Hãy vào nhà – Lc 15, 11-32
Lạy Chúa, Chúa đang hiện diện ở đây. Con cũng đang hiện diện ở đây. Chúa dành trọn giờ này cho con. Chúa muốn con cũng dành trọn giờ này cho Chúa với tất cả tâm hồn, thân xác, để Chúa có thể gặp con, nói với con, và con có thể nghe được tiếng Chúa, cảm nhận được những tác động nhẹ nhàng của Chúa.
Lạy Chúa, Chúa vẫn luôn hiên diện nơi cộng đoàn này, vì đây là nhà của Chúa. Chúa vẫn hiện diện giữa chúng con trong ngôi nhà này, vì Chúa là Người Cha chăm lo cho tất cả chúng con. Chúa vui khi con cái trong nhà an vui. Chúa mỏi mắt đợi chờ nếu có người con nào đó bỏ đi xa. Chúa vẫn mãi năn nỉ “hãy vào nhà” khi con cái ở nhà nhưng lòng trí chẳng thiết tha với nỗi lòng của Cha, chẳng hòa nhịp chung chia với buồn vui của anh chị em trong nhà.
Tin Mừng theo Thánh Lc 15, 11- 32
11 Rồi Đức Giê-su nói tiếp : “Một người kia có hai con trai. 12 Người con thứ nói với cha rằng : ‘Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.’ Và người cha đã chia của cải cho hai con. 13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.
14 “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, 15 nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. 16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. 17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ : ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói ! 18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người : ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, 19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.’ 20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.
“Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. 21 Bấy giờ người con nói rằng : ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa …’ 22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng : ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, 23 rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! 24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.’ Và họ bắt đầu ăn mừng.
25 “Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, 26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. 27 Người ấy trả lời : ‘Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.’ 28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. 29 Cậu trả lời cha : ‘Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. 30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng !’
31 “Nhưng người cha nói với anh ta : ‘Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. 32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.’”
**
Dụ ngôn người Cha nhân hậu trong Tin Mừng Luca đã quá quen thuộc với chúng ta. Chúa vẫn không ngừng nói với chúng ta qua Lời của Người. Tiếng Chúa hình như vẫn thì thầm với mỗi người chúng ta qua dụ ngôn này khi ta mở lòng lắng nghe.
Giờ đây, chúng ta cùng đứng vào vị thế người con cả, và người cha khi đi ra xin anh vào nhà, để suy, để cảm và để tạo điều kiện cho tiếng Chúa vang vọng vào lòng mỗi người chúng ta.
I. Người em khác biệt với tôi
Trong thời gian tuổi thơ dưới mái nhà của cha, những kỷ niệm chung chia tạo nên sự thân thiết gắn bó giữa 2 anh em trong dụ ngôn người Cha nhân hậu ra sao, chúng ta không biết.
Trước khi người con thứ đòi chia gia tài, tương quan của 2 anh em thế nào, chúng ta cũng không rõ.
Khi người em đã ra khỏi nhà đi hoang, tâm trạng người anh ra sao, có liên lạc, hỏi thăm sức khỏe người em không, dụ ngôn không nói. Chỉ biết trong suy nghĩ của người em ngay trước khi quay về, không hề có bóng dáng người anh.
Có lẽ từ khi người em bỏ nhà ra đi, người anh vất vả hơn, chẳng còn người chia sớt công việc đồng áng, người anh ra đồng một mình, trở về cũng một mình.
Chắc hẳn đã có lúc người anh thầm nghĩ: em tôi thật khác với tôi trong tính tình, trong cả suy nghĩ, nói năng và hành động. Lời nói và hành động của chú ấy thật là tệ, đòi Cha chia gia tài rồi bỏ đi ăn chơi. Tôi thì không vậy, tôi đâu tồi như thế. Tôi ở lại nhà với cha, chí thú làm việc của cha.
Chuyện không hay đối với người con cả chỉ xảy ra khi người em khác biệt và tồi tệ ấy lại trở về, và người cha lại thương nó đến độ mở tiệc ăn mừng. Sự bực bội của người anh cả đối với thằng em khác tính, khác nết và hư đốn biểu lộ qua danh xưng anh thốt ra: “thằng con của cha đó”.
Vâng, cha thương nó vì nó là con của cha, nhưng có lẽ không còn là em tôi, tôi không còn muốn nhận nó là em của tôi, vì nó không giống tôi, nó hư đốn, làm mất thanh danh của gia tộc, phung phá sản nghiệp của gia đình.
Vì thế, người anh “nổi giận không chịu vào nhà”, tức là không muốn ở trong cùng nhà với một người khác tính tình với mình, đúng hơn là xấu tính, trái nết, hoang đàng…
Lạy Chúa, hoàn cảnh và phản ứng của người anh cả cũng được lập lại phần nào trong đời sống của con. Cộng đoàn của con cũng toàn là những người khác tính với con, khác về suy nghĩ, cách nói năng, ứng xử lẫn hành động. Trong cộng đoàn tu trì nơi con được gởi tới cũng có cả những chị em, mà Chúa biết đấy, trái tính, trái nết và theo con là không mấy thánh thiện nữa.
Và vì thế, không thiếu những lúc con không muốn nhận những chị em khác tính với con như chị, như em nữa. Không thiếu những khi con không muốn vào nhà, con chẳng còn muốn sống cùng cộng đoàn với những người ấy, và chỉ ước mong tìm cách nào xin cho chị ấy được đổi đi cộng đoàn khác, đổi đi đâu không cần biết, miễn là đừng chung cộng đoàn với con.
II. Người anh “nổi giận”, “không vào nhà”:
Cảm xúc tức giận của người anh có lẽ phần nào phát xuất từ sự so sánh trong cái nhìn nhân loại của anh:
+ Anh nhìn cuộc đời mình đã bao năm phải hầu hạ cha, sống trong nhà, làm theo lệnh của cha. Còn thằng em: bỏ nhà ra đi ăn chơi sa đọa, phung phá tiền của…
+ Rồi ngay lúc này đây, người em được đón tiếp với con bê béo trong tiệc mừng, còn anh thì một con bê nhỏ mong ước cũng chẳng thành!
Như thế đó, trong cái nhìn so sánh ấy, người anh nhìn lỗi lầm của người em thật to lớn rành rành trước mắt. Còn bản thân mình quả là tốt hơn nhiều: “không hề trái lệnh cha”. Tiếc thay, anh chẳng hề nhận ra những thiếu sót trong tương quan với cha, trong cái nhìn thiển cận của mình.
Như thế đó, trong cái nhìn ghen tỵ ấy, người anh thấy lỗi lầm của người em thì lớn như ngọn núi sừng sững trước mắt, còn thiếu sót của bản thân mình thì như thể được đeo kín sau lưng, che khuất tầm nhìn của anh.
Và vì thế, trong cái nhìn nhân loại đầy ghen tỵ, người anh cả nổi giận. Và vì nổi giận anh không chịu bước vào nhà.
Lạy Chúa, lối nhìn nhân loại của người anh như trên vẫn lảng vảng bên con trong môi trường đời tu. Cái nhìn ghen tỵ vẫn dễ dàng xuất hiện nơi con trong môi trường sống chung cộng đoàn.
Đã có lần nào con xuôi theo lối nhìn nhân loại, mà chán nản, nổi giận trong lòng vì chỉ toàn thấy rác rưởi xấu xa trongmắt mọi chị em cộng đoàn, còn mỗi mắt mình là trong lành sáng sủa ?
Đã có lần nào con nổi giận vì đã để cho cái nhìn ghen tỵ thống lĩnh tâm hồn, để rồi bất mãn, bất cần, tủi thân tủi phận khi thấy địa chỉ phục vụ của mình sao mà xa xôi, nghèo khổ, khó khăn, lại lắm việc hơn các cộng đoàn của các chị em khác?
Lạy Chúa, căn nhà con vẫn ở bấy lâu chính là mái nhà Hội Dòng của con, cộng đoàn của con.
Đã có lần nào con “không chịu vào nhà” chăng? Con không muốn vào nhà đồng nghĩa với việc con không muốn thuộc về cộng đoàn của con, Hội Dòng của con.
Tâm trạng không muốn thuộc về, không biểu lộ cách minh nhiên bằng lời nói công khai, nhưng bằng thái độ không muốn hòa nhập với chị em, không muốn tham gia góp phần cho việc xây dựng cộng đoàn về tinh thần hay vật chất.
Thái độ không muốn thuộc về, không chịu “vào nhà” cộng đoàn, khi con chẳng muốn chung chia những nghĩa vụ của cộng đoàn, mà chỉ muốn chia phần quyền lợi mà thôi.
Con không chịu vào nhà, nhưng chỉ đứng gần nhà, để chỉ trích, chê bai, lên án những người trong nhà, chứ không hề chung chia gánh vác những vất vả, lo toan, hay yếu kém, thất bại.
Con đã ứng xử ngược lại với tinh thần thuộc về cộng đoàn, khi con chỉ ở trong cộng đoàn bằng thân xác, còn lòng trí thì hoàn toàn và luôn luôn ở ngoài nhà, bên cạnh một đối tượng nào đó, hay bên cạnh gia đình thân nhân của con.
Con vẫn đứng ở ngoài, không chịu vào nhà, và chỉ tìm cách xin đổi cộng đoàn, bất chấp sự năn nỉ của Cha, khi con nhìn vào mái nhà mà con được sai đến có nhiều chị em trái tính, trái nết, khác biệt với con.
Cũng có khi con bước vào nhà Hội Dòng, nhưng lại tìm mọi cách để đẩy cho bằng được người chị em khó thương ra khỏi cộng đoàn, đẩy người ấy đi đâu mặc kệ, miễn sao đừng ở cộng đoàn của con.
III. Hãy vào nhà
Người cha ra năn nỉ, xin người con cả “vào nhà”. Điều người cha đến gần người con cả mà năn nỉ, là xin anh ta “vào nhà”.
Vào nhà để nơi đó có cha và có người em.
Vào nhà vì trong nhà đó có phần gia tài của anh.
Vào nhà vì nơi đó có cơm dư gạo thừa.
Vào nhà với cha dẫu cũng có những điều mà ý cha không luôn luôn thỏa mãn ý của người con: “đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè.” (Lc 15, 29)
Vào nhà với cha dẫu trong đó có người em rất khác mình.
Vào nhà với cha dẫu bên cha có người em hoang đàng phung phá.
Người cha ra năn nỉ người con cả “vào nhà” để chung chia mọi buồn vui sướng khổ của mái nhà ấy, để thuộc về gia đình đó, để tiếp tục ‘luôn ở với cha’, để mãi sống gần cha, để rồi ‘mọi sự của cha là của con’.
Vâng, vào nhà để mọi sự của cha sẽ là của con, mọi thăng trầm, sướng khổ, buồn vui trong nhà của cha cũng là của con.
Hãy vì cha mà bước “vào nhà”, hãy vì cha mà cố gắng đón nhận người em mà mình không ưa, không thích.
Vâng, vào nhà để mọi sự của cha sẽ là của con, để chung phần trọn vẹn với cha, chung chia tâm tư nỗi lòng của cha.
Vào nhà để ‘mọi sự của cha là của con’ tức là niềm vui của cha phải là niềm vui của con, sự nhẫn nại của cha cũng phải là sự nhẫn nại mà con phải có, sự quảng đại của cha cũng phải là sự quảng đại con phải học theo…
Hãy vì thương cha mà bước “vào nhà” để chung sống bên người em không mấy dễ thương.
Vâng, căn nhà đó người anh cả vẫn sống, vẫn bước vào từ trước đến nay. Nhưng lần này, “vào nhà” đồng nghĩa với sự bỏ mình, bỏ cái tôi của mình. Bước vào nhà lần này, đồng nghĩa với việc tiếp tục ở với cha, dẫu không ít lần phải bỏ ý riêng mà vâng ý cha. Chấp nhận trở vào nhà là phải đón nhận người em rất khác biệt với mình, người đã gây phiền toái, thiệt hại cho mình.
Nhưng, nếu không vào nhà, thì chẳng được sống gần cha, thì phải sống cô độc, thì phần gia tài trong nhà không chắc gì sẽ được chia phần nguyên vẹn.
IV. Cầu nguyện
Lạy Chúa, những khi con không muốn sống sự thuộc về cộng đoàn của con như thế, thì Chúa như Người Cha vẫn đến bên, năn nỉ con bước vào nhà, để chung chia mọi sự của Cha, để sống gần bên Cha, để chung chia mọi buồn vui sướng khổ của chị của em dưới mái nhà mà Cha muốn đặt để con ở đó.
Lạy Chúa, để đáp lại sự năn nỉ của Chúa mà bước vào nhà, nơi mà Chúa muốn, con phải từ bỏ mình, bỏ sự chọn lựa theo sở thích của con. Để có thể ở lại với Chúa, sống gần Chúa trong mái nhà nơi mà Chúa muốn, con phải bỏ ý riêng của mình, phải vui nhận ý Chúa dẫu ý Chúa chẳng luôn luôn chiều theo ý muốn của con. Để chấp nhận sống trọn sự thuộc về như Chúa đòi hỏi, con phải đón nhận những người chị em trong cùng một mái nhà cộng đoàn thật khác biệt với con, đôi khi là trái tính, xấu nết.
Vâng, lạy Chúa, Chúa vẫn đến gần và năn nỉ con, như hình ảnh người cha đã ra năn nỉ người con cả bước vào nhà. Xin cho con vì lời năn nỉ của Chúa mà bước vào nhà, nhận lấy phần trách nhiệm trong căn nhà cộng đoàn của con. Xin cho con vì yêu Chúa mà mở rộng vòng tay đón nhận người chị, người em khó thương hay ngang ngược ở cùng nhà. Xin ban ơn giúp sức để con dám từ bỏ chính mình mà chiều theo ý Chúa. trong hy vọng sẽ được hưởng điều Chúa hứa: mọi sự của Cha là của con, hạnh phúc viên mãn của Cha trên trời chắc chắn sẽ có phần dành cho con. AMEN.
Tịnh Khiết, FMSR
Trích giờ nguyện gẫm dịp nhắc lại lời khấn 2022