Ngày 13-03-2020: Thứ Sáu sau Chúa Nhật II Mùa Chay

Khước Từ Để Được Biến Đổi

Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên tảng đá góc tường. Mt 21, 42

Trải qua các thời đại, trong tất cả những kinh nghiệm khước từ đã xảy ra, thì có một trải nghiệm nổi bật tồn tại mãi. Đó là sự khước từ của Con Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã không làm gì khác hơn ngoài tình yêu thuần khiết và hoàn hảo nơi Trái tim Ngài. Ngài đã muốn điều tốt nhất cho những ai Ngài gặp gỡ. Và Ngài sẵn sàng dâng hiến món quà sự sống của mình cho bất cứ ai chấp nhận nó. Mặc dù nhiều người đã chấp nhận nó, nhưng nhiều người cũng đã từ chối nó.

Điều quan trọng cần phải hiểu rằng, sự khước từ mà Chúa Giêsu kinh nghiệm đã để lại nỗi đau và sự thống khổ sâu xa. Chắc chắn, việc chịu đóng đinh thực sự là vô cùng đau đớn. Nhưng vết thương mà Ngài trải qua trong Trái tim Ngài vì sự từ chối của rất nhiều người là nỗi đau của Ngài và nó đã gây nên nỗi thống khổ lớn nhất.

Nỗi thống khổ theo nghĩa một hành động của tình yêu, không phải một hành động của sự yếu đuối. Chúa Giêsu đã không chịu đau đớn vì lòng kiêu hãnh hay vì hình ảnh bản thân nghèo nàn. Đúng hơn, Trái tim Ngài tổn thương bởi vì Ngài đã yêu thương quá sâu đậm. Và khi tình yêu bị chối từ, nó đã lấp đầy Ngài bằng nỗi sầu buồn thiêng liêng mà đã được nói đến trong Bát Phúc (“Phúc thay ai sầu khổ…” Mt 5, 4). Loại sầu khổ này không phải là một dạng tuyệt vọng; đúng hơn, đó là một kinh nghiệm sâu xa về sự mất mát tình yêu dành cho người khác. Đó là thánh thiện, và là kết quả của tình yêu mãnh liệt Ngài dành cho tất cả.

Khi chúng ta kinh nghiệm sự khước từ, điều đó thật khó để phân loại nỗi đau mà chúng ta cảm nhận. Thật khó để cho nỗi đau và sự tức giận mà chúng ta trải nghiệm đó chuyển biến sang một “nỗi buồn thiêng liêng”, và có tác dụng thúc đẩy ta hướng đến một tình yêu sâu xa hơn với những người mà chúng ta sầu khổ. Điều này khó thực hiện nhưng lại là những gì Chúa của chúng ta đã hoàn thiện. Kết quả mà Chúa Giêsu đã làm chính là sự cứu rỗi nhân loại. Hãy hình dung xem nếu Chúa Giêsu khước từ không thực hiện. Điều gì sẽ xảy ra nếu tại thời điểm Chúa Giêsu bị bắt, Ngài đã kêu gọi các thiên thần của Ngài đến giải cứu. Điều gì sẽ xảy ra nếu Ngài đã làm theo suy nghĩ: “Những con người này thật không xứng đáng!” Kết quả là chúng ta sẽ không bao giờ lãnh nhận được ân huệ ơn cứu rỗi đời đời qua cái chết và sự Phục sinh của Ngài. Đau khổ sẽ không được chuyển hóa thành tình yêu!

Hôm nay, hãy suy gẫm về sự thật sâu xa rằng khả năng khước từ là một trong những món quà lớn nhất mà chúng ta phải chiến đấu chống lại sự dữ. Khi nói khả năng khước từ là một trong những món quà tuyệt vời nhất là bởi vì tất cả đều phụ thuộc vào cách thức chúng ta đáp trả. Chúa Giêsu đã đáp lại Cha Ngài bằng tình yêu hoàn hảo khi thưa lên, “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” Hành động của tình yêu hoàn hảo này nằm ngay trong sự khước từ sau cùng của Ngài; nó đã cho phép Ngài trở thành “Đá Tảng” của Giáo hội và do đó, là Nền tảng của đời sống mới! Chúng ta được mời gọi để bắt chước tình yêu này và chia sẻ khả năng của Ngài để không chỉ tha thứ, nhưng còn dâng lên tình yêu thánh thiện của lòng thương xót. Khi chúng ta làm như thế, chúng ta cũng sẽ trở thành đá tảng của tình yêu và ân sủng cho những ai cần đến nhất.

Lạy Chúa, xin giúp con trở thành hòn đá tảng đó. Xin giúp con không chỉ tha thứ mỗi khi con đau khổ, nhưng còn để con biết đáp lại tình yêu và lòng thương xót. Ngài là gương mẫu của tình yêu thánh thiện và hoàn hảo. Xin cho con được chia sẻ cùng một tình yêu ấy, và được cùng thưa lên với Chúa, “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” Lạy Chúa, con xin tín thác nơi Ngài!

Sr. M. Emmanuel Phan, Fmsr chuyển ngữ

Nguồn: “My Catholic Life: A journey of personal conversion!”

About dongmancoichihoavn

Check Also

Vị trí của Đức Maria trong linh đạo Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi

Đức ái trọn hảo trong linh đạo Mân Côi phải là tình yêu vượt xa sự tính toán hơn thiệt...nó đến từ Thiên Chúa, là hoạt động của Chúa Thánh Thần...

Để lại một bình luận