Đời sống cộng đoàn, trường dạy sự thánh thiện

TINH THẦN SỐNG THÁNG 04-2018

Suy nghĩ về sự có mặt của những người khác trong cuộc sống của mình, Triết gia Jean Paul Sartre nói, và lý luận để chứng minh : “Tha nhân là địa ngục”…

Thế mà tác giả Thánh vịnh 132 lại cảm nhận :

“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay

Anh chị em được sống sum vầy bên nhau”

Trong thực tế “không ai là một hòn đảo” (Ngạn ngữ Anh, Thomas Merton dùng làm nhan đề một các phẩm), vì hiển nhiên chẳng có người nào sống sót được, nếu không liên đới, tương quan với người khác, và mọi việc cá nhân làm đều có ảnh hưởng ít nhiều đến người khác.

Còn chúng ta, những người đang sống trong cộng đoàn, chắc hẳn mỗi người chúng ta đều có một kinh nghiệm nào đó, nhiều khi rất ngọt ngào, và đôi khi cũng cảm thấy có chút xót xa, cay đắng? Vậy liệu chúng ta có thể tin tưởng, nhờ và qua đời sống cộng đoàn, giúp chúng ta sống thánh thiện như Chúa muốn và như ơn gọi Thánh Hiến nhắm đến không?

Đề tài này rộng bao la, nhưng theo yêu cầu và trong giới hạn thời gian chung của cộng đoàn, chúng ta không nhằm trình bày lý thuyết về đề tài, nhưng chú trọng đến phần nào thực hành cụ thể.

  1. SỐNG CỘNG ĐOÀN LÀ Ý CỦA CHÚA GIÊSU KHI THIẾT LẬP GIÁO HỘI

Thiên Chúa, vì yêu thương  con người đã thiết lập Hội Thánh, làm phương tiện giúp cho mọi người nhận biết Thiên Chúa, và qua Giáo hội đón nhận sự sống Chúa ban (GLCG…)

Chúa Giêsu đã bắt đầu Hội Thánh của Ngài bằng việc rao giảng Tin mừng, chọn gọi, quy tụ và huấn luyện nhóm nòng cốt gồm 12 vị tông đồ và sai các ông “Hãy đi giảng dạy cho mọi dân tộc, rửa tội cho họ.” (Mt 28,19). Sau ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã xuống trên các Tông Đồ. Phêrô đứng lên rao giảng về ơn cứu độ của Chúa Giêsu (Cv 2, 22-36), các Tông đồ ra đi làm chứng cho Tin Mừng mà họ đã lãnh nhận, nhiều người tin và chịu Thánh Tẩy (Cv 2, 37-47). Như vậy, khởi đầu từ nhóm 12 Tông Đồ, Giáo Hội đã thành hình khi tập họp những người cùng “Một niềm tin vào Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa” (Cv 8,37), cùng sống theo một giáo lý, một tâm tình cầu nguyện ca ngợi Thiên Chúa.

Có thể nói, các cộng đoàn dòng tu cũng được thành hình theo mô hình Giáo Hội. Khởi đi từ cùng một đức tin, cùng một lý tưởng theo Chúa Kitô trên đường trọn lành và theo cùng một linh đạo, các cộng đoàn tu trì được thiết lập để sống chung với nhau và thi hành cùng một sứ vụ.

  1. SỐNG CỘNG ĐOÀN LÀ BẢN CHẤT CỦA ĐỜI TU MÂN CÔI

Hiến luật dòng số 28.2 : Mỗi chị em Mân Côi đều sống trong một cộng đoàn của dòng được thiết lập hợp pháp, dưới quyền chị phụ trách cộng đoàn.

Như thế, sống cộng đoàn là nét đặc trưng của đời tu Mân Côi. Mỗi người chúng ta đều có một nơi để  thuộc về, một cộng đoàn để chia sẻ, cộng tác và thi hành sứ vụ được trao. Cộng đoàn ấy vừa có tính tự nhiên là nơi quy tụ những con người, vừa có tính thiêng liêng vì cộng đoàn gồm những con người cùng chung một niềm tin, cùng chung một lý tưởng. Hơn nữa, cộng đoàn chị em được mời gọi sống yêu thương, hiệp nhất, để tham dự vào mầu nhiệm tình yêu Ba Ngôi. “Đời sống cộng đoàn của chị em Mân Côi bắt nguồn từ sự hiệp thông tuyệt diệu của Ba Ngôi Thiên Chúa” (HL. 28.1)

Nét đặc trưng của cộng đoàn được thể hiện cách cụ thể qua đời sống yêu thương hiệp nhất, và đó cũng là dấu chỉ của người môn đệ của Đức Kitô (x. Ga 13, 35). Khi sống yêu thương hiệp nhất thì cộng đoàn chúng ta đã phát triển hết tất cả sự phong phú của mình. Thật vậy, khi ấy cộng đoàn sẽ không là cộng đoàn thuần túy nhân loại, không là một thực tại tầm thường nhưng mang tính thiêng liêng vì cộng đoàn ấy được tham dự vào mầu nhiệm tình yêu Ba Ngôi. Tuy nhiên, để có thể xây dựng cộng đoàn hiệp nhất, yêu thương, chúng ta cần nỗ lực tìm kiếm với thành tâm thiện chí, muốn tiến tới mẫu gương hoàn hảo, tròn đầy như Ba Ngôi Thiên Chúa luôn hướng về nhau.

Cộng đoàn là nơi chúng ta phát triển nhân cách đầy đủ của chúng ta. Triết gia Martin Buber cho rằng hiện hữu chân thực của mỗi người chỉ đạt được khi có một tương quan nghiêm túc với người khác. Thật vậy, nhờ sự hiện diện của người khác, chúng ta nhận ra sự hiện hữu của chính mình, và nhờ sự có mặt của chị em trong cộng đoàn, từng người chúng ta mới học biết cách cho và nhận. Chính trong cộng đoàn và qua cộng đoàn là nơi Chúa muốn mỗi người chúng ta nên thánh. Chúng ta vẫn thường hay nói “được đặt ở đâu chúng ta hãy nở hoa ở đó”.

Có lẽ hữu ích khi nhắc lại  rằng : để nuôi dưỡng sự hiệp  thông tâm trí giữa những người  được gọi chung sống trong một cộng  đoàn, nhất thiết phải trau dồi những  đức tính cần có trong tất cả  các mối quan hệ nhân bản : sự kính  trọng, lòng tốt, sự chân thành,  tự kiềm chế, lịch thiệp, biết khôi  hài và tinh thần chia sẻ. (Đời sống huynh đệ cộng đoàn, số 27)

  1. CỘNG ĐOÀN LÀ TRƯỜNG DẠY CHÚNG TA NÊN THÁNH
  2. Những ơn ích thiêng liêng chúng ta nhận trong và qua cộng đoàn :

Trong Văn kiện “Đời sống huynh đệ cộng đoàn”, số 7 nói rất rõ: Cộng đoàn tu trì là một hồng ân của Chúa Thánh Thần,  trong đó mọi người quy tụ với nhau nhân danh Chúa, trở nên anh chị em với nhau để cùng thực thi một sứ vụ .

Như vậy, cộng đoàn là nơi chúng ta có cơ hội sống cảm thức thuộc về cách trọn vẹn: ta thuộc về cộng đoàn và cộng đoàn thuộc về ta. Sự thuộc về này mang tính thuộc linh, được đặt trên nền tảng đức tin, tin rằng chính Chúa Giêsu đã gọi đích danh từng người để chúng ta sống hiệp thông với Chúa và với nhau. Tính thuộc về nhắc nhở ta phải tâm đầu ý hợp trong từng nhịp sống của cộng đoàn. Chẳng hạn như: chiều kích cộng đoàn của việc cầu nguyện, chiều kích cộng đoàn của việc giữ kỷ luật, chiều kích cộng đoàn của việc sống 3 lời khuyên Phúc âm, chiều kích cộng đoàn của việc thực thi sứ vụ, chiều kích cộng đoàn trong tương quan với từng thành viên… và thậm chí, có cả chiều kích cộng đoàn của việc vui chơi giải trí. Tất cả đều nhắm đến một mục đích là giúp ta nên thánh trong ơn gọi tận hiến Mân Côi.

  1. Cộng đoàn là nơi cùng giúp nhau nên thánh

Chúng ta được nâng đỡ khi yếu đuối, và lấy lại nhiệt huyết khi chán nản, nhờ những gương sáng trong cộng đoàn. Bên cạnh đó, những vấp váp của người khác trong cộng đoàn, chúng ta quen gọi là gương mù, cũng là lợi điểm giúp chúng ta nên thánh hằng ngày, vì  “Thiên Chúa làm cho mọi sự sinh ích lợi cho những ai yêu mến Người” (Rm. 8, 28).

Số 26, trong “Đời sống huynh đệ cộng đoàn” có nói: “Lý tưởng cộng đoàn không  được làm chúng ta mù quáng trước  sự kiện này là mọi thực tại  Ki-tô giáo được xây dựng  trên sự mỏng manh yếu đuối của  con người. Chưa có ”một cộng đoàn  lý tưởng”,  sự hiệp thông hoàn  hảo của các thánh là mục tiêu của  chúng ta ở Giê-ru-sa-lem trên trời. Thời của chúng ta bây giờ là  thời khởi công và kiên trì xây  dựng. Chúng ta luôn luôn có thể  cải thiện và cùng nhau đi tới một  cộng đoàn khả dĩ sống trong tha thứ  và yêu thương. Các cộng đoàn  không thể tránh được hết mọi  xung đột va chạm. Sự hiệp nhất mà  chúng ta phải xây dựng là sự  hiệp nhất được thiết lập bằng  cái giá của sự hoà giải.  Sự bất toàn trong cộng đoàn không  được làm chúng ta nản chí”.

Thật vậy, nếu chúng ta mong tìm kiếm một cộng đoàn hoàn hảo trong đời tu, thì đó là dấu hiệu chúng ta đang sống trong thế giới ảo. Thế giới thực của chúng ta là không ai hoàn hảo ngoài mình Chúa. Do vậy, việc mở lòng thông cảm cho những yếu đuối của chị em, giúp chị em thoát khỏi tình trạng yếu đuối, và dùng chính những kinh nghiệm yếu đuối của chị em như kinh nghiệm ân sủng soi sáng cho bản thân trong tiến trình nên thánh sẽ giúp cho cuộc sống của chúng ta trở nên nhẹ nhàng. Làm được như thế, tâm hồn chúng ta được thanh thản, bình an, và trong cộng đoàn chúng ta đang thuộc về, sẽ không một ai bị loại trừ trên con đường nên thánh.  Điều này Đức Cha Tổ phụ cũng căn dặn: “Con hãy có lòng kính hết các chị em con, vì họ đều là linh hồn Chúa yêu thương riêng và kén chọn trong muôn vàn kẻ khác, để làm bạn nghĩa thiết của Chúa Giêsu. Dầu họ có mang nết xấu thì Chúa cũng gọi làm thánh trên thiên đàng như con. (GS I, tr.419)

  1. Đời sống cộng đoàn là cơ hội để chúng ta nên thánh

Cộng đoàn tu trì là “Trường dạy yêu mến” giúp con người lớn lên trong tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với anh chị em, nên cũng là nơi cho con người được triển nở (Đời sống huynh đệ cộng đoàn, số 35). Chúng ta vẫn nói “trăm người, trăm tính”, cộng đoàn có bao nhiêu người là bấy nhiêu tính cách khác nhau. Mấu chốt nên thánh của chúng ta nằm ở chỗ làm sao trong cái rất khác biệt ấy, chúng ta sống được như lời khuyên của thánh Phaolô:  “không có sự chia rẽ trong thân thể, trái lại, các bộ phận đều lo lắng cho nhau” (1Cr 12,25). Hoặc như lời khuyên của vị cha chung: “Sự hiệp nhất và đa dạng kết hợp với nhau thành sự phong phú. Mỗi người mang những gì Thiên Chúa đã ban cho riêng mình để làm cho người khác trở nên phong phú… cộng đoàn như một dàn nhạc trong đó tất cả cùng chơi chung với nhau trong sự hòa hợp nhưng âm sắc của mỗi nhạc cụ không bị xóa bỏ mà trái lại đặc tính riêng của từng nhạc cụ sẽ đạt đến mức tối đa” (ĐGH Phanxicô, Yết kiến chung, ngày 09/10/2013). Ước mong tất cả những khác biệt sẽ được gói ghém chung trong một Tình Yêu, làm động lực thúc đẩy cộng đoàn chúng ta trở nên mảnh đất thuận tiện cho sự lớn lên của từng chị em Mân Côi trong hành trình nên thánh.

  1. GỢI Ý THỰC HÀNH
  • Trong cầu nguyện, chúng ta được soi mình vào Lời Chúa, lắng nghe Chúa dạy những điều cụ thể, và nếu quảng đại làm theo những gợi ý của Chúa, chúng ta sẽ dần được biến đổi nên giống Chúa hơn. Chúng ta sẽ được chia sẻ sự thánh thiện của Chúa.
  • Ngoài ra, nhờ cộng đoàn chúng ta cũng nhận biết bản thân, và chị em có thể giúp nhau nên thánh mỗi ngày một hơn, qua việc chị em góp ý cho nhau cách chân thành. Điều này đòi hỏi mỗi người chúng ta khiêm tốn thật trong lòng mới mang lại kết quả.
  • Chúng ta cùng tham khảo và thực hành theo gợi ý của cha Micae Trần Minh Huy, PSS. Để nhờ qua những xung khắc trong cộng đoàn, chúng ta tập luyện để mạnh mẽ hơn, nên thánh hơn.

 Tiến trình bốn bước tâm lý và thiêng liêng để vượt lên xung đột

Trong cuộc sống, đã có chung thì thế nào cũng có đụng, và có đụng thì hẳn phải có đau. Chúng ta sẽ dùng tiến trình bốn bước tâm lý và thiêng liêng để giải quyết các nỗi đau do người khác gây ra cho mình hầu giữ tâm hồn bình an thanh thản:

  1. Coi Người Khác Là Vô Ý:Lấy ý ngay lành mà nghĩ rằng họ vô ý, chẳng hạn nếu ai dẫm phải chân chúng ta rất đau, nhưng họ bảo rằng ‘Xin Lỗi, tôi vô ý’ thì chúng ta sẽ dễ dàng tha thứ bỏ qua. Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta bài học từ trên thập giá: Lạy Cha, xin Cha tha cho họ, vì họ lầm chẳng biết. Ngài xin Chúa Cha tha thứ và còn biện hộ cho những kẻ làm khổ và giết Ngài.
  2. Coi Người Khác Là Cố Ý:Với tất cả lý luận sắc bén, chúng ta chứng minh được rằng họ cố ý, thì làm sao giải quyết nỗi bực mình? Thưa, với người cố ý này, chúng ta hãy coi họ là nạn nhân của chính ác tâm của họ. Đối với nạn nhân, chúng ta thường thương hại. Và khi thương hại ai thì tâm lý chúng ta cảm nhận là chúng ta ở trên nạn nhân, đồng thời có thể coi thường họ, thậm chí coi khinh họ, dù họ là ai đi nữa! Với cảm nhận đó, nỗi đau của chúng ta như thể được xoa dịu, tâm lý chúng ta được giải tỏa, bù đắp. Xin nhớ đây là vấn đề tâm lý, không phải vấn đề thiêng liêng hay quyền bính gì cả mà ngại, và chúng ta chỉ giải quyết trong lòng mình, chứ đâu có tỏ thái độ ra bên ngoài với ai đâu. Nếu lẫn lộn hai lãnh vực này thì không những tâm lý không giải quyết được gì, mà có thể bị mặc cảm vô phép, hoặc có lỗi dày vò ray rứt.
  3. Nghĩ Đến Việc Tốt Chúa Làm Cho Mình:Sang bước thứ ba là hãy nghĩ tới điều tốt nhất Chúa làm cho chúng ta. Chúa đã nói rõ rằng mọi sợi tóc trên đầu chúng ta đều được đếm cả rồi, thậm chí mỗi sợi tóc chúng ta rụng xuống Chúa cũng biết. Vậy thì chuyện ai đó bất công làm chúng ta bị tổn thương đau khổ sẽ quá lớn so với chuyện một sợi tóc rụng, lẽ nào Chúa không biết? Chúa biết mà Chúa vẫn để xảy ra như vậy, tại sao? Thánh Phaolô dạy rằng Chúa luôn biến mọi sự nên tốt cho những ai yêu mến Chúa. Chúa chịu trách nhiệm về mọi việc Chúa làm, và trong tất cả mọi việc Chúa làm, Chúa đều nhắm cái gì đó tốt đẹp nhất cho chúng ta, dù bây giờ chúng ta chưa có thể biết được nó tốt đẹp như thế nào cả. Nhưng tin vào sự thượng trí và tình thương vô hạn của Chúa, chúng ta cảm tạ Chúa về những gì Chúa để cho xảy ra đó, và chúng ta sẽ không còn buồn giận hay căng thẳng nữa, trái lại lòng chúng ta sẽ cảm thấy bằng an, thanh thản.
  4. Có Lòng Biết Ơn Đối Với Người Gây Ra Đau Khổ Cho Chúng Ta:Chúa có thể trực tiếp làm điều tốt nhất ấy cho chúng ta, nhưng có thể Ngài dùng qua trung gian người đó. Quyền năng Chúa có thể biến đổi điều xấu thành điều tốt, rút ra cái tốt từ cái xấu. Như thế người làm cho chúng ta bị tổn thương ấy trở thành dụng cụ để Chúa thực hiện điều tốt nhất cho chúng ta, và chúng ta phải có lòng biết ơn đối với người đó. Ví dụ người thân chúng ta ở xa nhờ người mang lại cho chúng ta một món quà, chúng ta biết ơn người thân cho quà lẫn người mang quà đến. Cũng thế, chúng ta biết ơn Chúa và biết ơn người Chúa dùng để làm điều tốt nhất cho chúng ta. Từ cảm giác buồn giận hay đau khổ đi đến lòng biết ơn, vấn đề không còn đè nặng nữa, mà lòng chúng ta sẽ trở nên thanh thản, bình an và nỗi đau hay xung đột đã được giải quyết: “Chúng ta đón nhận điều lành từ tay Thiên Chúa, còn điều dữ lại không biết đón nhận sao?” (G 2,10).

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể nghĩ cách tích cực về nỗi khổ bất công ấy là cơ hội và phương thế Chúa cho chúng ta đền phần tội của mình mà cảm tạ Chúa và biết ơn người gây đau khổ.

Xin Chúa chúc lành và soi sáng cho chúng ta hiểu và vận dụng đúng tiến trình bốn bước này, mà hai bước đầu có tính cách tâm lý, còn hai bước sau có tính cách thiêng liêng hơn, không lẫn lộn nhưng phối hợp các bước này giúp chúng ta giải quyết được xung đột và có được tâm hồn nhẹ nhàng, thanh thản, bình an và hạnh phúc trong cuộc sống. Chúng ta hãy có cái nhìn tích cực về cộng đoàn đôi khi có xung đột của chúng ta như ĐTC Phanxicô nhìn về Giáo Hội: “Có đúng thật là cùng nhau bước đi đòi hỏi dấn thân và đôi khi có thể gây mệt nhọc: có thể xảy ra là vài anh chị em gây vấn đề cho chúng ta hay làm gương mù gương xấu cho chúng ta… Nhưng Chúa đã tín thác sứ điệp cứu độ cho những con người, cho tất cả chúng ta, cho các nhân chứng và chính trong các anh chị em của chúng ta với các ơn và các hạn hẹp của họ, Chúa đến gặp gỡ chúng ta và làm cho chúng ta nhận biết Người” (ĐTC Phanxicô nói trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 25/6/2014)

Chúng ta có thể ví cách hành động của Chúa Giêsu như tác dụng của một thiết bị lọc nước. Thiết bị lọc nước giữ những thứ không sạch lại và cho chúng ta dòng nước tinh sạch. Ngài đã lấy đi tội của chúng ta, biến đổi chúng và mang lại ơn cứu độ; Ngài đón lấy hận thù, biến đổi nó và mang lại tình yêu; Ngài đón lấy ghen tương đố kỵ, biến đổi nó và mang lại sự nâng đỡ; Ngài đón lấy phẫn uất, biến đổi nó và mang lại thương cảm; Ngài đón lấy nhục hình, biến đổi nó và đem lại tha thứ. Đó là mẫu gương cho chúng ta trong việc xử lý căng thẳng và phẫn uất bằng cách chấp nhận, biến đổi và đẩy chúng ra khỏi đời sống chúng ta. Chúng ta không chỉ ngưỡng mộ những gì Chúa Giêsu đã làm, mà phải bắt chước những gì Ngài làm và phải làm như thế.

Têrêsa Đinh Thị Nụ, Fmsr

 

 

 

About dongmancoichihoavn

Check Also

Kiên trì tiến tới đích điểm đời tu Mân Côi

Chúa không đòi chúng ta phải thành công, Người chỉ đòi chúng ta trung thành và kiên trì bước đi...

Để lại một bình luận