Kinh nghiệm sống Linh Đạo Mân Côi – 2019 (phần IV)

**

Bất lực hay đón nhận (Mầu nhiệm thứ ba Mùa Thương)

Có khi nào bạn muốn làm một việc nhưng không thể làm? Muốn bước đi nhưng chân không thể cất bước, muốn làm việc nhưng tay không thể nhấc lên, muốn mở miệng nhưng không thể thành lời?… Đến một lúc nào đó bất chợt bạn thấy bản thân thật bất lực, không thể làm được một việc dù nhỏ nhoi và thật dễ dàng với người khác hay đã từng là dễ dàng với chính mình.

Những lúc như thế, hãy thinh lặng và chiêm ngắm một con người, tưởng chừng như cũng đang bất lực, mình trần truồng, đầu đội vòng gai, thân mình bị gắn vào một cây gỗ hình chữ thập bằng những đinh nhọn thấu xương, … phải chăng Người bất lực? Đó là Đấng cứu độ. Phải chăng chính Người lại đành chịu thua những khổ hình con người gây ra cho mình? Nếu thế Người có còn là Đấng cứu độ?

Không, người không bất lực, Người không đành chịu thua nhưng Người đón nhận để mang con người về với Thiên Chúa. Những lúc thấy mình vô vọng, tôi nhìn lên Đấng chịu đội mão gai ấy để thấy mình còn hy vọng. Những lúc thấy mình bất lực, tôi nhìn lên Đấng ấy để thấy mình còn có cơ may được vực dậy. Những lúc thấy mình đau đớn, tôi nhìn lên Đấng ấy để thấy có Đấng còn đớn đau hơn mình… Và khi mọi sự qua đi, tôi tạ ơn vì được chung phần đau đớn với Người cách nào đó. Người không hề bỏ mặc tôi những khi đau đớn hay thất vọng ê chề, Người luôn ở đó, cùng bạn, cùng tôi, cùng chúng ta…

Lạy Chúa, con không xin cho con khỏi đau khổ, nhưng xin Ngài đừng bỏ con lúc khổ đau bởi chính Ngài cũng đã chịu những đau đớn ấy. Xin cho con biết đón nhận tất cả những gì Chúa gửi đến với một niềm tin rằng chính Ngài sẽ cùng mang với con. (Th.H)

**

Theo gương khiêm nhường của Mẹ

“Với tinh thần dấn thân phục vụ, tôi cùng Mẹ Maria sống khiêm nhường chấp nhận giới hạn của bản thân để tin tưởng phó thác vào Chúa hầu mang ơn cứu độ đến cho mọi người”. Đây là linh đạo riêng của tôi mà tôi được thực tập sống trong một năm qua trong môi trường cộng đoàn và sứ vụ. Bản thân tôi cảm thấy không đơn giản như khi học lý thuyết hay trong suy nghĩ của tôi. Va chạm thực tế trong đời sống tôi mới thấy dường như luật công bằng được chú trọng và thực hành nhiều hơn là luật bác ái. Ai cũng muốn nhận lại sau khi đã cho đi, không ai muốn mình chịu thiệt thòi hơn người khác dù chỉ trong suy nghĩ. Đã gọi là cộng đoàn thì việc sống bác ái yêu thương đòi hỏi phải có sự hy sinh, từ bỏ lợi ích của mình hay thậm chí là bản thân, điều này tôi nhận được nơi những mẫu gương trong cộng đoàn tôi sống, thật cảm phục và là động lực để tôi tiếp tục cố gắng. Sau một năm, tôi cũng nhận ra điểm mạnh nơi tôi lại trở thành điểm yếu nếu tôi không chú ý thao luyện. Cảm thấy chút thất vọng về mình nhưng đó cũng là bài học Chúa gửi đến cho tôi rằng tôi vẫn còn quá kiêu ngạo dù không thể hiện ra bên ngoài nhưng nó có trong tư tưởng và suy nghĩ của tôi. Thật thấm thía bài học về sự khiêm nhường, tôi càng cảm phục mẫu gương khiêm nhường nơi Mẹ Maria đã sống trong suốt đời như một nữ tỳ hèn mọn của Chúa. Tôi ý thức hơn về tinh thần khiêm nhường trong sự tin tưởng và phó thác vào Chúa và nhất là cần kiên nhẫn đón nhận chính bản thân mình để có thể kiên nhẫn và cảm thông với những người xung quanh.

 Mẹ đã sống từng ngày qua sự đơn điệu của nhịp sống, Mẹ đã biến sự đơn điệu đó thành giai điệu trầm bổng làm cho bản nhạc cuộc sống thêm ý nghĩa và đem lại ơn cứu độ cho những người Mẹ gặp gỡ. Mẹ đã suy đi nghĩ lại những biến cố trong ngày để nhận ra Thánh ý Chúa trên cuộc đời Mẹ. Từ đó Mẹ phó thác và tin tưởng vào Chúa hơn dù không hiều hết sự nhiệm mầu của Thánh Ý Chúa. Đây cũng là điều tôi cần cố gắng để nhận ra nơi những Mầu Nhiệm cuộc đời Chúa Vui – Sáng – Thương – Mừng được diễn ra cách cụ thể và sống động trong từng ngày sống của tôi. Để làm được điều này đòi hỏi tôi cần ý thức, cố gắng chiêm ngắm Chúa mỗi ngày và xin Chúa trợ giúp để tôi có thể trở nên ánh sáng nhỏ bé của Chúa giữa môi trường tôi đang sống. (N.D)

**

Khiêm nhường lắng nghe

Ai trong con người lại không có một sự khát khao nào đấy! Chính sự ước mong sâu thẳm này luôn đòi buộc người ta phải đi tìm. Tôi cũng thế, với lòng khiêm nhường tôi tìm lắng nghe những điều Chúa gieo vào cuộc đời. Nơi những giá trị hữu hình mà bằng giác quan tôi có thể cảm nghiệm được sự hiện diện của Nước Thiên Chúa kề bên. Phải, nước Thiên Chúa không ở đâu xa, nước Thiên Chúa kề bên tôi nơi những con người tôi gặp gỡ hằng ngày, nơi công việc mục vụ, nơi lớp Thần học với vô vàn kiến thức, tất cả đang mở ra cho tôi hiểu và mở lòng đón nhận cuộc sống này. Khi chọn sống linh đạo khiêm nhường lắng nghe này, tôi đã từng nghĩ sẽ không dễ, nhưng rồi lần bước đi trong hy vọng dù kết quả thực tế nhận được nhiều khi lại là một điều ngoài ý muốn. Song “ Ơn Chúa luôn đủ cho tôi”. Kinh nghiệm cho thấy có những lúc tưởng là không hay, không tốt, không thể hy vọng thì rất ngạc nhiên Chúa mở ra cho tôi những dấu lạ khác phía trước. Điều này đã gây trong tôi một nhận thức rõ ràng về Ơn Chúa hơn.

 “Xin tạ ơn Chúa về những ơn lành Chúa ban qua những trung gian thật đúng lúc”

Hãy chọn Chúa là nguồn vui phép mầu sẽ xảy ra! Đó là châm ngôn tôi chọn để sống linh đạo trong Nước Trời hiện tại. (M.Tr)

**

Nụ cười của Mẹ

Vào mỗi buổi sáng ở nhà Nguyện, điều tôi lấy làm thích thú và còn là một trong những  động lực sống cho tôi, đó là chiêm ngắm bức tượng Đức Mẹ cười. Nơi bức tượng ấy, tôi ngắm nhìn nụ cười thật tươi, thật rạng rỡ, nụ cười của Mẹ đã trải qua những đau thương nhưng lại luôn đầy hy vọng và niềm tin của ngày Mẹ thưa lời Xin Vâng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Có lẽ nụ cười ấy không đẹp chỉ do người tạc tượng đã điêu khắc bức tượng có hồn, mà cao cả hơn, thâm sâu hơn là vì Mẹ luôn có nét đẹp tự bên trong toát ra. Có lẽ ngày Mẹ thưa lời Xin Vâng ấy, Mẹ mang trong mình không ít những băn khoăn, thắc mắc, nhưng trên hết tất cả, Mẹ phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa và để Ngài tự do hành động trên Mẹ. Nhờ thế, Mẹ sống bình an, sống tròn đầy và trọn vẹn ơn gọi mà Thiên Chúa đã trao cho Mẹ, vì thế, nụ cười Mẹ luôn vui trong hy vọng, sáng trong phó thác, thương trong đau khổ, và luôn mừng để mạnh mẽ  buông mình trong tay Chúa.

Theo gương Mẹ, người nữ luôn sống theo thánh ý Chúa để sẵn sàng vui đón nhận những thử thách, và trong niềm tin vào Thiên Chúa – Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều cao trọng, tôi tập khởi đầu ngày sống bằng việc âm thầm dâng lên Chúa những ý nguyện, tâm tư, cả những lỗi lầm vấp phạm và trao trọn tất cả vào bàn tay của Thiên Chúa – Đấng toàn năng sẽ làm cho tôi những điều cao trọng. Tôi xin Mẹ ban cho tôi niềm tin vào Thiên Chúa cách tuyệt đối như Mẹ để mỗi ngày sống, tôi dám thưa lời thưa Xin Vâng để sống và thực hiện ý Chúa trong các công việc nhỏ bé hàng ngày. Nhờ thế, tôi có thể có được nụ cười thật tươi trong niềm tự hào khi mình được là con của Mẹ, làm môn đệ Đức Kitô và mang tinh thần sống vui ấy đến cho những người tôi gặp gỡ. (Ph.H)

**

Cùng Mẹ vượt qua chính mình

Được cùng với Mẹ chiêm ngắm và thực hành sống mầu nhiệm thứ hai Mùa Vui, tôi cảm nghiệm được một sự vượt qua vĩ đại nơi Mẹ. Khi cưu mang Chúa trong lòng, Mẹ đã thực hiện một cuộc vượt qua đầu tiên là mang Chúa đến cho người chị họ Elisabeth. Dù đoạn đường đầy khó nguy hiểm trở nhưng bước chân Mẹ vẫn nhẹ nhàng, thanh thoát. Niềm vui không giữ trong lòng để chỉ riêng mình biết nhưng đã được Mẹ mang đến cho mọi người.

Soi chiếu cuộc đời mình trong mẫu gương Mẹ Maria, tôi thấy một “sự nghèo” trong  chính bản thân. Một cái nghèo khi chính tôi chưa đủ tình yêu cho đi vì còn quá nhiều bận tâm, còn nhiều sự toan tính. Nghèo khi chính tôi chưa dám mở lòng để đón nhận cái yếu, cái khác của mọi người vì vẫn còn sự đòi hỏi. Một sự nghèo nữa khi tôi chưa đủ khiêm tốn hạ mình để biết rằng tôi cần phải đi bước trước với mọi người trong mọi việc..

Nhìn lên Mẹ, tôi ước mong noi gương Mẹ để thực hiện một cuộc vượt qua vĩ đại là vượt qua được con người yếu đuối, giới hạn của bản thân. Tình yêu, hạnh phúc sẽ được lan tỏa khi tôi biết mở lòng để cho Chúa ngự vào, uốn nắn và dạy dỗ, mở lòng để đón nhận tha nhân với một tình yêu mà tôi đã được đón nhận từ nơi Chúa. Từ đó, trong cùng nhịp bước với Mẹ tôi cũng biết mang Chúa đến cho mọi người. (N.S)

**

Sống tâm tình của người tôi tớ

 “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ thực hiện cho tôi như lời sứ thần đã nói.(Lc 1, 38a)

Dựa vào trình thuật của Thánh sử Luca trong biến cố truyền tin, có lẽ chúng ta chưa thể hiểu hết một cách cụ thể, rõ ràng những diễn biến nội tâm của Đức Mẹ, nhưng một điều mà chắc chắn chúng ta biết là: Đức Mẹ hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa. Lời Xin Vâng không chỉ dừng lại ở biến cố truyền tin, nhưng lời Xin Vâng còn được cất lên trong mọi biến cố, mọi cảnh huống của cuộc đời Mẹ. Tại sao Đức Mẹ lại không ngần ngại đáp trả lời xin vâng dù cho lời xin vâng ấy có lúc sẽ đem lại những đau khổ tột cùng, những bất trắc, những hiểu lầm? Thưa, vì một điều duy nhất: Mẹ đã đặt mình trong thân phận là nữ tỳ, là tôi tớ của Chúa. Nữ tỳ, tôi tớ là người hoàn toàn lệ thuộc vào chủ, số phận của họ nằm trong tay chủ, họ không biết việc chủ làm, họ không có quyền lên tiếng, phản đối lời của chủ cho dù lời ấy có sai đi nữa. Đức Mẹ đã khiêm tốn nhìn nhận mình là nữ tỳ của Chúa, vì thế, Đức Mẹ – người tôi tớ hoàn toàn để cho Thiên Chúa – ông chủ quyết định cuộc đời của mình.

Lời tuyên xưng của Đức Mẹ “ tôi là nữ tỳ của Chúa” như một lời thức tỉnh cuộc sống của tôi. Tại sao tôi cảm thấy buồn, tự ái hay thậm chí là bực bội trước một lời góp ý, một lời nhận xét của người khác? Tại sao tôi chưa thể thông cảm, mà lại có những thái độ, lời nói tiêu cực trong đời sống cộng đoàn? Tại sao tôi thiếu sự hy sinh dấn thân và lòng nhiệt thành quảng đại trong những công tác chung? Tại sao tôi nghĩ mình hơn người khác và muốn họ làm theo ý tôi? Tại sao tôi vẫn than thở, càm ràm trước những sự kiện, biến cố không phù hợp với ý riêng của tôi? Và còn muôn vàn câu hỏi tại sao tương tự như thế vẫn đang hằng ngày diễn ra trong đời sống. Dường như tôi đang chiếm lấy quyền làm chủ của Chúa. Tôi đã đặt mình vào vị trí là một ông chủ đối với Chúa, với tha nhân khi tôi hành động như những câu hỏi tại sao kia….

Lạy Chúa, như Mẹ Maria, xin cho con ý thức nhìn nhận thân phận của mình để con biết sống tâm tình của người tôi tớ: khiêm nhường, nhỏ bé và hoàn toàn vâng phục Thánh ý Thiên Chúa như Mầu nhiệm thứ 4 Mùa vui mời gọi: “Ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy”. (Ng.V).

**

Khiêm nhường và phó thác như Mẹ. (Mầu nhiệm thứ hai Mùa Sáng)

Tôi chọn mầu nhiệm thứ 2 mùa Sáng để sống linh đạo Mân Côi trong cuộc đời thánh hiến của mình; cụ thể qua việc noi gương khiêm nhường và phó thác như Mẹ.

Chính nhờ mầu nhiệm này hướng dẫn, tôi soi chiếu cuộc đời mình và nhận ra nhiều giá trị. Nó giúp tôi đặt niềm cậy trông khi thấy mình thật khó để bắt đầu một công việc, không biết mình sẽ làm như thế nào và kết quả có mỹ mãn như tôi tưởng chăng… tôi chỉ có thể chuẩn bị và hết mình thi hành. Bởi tôi tin rằng Đức Mẹ luôn để tâm đến tôi, chăm sóc tôi với một đôi tay từ mẫu. Mẹ không thể bỏ qua khi thấy tôi lâm vào sự khó. Trái lại Mẹ sẽ ngay lập tức “rỉ tai” với Chúa để giúp cho tôi có được một sự trợ giúp ngoài sức của tôi. Thật vậy, cho đến hôm nay đã có biết bao điều tôi có thể làm mà chưa từng nghĩ là mình làm được. Cũng như những gì tôi đang và sẽ phải đối diện, tôi cần phải khiêm nhường thật nhiều mà phó thác cho bàn tay quan phòng của Chúa.

Qua mỗi hành trình đức tin như vậy, tôi càng xác tín hơn về việc mình cần phải liên đới với Thiên Chúa trong mọi việc: cứ bắt đầu, cứ trình bày vấn đề của mình với Chúa và tin rằng Chúa sẽ nhậm lời hết. Thái độ khiêm nhường và phó thác của tôi được thể hiện sống động qua sự cộng tác, thi hành những điều Chúa soi dẫn cho tôi.

Mầu nhiệm Mân Côi này đã giúp tôi sống tốt hơn và nhất là vượt qua được những khó khăn. Tôi đã có thể dâng lên Thiên Chúa tất cả mọi công việc, và đối với tôi Chúa mới là cùng đích. (Th.M)

**

Này tôi là nữ tỳ của Chúa

Người ta sẽ không bao giờ cảm nghiệm được sự giới hạn của mình tới đâu khi mà họ chưa thực sự đối diện với những sự bất lực của bản thân; và họ cũng sẽ không cảm thấy mình cần một sức mạnh siêu nhiên như thế nào khi họ luôn nghĩ rằng: “ mình có thể…”. Và đó thực sự là trải nghiệm của tôi trong một năm vừa qua khi được sai đi đến cộng đoàn. Thế nhưng điều gì đã giúp tôi nhận ra và hơn nữa là giúp tôi vượt qua mọi sự khó khăn lúc đó? Có lẽ là nhờ tôi nối kết và chiêm ngắm thái độ khiêm tốn, cũng như đặt trọn niềm tin tưởng vào Chúa như Mẹ trong giây phút Mẹ đón nhận sứ điệp truyền tin.

Một năm trong công tác coi nhà thuốc cũng không quá ít để tôi nghe được biết bao tiếng than khóc đau đớn của các bệnh nhân dù có khi họ chẳng một lần nói ra, hay những lần tôi phải chứng kiến những cơn co giật không cắt cơn được của những đứa trẻ đáng thương và có khi là những người chẳng còn hy vọng gì nữa nằm đó chờ chết vì mắc phải chứng bệnh nan y…điều đó khiến cho tôi rơi vào cảm giác vô cùng bất lực, bất lực khi lòng đầy thao thức muốn giúp cho họ nhưng lại chẳng thể làm được gì. Tôi loay hoay với chính mình dù biết chẳng thể thay đổi được điều gì. Cảm giác này thật khó chịu, cho đến khi tôi chợt nhận ra: “ tôi chẳng thể làm gì…” nhưng “ đối với Chúa không có gì là không thể làm được.”nghĩa là mọi sự đều có thể đối với Chúa, lúc rơi vào tận cùng của bất lực tôi thấy mới thấy mình quá giới hạn và cần Chúa biết bao. Tôi nghĩ về Đức Mẹ và thử đặt mình vào giây phút Mẹ đón nhận sứ điệp truyền tin, tôi nhận thấy Mẹ vô cùng khiêm tốn và nhất là cậy dựa vào ơn Chúa thay vì nghĩ như tôi : “mình có thể…” nhưng với Mẹ là “Chúa có thể…”. Từ đó, tôi cảm thấy bớt dần cảm giác quá day dứt nhưng thay vào đó tôi học nơi Mẹ sự tin tưởng, cậy trông nơi Chúa, tôi dùng lời cầu nguyện như năng lực siêu nhiên duy nhất tôi có thể làm cho họ lúc đó nhưng lại vô cùng hữu hiệu. Tôi nhận thấy chính sự khiêm tốn của Mẹ cũng đã là chiếc gương soi trong khi tôi thi hành sứ vụ, có những lúc tôi nhận thấy mình thật khó để đón nhận những việc mình chẳng quen, chẳng thích và cũng chưa làm bao giờ. Tôi hỏi Chúa hoài câu hỏi: tại sao? Nhưng chưa một lần Chúa lý giải cho tôi. Và rồi  mỗi khi bước vào nhà nguyện tại cộng đoàn, tôi lại thấy trong tôi xuất hiện câu nói của Mẹ trong ngày truyền tin : “ này tôi là nữ tỳ của Chúa…”, tôi vô cùng xúc động bởi câu nói đó, vì nó như là một câu trả lời Chúa đang gián tiếp qua Mẹ mà dành cho tôi. Tôi cảm thấy hối hận vì mình chưa đủ khiêm tốn, chưa đủ vâng phục dù ngày tuyên khấn thật dứt khoát biết bao. Với Mẹ, Mẹ luôn nghĩ mình là một nữ tỳ nên cũng chẳng bao giờ đòi hỏi hay phàn nàn về những gì Chúa muốn Mẹ làm, còn tôi thì…thật khó để tôi đón nhận những việc gì tôi cảm thấy không chắc chắn là mình có thể, nhưng tôi chỉ có thể nghĩ rằng nếu Chúa muốn tôi làm thì Chúa sẽ có cách. Điều đó đã giúp tôi cam đảm để làm dù có khi tôi chưa từng làm bao giờ và kết quả không phải là hoàn hảo nhưng cũng không phải là quá tệ.

Trong rất nhiều những biến cố xảy đến cho tôi, có lẽ không có cảm giác nào đáng sợ cho bằng cảm giác bất lực, nhưng điều tôi càng sợ thì Chúa càng gửi đến cho tôi vì Chúa thương ai thì người cho roi, cho vọt mà. Hơn nữa, chỉ những cái té ngã thật đau mới giúp tôi tỉnh ngộ và có kinh nghiệm đứng lên sau mỗi lần ngã. Thế nhưng, tôi cảm thấy thấm thía lắm cái gọi là: “khiêm tốn như  một nữ tỳ” nơi Đức Mẹ và tôi cần chiêm ngắm cả đời nhân đức trổi vượt ấy của Mẹ để tôi cũng luôn thưa được tiếng xin vâng liên lỉ trong đời sống thường nhật của tôi. Cám ơn Mẹ vì lời xin vâng ngày xưa ấy để con cũng biết mình cần xin vâng như một tỳ nữ hèn mọn trong chương trình của Chúa. (Ng.H)

**

Cậy trông ơn Chúa

Đây là mầu nhiệm tôi đã chọn làm linh đạo sống cho mình từ khi ở giai đoạn nhà tập. Với mầu nhiệm này, tôi nhìn về Mẹ với hai tiếng Xin Vâng nơi mọi biến cố trong cuộc đời Mẹ: Khi sứ thần truyền tin, lời tiên báo của cụ già Simeon, và ngay cả khi đứng dưới chân thập giá của con mình,…. Mẹ vẫn âm thầm đón nhận tất cả trong niềm tin yêu, phó thác cho chương trình của Thiên Chúa. Không một lời than trách, không một cử chỉ, hành động phản kháng nhưng Mẹ luôn suy đi nghĩ lại trong lòng. Chắc hẳn, không phải tự sức mình mà Mẹ có thể thưa lời Xin Vâng trước mọi biến cố nhưng phải nhờ đến ơn thánh Chúa.

Nhìn về chính mình, tôi nhận thấy cuộc sống mình cũng có những khó khăn, biến cố, sự việc xảy đến mà tôi cảm thấy thật khó để hiểu và cũng có những lúc cảm thấy bế tắc khiến bản thân cảm thấy lo lắng, dễ đưa ra những lời than trách, chán nản, bỏ cuộc. Noi gương Mẹ cùng nhờ Mẹ trợ giúp, tôi cũng đã và đang tập sống tin yêu, phó thác cho sự quan phòng của Chúa như Mẹ qua việc năng đọc kinh Kính Mừng trong mọi lúc và chạy đến cùng Mẹ, than thở với Mẹ mọi biến cố xảy đến. Khi sống điều này, tôi cảm nhận được sự trợ giúp của Mẹ trong đời mình để với biến cố cuộc sống, có những lúc tôi cảm thấy không thể nhưng rồi với ơn Chúa cùng sự chở che của Mẹ, tôi cũng đã vượt qua, cách riêng là những biến cố đã xảy đến với tôi trong năm vừa qua. (Q.Ph)

Tạm kết :

« Cùng Mẹ Maria, chị em sống mầu nhiệm cứu độ và mang ơn cứu độ đến cho mọi người. » Vâng, linh đạo của Hội Dòng đã và đang được từng chị em làm cho sống bằng những bước đi dù rất âm thầm, qua những cố gắng dẫu rất nhỏ, trong những cảnh huống rất đời thường. Nhưng hành trình từ từng bước nhỏ nối tiếp đều đặn cùng với Mẹ Maria chắc chắn sẽ dẫn ta đến với Đức Ki-tô, Đấng cứu độ muôn người.

Viện Khấn Tạm cùng chia sẻ (phần IV)

 

 

 

About dongmancoichihoavn

Check Also

Mẹ Thiên Chúa

Mẹ sống mật thiết với Thiên Chúa và hài hoà với con người và với thiên nhiên.

Để lại một bình luận