Chân dung huấn luyện

CHỦ ĐỀ HỌC TẬP THÁNG 05 VÀ 06-2022

CHÂN DUNG HUẤN LUYỆN

 I. KHÁI NIỆM “CHÂN DUNG HUẤN LUYỆN”

Để hiểu khái niệm “chân dung huấn luyện của nữ tu Mân Côi”, Đức Cha Tổ Phụ đưa ra một định hướng đơn sơ nhưng rõ ràng và dứt khoát, về việc huấn luyện và trách nhiệm “tự huấn luyện” của nữ tu Mân Côi qua ý tưởng sau: “Tôi vào nhà tập để bắt đầu huấn luyện thành một nữ tu… một nữ tu  đầy đủ đạo đức, một nữ tu kết hợp chặt chẽ cùng Chúa, bởi ba dây khó khăn, sạch sẽ, vâng lời. Ba dây ấy buộc mình bền chặt, cắt đứt ba mối dục tình. Được như vậy mới gọi là nữ tu, bằng không thì là nữ tù, nghĩa là bất đắc dĩ cầm lại một nơi như người ở tù, hay là mặc áo dòng để làm đỏm như người nữ tú… Vậy không muốn làm nữ tù, nữ tú, hãy huấn luyện sao cho nên người nữ tu”[1].

Với hướng dẫn trên của Đức Cha Tổ Phụ, chúng ta triển khai “chân dung huấn luyện” nữ tu Mân Côi qua hai điểm: huấn luyện hướng đến con người tự do và huấn luyện theo một mẫu gương.

  1. Huấn luyện hướng đến con người tự do

Diễn giải theo đường hướng của Giáo Hội hôm nay, đoạn văn trên muốn định nghĩa người nữ tu là người sống ba lời khuyên Phúc Âm: khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục, kiên trì theo đuổi mục đích tự huấn luyện mình, bằng cách khám phá sự thật về tình trạng “nữ tú, nữ tù”, tức tình trạng nô lệ cho dục vọng của chính mình, tình trạng khép kín và tự mãn nơi mình… Thay vào đó, chị được mời gọi đi vào hành trình huấn luyện, khởi đầu với việc thao thức biến đổi bản thân, nhanh chóng điều chỉnh hướng đi lệch lạc, từng lúc trở về với Thiên Chúa đích thực, biết hy sinh, khổ chế, kiểm soát dục vọng, thay thế tinh thần thế gian bằng tinh thần Tin Mừng, sống tự do và mật thiết hơn với Thiên Chúa. Nhờ đó, chị dần hướng đến tình trạng siêu thoát khỏi những ràng buộc của ba khuynh hướng căn bản nơi con người tự nhiên, để được biến đổi nên một người trưởng thành, tự do đi theo Chúa Kitô, thao thức nên đồng hình đồng dạng với Ngài, dám phó thác đời mình cho Ngài vì ơn cứu độ của tha nhân.

  1. Huấn luyện theo một mẫu gương

Nói cách khác, người nữ tu huấn luyện, là người biết nghiêm túc đưa ra cho mình một gương mẫu rõ ràng mà chị phải chăm chú hướng tới như một cứu cánh. Cứu cánh đó là một lối sống mới, với tâm tình, ý hướng, lời nói, việc làm của một con người mới trong Đức Kitô mà trước đó chị chưa có, nhưng chị phải đạt tới một cách tiệm tiến. Đó là yếu tố làm nên căn tính mới nơi chị, đối lại với tính cách người “nữ tú, nữ tù” xưa, biểu lộ rất tự nhiên qua một lối sống ích kỷ, cô độc, buồn bã, so đo, lo sợ, nghi ngại, và bị chi phối bởi muôn ngàn sự việc tùy phụ! Những biểu hiện này cảnh báo chị nữ tu Mân Côi chưa đi vào tiến trình huấn luyện, hoặc đã đi trệch ra ngoài tiến trình đó rồi!

Trong các tài liệu về huấn luyện, Giáo Hội cũng đã chọn mô hình Chúa Con làm khung quy chiếu cho dự phóng huấn luyện[2]. Theo đó, Đức Giêsu Kitô là khuôn mẫu lý tưởng mà hành trình huấn luyện hướng tới, đó là trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, là “Đấng đã chấp nhận lối sống Tin Mừng, để diễn tả mối quan hệ của Con Một đối với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần”[3]. Thực vậy, một khi người nữ tu biết thao thức tự huấn luyện mình, là lúc họ biết để cho Chúa Thánh Thần uốn nắn thái độ, lời nói, ý nghĩ và ước muốn của mình mỗi ngày nên giống thái độ, tâm tình của Chúa Kitô hơn.

Một cách đặc thù, Hiến Luật Dòng mô tả “chân dung huấn luyện” của chị nữ tu Mân Côi, “một nữ tu Mân Côi trưởng thành, chọn đi theo Đức Kitô, sống Tin Mừng của Người để được ơn cứu độ và thao thức muốn đem ơn cứu độ cho mọi người trong sứ vụ của Hội Dòng”[4]. Đây là một hành trình liên lỉ tự huấn luyện mình để dần dần rập mẫu gương Kitô, hạnh phúc đi theo Ngài trong tinh thần ba lời khuyên Phúc Âm, nhằm tiến tới tâm tình thanh thoát trong mọi sự, để được tự do tham gia vào sứ vụ của Ngài qua việc tông đồ của Hội Dòng. Thực vậy, đời sống thánh hiến, tự thân là một tiến trình huấn luyện, qua đó, con người mới biết mặc lấy những tâm tình của Ngôi Lời Nhập Thể, qua một sự phát triển chậm rãi, và không bao giờ chấm dứt[5].

II. Ý NGHĨA NỀN TẢNG CỦA VIỆC TỰ HUẤN LUYỆN

Tự bản chất, con người thật yếu đuối, mỏng dòn, và có xu hướng xuôi theo con đường “rộng rãi, thênh thang”; dẫu người chính trực cũng lắm phen yếu hèn, và dường như không ai có đủ nghị lực và cảnh giác để tránh mọi tội lỗi[6]. Người nữ tu Mân Côi đi trong hành trình đức tin, với thao thức tự huấn luyện mình nhằm tiến đến tự do đích thực, cũng không ở ngoài định luật đó! Ngay cả khi đã tuyên khấn ba lời khuyên Phúc Âm, chị vẫn còn bị cuốn hút trước sức hấp dẫn của đam mê danh, lợi, thú, thích đề cao tự do cá nhân, thích đi ra ngoài con đường hẹp của những giá trị Tin Mừng, thậm chí lắm lúc như thể không còn niềm tin vào Thiên Chúa tình yêu! Đây là một thách đố lớn đòi chị cần phải dựa vào ơn Chúa để tiếp tục chính mình tự luyện, bằng cách đưa mình vào trong kỷ luật, đặc biệt kỷ luật bản thân, nhằm khẳng định với mình một lập trường để qua từng khoảnh khắc, biết dứt khoát chọn Chúa Giêsu, để được thanh thoát và tự do đi theo Ngài. Thực vậy, chỉ có ơn Chúa mới có thể giải thoát chị khỏi cảnh “nữ tú, nữ tù” của chính bản thân, để chị được biến đổi nên “tù nhân của Chúa Kitô”[7], đến độ dám trao phó tất cả cuộc đời mình trong tay Ngài, và khao khát được nhìn thấy vẻ đẹp rực rỡ của Ngài[8]. Khi ấy, ánh sáng huyền nhiệm và dung nhan kín ẩn của Ngài hiện diện trong tâm hồn chị, khiến con tim chị được tự do mà đáp lại tình yêu bằng việc từ bỏ bản thân mà không hề bị áp lực nào[9].

  1. Huấn luyện và đời sống hướng thần

Bởi vì con người thụ tạo chúng ta không cứu được ai, kể cả chính mình, nên nếu có thắng được mình, chị nữ tu Mân Côi cũng đừng quên rằng không phải tự sức mình mà thắng, nhưng chỉ có ơn Thiên Chúa mới làm được phép lạ này![10]. Vì thế, ngay cả khi đã qua thời kỳ huấn luyện khởi đầu, chị cần tiếp tục để cho Ba Ngôi Thiên Chúa giáo dục và huấn luyện. Chính Thiên Chúa Cha uốn nắn chị theo hình ảnh và tâm tình của Chúa Con, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Nói khác đi, chị phải tập ngày càng đi sâu hơn vào con đường “hướng thần”, một con đường xuyên qua mọi giai đoạn của đời sống thánh hiến. Bởi thế, để có thể dấn thân vào một sự hoán cải tận căn, chị cần có kinh nghiệm sâu xa về Thiên Chúa ngang qua một lộ trình đức tin, thường xuyên giao tiếp với Thiên Chúa qua một nếp sống cầu nguyện liên lỉ. Chính trong tâm tình cầu nguyện chung cũng như riêng, chị được chiêm ngắm Thiên Chúa, và nhận ra hành động yêu thương của Người trong mọi hoàn cảnh cuộc sống, chị được Thánh Thần biến đổi dần trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa là chính Đức Kitô, được cuốn hút đi theo Ngài, nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong ba chiều kích: nhập thể, thánh giá và phục sinh. Vì vậy, chị phải hết sức lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần, để được chính Người dẫn vào một tương quan cá vị với Thiên Chúa ngày càng sống động hơn, thân mật hơn và sâu xa hơn. Chị hãy buông lơi sự khôn khéo thế gian, để phó thác cho sự hướng dẫn của Thần Khí, hơn là chỉ dựa vào luật lệ và những tiêu chuẩn nhân loại[11].

  1. Huấn luyện và hành trình đức tin

Khi chị nữ tu Mân Côi thường xuyên kết hiệp với Thiên Chúa qua một đời sống hướng thần, chị dần dần biết phó thác và buông bỏ được những quyến luyến lệch lạc của bản thân, thì Thiên Chúa có thể tự do hành động, biến đổi cuộc đời chị thành cuộc đời tự do của những kẻ tin, với một đức tin năng động, được “cử hành” cụ thể trong cuộc sống, chứ không chỉ thụ động như một sự ưng thuận suông của lý trí. Đức tin ấy cũng dần lớn lên khi chị khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử đời chị.

Bởi vì lịch sử mỗi người là bằng chứng hùng hồn về sự hiện diện thiết thân nhất của Thiên Chúa, một sự hiện diện cho riêng cá nhân, chứ không phải sự hiện diện chung chung; nên chị nữ tu Mân Côi trước tiên cần tập chiêm ngắm hành động cứu độ của Thiên Chúa, qua việc đọc đi đọc lại lịch sử đời mình, dùng mọi phương thế để khám phá và nhìn ra những tổn thương quá khứ, cùng những điểm yếu, điểm mạnh, nhờ đó khám phá căn tính của mình. Đồng thời, tìm cách nắm bắt ý nghĩa sâu xa của những sự kiện quá khứ ấy. Khi đắm mình trong dòng lịch sử của mình, chị dần dần đi đến chỗ tin tưởng và nhận ra một Thiên Chúa luôn yêu thương, đồng hành, tha thứ, nhưng cũng có lúc nổi giận và răn đe! Thiên Chúa ấy hôm nay và mai sau vẫn là một, một Thiên Chúa đầy năng lực, đầy sức mạnh để chữa lành và cứu sống!

Đức Cha Tổ Phụ coi “đức tin là nền, là trụ cột trong hành trình thiêng liêng”[12], ngài mời gọi chị nữ tu Mân Côi hãy nhìn lên Đức Maria để noi gương bắt chước Mẹ trong hành trình chấp nhận kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, với thái độ tin tưởng và phó thác một cách dứt khoát, không so đo tính toán. Nhờ lắng nghe và đọc lại lịch sử dân Chúa mà Mẹ có thể chấp nhận tiếng xin vâng bằng tất cả tâm hồn. Nhờ vậy, Thiên Chúa đã hướng dẫn để Mẹ dám từ bỏ chương trình riêng tư, với những gì thân thiết nhất của mình, để đi vào chương trình của Thiên Chúa, và trọn vẹn phó thác cho Người. Chị đặc biệt yêu quý chuỗi Mân Côi, vì là một phương thế huấn luyện đức tin tuyệt hảo! Bởi khi suy gẫm các mầu nhiệm Mân Côi cách ý tứ thâm trầm, là lúc chị chiêm ngắm và nối kết đời mình với hành trình đức tin của Mẹ, một hành trình đầy thử thách gian khổ nhưng cũng tràn ngập chiến thắng vinh quang[13].

Chị nữ tu Mân Côi cũng biết noi gương Mẹ Maria trong việc chuyên chăm suy gẫm và lắng nghe lời Chúa (Lectio Divina), như vẫn thực hành trong truyền thống Giáo Hội. Khi đọc và lắng nghe Lời Chúa, chị tâm niệm rằng Lời Chúa đang nói với mình và đang nói về mình, chị biết để cho Lời Chúa được vang vọng và chiếu sáng tâm trí suốt ngày sống, chị cũng sẽ biết dùng Lời Chúa để diễn giải mọi tình thế, hầu nhận ra những điều Thiên Chúa đã thực hiện, chẳng những trong lịch sử đời mình mà cả trong mỗi cảnh sống hiện tại, ngay cả trong những hoàn cảnh bất lợi, khó xử như thử thách, sa ngã, tình trạng “nữ tú, nữ tù” của bản thân…, chị sẽ nhận ra sự quan phòng của Thiên Chúa, trong đó, mọi sự đều dẫn chị đến chỗ nhận hiểu ý định cứu độ của Người trong cuộc đời chị. Từ đó, dẫn chị đến xác tín Thiên Chúa luôn đối xử với chị như cha mẹ, và Người còn tiếp tục đối xử với chị như thế trong mọi hoàn cảnh đời sống[14].

Thực vậy, hành trình huấn luyện vốn là một hành trình hướng đến một sự chữa lành trong đức tin, hơn là một sự chữa lành thể xác. Đức tin ấy phải được dần sáng rõ hơn mãi trong cuộc sống của chị nữ tu Mân Côi, là nền tảng cho việc cộng tác với ơn Chúa mỗi ngày, cho đến khi chị “đạt sự trưởng thành viên mãn trong Đức Kitô”[15].

  1. Huấn luyện và thử luyện

Một khi chấp nhận đi trên hành trình huấn luyện, thì một cách nào đó, chị cũng phải chấp nhận để được thử luyện ngang qua sự cắt tỉa! Vì lòng nhân từ của Thiên Chúa không hề cất đi cho chị sự khó nhọc trên đường đi theo Người. Và vì đó là định luật mà Thiên Chúa đang thực hiện trong Giáo Hội và trong mỗi Kitô hữu cho đến ngày tận thế! Như lửa thử vàng thì gian nan lại thử đức! Thiên Chúa có những chương trình cắt tỉa qua những thử thách, bách hại, để thanh luyện những kẻ Người yêu mến tuyển chọn, và sai họ ra đi sinh nhiều hoa quả, để hoa quả ấy tồn tại cho Nước Trời mai sau. Công việc tự huấn luyện của chị nữ tu cũng phải diễn ra qua tự do đón nhận đau khổ và hy sinh trong đời sống hàng ngày, qua âm thầm chấp nhận từ bỏ, mất mát trong thực hành ba lời khấn Dòng, qua những vất vả nhọc nhằn, những thất bại, thành công, những va chạm, hiểu lầm, những đau đớn ê chề trong đời sống sứ vụ, ngay cả qua những yếu đuối mỏng dòn của bản thân. Bởi chị hiểu rằng, sự thử thách là bằng chứng tình yêu đích thực của Thiên Chúa, và chính trên nền vững chắc của thử thách mà đức tin chị được tôi luyện, được lan tỏa và sẽ điều khiển tâm tình, thái độ, lời nói, cử chỉ, hành vi, đồng thời củng cố các tương quan đủ loại trong hành trình dâng hiến. Trái lại, những gì đóng kín chị trong cảnh “nữ tú, nữ tù” của bản thân, sẽ cản trở con người chị mở lòng đón nhận tương quan, với những thái độ tinh vi như cứng cỏi, áp đặt ý mình lên người khác, không chấp nhận sự khác biệt của tha nhân, khôn khéo thế gian, lách luật để tìm tư lợi… Những thái độ ấy cản trở và làm suy yếu việc kết hợp với Thiên Chúa, và không thể sinh hoa kết quả trong đời sống thánh hiến của chị.

III. THÁI ĐỘ ĐÓN NHẬN SỰ HUẤN LUYỆN CỦA HỘI DÒNG

Chị nữ tu Mân Côi cần ý thức rằng, trước khi dấn thân vào trách vụ huấn luyện mình, chị đã được nhào nặn trong một nền huấn luyện chung của Hội Dòng ngay từ đầu đời tu. Nói cụ thể hơn, chị đã được nhào nặn ngay trong chính nguồn Đặc sủng, Linh đạo, Sứ vụ, Truyền thống, được cô đọng nơi bản Hiến Luật của Hội Dòng. Vì thế, chị cần tháp nhập công việc tự huấn của chị vào với công trình huấn luyện của Hội Dòng; và tâm tình của chị phải là tâm tình của kẻ tin, với xác tín con đường thiêng liêng mà Chúa muốn chị đi chính là Linh đạo Hội Dòng. Con đường này có khả năng biến đổi cuộc sống nhân bản và đức tin của chị một cách sâu xa, khiến cho hành trình đức tin mà chị đang đi, sẽ mang đặc chất ơn gọi Mân Côi, và được sự đồng hành, yêu thương dìu dắt dưới cánh tay hiền dịu của Mẹ Dòng qua từng năm tháng. Cũng chính con đường này làm cho vẻ đẹp đời thánh hiến của chị nên độc đáo, và là phương tiện để chị biểu lộ vẻ đẹp ấy ra một cách rõ ràng nhất. Từ những xác tín nền tảng đó, chị nhận ra căn tính đời tu của mình nằm trong căn tính Hội Dòng. Xác tín này sẽ phát sinh ý thức thuộc về Hội Dòng, khiến chị luôn sống trong tâm tình biết ơn, và ngoan ngoãn đáp trả bằng cách sống Đặc sủng Hội Dòng cách an vui, thanh thản.

  1. Huấn luyện ý thức thuộc về Hội Dòng

Ý thức thuộc về Hội Dòng sẽ dẫn đưa mọi chị em trong Dòng xích lại gần nhau hơn. Đây là một cảm thức rất thiêng liêng, nó chỉ được hình thành dần dần trong chị nữ tu Mân Côi, khi cùng với chị em ngụp lặn trong dòng thời gian và không gian của Hội Dòng từ 75 năm qua, một thời gian đủ dài cho một truyền thống được định hình, cùng với sự khám phá ngày càng rõ nét và có hệ thống hơn về Linh đạo, Đặc sủng, Sứ vụ, được cô đọng nơi Hiến Luật của Hội Dòng. Nhất là một khi đã tuyên khấn, chị nữ tu Mân Côi khẳng khái tuyên bố “quyết tâm tận hiến đời con cho Chúa và nguyện suốt đời bước theo sát Chúa Kitô”; thì lời cam kết này là một lời tuyên xưng công khai: “Từ nay con bước theo Chúa Kitô với ý thức thuộc về Hội Dòng”. Với ý thức này, chị thấy mình có trách nhiệm với các chị em cùng chung sống dưới một mái nhà, nói cách khác là có trách nhiệm với toàn thể Hội Dòng[16].

Để huấn luyện mình cho có ý thức thuộc về Hội Dòng, chị nữ tu Mân Côi ân cần học hỏi và kiên trì thực tập, bằng nghiêm túc chấp hành những nội dung căn bản về Linh đạo, Đặc sủng, cũng như những nguyên tắc, đường lối ban đầu của Đức Cha Tổ Phụ, được cô đọng nơi Hiến Luật Dòng. Với một tấm lòng rộng mở, tâm tình yêu mến, cảm phục, biết ơn, chị sẽ dần dần thấm nhuần “Mân Côi tính” và hít thở bầu khí Mân Côi, qua một nếp sống ngày càng tự nhiên hơn, thoải mái và an nhiên tự tại hơn như cá bơi trong nước!

Tuy nhiên, trong cuộc sống muôn màu, chúng ta vẫn có lúc chứng kiến những thái độ thuộc về mang đầy toan tính, trục lợi, chiếm hữu; thuộc về để dựa dẫm, cầu an, thoái thác trách nhiệm!… Những biến thái này của ý thức thuộc về sẽ là rào cản, giam hãm chị nữ tu Mân Côi trở lại trong nhà tù của cái tôi ích kỷ, hẹp hòi, vô cảm, ngại khó, ngại khổ… Cần lắm một nỗ lực tự huấn luyện sâu sát, quyết liệt để hết thảy mọi chị em có được ý thức thuộc về cách trong sáng và tinh ròng hơn.

  1. Huấn luyện thái độ biết ơn

Ý thức thuộc về sẽ kiến tạo nơi chị nữ tu Mân côi một thái độ biết ơn! Lòng biết ơn là cốt lõi của hầu hết các truyền thống tôn giáo và thực hành tâm linh. Điển hình, các Kitô hữu được khuyến khích: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng, hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh”[17]. Còn những người theo truyền thống Do Thái được khuyên dạy: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, lòng thương xót Ngài trường tồn mãi mãi”[18].

Vậy trước hết, chị nữ tu Mân Côi cần thao luyện tâm tình biết ơn đối với Thiên Chúa ngang qua Hội Dòng, đáp trả bằng cách phát triển ơn gọi riêng mình cho đến khi đạt mức trưởng thành theo tầm vóc viên mãn của Đức Kitô. Đặc biệt chị ý thức mình đang được cùng với chị em Mân Côi sống ơn gọi chung, với những ân huệ của Đấng Sáng Lập. Ngoài ra, chị cũng tập biết ơn Hội Dòng, vì đã làm mọi cách để huấn luyện và bồi đắp cho ơn gọi Mân Côi của chị, được diễn tả cụ thể trong một kế hoạch chung, được thực hiện, khai triển, kiểm tra, tu chính, cập nhật định kỳ qua các loại Công Hội, dựa vào những tiêu chuẩn chung là Hiến Luật, Nội Quy, Chỉ Nam, Quy Chế…, cùng với những nỗ lực “gạn đục khơi trong” của toàn thể Hội Dòng. Cứ thế, hành trình ơn gọi Mân Côi theo thời gian, hình thành những luật phép, tập tục, những ngày lễ hội, những truyền thống tốt đẹp mà chị đang cùng với các chị em thừa kế từ các thế hệ đi trước, và nối kết chặt chẽ hơn với cội nguồn là ơn Đoàn Sủng của Đức Cha Tổ Phụ. Chị cũng cần biết ơn về bầu khí cầu nguyện chung, bầu khí kỷ luật, không gian nội vi và khung cảnh cộng đoàn… mà dù ý thức hay vô thức, chị vẫn đang bơi lội trong dòng chảy của truyền thống chung ấy. Theo nghĩa đó chị đang được Hội Dòng huấn luyện từng ngày.

Chắc chắn nhiều lần, chị nữ tu Mân Côi đã nhận ra và ý thức mình nhận lãnh rất nhiều ơn từ Hội Dòng như thế, nhưng rất có thể chị đã không luôn ưu tiên cho việc tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa hơn tất cả những việc khác, và nhất là đã không sống ngày sống và đời thánh hiến của mình như là lời tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa! Biết đâu, nhiều ngày qua đi trong ơn gọi Mân Côi, mà chị đã quên rằng mỗi ngày sống với từng hơi thở, từng nhịp đập của trái tim, đều là ân ban của Chúa. Biết đâu, chị đã không quan tâm đến việc thờ phượng Chúa trong việc thực thi ba lời khấn Dòng, chưa chu toàn tốt các bổn phận thiêng liêng và coi thường ý Chúa được diễn tả qua kỷ luật Hội Dòng. Quên ơn Hội Dòng đã từng làm hết cách để bồi đắp cho ơn gọi Mân Côi của chị! Cần lắm một nỗ lực tự luyện, đặc biệt canh tân việc hồi tâm chung, riêng cho có chất lượng, có chiều sâu, hầu nhận ra thái độ đón nhận ơn Chúa diễn ra trong ngày sống, và cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn Sùng hiếu, nhằm đổi mới tương quan của chị đối với Thiên Chúa ngang qua Hội Dòng.

  1. Huấn luyện thái độ ngoan ngoãn, dễ bảo

“Dễ bảo” ở đây không phải là một thái độ nhu nhược thụ động, vô trách nhiệm và thiếu sáng tạo, nhưng là thái độ nền tảng của lòng tin cậy đối với Thiên Chúa là Cha, ngoan ngoãn trở nên mọi sự như Thiên Chúa muốn qua trung gian và đường lối huấn luyện của Hội Dòng. Với thái độ sẵn sàng để mình được huấn luyện suốt đời, chị nữ tu Mân Côi tích cực học hỏi không ngừng, và mau mắn tiếp thu những điều Thiên Chúa muốn, được truyền đạt, chia sẻ trong chương trình huấn luyện chung, của Hội Dòng. Thực vậy, đối với Đức Cha Tổ Phụ, tính dễ bảo là cổng dẫn vào tiến trình huấn luyện[19]. Đúng hơn, khi tập buông mình cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn qua Hiến Luật và Nội Quy Dòng, chị đang nỗ lực luyện tập vâng phục trong đức tin, trong niềm hy vọng và lòng yêu mến. Nếu không có được thái độ sẵn sàng này, chị sẽ rất dễ bị hoang mang, lo lắng và cảm thấy bất mãn khi phải “gắng gượng” thi hành Hiến Luật Dòng qua những chỉ thị của Bề trên các cấp. Trái lại, khi vui vẻ đón nhận đường lối huấn luyện của Hội Dòng, chị thanh thản, hạnh phúc bước đi trong Lề lối, Tập tục, Linh đạo, Truyền thống của Hội Dòng, chị đang muốn điều Thiên Chúa muốn, và như vậy, chị ở trong sự thật, trong ánh sáng, và do đó trong bình an của Chúa.

IV. NỖ LỰC TỰ LUYỆN BẢN THÂN

Dẫu biết rằng Thiên Chúa là tác nhân chính trong hành trình huấn luyện. Tuy nhiên, để đạt được mục đích cuối cùng, là chị nữ tu Mân Côi được nên hình nên dạng với Người, thì Người cần đến sự cộng tác của chị. Chính Thiên Chúa ban cho chị cuộc sống, nhưng Thiên Chúa không thể cứu chị nếu chị không cộng tác với Người, và chương trình cứu độ của Người sẽ mãi bị dang dở.

Hiến Luật Dòng cũng xác định trách nhiệm huấn luyện “thuộc về cá nhân mỗi tu sĩ. Theo lương tâm và trong sâu thẳm lòng mình, mỗi chị em cần phải ý thức trách nhiệm cá nhân trong việc tự đào luyện; đồng thời tích cực cộng tác với ơn Chúa và theo sự hướng dẫn của các bề trên hữu trách, để đáp lại tiếng gọi của Chúa mỗi ngày cách mới mẻ và đầy trách nhiệm hơn”[20].

Thực vậy, trách nhiệm tự huấn luyện là một trong những mục tiêu hàng đầu của tiến trình huấn luyện[21]. Ngay cả khi đã bước vào thời kỳ huấn luyện liên tục, thì tinh thần tự luyện vẫn phải như bản lề cho những dự phóng khác xoay quanh. Vì là một hành trình gian khổ như bơi ngược dòng nước, nên ngoài yếu tố ân sủng làm nền tảng, cũng còn hai yếu tố chủ lực cần thiết để cộng tác với ân sủng, và chi phối việc tập luyện, đó là một ý chí sắt đá và một tinh thần kiên trì tỉnh thức. Nếu không, việc tập luyện của chị sẽ ra như “xây nhà trên cát”.

  1. Huấn luyện ý chí

Đã hẳn dù “tự huấn luyện”, yếu tố quyết định vẫn là ân sủng, như chúng ta thấy đôi khi có những hành động nhiệm mầu, và không thể diễn tả được của ân sủng thần linh, vốn có thể và thực sự cho phép nhiều người đạt đến mức độ trưởng thành của sự tăng trưởng thiêng liêng và tâm lý, mặc dù đôi khi có những nghịch cảnh lớn lao đến đâu chăng nữa[22]! Tuy nhiên bình thường thì ân sủng không phá đổ tự nhiên, con người không thể tự luyện, nếu không có sự cộng tác của tự nhiên là ý chí, cùng với sự hỗ trợ của các phương pháp tâm lý, sư phạm khác. Thực vậy trên bình diện tự nhiên, nếu không có ý chí gang thép, chẳng có gì nên chuyện. Ý chí rất quan trọng trong việc cộng tác với ân sủng Chúa trên hành trình tiến tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô.

Chị nữ tu Mân côi cũng cần biết rằng, việc tự huấn luyện không hệ tại tuổi tác, khả năng hay sức mạnh thể lý, nhưng chỉ hệ tại ý chí vững mạnh. Ý chí một khi được tôi luyện kỹ càng để cộng tác với ân sủng, thì tòa nhà thiêng liêng sẽ trở nên vững vàng như xây trên đá… Đàng khác, tự huấn luyện mình để có một ý chí sắt đá, mới mong thuần hóa được những “tham, sân, si…” vốn chung sống với bản tính con người, nhưng lại phá đổ tự do dành cho những con cái Thiên Chúa.

Để rèn luyện ý chí, chị cần đưa mình vào kỷ luật về giờ giấc, về ăn ngủ, về làm việc cũng như giải trí, về kỷ luật trong ba lời khấn cũng như trong mọi lãnh vực khác. Chị cũng tập làm chủ được mình trong tương quan với những phương tiện tân tiến ngày nay và ra sức luyện tập, liên lỉ cố gắng, mặc dù có “thua keo này thì bày keo khác”. Khi cần, chị có thể trao đổi với những vị có uy tín, có kinh nghiệm và thẩm quyền; ngay cả với những chị em đáng tin cậy trong Dòng để được đồng hành, góp ý… Chị sẽ có thêm kinh nghiệm trong việc tôi luyện sự tự chủ bản thân, hầu có một sự trưởng thành bên trong khuôn nếp của kỷ luật về ngũ quan, về giờ giấc và nơi chốn, và dần trở nên mạnh mẽ hơn về mọi mặt. Bên cạnh đó, chị cần quan tâm trước tiên đến việc khổ chế giác quan cách tự nguyện. Sau đó, việc khổ chế phải hướng dần vào bên trong, thay vì ép xác, chị tập ép ý riêng, và cắt tỉa cái tôi cho bớt cồng kềnh, thô thiển. Thực vậy, cái tôi quá lớn đã giam cầm chị trong cảnh “nữ tú, nữ tù”, nơi nhà tù tự mãn kiêu căng của chính mình. Cái tôi thường ảo tưởng, không cho chị nhìn ra sự thật của chính mình, và ngăn cản chị đón nhận những góp ý của người khác. Do đó, cái tôi là trở lực cuối cùng chị phải dùng ý chí mà vượt qua, để có thể sống sự tự do của con cái Thiên Chúa như một nữ tu đúng nghĩa mà Đức Cha Tổ Phụ mong muốn.

  1. Huấn luyện ý thức

Vai trò của ý thức là giúp con người quay trở vào trong để tìm gặp chính mình. Đó cũng là lúc con người ngả vào vòng tay yêu thương của Thiên Chúa. Thách đố cho con người chúng ta là cứ sống ở bề mặt hữu thể mình, với một ý thức hời hợt và nông cạn, nếu không muốn nói là nhiều khi chúng ta hoàn toàn vô ý thức! Trong cuộc sống hàng ngày với những dự phóng, những công việc cấp bách phải làm, và trong những ứng xử với nhau ngày qua ngày, chúng ta có xu hướng lẩn trốn nội tâm mình, đang khi chăm chú đuổi theo những gì đem đến thỏa mãn nhất thời cho cái tôi. Chúng ta dễ dàng bị cám dỗ tìm kiếm điều mới lạ, hơn là tìm kiếm sự sâu sắc.

Chỉ khi chúng ta thực sự tập luyện cho có một tập quán ý thức, lúc đó, tâm hồn sâu lắng được đánh thức cùng với những khía cạnh chủ yếu của hữu thể chúng ta, kéo chúng ta về với hiện thực và giúp chúng ta đối mặt với chính mình. Lúc đó, đức tin chúng ta mới được củng cố, đức cậy được canh tân, và làm cho chúng ta ước muốn mãnh liệt tín thác vào Thiên Chúa. Đó chính là lúc mà nội tâm chúng ta được nuôi sống một cách dồi dào nhất[23].

Do vậy, thao luyện ý thức là một hành trình chinh phục giang san nội tâm đầy gian khổ! Bởi nhìn thẳng vào lương tâm, vào sự thật tâm hồn mình bao giờ cũng là một công việc khó khăn! Nhưng nếu muốn cây vươn cao thì rễ phải ăn sâu vào lòng đất! Trong cuộc sống, sự trưởng thành nhân bản và tâm linh của chị cũng sẽ triển nở, tương ứng với độ ý thức cùng với khả năng đi sâu và chiếm lĩnh giang san nội tâm của chị. Đến một lúc nào đó, khi Chúa Thánh Thần muốn, Người sẽ can thiệp để mọi hoạt động trong hữu thể chị đều hoàn toàn tự do, không còn gì là máy móc cả.

Vậy nên chị nữ tu Mân Côi cần kiên nhẫn luyện tập ý thức hàng ngày từng bước một, bằng cách tập chìm sâu trong mình, bằng cách tự ý thức nội tâm mỗi lúc một rõ ràng hơn, bằng cách rà soát những động lực thầm kín của từng hành động, từng tư tưởng và lời nói của mình, và nhận dạng, gọi tên những cảm xúc, tình cảm nằm dưới những động lực thầm kín ấy, để biết mình đang ở trong trạng thái nào, và thay đổi ý nghĩa của trạng thái đó theo tinh thần của Phúc Âm. Nhờ đó chị thao luyện công cuộc Phúc Âm hóa chính mình mỗi ngày; đồng thời nhận ra được sứ điệp tình yêu Chúa gửi đến, nhiều khi thật bất ngờ, ngang qua những khoảnh khắc Người viếng thăm hồn, trong thân phận con người tâm, thể lý của chị.

  1. Trách nhiệm huấn luyện bằng gương sáng

Có thể nói hành trình tự huấn luyện của chị nữ tu Mân Côi đồng nghĩa với một “đời sống chứng tá … qua việc thực thi đức ái trong cộng đoàn, và qua các việc lành và gương sáng của chị ”[24]. Đó là nỗ lực luyện tập để sống nét đẹp Tin Mừng được diễn tả qua thái độ, lời nói, gương sáng của chị nữ tu Mân Côi. Như những hạt giống âm thầm được gieo vào lòng những người chung quanh, gương sáng của chị có tính lây lan, nhờ đó chị có thể làm chứng cho Đặc sủng của Hội Dòng một cách đơn sơ, trong sáng. Tuy nhiên, điều này cũng không dễ nếu không có một nỗ lực để luyện tập từng ngày, dù đôi khi nó chỉ kéo dài một vài giây như một nụ cười, một lời cám ơn, một lời xin lỗi, một cử chỉ lịch sự, một lời nói tích cực chị trao cho người khác. Cũng chẳng dễ chút nào khi ở trong một số trường hợp cá biệt, chị ý thức và tự nhủ phải nỗ lực hết mình để đừng coi người chị em như một “vấn đề” buộc phải giải quyết, nhưng coi như một “huyền nhiệm” cần được yêu thương[25]!

Đi xa hơn, có thể kể đến những thái độ chứng tá tích cực giúp triển nở Đặc sủng Dòng như tình đoàn kết, tinh thần kỷ luật, tinh thần cộng tác và đề cao trách nhiệm cá nhân, giữ lương tâm ngay thẳng, lòng yêu mến và bảo vệ truyền thống Dòng, cùng những thái độ tương tự như “đơn sơ, vui vẻ, thật thà…” hàm chứa trong nếp sống Mân Côi hằng ngày[26].Những thái độ tinh thần đó kết thành một đường lối tu đức đặc thù mà Đức Cha Tổ Phụ đã vạch ra cho Hội Dòng, và một khi được chị thi hành “với tinh thần đức ái trọn hảo”, thì khác nào đèn đặt trên đế, muối ướp mặn đời và có thể biến nước thành rượu ngon trong cuộc sống. Rồi một lúc nào đó, chính Chúa Thánh Thần sẽ làm cho người khác nhận ra ơn cứu độ của Thiên Chúa đang hiện diện trong thế giới này.

Theo giáo huấn Đức Cha Tổ phụ, gương sáng được thực hiện qua thái độ, lời nói và việc làm đều ảnh hưởng lên người khác và cả cộng đồng, nên chị nữ tu Mân Côi luôn phải dùng gương sáng mà thuyết phục kẻ khác như một cách thao luyện chính mình. Nhất là cần phải luyện tập để tránh những thái độ không gì phản chứng bằng, như tính hung hăng, nóng giận, bất nhẫn, yêu riêng, nịnh hót”[27]. Nghĩa là phải dám đóng đinh mình vào thánh giá với Chúa Giêsu bằng cách yêu thương vô vị lợi như Ngài, chị nữ tu Mân Côi mới có thể làm sáng danh Chúa và đem ơn cứu độ đến cho tha nhân.

KẾT LUẬN

Nét đẹp của “chân dung huấn luyện” nơi chị nữ tu Mân Côi, là hành trình khổ luyện hướng đến sự trưởng thành trong Đặc sủng Mân côi; một khổ luyện khởi đi từ việc sinh lại trong Thần Khí[28], khác nào một cuộc “xé lòng mình ra” cho sự cắt tỉa, rèn đúc của Người, cho tới khi nên hình nên dạng với những đường nét tinh tế, đặc thù của ơn gọi Mân Côi, trong sự nối kết hài hòa phong phú giữa nhân bản và tâm linh. Chị xác tín rằng, kết quả của dấn thân vào một khổ luyện, là đi đến chỗ dám chấp nhận một đức tin điên rồ, đồng thời cũng là phiêu lưu vào bầu trời tự do đích thực. Nếu không xuất phát lại từ Đức Kitô mỗi ngày, thì khác nào như Đức Cha Tổ Phụ nói, chị vẫn mãi là chị “nữ tú, nữ tù”, là như một đứa trẻ nít không chịu lớn lên, và như vậy chị đã khởi sự trong Thần Khí nhưng lại kết thúc trong xác thịt! Ước gì chị nữ tu Mân Côi biết không ngừng củng cố đức tin qua các giai đoạn huấn luyện, tập chọn lại Chúa trong cuộc sống, nhằm chiếm hữu được nét đẹp thiêng liêng đích thực, nét đẹp của sự phát triển và trưởng thành mỗi ngày một hơn trong những lĩnh vực khác nhau của ơn gọi Mân Côi, cho tới khi đạt tình trạng trưởng thành theo tầm vóc viên mãn của Đức Kitô.

Nt. Maria Trần Thị Nên, FMSR.

[1] VNTLG: Lời mở đầu; GSD I, tr. 170

[2] TH 65b; YT 45

[3] TH 18b

[4] HLD 42. 2

[5] A. CENCINI, “Tâm Tình Chúa Con”, Hành trình huấn luyện đời sống thánh hiến, tr. 43

[6] GLCG số 978-979, 1863

[7] Ep 4, 1

[8] TH 41a

[9] A. CENCINI, “Tâm Tình Chúa Con”, tr. 158

[10] 2Cr 3, 5; Ga 3, 27

[11] 1Cr 2, 4-7

[12] x. VNTLG: Đoạn II, 1; GSD I, tr. 185

[13] x. VNTLG: Đoạn VII, số XI, 5; GSD I, tr. 311

[14] x. A. CENCINI, “Tâm Tình Chúa Con”, tr. 165-173

[15] Ep 4, 13

[16] x. Đề tài học tập của Hội Dòng về “Ý thức thuộc về”, năm 2017 và 2021

[17] 1Tx 5, 16-18

[18] Tv 118, 29

[19] x. VNTLG: Đoạn I; GSD I, tr. 179; Đoạn III, 3, 2; GSD I, tr. 207

[20] HLD 44. 3

[21] HL 29

[22] Vd. Thánh nữ Josephina Bakhita, 1-1-2000; Quan thầy Sudan

[23] Ga 10, 10

[24] HLD 38. 3

[25] Câu nói của Gabriel Marcel, triết gia thế kỷ 20

[26] x. VNTLG: Đoạn III, 3; GSD I, tr. 208

[27] HP ĐCTP 2: khoản 111; GSD I, tr. 493

[28] Ga 3, 1-8

About dongmancoichihoavn

Check Also

Khi nào tôi được thứ tha?

“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *