yêu đó. Vì thế, thưa xin vâng với Chúa không gì khác hơn là chúng con dâng cho Chúa ý chí tự do, mọi ước muốn và kế hoạch riêng tư, để nhận ý Chúa làm ý mình, để làm theo kế hoạch của Chúa. Mỗi khi thưa xin vâng với Chúa ngang qua các bề trên, trong các sứ vụ và trong những biến cố đời thường, chính là lúc chúng con để Chúa được lớn lên và rõ nét hơn mỗi ngày trong những ý muốn và chọn lựa của chúng con. Hay nói khác hơn, lời khấn vâng phục đưa chúng con đi vào một cuộc hành trình mới, cuộc hành trình làm cho hình hài chúng con được rõ nét hơn, nhưng không phải theo cách thức và ý muốn của chúng con, nhưng là để Chúa được tự do uốn nắn chúng con theo kế hoạch yêu thương của Chúa.

2. Xin vâng khi không hiểu: “Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói” (Lc 2,50)

Sau ba ngày lạc mất con, sau những lo âu và hoảng sợ, Mẹ mong nghe được một lời giải thích có thể đem lại cho Mẹ chút niềm vui và an ủi khi gặp được con. Nhưng câu trả lời Mẹ nhận được lại nghe như một lời trách: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49). Và Kinh Thánh cho chúng con biết, Mẹ không hiểu những lời đó. Nhưng Mẹ không đòi con Mẹ phải giải thích cho rõ hơn, hay ít ra cũng phải cho Mẹ một lý do hợp lý. Mẹ chỉ “ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” để chiêm niệm. Mẹ đón nhận và thi hành thánh ý Chúa ngay cả khi không hiểu.

Chiêm ngắm cách thức Mẹ nói lời xin vâng với Chúa trong từng biến cố lớn nhỏ giúp chúng con hiểu rằng, lời cam kết dấn thân của chúng con cho một sứ vụ nào đó ngang qua lời khấn vâng phục không miễn trừ cho chúng con những thử thách, trái lại, nó là khởi đầu cho một hành trình mới của đức tin. Cũng như Mẹ, chúng con học thưa xin vâng với Chúa mà không đòi hỏi phải hiểu cho bằng được ý của Người, hay phải hiểu được nguyên nhân của các hoàn cảnh xem ra phi lý. Xin vâng hoàn toàn ngay cả khi không hiểu, không phải là một sự liều lĩnh hay dại dột, nhưng đó thực sự là một kinh nghiệm và hiểu biết chín chắn của đức tin. Vì xin vâng là tiến bước trong đức tin, là chấp nhận rằng, có những lúc dù có đưa ra biết bao lý do để giải thích, hay dù có cố gắng đến đâu, chúng con cũng không bao giờ hiểu hết được kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa trên cuộc đời chúng con. Chúng con học nơi Mẹ cách đọc ra những thông điệp mà Chúa muốn gởi đến cho chúng con ngang qua các biến cố xảy đến bằng cách “ghi nhớ tất cả và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Để cho Lời Chúa soi sáng, hướng dẫn chúng con trong những thử thách, đó là cách giúp chúng con trung thành với thánh ý Chúa. Và như thế, nhờ vâng phục mà chúng con học cách tháp nhập ý muốn của mình vào trong ý muốn của Thiên Chúa, và cho chúng con can đảm tiến bước trong đường lối của Người, một nẽo đường hẹp nhưng lại dẫn chúng con đến sự tự do đích thực của ý chí.

3. Xin vâng trong đau khổ: “đứng gần Thập giá có thân mẫu Người là bà Maria…” (Ga 19, 25a)

Sự hiện diện thinh lặng của Mẹ dưới chân thập giá gợi lại cho chúng con hình ảnh ngoan ngùy của Mẹ trước lời của sứ thần trong ngày truyền tin: “Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền”. Chiêm ngắm Mẹ đứng dưới chân thập giá, nơi treo thân xác người con yêu quý của Mẹ, chúng con hiểu được rằng, Mẹ đã thực sự để Chúa làm tất cả những gì Người muốn trên cuộc đời Mẹ. Chúa trao cho Mẹ người con, và giờ đây, Chúa lại đem người con đó đi bằng một cách thế không thể làm Mẹ đau đớn hơn. Nhưng Mẹ không chất vấn Thiên Chúa tại sao, Mẹ cũng không đòi sự công bằng trước án tử bất công dành cho con Mẹ. Mẹ đau đớn trong lòng và chắc là Mẹ đã khóc. Nhưng giữa những âm thanh rất nhỏ của những giọt nước mắt rơi xuống, chúng con lại nghe được một âm thanh khác lớn hơn, dù nó không được vang lên, đó là âm vang của tiếng “xin vâng” của Mẹ. Như trong suốt cuộc đời, Mẹ đã đáp lời xin vâng trước thánh ý Thiên Chúa qua từng biến cố lớn nhỏ, thì giờ đây, một lần nữa, tiếng xin vâng đó vẫn được Mẹ cất lên đầy xác tín và mạnh mẽ, dù Mẹ đã chẳng thốt ra bất cứ một lời nào. Sự thinh lặng của Mẹ dưới chân thập giá không phải là nỗi ấm ức hay hụt hẫng trước những bất công, cũng không phải vì bị đè bẹp trước sức nặng của đau khổ, nhưng đó là hoa trái của một kinh nghiệm dài trong cầu nguyện và nhận định. Dù Mẹ không thể hiểu được con đường Chúa đang dắt Mẹ đi, nhưng hơn ai hết, Mẹ tin rằng, đây là con đường dẫn đến ơn cứu độ. Tiếng xin vâng của Mẹ giờ đây đã được nên một với tiếng xin vâng của Con Thiên Chúa. Những lời xin vâng trong đau khổ có sức làm phát sinh sự sống, vì dưới chân thập giá, một cuộc sinh hạ mới đã được bắt đầu, một nhân loại mới được tái sinh trong Đức Giêsu để trở nên con Thiên Chúa và làm con của Mẹ.

Chiêm ngắm Mẹ đứng dưới chân thánh giá, đau buồn nhưng bình an, chúng con hiểu rằng, Mẹ có thể vâng phục thánh ý Thiên Chúa trong biến cố, có thể nói là đau thương tột cùng này, bởi vì Mẹ đã học thưa xin vâng với Chúa từng ngày trong suốt cuộc đời Mẹ… Làm sao chúng con có thể dễ dàng thưa tiếng xin vâng với Chúa trước một biến cố bất ngờ nào đó, nhất là khi điều đó đòi hỏi nơi chúng con một sự từ bỏ lớn lao, nếu trong từng ngày sống, chúng con không có thói quen đáp lời xin vâng với Chúa trong những đòi hỏi từ bỏ nho nhỏ: từ bỏ một thói quen, tuy không xấu nhưng nó lại không phù hợp với đời sống của một người theo Chúa; hoặc lắng nghe và làm theo những mời gọi của Chúa trong cung cách ứng xử, trong thái độ và tâm tình khi làm việc, khi thi hành sứ vụ… Tất cả những điều tưởng chừng như rất nhỏ nhặt đó, lại là những bài thực hành xin vâng mà Chúa muốn chúng con thi hành. Nhưng chính vì chúng con hoặc không lưu tâm để ý, hoặc cho rằng đó chỉ là những điều nhỏ thôi, không ảnh hưởng gì nhiều đến đời sống tận hiến hay đời sống chung, nên chúng con dễ dàng bỏ qua. Chúng con quên rằng, khi không có thói quen thưa vâng trong những điều rất nhỏ, thì chúng con khó có thể mau mắn thưa xin vâng với Chúa trong những đòi hỏi lớn hơn.

Sự hiện diện can trường của Mẹ dưới chân thập giá ngày hôm nay một lần nữa nhắc cho chúng con về những lời xin vâng nhỏ bé trong đời sống hằng ngày. Nhất là khi những lời xin vâng đó có thể làm tâm hồn chúng con phải rướm máu, nhưng lại có sức mạnh giải thoát và đem lại cho chúng con niềm vui và sự bình an tâm hồn.

4. Xin vâng cùng với Thánh Thần: “tất cả các môn đệ đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện, với bà Maria thân Mẫu đức Giêsu” (Cv 4,32).

Lời xin vâng của Mẹ tưởng như đã hoàn tất khi Chúa Giêsu con Mẹ hoàn tất công trình cứu độ của Người, và trở về với Chúa Cha. Thế nhưng, chúng con thấy Mẹ vẫn hiện diện với các tông đồ, cùng cầu nguyện với các ngài để chờ đợi Chúa Thánh Thần, Đấng được hứa ban. Hơn ai hết, Mẹ ý thức được vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần trong đời sống của Giáo Hội cũng như đời sống của người môn đệ Chúa Kitô. Thánh Thần là Đấng đã “bao phủ” lấy Mẹ sau tiếng “xin vâng”, để Mẹ cưu mang và hạ sinh Con Thiên Chúa, thì cũng chính Chúa Thánh Thần được ban xuống để Mẹ tiếp tục chia sẻ với các tông đồ những ký ức sống động về Chúa Giêsu con Mẹ. Và hôm nay, qua lời khấn vâng phục, mỗi khi chúng con thưa tiếng xin vâng trước thánh ý Chúa, chính Chúa Thánh Thần sẽ làm cho Đức Ki-tô được lớn lên trong tâm hồn chúng con. Hay nói khác hơn, mỗi lần chúng con thưa tiếng xin vâng với Chúa, là lúc chúng con buông mình cho Thần Khí để Ngài khuôn đúc chúng con theo khuôn mẫu của Đức Ki-tô, cho đến khi chúng con được nên “đồng hình đồng dạng” với Người. Và nhờ biết buông mình cho Thần Khí qua tiếng xin vâng mỗi ngày, chúng con không chỉ kể lại những ký ức về Chúa Giêsu, mà còn làm cho những ký ức đó được trở nên sống động trong chính cuộc sống của chúng con, trong các mầu nhiệm Mân Côi mà chúng con đọc và suy niệm mỗi ngày.

Mẹ vẫn ở lại cầu nguyện với các tông đồ và chờ đợi Thánh Thần, vì Mẹ hiểu rằng, tiếng thưa xin vâng với Thiên Chúa không đưa Mẹ vào mối tương quan khép kín chỉ Mẹ với Thiên Chúa mà thôi, nhưng là sẵn sàng mở ra cho Thánh Thần để Ngài dẫn Mẹ đến với những anh chị em của con Mẹ. Cùng với họ, Mẹ sống và chia sẻ những kinh nghiệm đức tin ngang qua các biến cố vui buồn trong cuộc sống. Mẹ giúp chúng con hiểu rằng, chúng con không thể sống trọn vẹn tiếng xin vâng với Chúa nếu không biết mở ra cho Thánh Thần. Lời khấn vâng phục không bó hẹp chúng con trong việc vâng lời các Bề Trên, các luật phép Dòng, hay các lệnh truyền. Lời xin vâng trọn vẹn là lời thưa vâng trong những tác động rất nhỏ của Thánh Thần, trong những mời gọi âm thầm của Ngài, mà chỉ có đời sống cầu nguyện mới cho chúng con có được sự nhạy cảm để nhận ra những lời mời gọi ấy. Và chỉ khi sẵn sàng mở lòng cho tác động của Thánh Thần và nghe theo sự hướng dẫn của Ngài, chúng con mới có cơ may chạm đến những chân trời mới của sứ vụ, nơi có những con người mà chúng con gặp gỡ mỗi ngày, và cả những vấn đề mà chúng con phải đối diện để sống kinh nghiệm về sự hiện diện của Chúa. Vì ở mọi nơi và trong mọi giây phút, Chúa luôn chờ đợi lời thưa xin vâng của chúng con để có thể hoàn tất chương trình cứu độ của Chúa nơi mỗi người chúng con.

M. Paul, Fmsr

(trích nguyện gẫm dịp nhắc lại lời khấn 2024)

About dongmancoichihoavn

Check Also

Ở lại trong Thầy để trung tín sống đời nghèo khó

đời nghèo khó của chúng con không chỉ là từ bỏ vật chất, mà là dâng hiến trọn vẹn cuộc đời cho Thiên Chúa và tha nhân...

Để lại một bình luận