Nếu ai đó đã từng trải qua cái ôm thắm thiết với người mình thương mến hoặc người mến thương mình, chắc hẳn sẽ cảm nhận sâu hơn những cái ôm trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Lẽ thường tình, cái ôm luôn là sự thể hiện tình cảm và sự gắn bó. Vậy ta cùng hình dung và điểm lại những cử chỉ yêu thương ấy nơi Ngài và xem thông điệp Ngài muốn nhắn gửi với ta là gì?
Trước tiên, ta cảm nhận nơi Ngài luôn có những cái ôm âu yếm. Tường thuật Thánh Matthêu kể lại, khi các môn đệ tiến đến hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ tới, đặt vào giữa các ông và bảo: Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” ( Mt 18, 1-3). Hình dung cuộc đối thoại này cùng sự hiện diện của những bức tranh mà các họa sĩ đã vẽ về Chúa Giêsu và trẻ nhỏ, ta đều cảm nhận cái ôm âu yếm và đầy trìu mến của Ngài. Ngài ôm một trẻ nhỏ và đặt giữa các môn đệ để làm dẫn chứng cho lời Ngài nói. Cuộc đời của Ngài đã sống trọn vẹn tinh thần của một trẻ nhỏ, đó là sống vâng phục, sống trọn niềm phó thác vào Cha, ngay cả phút giây cuối cùng trên thập giá. Cảm nghiệm được điều này, ta nhận ra tình thương vô biên của Ngài cùng thái độ tin tưởng, sống niềm cậy trông trong đời sống ta. Hơn nữa, ta còn biết “ôm đứa trẻ” trong quá khứ mà ta đã trải qua. Nhờ đó, ta được chữa lành, an ủi và biết cách đóng lại tuổi thơ để sống tròn đầy với phút giây hiện tại.
Ta còn cảm nhận nơi Ngài có cái ôm của tha thứ và lòng xót thương. Ai trong chúng ta, có lẽ đã rất quen thuộc với dụ ngôn “Người cha nhân hậu”. Sau khi được cha chia gia tài và trải qua một cuộc ăn chơi phù phiếm, người con thứ trở về. Thấy con từ đằng xa, người Cha đã “chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15, 20). Cái ôm của sự chờ đợi đã lâu. Trái tim thương cảm của người Cha đã quên hết những lỗi lầm của người con, Cha chỉ nhìn thấy con tàn tạ trong hiện tại và chạnh lòng thương con. Cái ôm của Cha cho phép con có hội được trở về. Cái ôm đó cho con không mặc cảm, trái lại cho con học bài học của sự tha thứ và tấm lòng biết ơn vì tình yêu muôn đời Cha vẫn dành cho con – một tình yêu trung tín đến cùng.
Cái ôm của sự chữa lành cũng là một trong những cử chỉ yêu thương mà Chúa Giêsu trao ban cho con người. Trong suốt cuộc hành trình rao giảng, Chúa đã cứu chữa bao mảnh đời đau khổ và bất hạnh. Người không chỉ dùng bàn tay để đụng chạm vào những con người khốn khổ, đói rách, què quặt, đui mù… Người đã ôm họ bằng tất cả tình yêu trong trái tim Ngài. Thế nên, mọi bệnh nhân đến với Ngài đều được chữa lành (Mc 6, 56). Dừng lại nơi câu chuyện con trai của bà góa thành Nain được Người cho sống lại, ta sẽ cảm nghiệm sâu hơn tình yêu chữa lành của Ngài. Ngài đã dủ lòng thương trước cảnh đau lòng, mất mát của một người mẹ khóc than đứa con trai của mình. Người đã “tiến lại gần, sờ vào quan tài… Người chết trỗi dậy và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ” (Lc 7, 14-15). Hình ảnh trao con cho mẹ trong đoạn Tin mừng này là một hình ảnh đẹp. Chính Người đã “ôm” lấy tất cả những giọt nước mắt của khổ đau để trả lại cho bà góa niềm tin và hy vọng, niềm hạnh phúc và sự bình an đích thực, bởi vì đó là phép lạ, là tình yêu xuất phát từ chính con tim của Chúa.
Sau cùng, ta cùng chiêm ngắm cái ôm tự hiến của Chúa Giêsu trên Thập giá. Mùa chay Thánh đã khép lại, nhưng ta luôn được mời gọi nhìn lên Thánh giá để cảm nghiệm cuộc trao tình tự hiến của Ngài. Ngài đã chết và hình ảnh Ngài dang rộng cánh tay vẫn luôn là một ký ức sống động của tình yêu. Ngài đã dang rộng để ôm lấy tất cả những niềm vui, nỗi buồn, sự bình an và nỗi lo âu, niềm hy vọng và sợ hãi của ta và của nhân loại. Và đến phút cuối của cuộc đời, Ngài vẫn khao khát được yêu và sẻ chia cõi lòng ấm áp của mình. “Cái ôm” trên Thập giá là cơ hội duy nhất để Máu Thánh Chúa có thể chạm vào và nhuần thấm trong trái tim từng người và mời gọi mỗi người sống với một con tim thương xót và quảng đại hơn từng ngày.
Nhìn lại những cái ôm của sự âu yếm, lòng tha thứ, sự chữa lành và sự tự hiến của Chúa Giêsu, ta có cơ hội để một lấn nữa xác tín vào tình yêu vĩ đại của Ngài. Người vẫn luôn hiện diện trong mọi biến cố, để có thể yêu thương và nâng đỡ ta. Nhất là trong thời buổi khó khăn hiện nay, Ngài vẫn ôm những con người khổ đau, những bệnh nhân nhiễm virut Corona qua cánh tay của các bác sĩ, nhân viên y tế. Người vẫn ôm họ với những tấm lòng thiện nguyện của các vị ân nhân qua các bao gạo, khẩu trang…, qua những khoản tiền lương được hỗ trợ trong những tháng thất nghiệp.
Và chính bản thân ta, mỗi ngày Ngài vẫn ôm ta, trao ban cho ta những món quà của tình yêu là sự sống, sức khỏe, thời gian, cơ hội, những thách đố… Tất cả những ân ban này, ta vẫn đang hưởng dùng một cách dư đầy. Ước gì, mỗi ngày ta có thể khám phá ra những “nụ hôn” và những “cái ôm” yêu thương của Chúa, nhờ đó ta luôn bình an và sống hạnh phúc trên cuộc hành trình trần thế này. Đồng thời, ta cũng cần học biết ôm lấy tất cả những gì thuộc về Chúa như Maria Madalena đã nhanh nhẹn “ôm chân Chúa” khi Người từ cõi chết sống lại.
Thiên Duyên, Thỉnh Sinh Mân Côi