Vài nét chân dung người nữ tu Mân Côi

VÀI NÉT CHÂN DUNG NGƯỜI NỮ TU MÂN CÔI

 Hôm nay, tôi mạo muội vẽ lên một vài nét trong bức chân dung người nữ tu Mân Côi. Nói là mạo muội bởi lẽ tôi biết nét vẽ của tôi sẽ không hoàn mỹ, và cũng chẳng thể nào lột tả được những nét vẽ bằng ngôn từ. Thế nhưng, tôi biết mình vẽ bằng những nét rất thật mà tôi đã bắt gặp trong cuộc sống và nơi những con người mà tôi đã từng gặp gỡ, tiếp xúc và cùng sống với. Đó là những người bà, người mẹ, người chị, người bạn, người em, và họ là những người thầy của tôi trong Hội Dòng, bởi chính nơi họ tôi đã học và cố gắng để hoàn thiện chân dung người nữ tu của mình, chân dung người Nữ tu Mân Côi.

SỰ NHẪN NẠI, HIỀN HÒA

Nét chân dung đầu tiên mà tôi muốn vẽ lên đó là sự nhẫn nại, hiền hòa. Tôi đã từng ngỡ rằng, thật là vui và dễ dàng khi chơi hay dạy trẻ con; tuy nhiên, chính khi bắt tay vào việc tôi mới ngộ ra – vui thì có đấy, nhưng dễ dàng thì chưa chắc. Và trong môi trường giáo dục các em bé này, tôi đã nhận ra nét đẹp hiền hòa, nhẫn nại nơi những người con Mẹ Mân Côi.

Rồi khi được sống cùng, được làm việc và tiếp xúc, nhất là với các bà, các chị hưu dưỡng, các chị đau bệnh, tôi đã khám phá ra sự cao đẹp của nhân đức này. Quả thật, sự nhẫn nại mà đôi khi trong cuộc sống được biểu lộ bằng một sự nhẫn nhịn, một sự im lặng làm ngơ thì không có chút gì là biểu hiện một sự đành chịu, buông xuôi, càng không phải là thái độ của một người yếu thế, không biết gì. Trái lại, tôi đã đọc thấy nơi đó một sự dẻo dai của đức tin, một sự trung kiên của đức cậy và một lòng yêu mến cao độ. Bởi sự nhẫn nại không bao giờ đi một mình, nhưng luôn có bạn đồng hành là sự hiền hòa, không lớn tiếng, không nổi trận lôi đình, không tố cáo cũng chẳng kết án bao giờ.

Tôi vẫn không quên được những ngày đầu vào Đệ Tử Viện; tôi lơ ngơ lóng ngóng và đem theo bao nhiêu là “thói thế gian” vào sống trong nhà Dòng; tôi cũng đã phạm biết bao nhiêu lỗi… Thế nhưng, thay vì phải chịu những hình phạt, những lời quở trách nặng nề, hay ít ra cũng là một ánh nhìn, một giọng nói thật nghiêm nghị để răn đe như tôi tưởng, nhưng tôi đã nhận được những lời chỉ dạy để sửa sai với một thái độ hiền hòa, yêu thương… Và những điều đó tôi vẫn còn tiếp tục nhận được hôm nay, một sự tha thứ đầy cảm thông và tình thương. Tôi tự hỏi – Làm sao những chị em của tôi đã sống được điều ấy? Và tôi đã hiểu khi biết rằng, với khẩu hiệu “hết lòng nhẫn nhục và tận tâm giáo huấn ”, cha của chúng tôi đã sống đức nhẫn nhục hiền hòa thuần thục đến mức trở nên như máu thịt, và cha đã dạy cho con cái sống nhân đức anh hùng ấy.

SỰ VUI VẺ

Rất nhiều người nói với tôi về một nét đẹp nơi hình ảnh người Nữ tu Mân Côi, đó là sự Vui Vẻ. Với họ, đó có thể là một điều mà chúng tôi cùng nhau tập luyện để trở nên nét đặc trưng của riêng mình. Thế nhưng với những ai biết một chút về gia phả, về lịch sử chào đời của chúng tôi, họ phải công nhận rằng, vui vẻ là “gen” mà chúng tôi được thừa hưởng từ nơi người cha của mình. Quả thật, giữa hoàn cảnh vô cùng khó khăn, giữa những hiểu lầm, cha đã làm gương cho chúng tôi trong thái độ đón nhận những nghịch cảnh – đó là sự vui vẻ! cha đã in đậm nét vui vẻ của cha nơi chân dung của những người con ngay từ những ngày đầu chập chững vào đời, để rồi nét đẹp đó thực sự được ghi dấu qua bao thế hệ. Không đơn giản là một sự xuề xòa, dễ dàng bỏ qua mọi chuyện, cũng không phải là “một sự vui rộn ràng”, nhưng “gen” vui vẻ mà cha truyền lại cho con cái được biểu lộ qua một thái độ nội tâm, “một tâm hồn vô tội, ngay lành và bình an, kính mến Chúa” (GSD 1, tr. 372).

MỘT NỖ LỰC NÊN THÁNH

Không có ước mơ nào vừa hết sức thiết thực nhưng cũng vừa thật viển vông như ước mơ nên thánh. Nó thực tế bởi đó là lời mời gọi của Thiên Chúa (Mt 5, 48) và là mục đích mà Đức cha Tổ Phụ đã hướng cho con cái mình: “Vào nhà Dòng là để nên thánh”. Và ước mơ ấy cũng thật xa vời khi so với sức yếu mọn của con người, cho dù họ có là Kitô hữu và là một nữ tu đã được thánh hiến. Thế nhưng, trong cái dường như không thể đối với con người đó, tôi đã nhận ra một nỗ lực bền bỉ hướng đến sự hoàn thiện nơi các chị em: Một sự cố gắng vươn lên khi không cho phép mình chịu thua trước những giới hạn hay yếu đuối của bản thân. Tôi đã từng nhận được những lời thật cảm động khi đến xin lỗi một chị: Không có ai sai lỗi một mình – chị nói – chị cũng có lỗi, chị đang định đi xin lỗi em. Biết đâu ít bữa nữa chị em mình cũng lại sai lỗi thế này… Chúng ta là những con người thật yếu đuối, nhưng chúng ta sẽ cố gắng sửa đổi mỗi ngày một chút để mình sống tốt hơn, đúng chất người nữ tu hơn.

Vâng, nên thánh thì không có nghĩa đã “là” thánh, vì thế việc còn mắc lỗi lầm, còn sa đi ngã lại với những yếu đuối là điều không thể tránh. Điều quan trọng là tôi đã thấy những ước muốn vươn tới một đời sống thánh thiện, yêu mến Chúa như tâm tình của một chị em: Cho dù mình có tội lỗi thế nào, thấy mình chẳng xứng đáng, thế nhưng chỉ cần một ước muốn nhỏ nhoi yêu mến Chúa thôi, thì Chúa đã cầm tay kéo mình đứng lên sau mỗi lần sa ngã, để mình lại có thể tiến bước đi theo Chúa. Quả là một kinh nghiệm tuyệt vời cho những ai biết luôn luôn giữ cho mình một thao thức vươn tới một đời sống thánh thiện, bất chấp cái thực tế về con người yếu đuối và đầy giới hạn của mình. Và tôi nghĩ, chính gương sống thánh thiện và lời dạy của Đức cha Tổ Phụ đã khích lệ các con cái mình không bao giờ từ bỏ ước mơ nên thánh, rằng “ngay từ khi mới ở nhà Dòng, hãy thúc giục mình nên thánh” (GSD 1, tr. 336).

Một vài nét vẽ chẳng thể làm nên bức chân dung hoàn chỉnh. Biết đâu sẽ có ai đó không đồng ý. Họ muốn nói với tôi về một bức chân dung khác đẹp hơn, hoặc thậm chí họ có thể đưa ra một bức chân dung hoàn toàn trái ngược với những gì tôi đã vẽ. Điều đó không thật sự quan trọng. Tôi muốn vẽ là để bày tỏ lòng biết ơn của mình và để nói lên lòng tự hào về những nét đẹp trên khuôn mặt của những người Con Mẹ Mân Côi mà tôi và mọi người trong Gia Đình Hội Dòng tôi đã được thừa hưởng từ Đấng Sinh Thành, từ thế hệ các bà và các chị; những vị tiền bối này đã đi trước, đã xây đắp, vun trồng và bảo vệ giữ gìn, hầu có thể truyền lại cho chúng tôi gia sản quý báu. Và khi vẽ lên những nét đẹp ấy, cũng là lúc tôi muốn tự vấn mình rằng, trong chân dung cuộc đời người nữ tu Mân Côi của mình, tôi đang có những điểm nào? Khi nhìn vào tôi, người ta có nhận ra tôi là con cái nhà ai không? Tôi giống cha, giống các chị em của tôi được bao nhiêu phần trăm? Vì “con nhà tông không giống lông thì cũng phải giống cánh” chứ!

M. Paul KIỀU THU, FMSR

About dongmancoichihoavn

Check Also

khám phá và chữa lành bản thân của mình... “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con”

Trả lời