Nhớ về Đức Cha Tổ Phụ và các bậc tiền bối

“Lòng biết ơn là trí nhớ của trái tim”

– Ngạn ngữ Pháp –

Khi trái tim từng chị em Mân Côi hướng về cội nguồn của mình với tâm tình biết ơn chân thành, chắc hẳn chị em sẽ luôn thể hiện lòng kính trọng, sự mến mộ và niềm hãnh diện về Đấng sinh thành và các bậc tiền bối là quý cha Bề Trên, quý cha tuyên úy và quý chị đi trước. Dù rằng đây đó trên dung mạo của các ngài vẫn còn nét chấm lem do sự yếu đuối của phận người, nhưng nét lem đó đã được Thiên Chúa chỉnh trang thành nét đẹp khiêm tốn của một thụ tạo trong kế hoạch cứu độ của Người.

Kể cho nhau nghe công đức của Đấng sinh thành

“Cứ xem họ sinh quả nào, thì biết họ là ai” (Mt 7, 20) 

Hương thơm nhân đức và hoa trái tinh thần của Đức Cha Tổ Phụ Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn đã ảnh hưởng sâu sắc không chỉ trên chị em Mân Côi, nhưng còn trên cả Giáo hội và xã hội, nhất là xã hội Việt Nam.

Đối với Giáo hội, trong bất cứ trách nhiệm nào, ngài cũng đều nhiệt thành và tận tụy hy sinh cho công việc, cho các linh hồn, đặc biệt qua việc giáo huấn và giảng dạy. Ngay khi còn là Linh mục, ở những nơi ngài phục vụ, ngài luôn đem lại cho dân chúng một nếp sống mới, một không khí hoạt động, tươi vui, chăm lo việc học hành cho trẻ em, nâng cao dân trí. Ngài được cử làm Bề trên tiên khởi dòng Thánh Tâm Huế. Trong thời gian này, ngài đã xây 4 trường tiểu học (Trường An, Phủ Cam, Kim Long, Lại Ân) và mở nhà in “Thánh Tâm”. Đức Cha là người Việt Nam đầu tiên làm giáo sư chủng viện, là Giám mục Việt Nam đầu tiên của Giáo phận Bùi Chu – một Giám mục có tầm nhìn xa, có nhiều sáng kiến, chủ trương cải cách và dân chủ… Những cái “đầu tiên” ấy đã cho thấy Ngài là công cụ hữu hiệu Thiên Chúa dùng để phục vụ cho Nước Chúa. Cụ thể hơn, trong địa bàn Giáo phận Bùi Chu, Ngài đã nỗ lực canh tân cơ cấu sinh hoạt, trình độ học vấn và nếp sống đạo của hàng linh mục, chủng sinh, tu sĩ và giáo dân. Chính ngài đã đưa các môn khoa học, toán, văn chương Việt Nam, sinh ngữ vào trong các chủng viện, tu viện. Có lẽ sự vất vả nhất phải kể đến là việc khai sinh và dưỡng dục Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi trong lòng Mẹ Giáo hội, giữa thời cuộc thế chiến và “nội” chiến. 

Đối với xã hội, Đức Cha được xem là nhà thông thái của 3 nước Đông Dương (Việt, Miên, Lào), là nhà đạo đức kiêm văn hóa giáo dục của tiền bán thế kỷ XX[1]. Ngài được kể vào hàng danh nhân văn hóa Việt Nam cùng với các tên tuổi như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trường Tộ, Hàn Mặc Tử…[2], là học giả xuất sắc trên các lãnh vực văn chương, thần học, giáo huấn, báo chí dưới nhiều bút hiệu như Ngô Ký Ẩn, Ngô Tri Dược, Ngô Ký Vãng, Ngô Tri Lễ, Hồ Ngọc Cẩn. Ngài đã viết khoảng một trăm quyển sách, trong đó có hơn 30 tác phẩm lớn trước tác, dịch thuật thuộc mọi thể loại, từ văn chương, triết học, khoa học, tôn giáo, đạo đức… sách giáo khoa, toán học, sinh ngữ, cổ ngữ v.v… đến các loại tự điển Pháp, Hán, La Tinh[3]

Thêm vào đấy, nét đặc biệt được nhiều người đề cao ở nơi Đức Cha, đó là lòng yêu nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Đức Cha ra làm cố vấn cho Chính phủ năm 1945[4]. Tưởng cũng nên nhắc lại sự tích được ghi lại là việc ngài tặng dây đeo Giám mục bằng vàng cho Chính phủ: “…Phần tôi khi thụ phong giám mục, có một đấng biếu tôi Thánh giá này và dây đeo thực là vàng. Nhưng tôi nghĩ, người đời trên có giời che, dưới có đất chở. Trên phải phụng sự Thiên Chúa, dưới cũng không quên Tổ quốc. Vậy trong lúc này, tôi cũng vui lòng chia của quý này làm hai. Thánh giá tôi giữ lấy để phụng sự Thiên Chúa, dây đeo tôi để phụng sự quốc gia”.[5] . 

Kể ra bấy nhiêu điều, không phải để “bố hát con khen hay”, nhưng là muốn bày tỏ sự kính trọng và tấm lòng biết ơn sâu đậm của người con đối với cha của mình. Nếu đại thi hào Nguyễn Du đã trực giác nhắc nhở cách sống của con người:

“Có tài mà cậy chi tài,

Chữ tài đi với chữ tai một vần” (Truyện Kiều, câu 3245) 

Thì vần thơ này được đổi lại cho cuộc đời vị Giám mục mang họ Hồ:

“Có tài mà chẳng cậy tài,

Song nhờ ơn Chúa dùng Tài bằng Tâm”

Tâm và tài nơi con người Đức Cha đan quyện vào nhau, tạo nên chân dung vị mục tử tài đức: có khả năng biết rõ và gọi đúng tên từng con chiên, có nhân cách để đi trước và chiên theo sau, có sức mạnh cao thượng để hy sinh cho đoàn chiên, có thao thức đưa những chiên khác không thuộc ràn này trở về (x.Ga 10). Một cách vô tình, bức chân dung ấy được vẽ nên bởi chính cái tên Đức Cha chọn khi ngài chịu phép cắt tóc năm 1898:  CẨN – ấy là sự cẩn thận, chu đáo tận tình trong sứ vụ. 

Bản thân Đức Cha, ngay từ trong tâm ý, ngài đã biện phân được sự trường cửu của đời sống: “Nhân đức quý trọng hơn sự thông thái vô cùng, vì nếu thông thái mà thiếu nhân đức kính mến, thiếu lòng khiêm nhường, sẽ sinh ra cậy mình kiêu ngạo” (Gia sản 1, tr.164).

Chẳng trách gì, Cha cựu Bề trên Giuse Phạm Châu Diên, cũng là nghĩa tử của Đức Cha, được sống bên ngài 12 năm, trong sách viết về đức cha Hồ Ngọc Cẩn (1990), đã  chân nhận cách xác tín rằng: “…Nơi con người Đức Cha, thiên nhiên và ân sủng đã phối hợp với nhau cách kỳ lạ, để cùng hoạt động, để cùng sinh ra những nhân đức cao vời. Các nhân đức đó là mạnh tin, phó thác, khó nghèo, trong sạch, phục tùng, nhẫn nhục, cương quyết, vui tươi, siêng năng cần mẫn, khiêm nhường hiền từ, có lòng kính mến Thánh Tâm trong Thánh Thể…” 

Tri ân Đấng sinh thành

Mỗi lần có dịp nghe kể về Cha hoặc đọc những bút tích của Cha, dường như tâm lòng chị em Mân Côi càng thêm thấm thía và yêu mến Đấng Tổ Phụ hơn. Không thấm thía sao được khi tai nghe, mắt thấy và lòng cảm thấu những công khó của Cha trong sự vững tin vào quyền năng của Thiên Chúa; không mộ mến sao được khi thấy cha của mình tài trí và thánh thiện, tạo nên bức chân dung người mục tử mang hình bóng Vị Mục Tử  Giêsu (Alter Christus).

“Tưởng nhớ và ghi ơn công đức của Đấng sinh thành,  là lúc chị em được mời gọi để sống lại và làm thăng tiến những gia sản tinh thần mà ngài đã cưu mang và hình thành trong đời sống tận hiến cũng như trong sứ vụ truyền giáo” (Bài hướng ý cầu nguyện của chị Bề trên Giám Tỉnh Marie Rose, nhân dịp lễ giỗ lần thứ 64 của Đức Cha Tổ Phụ).

Hôm nay, chị em kể về Cha của mình với niềm hãnh diện bởi những gia sản tinh thần Cha để lại cho Giáo hội, cho Hội Dòng và cho xã hội. Chị em sống tâm tình tri ân bằng cách trân trọng và kính yêu chân dung mục tử của Đấng Tổ Phụ mình. Chân dung ấy đã “HẾT LÒNG NHẪN NHỤC VÀ TẬN TÂM GIÁO HUẤN”.

Trong ơn gọi Mân Côi, với sứ mạng giáo dục đức tin, và  theo dấu chân của Đức Cha Tổ Phụ với tinh thần yêu Chúa, yêu Giáo hội, yêu dân tộc, chị em sẵn sàng năng động, can đảm bước vào cánh đồng truyền giáo, cụ thể ở quê hương dân tộc Việt Nam. Những tiếng kêu gào của hàng triệu con chiên đang đói niềm tin, đói đạo đức, đói tri thức, đói tình người…, và cả những con chiên Vô Cảm của căn bệnh toàn cầu hóa đang rất cần đến những mục tử mang cờ hiệu Mân Côi cứu giúp.

Xin tạ ơn Thiên Chúa, mặc dù trái tim Đấng Tổ Phụ của chúng con đã ngừng đập 65 năm, nhưng gia sản tinh thần và hương thơm nhân đức của ngài vẫn sống mãi trong dòng thời gian, vẫn đang hòa hợp với nhịp đập của dòng lịch sử Cứu Độ.

Tri ân các bậc tiền bối, quý Bề trên, quý thân nhân, ân nhân

Trang sử đẹp nhuộm màu Ân Sủng của Hội Dòng được viết nên bởi sự cộng tác công sức và đức độ của các vị tiền bối. Nếu dùng theo ngôn từ của sách Huấn Ca, các ngài là những bậc vĩ nhân đáng được ca ngợi (x.Hc 64, 1). 

Xin thắp lên nén hương lòng gởi về người đã khuất và kết bó hoa thiêng gởi tới người còn sống,  để:

–         Tri ân các vị chủ chăn là quý Cha Bề trên, quý Cha linh hướng, quý Cha tuyên úy đã chung sức chung lòng sẻ chia và giúp Hội dòng đứng vững trong thời gian đầu khó khăn, như một cuộc thử luyện của Thiên Chúa giành cho những tâm hồn mến yêu Ngài.

–         Tri ân Giáo phận Bùi Chu và Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi Bùi Chu- nơi cội nguồn của Hội Dòng.

–         Tri ân cách đặc biệt đến Cha Bề trên Giuse Maria Phạm Châu Diên và Cha Giuse Phạm Văn Thiên (cha sở họ Chí Hòa năm 1954) đã định liệu cho Hội dòng hiện hữu trong Giáo phận Sài Gòn.

–         Tri ân quý Bề trên đã mở lòng trước tác động của ơn Chúa, từng bước dẫn dắt, làm cho Hội Dòng ngày càng bén rễ sâu trong đoàn sủng và trổ sinh nhiều hoa trái.

–         Tri ân từng lớp lớp bậc chị đi trước đã dày công trong hy sinh để tạo nên khuôn mặt Hội Dòng với những giá trị truyền thống tốt đẹp như ngày hôm nay.

–         Tri ân từng chị em Mân Côi đang trở thành chứng nhân sống động của đời dâng hiến trong khắp cánh đồng truyền giáo.

–         Tri ân quý ông bà cố và quý thân nhân của chị em Mân Côi. Quý vị đã dâng hiến gia tài cao quý nhất là chính người con, người chị em ruột thịt của mình để tạo nên sức sống và sự tồn hữu của Hội Dòng.

–         Tri ân quý ân nhân đã vì Chúa, vì Giáo hội nên đã và đang quảng đại đóng góp, hỗ trợ Hội Dòng về nhiều mặt trong hành trình truyền giáo.

Và trong tất cả mọi tâm tình tri ân, chúng con xin cúi đầu tri ân Tình Yêu Quan Phòng  từ ngàn đời của Thiên Chúa, vì:

                             “Ví như Chúa chẳng xây nhà,

                             Thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 126, 1)

Nt Maria Têrêsa Diễm Hạnh, FMSR

[1]  Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng, trường Hồ Ngọc Cẩn – Gia Định, “Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn, một nhà văn hóa giáo dục lớn của tiền bán thế kỷ XX” – http://dongthanhtam.net

[2]  Tiến sĩ Phạm Huy Thông, “Dấu ấn Công giáo trong văn hóa Việt”. (Trang mạng của Ban Tôn Giáo Chính Phủ – http://btgcp.gov.vn

[3]   Ibid.

[4]   Tiến sĩ Phạm Huy Thông, “Ứng xử của Hồ Chí Minh với đồng bào Công giáo”. (Trang mạng của Ủy Ban Đoàn Kết Tôn Giáo Việt Nam – http://ubdktgvn.org.vn

[5]   Tiến sĩ Phạm Huy Thông, “Cách mạng tháng tám với các Giám Mục người Việt”. http://btgcp.gov.vn

 

 

 

 

 

About dongmancoichihoavn

Check Also

Vị trí của Đức Maria trong linh đạo Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi

Đức ái trọn hảo trong linh đạo Mân Côi phải là tình yêu vượt xa sự tính toán hơn thiệt...nó đến từ Thiên Chúa, là hoạt động của Chúa Thánh Thần...

Để lại một bình luận