Năng động trong việc tự luyện

TÂM THƯ THÁNG 05-2022

NĂNG ĐỘNG TRONG VIỆC TỰ LUYỆN

Đời thánh hiến trong Giáo Hội là một lối sống đặc biệt và cao quý. Vì thế, việc huấn luyện tu sĩ trong các Hội Dòng luôn được coi là trách vụ hàng đầu và được Giáo Hội hướng dẫn cách đầy đủ trong nhiều tài liệu liên quan đến đời tu. Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến số 65 đã xác định các khía cạnh và thời gian huấn luyện như sau: “Việc huấn luyện cần phải bao trùm toàn thể con người, trong mọi khía cạnh của nhân cách, trong hành xử và trong ý hướng. Chính vì nói nhằm đến việc biến cải toàn thể con người, rõ ràng là nỗ lực huấn luyện sẽ không bao giờ kết thúc”. Do tầm quan trọng của việc huấn luyện mà Giáo Hội coi đây là một tiến trình được diễn ra trong suốt cuộc đời tu sĩ qua các giai đoạn từ khai tâm đến trường kỳ.

Huấn luyện, trước tiên là công việc của Thiên Chúa, nhưng cũng là trách nhiệm của mỗi tu sĩ. Cả hai kết hợp chặt chẽ với nhau trong việc nắn đúc nên những thái độ nội tâm của Chúa Con nơi người tu sĩ (x. TH. ĐSTH số 66). Hiến luật Dòng chúng ta đã xác định mục đích của việc huấn luyện là giúp “chị em tăng trưởng hơn trong ơn gọi của mình, trở nên người môn đệ Đức Kitô mỗi ngày một đích thực hơn, nên đồng hình đồng dạng, và thấm nhuần tâm tình của Người. Nhờ đó, chị em có thể tham dự sâu xa hơn vào cuộc hiến dâng của Người cho Chúa Cha và cho phần rỗi tha nhân”[1]. Việc nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô không đóng khung trong một khoảng thời gian nào nhưng là một tiến trình dài suốt cuộc đời. Bất cứ thời điểm nào cũng là thời điểm huấn luyện; bất cứ giai đoạn nào cũng là giai đoạn cổ võ cho sự đổi mới đời sống của người tu sĩ.

Kinh nghiệm về việc huấn luyện trong Dòng cũng như việc tự luyện bản thân cho thấy chúng ta chưa bao giờ cảm thấy hài lòng về một sự hoàn chỉnh nào đó, khi còn nhận ra những lỗ hổng nơi bản thân mình hay nơi chị em. Mỗi người đều có thể thấy rõ một điều gì đó chưa thể trọn vẹn trong con người mình khi kết quả việc huấn luyện chưa thực sự đi vào tận cõi lòng. Đức Cha Tổ Phụ nhắc nhở chị em: “Sự trọn lành chẳng phải là một ngày, đó là một việc làm trọn đời”[2]. Bởi vì việc huấn luyện nhằm biến cải toàn bộ con người ở chiều sâu để mỗi ngày “nên giống Đức Kitô” hơn, do đó, để giúp các tu sĩ trung tín và đạt tới sự trưởng thành trong ơn gọi thánh hiến[3], việc huấn luyện không bao giờ được coi thường và cũng không bao giờ chấm dứt .

Khi được Thiên Chúa kêu gọi và thánh hiến, chúng ta chọn Chúa Giêsu là nguyên mẫu cho đời sống của mình bằng cách nỗ lực để nên giống Người qua việc mặc lấy những tâm tình (x. Ph 2, 5) và cách sống của Người (x.1Cr 11, 1). Chính khát vọng này thúc đẩy chúng ta không ngừng nên hoàn thiện trong từng ngày sống. Vì Thiên Chúa không chỉ kêu gọi một lần và chúng ta cũng không chỉ đáp lại một lần, nhưng lời kêu gọi của Chúa được vang lên trong suốt hành trình cuộc sống và lời đáp trả cũng kéo dài bằng cả cuộc đời chúng ta. Văn kiện Những Yếu Tố Cốt Yếu Của Đời Tu đã nói lên điều này: “Không phải người tu sĩ được kêu gọi và thánh hiến một lần là xong. Tiếng Thiên Chúa kêu gọi và hoạt động thánh hiến của Người phải được người tu sĩ theo đuổi suốt cả cuộc đời”[4]. Như vậy, việc huấn luyện đích thực chính là một hành trình xây dựng con người “bước theo Đức Kitô” cách hoàn hảo, mà mỗi người chúng ta tích cực thực hiện cho đến khi chấm dứt sự hiện hữu của mình trong cuộc sống trần thế này.

Nhìn vào thực tế của đời tu hôm nay, những phát triển của khoa học kỹ thuật đưa đời sống con người đến mức sống ngày càng cao, đầy đủ tiện nghi với những nhu cầu đa dạng. Vì thế, người tu sĩ đang phải đối diện với quá nhiều lựa chọn, mà thường những lựa chọn đi ngược dòng đời mới đem lại ý nghĩa đích thực cho đời thánh hiến. Kinh nghiệm của những người thành công hay đoạt giải, luôn là kinh nghiệm của sự khổ công rèn luyện. Không có thành công nào mà không đòi phải hy sinh, từ bỏ. Không có thành quả nào mà không đong đầy nước mắt và mồ hôi. Có chiến đấu thật mới có chiến thắng vẻ vang. Cách riêng trong đời thánh hiến, bên cạnh nỗ lực vươn tới sự hoàn thiện, luôn có một sức trì hãm mạnh mẽ của thói quen, của tính thích an nhàn, muốn dễ dãi, chỉ lo cho mình mà quên chị em, quên cộng đoàn. Bước vào đời tu là bước vào hành trình sửa đổi để mỗi ngày nên tốt hơn, và nhất là sửa đổi trong đời sống chung vì mỗi người có những đặc điểm, tính khí và lỗ hổng khác nhau cần được hoàn thiện mỗi ngày. Lý tưởng đời thánh hiến không thể nhường chỗ cho sự tầm thường và cũng không thuận chiều với sự thoải mái, dễ chịu, buông xuôi, thiếu trách nhiệm bản thân và thiếu vắng khát vọng tiến tới sự hoàn hảo.

Đứng trước những thách đố này, sự hoàn thiện đời thánh hiến luôn đòi hỏi một sự rèn luyện nghiêm túc và không ngừng nghỉ trong suốt cuộc đời, qua từng giai đoạn và trong từng hoàn cảnh cũng như môi trường khác nhau. Việc huấn luyện cũng không dành riêng cho ai hay cho một giai đoạn cụ thể nào, nhưng là một hành trình liên tục, toàn diện và năng động dưới ơn soi động của Chúa Thánh Thần. Việc huấn luyện đích thực luôn là một việc hết sức khó khăn và không ai có thể cáng đáng được một mình. Vì thế, để thực hiện công việc này, trước hết, chúng ta cần đến sức thiêng của Thiên Chúa, bởi chính Ngài là Đấng khởi xướng. Sau đó là sự cộng tác của nhiều người, và cách riêng là chính mỗi người trong vai trò tự huấn luyện bản thân. Hiến luật Dòng số 44. 3 nói rằng: “Trước hết, ở bất cứ giai đoạn nào, trách nhiệm huấn luyện thuộc về cá nhân mỗi tu sĩ. Theo lương tâm và trong sâu thẳm lòng mình, mỗi chị em cần phải ý thức trách nhiệm cá nhân trong việc tự đào luyện; đồng thời tích cực cộng tác với ơn Chúa và theo sự hướng dẫn của các Bề trên hữu trách, để đáp lại tiếng gọi của Chúa mỗi ngày cách mới mẻ và đầy trách nhiệm hơn”. Vâng, chính mỗi chị em là người quyết định cho việc huấn luyện được thực sự sinh hoa kết trái trong đời sống của mình hay không? Bởi không ai có thể thay thế chúng ta trong một công việc thuộc trách nhiệm của mỗi người. Nếu mỗi người trong chúng ta không muốn hay không làm được thì chẳng ai có thể cáng đáng công việc này. Nhờ ý thức như thế mà chúng ta biết đặt mình trong thế “sẵn sàng tự luyện bản thân mỗi ngày”[5] cho đến khi“đạt đến tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4,13).

Kính thưa toàn thể gia đình Hội Dòng rất thân mến,

Càng tiến sâu trong đời thánh hiến, chúng ta càng phải có một cái nhìn chính xác hơn về việc huấn luyện. Huấn luyện trước hết là trách nhiệm của mỗi người và bao giờ cũng đưa đến một cách thức sống mới. Trong chương trình huấn luyện chung, cho dù Hội Dòng hay Tỉnh Dòng luôn tìm kiếm mọi phương cách giúp chị em tăng trưởng trong ơn gọi và đáp ứng được chất lượng cho sứ vụ của Hội Dòng, nhưng chính bản thân mỗi chúng ta mới là người nắm giữ vai trò then chốt. Nếu chúng ta không tận dụng những cơ hội, những hoàn cảnh, những kinh nghiệm và nhất là thiện chí của mình để chạm tới được sự hoàn thiện mà Thiên Chúa mong đợi thì không ai có thể làm thay chúng ta được. Không ai có thể làm cho người khác tăng trưởng nếu bản thân người đó không muốn. Không ai có thể đổi mới chúng ta nếu chúng ta không chịu thay đổi. Có người đặt câu hỏi: Tại sao cùng được huấn luyện như nhau, nhưng mỗi người lại có lối sống khác nhau?Điều  này cho thấy tầm quan trọng của thái độ biết cộng tác với ơn Chúa và trung thành tự luyện bản thân. Đời sống chị em có tiến bộ hay không, thì ngoài yếu tố ơn Chúa, còn tùy thuộc rất nhiều vào việc tự luyện của mỗi người.

Xin Chúa ban cho chúng ta ơn am hiểu về trách nhiệm tự luyện bản thân và niềm đam mê vun trồng sự tiến bộ của đời thánh hiến, để ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô hơn, đồng thời có khả năng phục vụ hiệu quả và chuyên sâu hơn.

Tháng 5 cũng là Tháng Hoa dâng kính Mẹ. Chúng ta góp nhặt nhiều đóa hoa nhân đức và hy sinh tiến dâng Mẹ, xin Mẹ giúp chúng ta luôn sẵn sàng mở lòng lắng nghe những thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, để chúng ta biến mọi giây phút, mọi tình huống, mọi hoàn cảnh thành cơ hội đào luyện, để được lớn lên mãi trong nhân vị và trong ơn gọi của mình.

Thân mến trong Chúa Kitô và Mẹ Mân Côi

Rose Vũ Loan, FMSR

[1] x. YT 45 ; HLD 42.1

[2] GSD I, 428

[3] x. HLD 62.1

[4] YT 44

[5] x. TH 69.

About dongmancoichihoavn

Check Also

Mẹ Thiên Chúa

Mẹ sống mật thiết với Thiên Chúa và hài hoà với con người và với thiên nhiên.

Để lại một bình luận