Nguyện Gẫm Thứ Bảy Tuần Thánh 11/4/2020
Ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, Giáo Hội mời gọi chúng ta cùng Mẹ Maria cầu nguyện bên mồ Chúa.
Thông thường, sau khi một người qua đời thì thân nhân của họ sẽ quây quần bên nhau để nhắc nhớ lại những lời nói việc làm của người quá cố, vừa để tưởng nhớ người ra đi, vừa để ủi an người ở lại.Chúng ta tự hỏi, mình là ai mà được mời ngồi lại cùng Mẹ Maria sau cái chết của Đức Giêsu – Con Thiên Chúa?
Dầu trong tư cách nào, một khi được mời ngồi lại bên mồ Chúa, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng: Thiên Chúa vẫn luôn ưu ái dành cho mình một chỗ rất đặc biệt trong trái tim Ngài.
1. Trước hết, trong tư cách là con của Mẹ Maria, chúng ta được mời ở lại bên mộ Chúa để cùng đau với Mẹ, cùng tin như Mẹ.
Khi còn tại thế, Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương bà góa khóc người con trai duy nhất của mình, “người đầu bạc phải tiễn kẻ đầu xanh“. Thì nay, hoàn cảnh của Mẹ Maria không khác gì bà góa đó, khác chăng là ở đức tin. Mẹ đã tin, đã suy đi gẫm lại, đã vâng, và đã sống từng biến cố cuộc đời Chúa như từng biến cố của cuộc đời mình. Mẹ đã nhìn tất cả mọi biến cố cuộc đời bằng cái nhìn đức tin.
Từ khi thưa tiếng xin vâng đón nhận Thiên Chúa nhập thể trong lòng mình, cuộc đời Mẹ Maria đã ứng nghiệm lời tiên tri Dacaria: “một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,35). Trên hành trình theo Chúa, mỗi chặng đường Mẹ đều nhận vết gươm rỉ máu: từ cảnh nghèo khi sinh con, loạn lạc, trốn chạy, tha hương, đến những lời ra tiếng vào không hay của người đời về con yêu dấu của mình, thậm chí có người cho rằng con mình là người mất trí, đến những câu nói xem ra khó hiểu của chính người con mình thương yêu hết mực; và cao điểm là giây phút tử nạn của con, lưỡi gươm chí mạng ngập sâu tâm hồn ngay khi Mẹ từng bước theo con trên hành trình khổ giá, và tận cùng nỗi đau khi mẹ ôm xác con tàn tạ, rách nát, không còn hình tượng con người. Không có nỗi đau nào bằng nỗi đau của người mẹ khóc con, hơn nữa lại là người con duy nhất. Nỗi đau không gì so sánh nổi, không ngôn từ nào diễn tả hết. Đau đến nỗi cả đất, cả trời đều như bất động và chết lặng.
Những người mẹ khác có lẽ đã ngất lên ngất xuống, chết đi sống lại khi chứng kiến những thảm kịch như thế xảy đến với con mình. Nhưng Mẹ Maria lại khác, nhờ đức tin, Mẹ mạnh mẽ vượt lên sức chịu đựng của một nhi nữ thường tình. Bằng cái nhìn đức tin, Mẹ theo con ngay từ những ngày đầu sứ vụ, mẹ hiểu và đồng cảm với con mình ngay cả khi bị người đời chống báng. Bởi thế, khi Mẹ gặp Chúa trên đường khổ giá, không cần nói lời nào, nhưng Đức Giêsu hiểu thấu lòng Mẹ, Mẹ hiểu thấu lòng Đức Giêsu bằng ngôn ngữ của tình yêu, ngôn ngữ của đức tin.
Trong cái nhìn đức tin, Mẹ chỉ còn nhìn thấy Thánh ý Chúa, Mẹ chỉ thấy hoàn toàn tin tưởng vào Đức Giêsu, và Mẹ chỉ nhận thấy con Mẹ đã đi đúng con đường mà Thiên Chúa muốn. Ngay cả khi ôm lấy thân xác nát tan của con mẹ, có lẽ mẹ vẫn thầm thĩ thưa với Thiên Chúa lời xin vâng năm nào: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ thực thi điều Ngài muốn” (Lc 1,38).
Trong đức tin, Mẹ đã biến nỗi đau thành nhựa sống. Nhờ đức tin, Mẹ biến những đắng cay, đau khổ thành của lễ cuộc đời, thành hoa trái cho mình và cho đời. Mẹ phi thường là ở chỗ đó, Mẹ anh hùng cũng là ở chỗ đó. Mẹ đã lấy đức tin làm đòn bẩy để nâng tất cả những nỗi truân chuyên đời thường thành những lời ca tụng.
Ngồi bên mộ Chúa, thái độ của Mẹ chắc chắn sẽ lại là: thinh lặng thẳm sâu, để chiêm ngắm và suy đi nghĩ lại trong lòng. Câu nói của Đức Giêsu khi xưa: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết rằng, con phải ở trong nhà của Cha Con sao?” ( Lc 2, 49) có lẽ bây giờ Mẹ đã hiểu. Trong cái nhìn đức tin, Mẹ đã sớm liên kết biến cố bị lạc Chúa trong đền thờ với những đau thương Mẹ vừa trải qua cùng với Con của Mẹ. Mẹ đã tìm thấy Chúa trong đền thờ, thì Mẹ cũng sẽ tìm thấy Chúa trong vinh quang Phục sinh. Bởi thế, trong thinh lặng nguyện cầu, Đức Giêsu đã thực sự phục sinh trong trái tim Mẹ trước khi Người trỗi dậy ra khỏi mồ.
Ngồi lại với Mẹ bên mộ Chúa hôm nay, thay vì an ủi, cảm thông với mẹ, chúng ta lại được mẹ an ủi, khuyến khích và dạy bảo mọi điều. Nếu chúng ta xin Mẹ nói điều gì, thì chắc chắn Mẹ vẫn chỉ nói một câu như đã từng nói với gia nhân trong tiệc cưới Cana: “Người bảo gì, các con cứ làm theo” (Ga 2, 5).
2. Thứ đến, trong tư cách là môn đệ Đức Giêsu, chúng ta ở lại bên mộ Chúa để tưởng nhớ lại những cử chỉ, lời nói, việc làm, và những giáo huấn của Thầy.
“Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe biết nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15, 15 ). Trong suốt thời gian hoạt động công khai, Chúa Giêsu đã giảng dạy rất nhiều bài học. Mỗi người môn đệ đều có những kỷ niệm riêng với Thầy, những ấn tượng riêng về lời nói việc làm của Thầy. Với ai đó, có thể là lời khuyên nhủ: “Hãy nên thánh” (Mt 5, 48); với người này có thể là lời khuyến khích: “Đừng sợ!” (Mc 6, 50); với người khác, có thể là lời nài xin: “Hãy ở lại mà canh thức với Thầy” (Mt 26, 38); hoặc có thể là lời quở mắng: “Satan, lui ra đằng sau Thầy, vì tư tưởng của anh không phải tư tưởng của Thiên Chúa, mà là tư tưởng của loài người” (Mt 16:23).
Lạy Chúa, Chúa nói nhiều, giảng nhiều, làm phép lạ cũng nhiều, nhưng dường như chúng con vẫn còn lơ mơ không hiểu, hoặc hiểu sai điều Chúa muốn nói. Bởi thế, nhiều lần Chúa đã phải thốt lên: “Anh em chưa thấy, chưa hiểu sao ? lòng anh em ngu muội thế” (Mc 8, 17).
Xâu chuỗi lại những lời Chúa nói, những việc Chúa làm, trong tinh thần suy đi ngẫm lại của Mẹ Maria, chúng con chợt hiểu ra rằng: quả thực, chúng con không hiểu hết những điều Đức Giêsu dạy, bởi vì Chúa nói những sự trên trời, còn chúng con lại nghe bằng đôi tai xác thịt; Chúa bày tỏ các thực tại thiêng liêng, còn chúng con lại nhìn bằng đôi mắt phàm trần. Chúng con không thể hiểu được lời dạy của Chúa, nếu không hiểu cách nhìn của Chúa. Chúa không chỉ nhìn bằng mắt nhưng nhìn bằng tim. Chúa không chỉ nhìn thấy những cái bên ngoài, nhưng nhìn thấu tâm hồn:
Thay vì nhìn thấy 2 đồng xu xoàng xĩnh của bà góa, Chúa lại nhìn thấy cả một gia tài, và hơn thế, cả một tấm chân tình. Thay vì nhìn thấy một đám đông nhốn nháo, phiền phức, cần giải tán, Chúa lại thấy chạnh lòng thương và thấy cần phải có gì đó cho họ ăn. Thay vì nhìn thấy một ông Dakêu vừa xấu người vừa xấu nết, Chúa lại thấy một tấm lòng sáng rực khát khao ơn cứu độ. Thay vì nhìnthấy người phụ nữ ngoại tình đáng lên án, Chúa lại nhìn thấy một tâm hồn đang cần được chữa lành. Thay vì nhìn thấy một Phêrô chối thầy phản bạn, Chúa lại nhìn thấy một tấm lòng nát tan đang cần ơn đổi mới. Thay vì nhìn thấy một nghịch tử hoang đàng, Chúa lại nhìn thấy một đứa con đang cần đến lòng cha thương xót.
Chúa không chỉ nhìn thấy mà còn nhìn thấu nỗi đau của từng phận người. Chúa cảm thương và thấu hiểu nỗi khát khao nơi sâu thẳm của từng tâm hồn. Cái nhìn của Chúa vượt qua mọi hàng rào địa vị, xuyên thấu mọi vỏ bọc của định kiến, và gạn lọc hết mọi sần sùi, nhớp nhơ của tội lỗi. Cái nhìn của Chúa luôn ấm áp yêu thương, trìu mến tin tưởng, và bừng sáng niềm hy vọng. Cái nhìn ấy nói nhiều hơn tất cả những điều Ngài đã nói. Ngay cả khi Chúa dường như đang ngủ hay vắng mặt, thì ánh nhìn ấy vẫn luôn bừng sáng và chiếu rọi vào tận thâm sâu cõi lòng từng môn đệ chúng con.
Nhớ lại đêm vượt biển sang bên kia hồ Genesarét, trong khi các môn đệ hoảng loạn lo sợ, gắng hết sức chèo thuyền trong cơn bão lớn, thì Chúa Giêsu vẫn nằm ngủ ngon lành. Cơn bão gào thét đến mấy cũng không làm Chúa giật mình thức dậy, nhưng chính tiếng kêu khóc của các môn đệ đã đánh thức Chúa Giêsu. Chúa trách các ông kém tin vì có Thầy hiện diện trước mắt mà vẫn còn hoảng sợ. Theo cái nhìn thực dụng của các môn đệ, thì “Thầy phải làm gì đi chứ“, phải hành động cụ thể đi chứ. Thế nhưng, Chúa Giêsu muốn các ông có niềm tin rằng, ngay cả khi Ngài nhắm mắt, Ngài vẫn biết tất cả và đang làm tất cả theo cách nhìn của Ngài. Chỉ cần tin rằng, có Chúa đang ở cùng và chỉ cần sự hiện diện của Chúa là đủ.
Chúng con đang sống trong những ngày khó khăn nhất trong cuộc đời. Cả thế giới đang oằn mình chống chọi với nạn dịch virút Corona. Truyền thông đưa tin tức: hàng chục ngàn người bị lây nhiễm, hàng ngàn người chết mỗi ngày, từng đoàn xe tải chở quan tài nối đuôi nhau trên đường phố Italia, những giường bệnh chật kín bệnh nhân trong các bệnh viện, hàng loạt quan tài xếp hàng trong nhà thờ vì các nhà quàn không còn chỗ trống, quảng trường thánh Phêrô hàng ngày tiếp đón cả triệu triệu người nay vắng tanh… Nhìn Đức Thánh Cha giơ tay ban phép lành cho thành Rôma trống vắng, lòng chúng con không khỏi xót xa.
Lần đầu tiên trong đời, chúng con chứng kiến những thông báo đau thương như: Tạm ngưng các Thánh lễ công khai, không cử hành nghi thức phụng vụ đông người, không tổ chức các sinh hoạt cộng đồng … Tất cả mọi sinh hoạt đều ngưng hoặc hoạt động cầm chừng, chỉ có con virút nhỏ bé gần như vô hình lại đang khuấy động cả thế giới với sức mạnh và tốc độ vũ bão. Đứng trước những khó khăn này, làm sao chúng con có thể tin được: Chúa đang hiện diện âm thầm với chúng con?
Trong cái nhìn kém tin của chúng con, chúng con cứ muốn Chúa phải hành động một cách hữu hình, hiệu quả tức thì. Nhưng Chúa lại có cách nhìn, cách hành động riêng của Chúa. Sự thinh lặng của Chúa có thể là một bài kiểm tra đức tin của chúng con, cũng có thể là một liều thuốc tăng sức đề kháng giúp chúng con có cái nhìn thiêng liêng hơn về sự hiện diện của Ngài. Có thể Chúa muốnchúng con rút vào thinh lặng, để như Mẹ Maria, tiếp tục âm thầm suy đi nghĩ lại trong lòng những lời nói, việc làm, và nhất là cách nhìn, cách hành động đầy yêu thương của Chúa. Kinh qua những khủng hoảng, tăm tối của đời sống hiện tại, chúng con luyện cho đôi mắt mình trong sáng hơn, và kinh qua những khoảng sâu tăm tối tinh thần, con mắt đức tin của chúng con có khả năng tiếp nhận nguồn ánh sáng.
3. Cuối cùng, trong tư cách là nữ tu Mân Côi, chúng ta ngồi bên mộ Chúa để xin ơn đổi mới.
Lạy Chúa Giêsu, trong đời sống thánh hiến, con được nghe Thầy dạy bao lần, được nuôi dưỡng trong linh đạo dòng, được bảo bọc trong lời khấn và kỷ luật, nhưng dường như con vẫn chưa có cái nhìn giống Chúa, cũng chẳng có cái nhìn giống Mẹ. Mẹ luôn nhìn bằng con mắt đức tin, Chúa luôn nhìn bằng con mắt yêu thương, còn con thường chỉ nhìn bằng con mắt thịt, nhìn bằng tinh thần thế gian. Bởi thế, nhiều lần con nhìn mà không thấy, hoặc thấy mà không tin. Con thường lượng giámọi sự theo cái nhìn chủ quan của bản thân mình. Con đánh giá người khác theo hình thức bên ngoài, phán đoán mọi sự theo óc định kiến dán nhãn, phân biệt đối xử dựa trên gốc gác xuất thân hoặc thành tích người khác đạt được. Những đoán quyết của con cũng nhiều khi bị điều khiển bởi cái nhìn ghen tị, áp đặt, kết luận vội vàng dựa trên chỉ một chi tiết phụ, giống như những thầy bói xem voi, khẳng định mình đúng mà không cần lắng nghe người khác. Hoặc cũng có khi con nhận định một vấn đề theo cảm xúc yêu ghét đánh đồng “Thương nhau, thương cả đường đi. Ghét nhau, ghét cả tông ti họ hàng” hay “Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo.”
Trong ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh này, chúng con muốn an táng vào mộ Chúa tất cả những cái nhìn cũ của chúng con : cái nhìn tiêu cực, cái nhìn ngờ vực nghi ngại, cái nhìn dè chừng xét nét, cái nhìn lệch lạc bất công… những cái nhìn có khi đã ăn sâu thành lối nhìn, lối nghĩ khó sửa.
Chúa Giêsu đưa mắt nhìn đến ai, thì người ấy được biến đổi. Chúa vẫn đưa ánh mắt chạm đến cuộc đời chúng con. Ước gì chúng con luôn ý thức sống dưới cái nhìn của Chúa để được biến đổi: biến đổi từ cách nhìn, đến cách nghĩ, và cách sống.
- Xin cho chúng con biết nhìn bằng đôi mắt đức tin như Mẹ, để cùng Mẹ, chúng con bước đi trong ánh sáng của linh đạo dòng. Nhờ đó, chúng con hân hoan cùng với Mẹ sống các mầu nhiệm cuộc đời Chúa và mang ơn Chúa đến cho mọi người.
- Xin cho chúng con biết nhìn bằng đôi mắt của lòng cậy trông, tín thác, để chúng con bước đi trong ánh sáng của niềm hy vọng. Nhờ đó, chúng con luôn được an vui vì biết rằng: Chúa luôn hiện diện bên chúng con và Chúa có cách hành động của riêng Ngài. Và như thế, ngay cả khi Ngài không lên tiếng hay dường như vắng mặt, chúng con vẫn cảm nhận được tình thương và thánh ý Ngài trên Hội Dòng, trên cộng đoàn, trên cuộc đời của mỗi người chúng con.
- Xin cho chúng con biết nhìn bằng đôi mắt của trái tim, để chúng con bước đi trong ánh sáng của tình thương mến. Nhờ đó, chúng con quảng đại dấn thân sống trọn tinh thần đức ái hoàn hảo và trở nên dấu chỉ tình thương của Chúa giữa cuộc đời.
4. Lời nguyện
Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã kinh qua những đau khổ của phận người và luôn đồng hành với chúng con.Xin Mẹ dạy chúng con kiên trung trong đức tin, vững vàng trong đức cậy và trọn vẹn trong đức mến, để chúng con xứng đáng là những môn đệ trung tín của Chúa Giêsu và là người con thảo hiền của Mẹ. Xin dạy chúng con, ngay từ những giây phút đầu tiên trong ngày biết nhìn mọi sự bằng con mắt của Chúa và hoạch định cho mình một chương trình sống đẹp lòng Chúa. (thinh lặng một chút)
Đọc “Kinh nguyện đầu ngày mới”:
Lạy Chúa, trong sự thinh lặng của ngày mới này, con đến với Ngài để van xin bình an, khôn ngoan và sức mạnh. Hôm nay con muốn ngắm nhìn thế giới bằng đôi mắt đầy ắp yêu thương. Con muốn sống kiên nhẫn, cảm thông, hiền hậu và khôn ngoan. Con muốn nhìn những người con của Chúa như chính Chúa nhìn họ, vượt lên trên những dáng vẻ bề ngoài. Và như thế, con chỉ nhìn thấy điều tốt lành nơi mỗi anh chị em con.
Lạy Chúa, xin đóng kín tai con trước mọi lời vu khống. Xin gìn giữ miệng con khỏi những lời thâm độc. Ước gì trong tâm trí con chỉ còn đọng lại những ý nghĩ lành thánh. Xin cho con nên người rất mực bao dung và vui tươi, hầu tất cả những ai đến gần con đều cảm nhận được sự hiện diện của Chúa.
Lạy Chúa, xin mặc cho con vẻ đẹp của Ngài. Ước gì suốt ngày sống của con hôm nay là một phản chiếu Ngài liên lỉ. Amen.
Lê Thược, FMSR