Đức Tin, Đức Cậy Và Đức Mến Là Điểm Tựa, Là Sức Mạnh Cho Lời Khấn Vâng Phục
Lời Chúa : St 12 – 17
«Điều đẹp ý Ngài, xin dạy con thực hiện
Lối đi của Ngài xin hướng dẫn con»
Vâng lạy Chúa! Trong giây phút linh thiêng khởi đầu một ngày mới, chúng con xin quy tụ về đây bên Thánh Thể Chúa. Chúng con tin nhận và tôn thờ sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa đang bao trùm nhân loại và tràn ngập trong căn nhà nguyện này, cũng như nơi tâm hồn mỗi người chúng con, con xin tôn thờ chúc tụng và yêu mến Chúa. Cảm ơn Chúa đã cho chúng con sống thêm một ngày nữa để tiếp tục lắng nghe, khám phá và thi hành ý định nhiệm mầu của Ngài trên cuộc đời con, qua mọi lối đi ngang dọc của ngày sống. Xin hướng dẫn con lạy Chúa! để con biết hoàn thiện ơn gọi của mình theo hoạch định của Chúa.
Suy niệm
Đọc lại hành trình ơn gọi của Abraham, dưới ánh sáng của lời Chúa, dường như đức tin, đức cậy và đức mến là ánh sáng, là sức sống và là điểm tựa cho mọi hành vi trong việc thực hiện lệnh truyền của Chúa nơi cuộc đời Abraham: đức tin đã giúp ông bước đi trong vô định để thực hiện lệnh truyền của Thiên Chúa; đức cậy đã giúp ông tiếp tục và tiếp tục hy vọng, chờ đợi lời hứa của Thiên Chúa; và đức mến đã giúp ông hoàn toàn quy thuận một mình Thiên Chúa trong tình yêu toàn vẹn «hiến dâng người con duy nhất» theo lệnh truyền.
Trong thinh lặng nội tâm chúng ta được mời gọi để cho ánh sáng lời Chúa hướng dẫn, soi dọi và gợi mở cho riêng mỗi người qua hành trình vâng phục của Abraham.
- Vâng phục, bước đi trong đức tin
Thái độ vâng phục đầu tiên Chúa đòi hỏi nơi Abraham là: «Hãy rời bỏ và đi đến». Động thái đầu tiên là: Chấm dứt một quá khứ quen thuộc để rồi mạnh dạn bước vào một tương lai bất định.
Tuổi của Abraham lúc này đã khá cao (tuổi 75 theo kinh thánh). Mọi thứ đã như thành nếp và ổn định, chưa nói là cả một cơ ngơi vững chãi, với những thành lũy và gia tài tinh thần, vật chất kếch xù để cho hậu duệ… vậy mà lệnh của Chúa là thay đổi, là dời bỏ tất cả…
Chúng ta không biết ơn gọi của Abraham xảy ra ở đâu khi nào? Và Chúa đã nói với ông bằng cách nào. Điều duy nhất chúng ta thấy đó là nội dung của một lệnh truyền: «Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và cha ngươi mà đi tới vùng đất ta sẽ chỉ cho ngươi» (St 12, 1).
Ông phải từ bỏ xứ sở, quê hương, nhà cửa… tất cả những gì làm nên sự ổn định, êm đềm và tiện nghi cho cuộc sống của ông. Phải bỏ lại cuộc sống ông đã quen, và từ nay Abraham sẽ như một người di cư, du mục nay đây mai đó, và sẽ giống như những người sống nơi đất khách quê người, một cuộc sống bất ổn, bấp bênh. Ông sẽ không còn ở trong một môi trường được an toàn, gắn bó và được chấp nhận như xưa. Phải sống giữa những người xa lạ, khác biệt và đôi khi bị xem như là mối đe dọa và bị nhìn bằng ánh mắt thù địch.
Abraham được yêu cầu phải chấp nhận tất cả những điều đó khi thi hành lệnh truyền của Chúa: phải sống bên lề, phải chấp nhận sự nguy hiểm, phải mang tâm trạng căng thẳng, hoang mang…
Lời đề nghị tiếp theo còn hoang mang và bất ổn hơn: «Hãy đi tới vùng đất ta sẽ chỉ cho ngươi». Đi đâu? «Đến đất ta sẽ chỉ cho ngươi!» Nếu như phải ra đi, nhất là một chuyến đi xa vượt qua sa mạc khắc nghiệt, thì ít nhất cũng phải có một tấm bản đồ, một lộ trình, một lược đồ tỉ mỉ, một người dẫn đường khả tín. Tôi sẽ khởi hành ở đâu? Trạm dừng đầu tiên tại đâu? Tôi có thể lưu lại đó bao lâu? Từ đó tôi sẽ đi tiếp đến đâu? Cuộc hành trình của tôi gồm bao nhiêu chặng? … Thiếu những thông tin này không ai là người khôn ngoan mà lại thực hiện cho chuyến đi của mình.
Nhưng đó là lệnh truyền từ trời cao và lời mời gọi bước đi trong đức tin. Đức tin hoạt động dựa trên niềm tín thác: «Lúc này tất cả những gì cần được biết là hãy ra khỏi nơi ngươi đang ở và lên đường. Ngươi sẽ nhận thêm thông tin trong khi đang đi. Lúc này đừng hỏi han, đừng đòi giải thích, đừng mong bảo đảm. Hãy lên đường và đừng quan tâm khi nào mới đến chặng sau cùng. Hãy tín thác vào lời gọi và tiếp tục lắng nghe khi lời lại lên tiếng. Từng chặng một. Từng bước một. Khó khăn sẽ đến cho kẻ nào- trước khi cất bước đầu tiên – đã muốn biết bước sau cùng sẽ đưa họ đến». (x. Những mô phạm của đức tin; Lm. CALOS G. VALLES, S.j.)
Áp-ra-ham không được trao cho thông tin rõ ràng về chuyến đi của mình. Thiên Chúa chỉ nói: Ngươi cứ đi và rồi Ta sẽ chỉ cho biết nơi mà ngươi sẽ đến…» Đó là lệnh truyền, một lệnh truyền chẳng dễ đón nhận chút nào. Abraham đã phản ứng ra sao? Ta đọc thấy một lời hết sức vắn gọn: «Abraham ra đi như Thiên Chúa phán với ông!» (St 12, 4).
Có lẽ cuộc ra đi của Abraham thật mạo hiểm, liều lĩnh và ái ngại cho nhiều người, nhưng ông vẫn ra đi, ông cảm thấy có một sự vững tâm trong chính bản thân, vượt trên mọi bảo đảm của người đời: đó là niềm xác tín, là ánh sáng đức tin dẫn lối cho ông.
Lạy Chúa! Khi vâng nghe và đáp lại lời mời gọi đầu tiên của Chúa để vào sống ơn gọi thánh hiến, con cũng dễ dàng từ bỏ rất nhiều. Nhưng dần dần theo năm tháng của đời tu, con như đang lấy lại mọi thứ, dù đã khấn vâng phục, nhưng con vẫn muốn dành cho mình nhiều quyền: quyền muốn có những tiện nghi bảo đảm, những điều kiện minh bạch và những mối lợi rõ ràng khi phải vâng phục; quyền muốn biết, muốn nắm vững và muốn tự xoay sở, tự sắp xếp cuộc sống và công việc theo ý của con…Con ngại dấn thân, không muốn thay đổi và thích an phận. Vì con quên rằng «khi tuyên khấn vâng phục, người tu sĩ phải hiến dâng tất cả ý chí và toàn bộ đời sống để bước vào kế hoạch cứu độ của Chúa Giêsu một cách vững mạnh và quyết liệt hơn» (ET 23). Lạy Chúa ! Xin ban thêm đức tin cho con, xin cho con luôn sống tinh thần đức tin trong khi vâng phục, để con can đảm buôn mình cho sự hướng dẫn của Chúa qua luật Dòng, qua các vị trung gian và qua mọi biến cố vui buồn của cuộc sống. Hầu con luôn sẵng sàng lên đường, sẵn sàng dời bỏ và ra đi mỗi khi nghe bài sai, mỗi khi được đề nghị thay đổi công tác, và thậm chí thay đổi lối sống, cách suy nghĩ, nhận định không thích hợp của con.
- Đức vọng là điểm tựa, là hướng đi cho sự vâng phục
Thái độ vâng phục của Abraham không chỉ một lần cho vĩnh viễn. Lời mời gọi của Thiên Chúa vẫn vang đi vọng lại trong cuộc đời ông, mỗi lần lại yêu sách hơn, đòi hỏi sự tín thác nhiều hơn, niềm cậy trông vững mạnh hơn và lời đáp trả năng động hơn.
“Hãy đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành” (St 12, 1b-2).
Lời hứa ngày càng nhiều, càng cụ thể hơn, thiết thực hơn và Abraham tiếp tục vâng lời, tiếp tục ra đi, đi tới miền đất Chúa đã chỉ: đất Canaan. Nhưng kinh thánh cho biết: Abraham đi loanh quanh trong đất Canaan và không có một chỗ ổn định: Ông không có đất, chỉ là người du mục, cắm lều hết chỗ này đến chỗ khác. Ông không có được sự an toàn, cũng không có của cải sinh lời tại vùng đất này. Nhưng hành trình đức tin của ông đã bắt đầu: bao nhiêu bước chân lui tới trên con đường mòn Canaan là bấy nhiêu bước đi khởi sự cho hành trình đức tin và đức cậy trong lòng ông.
Dầu vậy, hành trình vâng phục của Abraham cũng luôn bị thử thách và đã có những lần ông cũng rẽ lối đi ngang, để hành động theo sáng kiến, theo lý lẽ của mình: nạn đói xảy ra, ông phải xuống Ai Cập và lời hứa bị đe dọa; rồi tuổi đời đã cao mà lời hứa như bị trì hoãn, ông đã cùng Sara tính kế cho sinh ra một người con với nàng hầu.
Nhưng, Thiên Chúa không bỏ rơi ông, vì lời hứa của Thiên Chúa luôn trung thành và kiên vững. Ngài lại ban cho Ông một dấu chỉ là hãy tiếp tục tin và hy vọng: “Hãy nhìn trời và đếm các vì sao. Dòng dõi của ngươi sẽ như thế đó (St 15 ;5).
Mệnh lệnh lúc này cho Abraham là hướng lên, hướng về trời cao, là thoát ra khỏi những loay hoay toan tính với lối nhìn thực dụng. Hãy bước đi theo «Ánh Sao Hy Vọng».
Lạy Chúa! Khi tuyên khấn vâng phục, con được sai đến mọi điểm hẹn phục vụ, bước chân con cũng được rảo khắp mọi cánh đồng truyền giáo, có những bước chân năng động vội vã đầy tín thác, nhưng cũng có những lúc bước chân chùn lại, mỏi gối và muốn tìm điểm dừng vì hành trình quá dài hoặc bị mất phương hướng hay do sức khỏe, tuổi tác và những khó khăn…Xin cho con niềm cậy trông nơi Chúa như Abraham, để tiếp tục xin vâng, kiên trì lên đường, tin vào lời hứa của Chúa và tiếp tục theo hướng đi của «Ánh Sao» mà chạy hết hành trình vì Chúa luôn chờ con ở cuối đường.
- Vâng phục trong tinh thần đức mến.
“Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là I-xa-ác, hãy đi đến xứ Mô-ri-gia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho.”
Lệnh truyền cuối cùng, nhưng cũng là lời đề nghi ở chỗ cao trào nhất của sự thử thách đức tin nơi Abraham: nó đụng chạm đến chỗ sâu nhất trong con người ông, thách thức chính niềm tin của ông và dập tắt mọi hy vọng trong lòng ông. Có thể nói là một lệnh truyền thật phi lí, nó vượt quá tầm nhìn, cách nghĩ của con người, vượt quá tầm với nơi lý luận của chúng ta.
Vậy mà ở đây ta không thấy một phản kháng, không một thắc mắc, đề nghị hay xin trì hoẵn thời gian. Cũng chẳng thấy Abraham xin đi tĩnh tâm để phân định…Không biết những tình huống đó xảy ra cụ thể lúc đó với Abraham thế nào, nhưng bản văn Kinh Thánh chỉ ghi: «Sáng hôm sau, ông Áp-ra-ham dậy sớm, thắng lừa, đem theo hai đầy tớ và con ông là I-xa-ác, ông bổ củi dùng để đốt lễ toàn thiêu, rồi lên đường đi tới nơi Thiên Chúa bảo».
Một điểm đáng lưu ý nữa là những lần thực hiện lệnh truyền trước của Abraham, không thấy tác giả ghi lại cách thức ông thực hiện lệnh truyền thế nào hoặc có thì cũng rất ngắn gọn. Nhưng lần này kinh thánh ghi lại rất rõ từng chi tiết: thời gian, công việc, tính cách, thái độ, cảm xúc và cả tương quan: Thao thức, “dậy sớm”, “thắng lừa”, “chẻ củi”, “đem theo đầy tớ và con trai”. «Ông cùng con trai và các đầy tớ lên đường», «đi tới nơi Thiên Chúa đã định ». Ông sắp xếp cho các «đầy tớ lưu lại dưới chân núi» và «cùng với Isaac lên núi để dâng lễ». Tới nơi tế lễ “dựng bàn thờ”, xếp củi lên”, “trói Isaac lại và đặt lên bàn thờ, trên đống củi”. Tất cả đều rất tích cực: từng cử chỉ, từng hành động theo thứ tự, đúng vai trò, đúng nơi: bổ củi, xếp củi, dưới núi, trên núi… Abraham như đang cử hành niềm tin vâng phục của mình với tất cả sự chau chuốt, thận trọng, chu đáo, trách nhiệm với tất cả tình yêu, với trọn lý trí, ý chí cùng mọi quan năng trong ngoài của ông.
Động lực nào, niềm tin nào đã cho ông, đã là điểm tựa cho hành động vâng phục của ông? Có lẽ tình yêu và lòng mến. Suốt một hành trình dài được Thiên Chúa tôi luyện, gọt giũa có lẽ đức tin và đức cậy của ông đã đạt tới đức Ái. Thái độ vâng phục của ông không chỉ dừng lại ở niềm tin hay niềm cậy trông mà là tình yêu tròn đầy, sung mãn. Ông dâng hiến người con duy nhất cho Thiên Chúa cũng là lúc ông giao nộp con tim rướm máu nhưng nồng cháy tình yêu của ông.
Ông đã chuyển hành vi vâng phục từ thụ động sang chủ động, từ hợp đồng sang đồng thuận, từ bất toàn sang toàn vẹn, sung mãn trong sự năng động của tình yêu.
Lạy Chúa ! Xin giúp con biết đem đức mến vào lời khấn vâng phục của con, để lời khấn vâng phục của con không chỉ dừng lại ở luật buộc mà như một nhân đức; không thi hành vì luật thì buộc vâng, nhưng vâng lời để tập luyện, để thủ đắc như một nhân đức làm phát triển toàn diện nhân cách của con: cẩn thận, chu đáo, trách nhiệm, quảng đại, yêu mến, cởi mở và chân thành…; Xin cho con không vâng phục như một lệnh truyền, nhưng với ý thức đề chia sẻ, cộng tác với định hướng chung của hội Dòng; Xin cho con vâng phục trong tình con thảo để cùng làm phong phú hóa những đặc sủng của hội Dòng và vâng phục để làm triển nở những hoa trái trong đời sống sứ vụ tông đồ chung.
Tạm kết
Lạy Chúa là chủ tể của tâm trí nhân loại, là Chúa của cuộc sống và lịch sử. Trong niềm tin yếu kém của mình, con xin tôn nhận Ngài là Chúa và là Chủ tể tuyệt đối của con. Con xin phó thác cho Chúa quyền muốn biết mình đi về đâu, quyền muốn hiểu những gì mình đợi chờ, những điều kiện được ban cho, và quyền quyết định về cuộc đời của con. Con xin giao nộp sự hiểu biết, tương lai và đời sống của con cho Chúa. Xin cho con can đảm, quảng đại và sẵn sàng lên đường thi hành mọi lệnh truyền của Chúa qua Hội Dòng, với tất cả tình yêu và niềm hạnh phúc vì con biết rằng, khi vâng phục là con đang được tham dự vào lời xin vâng cứu độ của Đức Kitô, mỗi lời thưa xin vâng của con khi kết hợp với Chúa đều hiện tại hóa giá trị cứu độ của Chúa cho nhân loại hôm nay.
Marie Bosco Trần Sách, fmsr.
Trích giờ nguyện gẫm nhắc lại lời khấn 2022