Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ thấy Thiên Chúa (Mt 5,8)
Chúng ta, những người chọn đời thánh hiến, đang sống giữa một xã hội không mấy thuận lợi để sống lời khấn khiết tịnh của mình, bởi chúng ta vốn là những con người yếu đuối mỏng dòn, lại sống trong một xã hội hưởng thụ, tự do quá trớn, buông thả về tính dục, tôn thờ bản năng, coi nhẹ những giá trị luân lý và lòng trung tín. Gần đây hơn, sự thất trung bất tín của một số giáo sĩ và tu sĩ đã khiến cho vẻ đẹp của lời khấn khiết tịnh bị lu mờ, và người ta có quyền nghi ngờ về giá trị của lời khấn này. Giữa một môi trường sống như vậy, đời sống độc thân khiết tịnh của chúng ta không thể tránh khỏi những cám dỗ của xu hướng dễ dãi, thỏa hiệp, nguy cơ đi ngược với lời khấn khiết tịnh.
Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến cũng xác nhận:
“Khó khăn của người sống đời độc thân thánh hiến đến từ một nền văn hóa hưởng thụ đang tháo gỡ mọi quy tắc đạo đức khách quan của tính dục, thường giản lược tính dục thành một thứ trò chơi và một món hàng tiêu thụ, cũng như tôn thờ bản năng tính dục với sự đồng lõa của các phương tiện truyền thông xã hội. Ai cũng thấy những hậu quả của tình trạng này xảy ra trong xã hội hiện nay: đủ mọi thứ vi phạm luân lý, kèm theo vô vàn đau khổ về mặt tâm lý và suy đồi đạo đức trong đời sống cá nhân cũng như tập thể”[1].
Hơn bao giờ hết, lời khấn khiết tịnh ngày nay bị thách đố nghiêm trọng, vì thế càng đòi hỏi nơi chúng ta một tình yêu thật đậm đà và tinh ròng, để có thể vượt lên khỏi quan điểm và lối sống trần tục, để có thể bước qua những lôi cuốn của xã hội, những cám dỗ ngọt ngào, những mời mọc hấp dẫn, và những xu hướng rất người nơi chính nội tâm chúng ta, mà làm chứng cho một tình yêu lớn hơn, một giá trị siêu việt, và nhất là nói lên sức mạnh của ân sủng đang hoạt động nơi những con người yếu đuối và tội lỗi là chính chúng ta.
Thực vậy, Hiến luật dòng cũng dựa vào Lời Chúa và giáo huấn của Giáo Hội mà khẳng định:
“Đời sống khiết tịnh là một ân huệ cao quý Thiên Chúa ban, nhằm giải thoát tâm hồn và thanh luyện con tim khỏi mọi ràng buộc, để yêu mến Thiên Chúa và tha nhân cách trọn vẹn và nồng nàn hơn. Như vậy, đời sống khiết tịnh của chị em là một dấu chỉ về đời sống và kho tàng mai sau ở Nước Trời”[2].
1. Bản chất lời khấn khiết tịnh
Khi “Khấn khiết tịnh, chị em tự nguyện sống độc thân vì Nước Trời trong sự tiết chế hoàn toàn, để hiến dâng cho Thiên Chúa một tình yêu trọn vẹn không chia sẻ, và yêu thương mọi người bằng một tình yêu vị tha và cứu độ”[3].
Cụ thể, khi khấn khiết tịnh chúng ta khước từ những hạnh phúc của đời sống hôn nhân, tránh mọi tội lỗi nghịch đức khiết tịnh trong sự tiết dục vĩnh viễn và trọn vẹn, cả trên bình diện tư tưởng, lời nói lẫn hành vi: một mình hay với người khác, đồng phái hay khác phái. Đồng thời dâng hiến cho Thiên Chúa khả năng yêu thương, để đạt tới sự thánh thiện là Đức Ái, yêu Chúa trọn vẹn và yêu tha nhân nồng nàn hơn.
Mặc dù lời khấn khiết tịnh bao hàm sự tiết chế hoàn toàn với tính dục, nhưng cốt lõi lời khấn này không nhấn mạnh khía cạnh từ bỏ (sống độc thân, tiết dục… ), bởi nhiều người không đi tu nhưng vẫn sống độc thân, và bậc sống nào cũng phải có sự tiết chế theo ơn gọi của mình. Nhưng qua khía cạnh từ bỏ trên, lời khấn khiết tịnh nhấn mạnh và hướng tới sự tự do lựa chọn Thiên Chúa là đối tượng duy nhất của tình yêu, đồng thời mở rộng con tim tới hết mọi người.
– Tự do chọn lựa Thiên Chúa và yêu Ngài một cách tuyệt đối
Đời sống thánh hiến, đặc biệt lời khấn khiết tịnh là dấu chỉ sự thánh thiện của Giáo Hội, vì thế chúng ta cần phải có một chọn lựa dứt khoát: thuộc về Thiên Chúa mãi mãi, Ngài phải là đối tượng duy nhất và tuyệt đối. Chúng ta phải lựa chọn lại mỗi ngày để trung thành với tình yêu dâng hiến mà chúng ta đã cam kết.
– Mở rộng con tim với mọi người
Đức khiết tịnh không làm khô héo lòng chúng ta, đóng kín con tim chúng ta, nhưng trái lại nhờ sống khiết tịnh, chúng ta có được một tình yêu cao thượng, một con tim rộng mở đón tiếp mọi người, khiến tâm hồn chúng ta thêm phong phú và tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc trong đời độc thân khiết tịnh.
Mặc dù chung quanh chúng ta, bao người không hiểu được điều đó, nhưng chúng ta đừng sợ và đừng ngại chứng minh một chân lý mà những người đương thời chối bỏ hoặc nghi ngờ, đó là sự siêu việt của Nước Trời ở giữa những thực tại trần thế, bằng chính đời sống khiết tịnh, với lòng sáng suốt, quân bình và khiêm tốn.
2. Sống lời khấn khiết tịnh trong thực tế
Đời độc thân khiết tịnh gắn liền với chính bản thân mỗi người, vì thế khi đã tuyên khấn, tôi cần phải chuyên chăm rèn luyện hằng ngày để đi đến cùng trong lời đoan hứa. Không những phải tránh những lỗi phạm bên ngoài, những thờ ơ thiếu sót trong tình yêu với Chúa, mà còn phải giữ con tim luôn hướng về Chúa với sự trung tín trong tình yêu Giao ước.
– Trước những thúc đẩy của bản năng, trước những mời mọc đầy hấp dẫn của trần thế, tôi phải can đảm để chối từ, phải trưởng thành để làm chủ bản thân mà sống trọn vẹn lời khấn khiết tịnh của mình:
Tôi cần xác tín mình đã chọn Chúa làm đối tượng của tình yêu, mà lời khấn khiết tịnh là cốt yếu của tình yêu dâng hiến. Tôi chỉ thực sự sống viên mãn ơn gọi của mình, thực sự sống lời khấn khiết tịnh khi trái tim tôi hoàn toàn tự do để Thiên Chúa chiếm đoạt, và tình yêu của tôi phải hướng trọn về Ngài, để từ đó yêu thương phục vụ tha nhân một cách trọn hảo nhất.
– Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: tình cảm cần thiết trong các mối tương quan, nhưng không được để sức mạnh của tình cảm lèo lái cuộc đời chúng ta. Nó không được gây ra khoái cảm, nhưng phải được hòa nhập vào trong một chương trình của tình yêu. Tình bạn với người cùng giới hay khác giới cần một mức độ trưởng thành của những người liên quan. Cả hai phải giữ một sự tự do nội tâm làm cho tâm trí họ bám rễ vào Thiên Chúa.
Điều Chúa đòi hỏi tôi là phải có một thái độ từ bỏ dứt khoát. Chúa không bao giờ chấp nhận bất cứ một sự mập mờ hay một sự thỏa hiệp nào. Nếu không thức tỉnh tôi có thể “bắt cá hai tay”, duy trì những tình cảm không phù hợp với đời thánh hiến, những mối liên hệ thiếu trong sáng, lỗi kỷ luật, lỗi đức ái, và có nguy cơ khiến tôi bất trung với Chúa.
– Trước đây, luật dòng và nội vi tu viện được coi như thành trì gìn giữ ơn gọi, đặc biệt giúp tôi tránh được những nguy hiểm cho lời khấn khiết tịnh. Ngày nay lề luật và nội vi vẫn cần thiết nhưng không còn đủ mức an toàn cho những người thánh hiến. Giữa một xã hội phát triển, phương tiện truyền thông hiện đại, các loại smartphone với internet, facebook, zalo, viber, facetime… tạo nên những mối tương giao trong mọi lúc và mọi nơi một cách thuận tiện và nhanh chóng. Luật tiếp khách tại phòng khách vào những giờ quy định chẳng còn kiểm soát được những phương tiện này; những wifi, 3G, 4G, 5G cứ xuyên qua 4 bức tường tu viện, đến tận những nơi riêng tư nhất trong nhà dòng, bất kể ban đêm hay ban ngày mà không nội vi nào có thể ngăn chặn.
Một đàng phải sống giữa một xã hội thường đề cao lối sống thực dụng và nền “văn hóa tạm bợ”, sống qua ngày…; đàng khác tôi lại thiếu nghiêm túc thiếu dứt khoát trong sự trung tín với chọn lựa ban đầu thì nguy cơ thất tín càng cao; như Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định: nhiều người dù bước theo Chúa, nhưng luôn tìm kiếm những “cổng phụ” mở ra để đi vào một lối đường dễ dãi hơn, và thường tạt qua tạt lại những nẻo đường dễ dãi ấy để hưởng thụ, để có thể “nghỉ tu” trong một thời gian nào đó.
Trước những cơn bão tố đe dọa lời khấn khiết tịnh, tôi phải làm gì để có thể trung tín? Chắc chắn kỷ luật đời tu và sự khổ chế vẫn còn giá trị nguyên vẹn và luôn cần thiết cho đời thánh hiến, có điều tôi có đủ chính trực và thành tâm tuân giữ những gì tôi đã cam kết hay không? Tình yêu của tôi dành cho Chúa có đủ lớn để giữa những hấp lực của trần thế, tôi vẫn chọn Ngài mỗi ngày hay không?
Quả thực chỉ có tình yêu dâng hiến mới cho tôi sức mạnh làm chủ bản thân, giúp tôi biết tôn trọng kỷ luật lời khấn, biết giữ sự thinh lặng nội tâm, giúp tôi thiết lập một “nội vi tâm hồn” như “bức tường lửa”, ngăn chặn những virus độc hại, làm ô nhiễm tâm hồn và phá hoại đời thánh hiến của tôi. Chỉ có tình yêu son sắt dành cho Chúa mới giúp tôi ngày ngày “bước đi trước mặt Chúa và sống hoàn hảo” mà thôi.
Ngược lại, nếu tôi cứ để mình trôi theo những cám dỗ ngọt ngào ấy, tôi sẽ làm hoen ố vẻ đẹp của lời khấn khiết tịnh; mất đi niềm vui và hạnh phúc trong đời thánh hiến; và không còn lửa nhiệt tình trong sứ vụ nữa. Bởi khi tình yêu dành cho Chúa không còn nguyên vẹn, đã lụi tàn, thì tình yêu đối với tha nhân cũng chỉ là giả tạo. Khi ấy, đời sống thánh hiến của tôi không còn chất lượng, mất đi tính ngôn sứ, tôi không còn đủ tư cách để rao truyền và làm chứng cho những thực tại Nước Trời.
3. Khiết tịnh, vết thương không bao giờ lành
Thực sự để sống trọn vẹn lời khấn khiết tịnh, trung tín với những từ bỏ, dành trọn tình yêu cho Thiên Chúa và đạt tới Đức Ái hoàn hảo trong đời sống sứ vụ thì không phải là điều dễ dàng.
Khi sống đời độc thân thánh hiến, con người tự nhiên vẫn còn đó, với những xu hướng và khuynh hướng thúc đẩy chúng ta chiều theo bản năng, mà qua lời khấn khiết tịnh chúng ta lại đã khước từ sống theo bản năng ấy. Vì thế sự từ bỏ này nhiều khi mang đến cho chúng ta một cảm giác cô đơn và trống rỗng.
Có thể nói đây là nét đặc trưng của lời khấn khiết tịnh, một sự cô độc “trống rỗng” nội tâm như một vết thương không bao giờ lành, mà chỉ được xoa dịu và lấp đầy bằng đời sống cầu nguyện, và bằng tình yêu nồng nàn với Chúa và tha nhân. Vết thương tình yêu ấy sẽ nhắc nhở và đưa chúng ta đến với Đấng duy nhất có thể làm chúng ta no thỏa.
Chúa đã mặc cho những điều tầm thường nhất nơi con người chúng ta một giá trị cao quý. Khi bản năng tính dục trỗi dậy thì lúc đó chúng ta đang thực sự sống đức khiết tịnh, nếu không có tính dục thì đâu cần đức khiết tịnh. Bởi vậy chúng ta không xua đuổi hay chạy trốn, nhưng coi đó như một cơ hội để sống gần Chúa hơn, để tín thác vào tình yêu của Chúa và trung thành tiến bước.
Khi trung thành sống đời độc thân thánh hiến, chúng ta chứng tỏ rằng điều mà con người ngày nay xem như không thể được, lại trở nên có thể và thật sự mang lại tự do, nhờ ơn thánh Chúa. Đây là một trong những chứng tá cần thiết cho thời đại hôm nay… để chứng tỏ quyền năng của Thiên Chúa chiến thắng sự mỏng dòn của thân phận con người, sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa có thể thực hiện những điều phi thường ngay giữa những thăng trầm của cuộc đời[4].
Chúa vẫn luôn mời gọi con bước đi theo Chúa với bản chất con người đã được Chúa tác tạo, những xung năng thúc đẩy bên trong, những vẻ đẹp trần thế quyến dũ bên ngoài làm con bị lung lạc; có khi con còn cố tình quên Chúa, nghe theo những mời mọc rủ rê của trần thế đi vào một đoạn đường xa lạ với mình… Khi con hối hận quay trở về, điều làm con xúc động là thấy Chúa vẫn yêu con và dường như còn yêu con nhiều hơn… Tình yêu Chúa thì lớn hơn những yếu đuối bất trung của con.
4. Lời nguyện hiến dâng
Lạy Chúa Giêsu mến yêu,
Con xin dâng trái tim nhỏ bé và tình yêu của con cho Chúa, con tuyên xưng và xác tín rằng: chỉ mình Người là bạn đồng hành sớm hôm: vỗ về, đỡ nâng và ủi an con. Chỉ mình Người là Thiên Chúa của đời con, là Vua cõi lòng con, con không kiếm tìm gì khác ngoài Chúa. Chúa là tất cả và một mình Người đã đủ cho con.
Con tạ ơn Chúa đã cho con một trái tim rất con người để con hiểu tình yêu là gì, để hiểu được ý nghĩa hai chữ “hiến dâng”. Xin giữ con luôn ở kề bên Chúa, cho trái tim con khắc ghi hình ảnh Chúa để con vượt thắng những cám dỗ trong đời. Xin cho con biết từ bỏ những đam mê trần tục, biết giữ tâm hồn trong sạch và thanh thoát để con luôn thuộc trọn về Chúa.
Trên đường đi theo Chúa, con luôn có những niềm vui và nỗi buồn, con không ảo tưởng, nhưng con biết chắc một điều, Chúa luôn ở cùng con, con được Chúa yêu thương chọn gọi đi theo Chúa, sống trong nhà Chúa, ngày ngày cận kề bên Chúa, được chia sẻ nâng đỡ bởi biết bao chị em trong dòng, được cộng tác vào sứ mạng chung, được lên đường phục vụ tha nhân… những điều đó đủ mang lại cho con niềm vui và hạnh phúc.
Lạy Chúa, con sẽ bước đi trong lời khấn khiết tịnh với niềm hân hoan, sẽ lên đường sứ vụ trong bình an với con tim đầy ắp tình yêu làm hành trang. Xin lấp đầy con tim nhỏ bé của con bằng tình yêu Chúa mỗi ngày, bởi với con “Tình Ngài một chút đủ vui một đời!”.
Trong ngày chuẩn bị lặp lại lời khấn, con muốn mượn tâm tình của cha Léonce de Grand Maison trong “Lời kinh thơ bé” dâng lên Mẹ Maria là Mẹ của con. Xin Mẹ gìn giữ tâm hồn con luôn nhỏ bé trinh trong như Mẹ, để con được thuộc trọn về Chúa.
Thánh Maria – Mẹ Chúa Trời cao cả
Xin thương gìn giữ tâm hồn con luôn
Trắng tinh và trong như nước suối nguồn
Ban cho lòng con đơn sơ bé nhỏ
Không cay đắng trước muộn phiền sầu khổ
Ban cho lòng con đại độ bao dung
Biết hy sinh và xả kỷ không cùng
Biết thương cảm và từ bi bác ái
Một tấm lòng trung thành và quảng đại
Quên muôn oán và ghi nhớ muôn ơn
Xin Mẹ thương cải tạo tâm hồn con
Cho rất đỗi khiêm nhường và hiền thảo
Yêu tận tình mà chẳng cần đền báo
Một tâm hồn vui vẻ thích ẩn nương
Trong Thánh Tâm – Con Một Mẹ yêu thương
Một tâm hồn cương quyết và quả cảm
Không nao núng trước vô ơn lãnh đạm
Không chán nản trước bội bạc thờ ơ
Cho lòng con luôn thao thức chăm lo
Làm vinh danh Chúa Giêsu con Mẹ
Và lòng con mang vết thương tình yêu Chúa
Chỉ mong chờ hàn gắn chốn Thiên Cung. Amen.
Nt. M. Gaudentia Xuân Huệ, FMSR.
[1] TH 88
[2] HL 6.1
[3] HL 6.3
[4] x. TH 88