Ba lời khuyên Phúc Âm: con đường đưa đến sự thánh thiện

Chủ đề sống Tháng 5/2018

Chúng ta biết rằng ơn gọi lớn nhất, cao cả nhất của các Kitô hữu là nên thánh, chính Chúa Giêsu đã mời gọi tất cả các Kitô hữu: Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện[1]. Công Đồng Vatican II cũng lập lại ý tưởng đó: “Mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường riêng của mỗi người Sự thánh thiện ấy “được diễn tả nơi từng người dưới nhiều hình thức khác biệt, và mỗi người cố đạt tới đức ái trọn hảo tức là sự thánh thiện và xây dựng tha nhân tùy bậc sống của mình[2].

Như vậy có nhiều phương cách thực hành sự thánh thiện, nhưng ơn gọi thánh hiến với các lời khuyên Phúc Âm: Khiết tịnh, Nghèo khó và Vâng phục vẫn được xem như việc thực hành mang lại cho thế giới một bằng chứng và một mẫu gương về sự thánh thiện của Giáo Hội. Theo nghĩa triệt để, ơn gọi thánh hiến cũng thể hiện một nét phác họa hình ảnh về cuộc sống mai hậu, nơi mà mọi ý hướng và khát vọng cá nhân hay cộng đoàn đều quy chiếu về Thiên Chúa, Đấng là khởi nguyên và cùng tận của mọi sự. Quả thật, ba lời khuyên Phúc Âm chính là con đường đưa đến sự thánh thiện.

  1. Có nhiều con đường nên thánh

Thánh nữ Têrêsa Lisieux đã xác định: “Chúa mở ra trước mắt con quyển sách thiên nhiên là phong cảnh trời đất. Ngắm cảnh thiên nhiên, con nhận thấy rằng tất cả những hoa Chúa dựng nên đều xinh đẹp hết, mầu hồng hoa Mân côi và sắc trắng phau phau hoa huệ không át được mùi thơm hoa má tím, cũng không làm mất vẻ đơn sơ xinh tươi hoa cúc tây. Phải rồi, nếu tất cả những hoa li ti ấy lại muốn làm hoa hồng cả, thì cảnh thiên nhiên sẽ mất vẻ đẹp lý thú mùa xuân, các cánh đồng sẽ chẳng còn muôn hoa rực rỡ nở.

Ấy cảnh trời thiêng liêng của giới linh hồn cũng thế. Trong khu vườn cuộc sống này, Chúa dựng nên những vị đại thánh để sánh với hoa huệ, hoa hồng. Chúa lại dựng nên những thánh nhỏ, giống như hoa cúc đơn, hoa má tía để Chúa vui lòng lúc nhìn xuống chân thấy cảnh trời đất tưng bừng đẹp đẽ… Hoa nào càng vui theo thánh ý Chúa, càng nên trọn lành tốt đẹp”[3].

Chúng ta cũng nhận thấy trong vườn hoa của Giáo Hội có nhiều vị thánh và mỗi người nên thánh một cách khác nhau, theo con đường khác nhau.

Nếu chúng ta sống ở Galilê, đời Hêrôđê hay Augustô, chắc một buổi chiều nào đó, chúng ta đã gặp người thợ khoác tấm áo mầu nâu nhạt, đang trên đường trở về nhà. Đó là Giuse Nagiarét.

Nếu chúng ta sống gần biển hồ Tibêria, chúng ta đã thấy những bác ngư phủ vá lưới, bàn tán về mẻ lưới hôm truớc, giữa mùa cá. Đó là Phêrô và Anrê.

Nếu chúng ta sống ở Corinthô dưới đời trấn thủ Gallion, chúng ta đã gặp một người Do thái, mảnh khảnh làm nghề dệt bạt. Đó là Saolô hay còn gọi là Phaolô thành Tácsô.

Chắc hẳn chúng ta đã thấy ở Roma, thời tổng trấn Diôclêtianô, hai y sĩ sinh đôi mới ở Ả rập tới, đang đi tìm khách hàng. Đó là Cosma và Đamianô.

Nếu chúng ta sống ở miền Bắc nước Ý vào thế kỷ 16, hẳn chúng ta đã gặp thấy một thanh niên con nhà quyền quý rất đơn giản và chăm chỉ. Đó là Lu-y Gonzaga.

Nếu những lúc đó người ta bảo chúng ta: Họ sẽ là Thánh đấy, chúng ta có tin không?

Như thế mà là thánh: một bác thợ, một dân chài, một y sĩ, một thư sinh… nhưng họ đã được Chúa Thánh Thần biến đổi và họ đã để cho Ngài hướng dẫn trở nên thánh. Chúng ta đều có thể nên thánh, và đừng quên rằng chúng ta PHẢI nên thánh nữa![4]

Rồi còn biết bao nhiêu thánh hiển tu, những vị thánh đã đi theo con đường ba lời khuyên Phúc Âm, đặc biệt các thánh tổ phụ lập dòng: thánh Biển Đức, thánh Đaminh, thánh Phanxicô Assisi, thánh Gioan Thiên Chúa, thánh Ignatiô Loyola, thánh Gioan Bosco, thánh Alphongso… Rồi các thánh tu dòng: thánh Catharina Siena, thánh Rosa Lima, thánh Têrêsa Avila, thánh Têrêsa Lisieux, thánh Têrêsa Calcutta, thánh Phanxicô Xavier, thánh Martin Porres, thánh Đaminh Savio…

Nói cho cùng, không chỉ những vị thánh tu dòng mà tất cả các vị thánh dù trong bậc sống nào cũng đều đi vào con đường hoàn thiện, con đường của ba lời khuyên Phúc Âm, một cách minh nhiên hay mặc nhiên, như một phương tiện để nên thánh. Điều đó cho ta thấy ba lời khuyên Phúc Âm chính là con đường đưa đến sự thánh thiện mà chính Chúa Kitô đã khai mở, đã sống và mời gọi chúng ta bước theo để nên hoàn thiện như Cha trên trời.

  1. Con đường nên thánh qua 3 lời khuyên Phúc Âm

Khi người thanh niên giầu có đến hỏi Chúa Giêsu về điều kiện để được Nước Trời làm cơ nghiệp, anh đã nhận được một bản liệt kê các điều luật… mà các điều luật đó anh vẫn hằng tuân giữ. Vì thế, Chúa Giêsu mời gọi anh tiến xa hơn: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi[5]. Như vậy sự trọn lành thánh thiện phải vượt xa hơn việc tuân giữ các điều luật. Nó hệ tại từ bỏ tất cả, thực thi đức ái, và bước đi theo Chúa Giêsu.

Theo nghĩa trên, con đường của các lời khuyên Phúc Âm chính là “con đường trọn lành”, và những người sống đời thánh hiến là những người sống “bậc trọn lành”. Dĩ nhiên con đường trọn lành đây được hiểu về sự trọn lành cần phải đạt tới, chứ không hiểu về sự trọn lành đã đạt được rồi. Thánh Tôma Aquinô giải thích rõ ràng: Những ai cam kết thực hành các lời khuyên Phúc Âm thì không hề tự hào rằng mình đã chiếm hữu được sự trọn lành, mà là đang bước đi trên con đường trọn lành. Họ nhận biết mình là tội nhân, những tội nhân được cứu độ. Họ cảm nhận và được kêu gọi cách rõ ràng hơn phải tiến tới sự trọn lành thánh thiện.

Ngoài ra, trong tất cả mọi biểu hiện của sự thánh thiện, thì đức ái hay tình yêu đích thực là quan trọng nhất. “Đức ái chi phối mọi phương thế nên thánh, là linh hồn của những phương thế ấy và đưa chúng đến cùng đích”[6]. Thực vậy, đối tượng của sự thánh thiện là Đức Ái mà đời sống thánh hiến được Giáo Hội gọi tên là “Đức Ái Trọn Hảo”. Như vậy đời sống “Đức Ái Trọn Hảo” qua việc khấn giữ 3 lời khuyên Phúc Âm: Khiết tịnh, Nghèo khó và Vâng phục, là con đường dẫn đưa tu sĩ bước theo sát Chúa Kitô hơn, đến gần với Thiên Chúa, nguồn mạch sự thánh thiện hơn.

  1. Nội dung “Ba lời khuyên Phúc Âm”

Việc hiến thân triệt để cho Thiên Chúa qua ba lời khấn nhắm vào việc tái tạo con người trong sự tự do của Tin Mừng. Hành động này giải phóng con tim[7], và làm cho tu sĩ có khả năng thực thi Đức Ái Trọn Hảo đối với Thiên Chúa và tha nhân.

1) Khiết Tịnh

Đời sống thánh hiến, đặc biệt lời khấn Khiết tịnh là dấu chỉ sự thánh thiện của Giáo Hội, vì thế tu sĩ cần phải cam kết hướng đến sự thánh thiện hơn mãi, điều này đòi buộc phải có một chọn lựa dứt khoát: thuộc về Thiên Chúa mãi mãi, Người phải là đối tượng duy nhất và tuyệt đối. Tu sĩ phải luôn lựa chọn lại mỗi ngày để trung thành với Giao ước Tình yêu mà họ đã cam kết. Từ đó giúp họ đạt tới niềm vui Vượt qua, một niềm vui Phục sinh với Đức Kitô. Họ quên đi mọi chuyện đã qua để lao mình về phía trước. Nhờ đó họ có được sự tự do thiêng liêng. “Quả vậy, từ cấp độ thâm sâu nhất của hữu thể họ, những người tận hiến được gắn chặt vào đời sống năng động của Giáo Hội, một Giáo Hội khao khát Thiên Chúa tuyệt đối và được mời gọi nên thánh. Chính họ đang làm chứng về sự thánh thiện ấy”[8].

Đối với chị em Mân Côi, “Đời sống Khiết tịnh là một ân huệ cao quý Thiên Chúa ban, nhằm giải thoát tâm hồn và thanh luyện con tim khỏi mọi ràng buộc, để yêu mến Thiên Chúa và tha nhân cách trọn vẹn và nồng nàn hơn. Nhờ vậy, chị em được hoàn toàn tự do để phục vụ Tin mừng”[9].

2) Nghèo Khó

Đức Nghèo khó mà tu sĩ tuyên khấn trước hết là sự tách mình ra khỏi các dính bén trần thế và của cải vật chất. Sau là dùng của cải vật chất và sự phong nhiêu Thiên Chúa ban cho mình để phục vụ tha nhân và làm vinh danh Thiên Chúa. Con người làm chủ các tài sản vật chất chứ không phải là nô lệ cho chúng: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”[10]. Khi đã khước từ vật chất để chọn Thiên Chúa và chỉ khao khát mình Người, tu sĩ bước vào con đường hoàn thiện, con đường nên thánh. Để trung thành với đời sống nghèo khó, nên giống Chúa Giêsu, tu sĩ cần phải vượt qua giới hạn của luật buộc để đi sâu hơn nữa vào sự nghèo khó nội tâm, chỉ khao khát một mình Thiên Chúa, chọn Chúa làm gia nghiệp và đạt tới sự trọn lành.

Cũng vậy, “Đời sống nghèo khó của chị em Mân Côi có một ý nghĩa sâu xa  hơn khi chị em sống nghèo khó trong tinh thần, chỉ lo tìm kiếm kho tàng trên trời. Điều này giúp chị em sống phó thác cho Thiên Chúa như những thụ tạo của Người, được tự do nội tâm, siêu thoát khỏi mọi vinh quang và của cải trần thế, để mở rộng lòng với Chúa và tha nhân[11].

3) Vâng Phục

Đức Vâng phục hướng tới sự hoàn thiện của đời thánh hiến, giúp tu sĩ bước theo sát Đức Giêsu hơn. Khi tuyên khấn Vâng phục tu sĩ hiến dâng tất cả ý chí và toàn bộ đời sống để bước vào kế hoạch cứu độ của Chúa Giêsu một cách vững mạnh và quyết liệt hơn[12]. Bởi vậy cuộc đời của tu sĩ trở nên một của lễ hiến dâng hiệp cùng hy tế cứu độ của Chúa Giêsu dâng lên Thiên Chúa Cha với lòng tôn thờ và yêu mến. Sẵn sàng làm bất cứ điều gì Chúa muốn để nên một với Người, Đấng thánh duy nhất. Công đồng Vatican II đặt đức Vâng phục như đỉnh cao của các lời khuyên Phúc Âm, vì qua lời khấn này mà tu sĩ từ bỏ bản thân để quy phục Thiên Chúa. Dựa trên quan điểm này, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Vâng phục là hình thức hoàn hảo nhất trong việc bắt chước Chúa Kitô”. Người đã vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá.

Qua lời khấn Vâng phục, chị em Mân Côi “Noi gương chí hiếu của Chúa Giêsu, sống vâng phục trong hành vi tự hiến, hợp nhất ý chí mình với thánh ý Chúa Cha trong tâm tình yêu mến và tôn thờ, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần…”[13].

  1. Để nên thánh qua ba lời khuyên Phúc Âm

Đối với chúng ta, những người đã chọn nên thánh qua các lời khuyên Phúc Âm, cần phải sống triệt để ba lời khấn: Khiết tịnh, Nghèo khó và Vâng phục, đó là sợi dây ràng buộc chúng ta với Đấng vô cùng thánh thiện. Tuy nhiên để đạt đến sự thánh thiện, chúng ta cần luôn thức tỉnh, chuyên chăm cầu nguyện và hằng trung tín bước đi trên con đường đã chọn.

1) Thức tỉnh

Đời sống thánh hiến của chúng ta là một cuộc “lội ngược dòng” vì thế để có thể đứng vững và tiến tới, chúng ta cần luôn thức tỉnh để biện phân và chọn lựa từng ngày mới có thể trung thành với ơn gọi nên thánh trong ba lời khấn.

– Trong thế giới hôm nay, một thế giới cổ võ cho trào lưu buông thả về tính dục, coi nhẹ giá trị của tình yêu, của hôn nhân và lòng trung tín, lời khấn Khiết tịnh bị thách đố nghiêm trọng, chúng ta khó tránh khỏi những cám dỗ của xu hướng dễ dãi, thỏa hiệp và những nguy cơ đi ngược với lời khấn Khiết tịnh.

– Ở thời đại nào thì tiền bạc của cải vật chất và sự giầu sang cũng luôn thu hút con người. Xã hội đang trên đà phát triển, có nhiều điều kiện thuận lợi cho con người sống thoải mái và hưởng thụ. Trong bối cảnh đó, những ý niệm về một cuộc sống đơn giản, nghèo khó, tiết kiệm… bị gạt ra bên lề; còn những khái niệm về khổ chế, hy sinh từ bỏ… lại càng trở nên xa lạ! Lời khấn Nghèo khó thường được du di bởi quan niệm sống “tinh thần nghèo khó”, nhưng khi đã không sống nghèo thực thì cũng chẳng còn sống tinh thần nghèo. Thật khó hình dung một tu sĩ với cuộc sống vật chất “không thiếu thốn gì” mà có thể chọn “Chúa làm gia nghiệp!”

– Trào lưu tục hóa hiện nay không nhìn cuộc đời và mọi biến cố dưới ánh sáng đức Tin, mà chỉ đánh giá theo lối nhìn nhân loại và trần tục. Do đó, người ta khó chấp nhận những gì ngược với xu hướng tự nhiên: muốn thống trị, muốn làm chủ cuộc đời mình và muốn sống độc lập. Mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người, vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá, làm sao có thể hiểu được qua lối phán đoán và lý luận loài người! Chúng ta cần luôn thức tỉnh và được thanh luyện để có cái nhìn đức Tin, để đi đến cùng mầu nhiệm tự hủy của Chúa Giêsu, Đấng đã vâng phục Chúa Cha, hiến tế chính mình làm hy lễ cứu độ qua lời xin vâng: “Này con xin đến để thực thi thánh ý Ngài, Lạy Thiên Chúa!”[14].

Ơn gọi thánh hiến là hồng ân của Thiên Chúa, ơn gọi nên thánh là công trình của Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hóa. Vì thế chúng ta cần cầu xin ơn trợ giúp từ Thiên Chúa để có thể đáp lời và hoàn thành lời đáp trả đó. Thánh Tôma Aquinô cũng từng cầu xin: “Lạy Thiên Chúa của con, xin ban cho con một trái tim thức tỉnh, để không một tư tưởng hão huyền nào kéo con xa Chúa; một tấm lòng cao thượng, để không một tình cảm đê tiện nào có thể hạ thấp con; một tấm lòng ngay thẳng để không một ý đồ mập mờ nào có thể làm cho con ra méo mó; xin ban cho con một tấm lòng trung thành để luôn gắn bó với Ngài mà thôi”.

2) Cầu nguyện

Chẳng có gì ngạc nhiên khi xác định điều nuôi dưỡng đời sống thánh thiện của chúng ta chính là cầu nguyện. Cầu nguyện để kết hợp với Đức Kitô, nguồn mạch sự thánh thiện. Cầu nguyện còn khẳng định cách tin tưởng rằng: đối với chúng ta không có gì là có thể, trong khi đối với Chúa không có gì là không thể. Việc cầu nguyện chứng tỏ niềm tin của chúng ta rằng Thiên Chúa không bao giờ mời gọi chúng ta đến điều gì đó mà không hỗ trợ ân sủng để thực hiện. Thánh Têrêsa Avila nói: “Ai không cầu nguyện, không cần ma quỷ lôi kéo, sẽ tự mình sa xuống hỏa ngục”.

3)  Kiên trì và trung tín

Sự thánh thiện là việc phải làm cả đời và trải qua quá trình cố gắng thường xuyên liên tục. Nếu có yếu đuối lỡ lầm thì phải điều chỉnh lại. Chúng ta đừng ngạc nhiên khi thấy mình đã đi theo Chúa lâu năm, đã phục vụ cách quảng đại rồi mà vẫn chưa thành một vị thánh, vì nên thánh là một hành trình chúng ta phải tiến tới từng ngày để gần với sự thánh thiện hơn. Chúa không đòi chúng ta phải thành công, Người chỉ đòi chúng ta trung thành.

Theo các nhà tu đức, để sống trung tín, chúng ta cần:

– Trung thành và sốt sắng tham dự thánh lễ và các giờ kinh nguyện

– Trung thành thực thi các bổn phận hằng ngày

– Trung thành giữ kỷ luật dòng và kỷ luật cá nhân

Rõ ràng sự thánh thiện không thể có được mà không có một ý chí, một quyết tâm, một chọn lựa triệt để, tận căn. Vì thế, với ơn Chúa, chúng ta phải tiếp tục giữ gìn và phát triển ơn thánh hóa mà chúng ta đã lãnh nhận, để suốt đời bước đi trên hành trình hoán cải và nên thánh.

Nt. M. Gaudentia Xuân Huệ, FMSR.

[1] Mt 5,48

[2] GH 11; 39

[3] Thánh nữ Têrêsa Lisieux, Một tâm hồn

[4] Lm. Ducasse, Cuộc đời chiến đấu

[5] x. Mt 19,16-21

[6] GH 42

[7] x. GH 42; DT 12-13

[8] TH 39c

[9] HL 6.1

[10] Lc 16, 13

[11] HL 9.2

[12] x. CT 23

[13] HL 12.2

[14]Dt 10,9

[1] Mt 5,48

 

 

 

 

 

 

About dongmancoichihoavn

Check Also

Tinh thần tông đồ nữ tu Mân Côi

Ước mong sâu xa bên trong mọi việc lớn nhỏ chị em Mân Côi làm, đều được liên kết với chính Đấng Vĩnh Cửu...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *