Hữu hạn ở trong tình yêu của Đấng là vô hạn

Có những khoảnh khắc trong đời bất chợt đến và lưu lại trong dòng suy tư của tôi, để rồi tôi phải tự thân đi tìm cho mình câu trả lời về sự hiện hữu của bản thân cũng như ơn gọi và sứ mạng của chính mình khi hiện hữu giữa những thực tại của cuộc đời này. Chính trong thời khắc ấy, tôi chợt khám phá ra rằng: tôi là hữu hạn ở trong tình yêu của Đấng vô hạn và siêu việt vượt quá trí hiểu của bản thân. Đó có lẽ cũng là niềm xác tín của tôi vào Thiên Chúa-Đấng cho tôi được hiện hữu và bao bọc tôi bằng ân sủng của Ngài.

Đã có nhiều lúc trong thâm tâm tôi trải dài những dòng cảm nhận xuất phát từ câu hỏi: “tại sao tôi hiện hữu?”. Và rồi, tôi nhận ra món quà thật quý giá này mà Chúa ban tặng cho tôi. Với sự hiện hữu này, tôi đến trong cuộc đời và hòa nhập vào thực tại cuộc đời bằng tất cả năng lực của ý chí, lý trí và con tim nơi bản thân để kiếm tìm mục đích và lý tưởng sống đích thực. Tuy nhiên, khi đứng trước những giới hạn, đau khổ và bấp bênh của phận người, tôi cũng sẽ ít là một lần đối diện với lời chất vấn: “Sự hiện hữu này có thực sự là một món quà hay không?”

Đứng trước lời chất vấn này, tôi như được dẫn vào bối cảnh của nhân loại hôm nay qua cơn đại dịch covid. Tính đến nay, dịch bệnh đã kéo dài gần 2 năm và nó để lại biết bao nhiêu hậu quả cho nhân loại cũng như cho con người. Bên cạnh đó, mọi trật tự và sinh hoạt trong cuộc sống đều bị đảo lộn, con người ở trong trạng thái lo âu, sợ hãi vì chưa thể tìm ra phương thức chữa trị cũng như ngăn chặn dịch bệnh, thêm vào đó là những luồng tin tức về số người tử vong hàng loạt…Tất cả những thực tại đó như làm sáng tỏ hơn về sự giới hạn trong hiện hữu cũng như khả năng của con người. Như thế, được hiện hữu có phải là món quà nữa chăng?

Có thể nói rằng, đau khổ, sự chết và bấp bênh của phận người là những vấn nạn không mấy xa lạ với hiện sinh nếu không muốn nói là một thực tại gắn với kiếp người. Tuy nhiên, một thực tế thấy rõ rằng, khi đại nạn càng lớn, đau khổ càng nhiều thì càng làm nảy sinh một nguồn năng lực thật lớn nơi bản năng sinh tồn của con người hầu mong giữ được sự sống và tiếp tục sự hiện hữu của mình. Từ đây, có thể đưa đến một nhận định xác đáng rằng, dù là hữu hạn nhưng con người với sự hiện hữu của mình vẫn luôn là một món quà vô cùng quý giá và đáng trân trọng. Đặc biệt hơn là khi hữu hạn (con người) được ở trong tình yêu của Đấng (Thiên Chúa) là vô hạn.

Triết gia người Đức Josef Pieper cũng đã nhận định thật sâu sắc như sau: “It’s good that you exist!-thật tốt khi bạn hiện hữu”. Vâng, thật tốt khi tôi, khi bạn và khi tất cả chúng ta được hiện hữu trong cuộc đời này. Ngoài ra, tôi sẽ càng cảm nghiệm được sự hiện hữu của mình là một món quà khi nhận ra được cái hữu hạn của bản thân đang được bao bọc bởi tình thương của Thiên Chúa là Đấng đưa sự hữu hạn của tôi vào trong sự vô biên của Ngài. Như vậy, chính tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa bao bọc lấy tôi và là nguồn động lực thúc bách tôi để tôi không chỉ hiện hữu cho tôi mà còn cho Ngài, cho đời và cho tất cả anh chị em tôi.

Nếu chí ít là một lần tôi nhận ra sự hiện hữu của mình là một quà tặng bắt nguồn từ tình yêu và ân sủng, thì cũng ít là một lần tôi phải xác lập cho mình một cách sống hầu làm tròn đầy sự hiện hữu của tôi. Đó thực sự là sứ mạng và ơn gọi mà tôi cần hoàn tất khi tôi đã và đang hiện hữu trong cuộc đời này. Nói đến đây, chúng ta có thể được gợi nhớ đến chỉ dẫn của Thánh Phaolô về cách thức làm tròn đầy sự hiện hữu của mỗi chúng ta: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Vâng, chúng ta chỉ thực sự làm tròn đầy sự hiện hữu của chúng ta khi biết để cho Chúa sống và hành động trong chúng ta nhưng không phải với một thái độ thụ động mà phải là một tinh thần hăng say, nhiệt thành và nỗ lực hết mình hầu cộng tác với ân sủng của Ngài.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra ở đây đó là: nếu tôi chỉ thực sự hiện hữu cho riêng mình thì đã đủ hay chưa? Chắc hẳn là chưa, bởi lẽ con người không chỉ hiện hữu một mình nhưng là cùng và với tất cả hiện hữu của những người khác. Điều này cũng đã được Đức Thánh Cha Phanxico nhắc đến như sau: “Sự hiện hữu của mỗi người và của mọi cá nhân được gắn chặt với hiện hữu của những người khác” (Fratelli Tutti, số 66). Như vậy, khi tôi thực sự biết làm tròn đầy sự hiện hữu của tôi thì chắc hẳn tôi cũng đang làm lan tỏa một nguồn năng lượng tích cực trên sự hiện hữu của người khác. Ngoài ra, mỗi người với sự hiện hữu của mình cũng đang được mời gọi bước vào một lý tưởng sống phù hợp hay có thể nói đó là ơn gọi của riêng mình bằng một thái độ sẵn sàng, phó thác và trung tín đến cùng. Nhất là cộng tác với Chúa trong công trình xây dựng hạnh phúc nước trời ngay tại trần gian này.

Trải lòng mình với dòng suy tư và buông mình trong tay Chúa, tôi như cảm nhận một cách sâu sa hơn về sự hiện diện và đồng hành của Ngài. Nhất là khi nhìn vào thực trạng hữu hạn của bản thân cũng như của mọi thực tại hiện hữu quanh mình, tôi được tiếp thêm niềm xác tín và mở rộng đôi mắt đức tin hầu nhận diện tình yêu của Thiên Chúa dành cho tôi. Để rồi, với lòng biết ơn này, tôi được mời gọi tái thiết tình yêu và lời đáp trả[1] của mình hầu ở lại trong tình yêu của Đấng là vô biên.

Lạy chúa.

“con sống trong Ngài,

con khởi đầu từ Ngài,

con đến với Ngài.

Giữa đường,

Khi con linh cảm một ý tưởng,

Xiết chặt một bàn tay,

Nhìn thẳng vào đôi mắt,

Lúc tương lai sinh ra

Khi hiện tại chết đi

Con khám phá ra Chúa…

Và con tự thân khám phá ra con.

Trong tận đáy lòng,

Hai người song hành

Hai người tiến đến gần nhau

Chúng ta thành hình…”[2].

M. Martino Nguyễn Hải, Fmsr.

[1] Benjamín González Buelta.

[2] Ibib1.

About dongmancoichihoavn

Check Also

Khi nào tôi được thứ tha?

“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *