Không ai có thể cho bạn sự bình yên ngoài chính bạn.
Nobody can bring you peace but yourself.
Ralph Waldo Emerson
Bình an là điều gì mà sao khó tìm quá vậy? Bình an là cái chi chi mà sao ai cũng mong có được vậy? Nhất là trong hoàn cảnh hiện tại khi mà virus corona trở thành đại họa cho nhân loại. Trên khắp các mặt báo trong và ngoài nước, từng ngày từng giờ, những thông tin về dịch bệnh được cập nhật ồ ạt với nhiều ca nhiễm tăng cao khắp nơi. Số người tửvong tăng hàng chục, hàng trăm rồi hàng ngàn. Bệnh viện thì quá tải, khu cách ly quá tải, nhà xác quá tải và nghĩa trang cũng quá tải. Điều này chưa từng xảy ra trong thời đại 4.0.
Trong bối cảnh u ám ấy, con người trở nên bi quan, tâm lý biến chuyển bất ổn. Một khi tâm lý bất ổn, dễ nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực dẫn đến rối loạn lo âu và trầm cảm. Khi đối diện với điều mà hơn lúc nào hết con người nhận ra sự sống thì mong manh, còn sự chết thì chắc chắn, họ mong được bình an để xua tan nỗi lo lắng, nguy hiểm, và rủi có nhiễm bệnh và chết thì cũng được chết trong bình an. Vậy bình an là gì và ở đâu?
Bình an chẳng là “cái” gì cả, và vì không là “cái” gì nên cũng không thể “tìm.” Vì “tìm” mang nghĩa chúng ta vẫn phụ thuộc vào cái gì đó ngoại tại, xa vời. Với bình an, ta không tìm, mà tìm cũng không thấy, bởi đó là thứ mà ta phải tự mình tạo ra. Chẳng thế mà Mahatma Gandhi– vị lãnh đạo vĩ đại của người Ấn Độ đã nói, “Mỗi người đều phải tìm thấy sự yên bình từ bên trong bản thân mình. Và sự bình yên thật sự không thể bị ảnh hưởng bên ngoài tác động – Each one has to find his peace from within. And peace to be real must be unaffected by outside circumstances.” Thế nên, bình an chỉ đơn giản là một cảm nhận từ nội tâm của chính mỗi người – còn được hiểu là tâm an hay bình an nội tâm.
Thế giới ảo của bình an
“Nội” có nghĩa là ở bên trong. Thế nhưng chúng ta hay nhầm lẫn sự bình an do ngoại cảnh tác động. Chẳng hạn như khi ta làm việc căng thẳng, mệt mỏi suốt tuần, ngày Chúa Nhật ta được nghỉ ngơi thong dong, được ngủ thêm, được bồi dưỡng thêm, lòng ta trở nên thanh thản hơn, cảm giác dễ chịu hẳn ra. Thoáng chốc, ta cảm nhận được sự bình an. Đến chiều muộn, ta nhận được cuộc gọi từ gia đình báo tin con cháu gái mang thai mà chưa cưới, gia đình còn chưa biết nó đã có “bồ.” Từ lúc đó lòng ta “dậy sóng,” ta gọi điện ngược về nhà và đặt ra bao nhiêu câu hỏi “tại sao?” Ta tỏ ra lo lắng cho thanh danh của gia đình và lên án đứa cháu gái trắc nết…, rồi ta chợt thấy bất an. Tối đó ta mất ngủ…
Trong bình an có thể có cảm giác thoải mái, nhưng cảm giác thoải mái chưa chắc là sự bình an thật bên trong. Khi ta được đi du lịch, được ngắm cảnh đẹp, được thưởng thức những món ngon…tự nhiên ta có ngay một cảm giác thoải mái. Cảm giác thoải mái này đến từ những tác động bên ngoài chỉ là để thỏa mãn cái tôi trong chốc lát mà thôi, chứ không thể mang cho ta sự bình an nội tâm được. Vì một khi cái tôi còn đầy thì tâm sẽ không an. Nhớ rằng, “Không ai có thể cho bạn sự bình yên ngoài chính bạn– Nobody can bring you peace but yourself”- Ralph Waldo Emerson.
Dấu hiệu của tâm bất an – tâm lý bất ổn
Khi tâm bất an thường dẫn theo tâm lý bất ổn. Tâm lý bất ổn thường phát xuất từ những căng thẳng, áp lực trong cuộc sống hay những ám ảnh trong quá khứ, để khi mọi thứ xung quanh ta trở nên xáo trộn thì cùng lúc ta dễ có những suy nghĩ và hành động mất kiểm soát. Sau đây làmột số những dấu hiệu của tâm bất an – tâm lý bất ổn:
- Trong công việc, chúng hay có những cách cư xử “khác người” như cảm giác chống đối, cho dù là chống đối ngầm với xếp, với đồng nghiệp hay với bề trên. Ta luôn thấy xếp và đồng nghiệp hay bề trên của mình có những yếu điểm làm ta không thoải mái để cộng tá Ta hay phàn nàn về mọi thứ và nghi ngờ mọi người. Ta dễ cáu gắt với những lý do không đáng và ta khó làm chủ cảm xúc đang thay đổi liên tục trong ta.
- Trong tương quan, khi ta đang không làm chủ được những tác động của ngoại cảnh thì những mối quan hệ xung quanh ta cũng sẽ dễ bị tác động theo hướng căng thẳng. Ngay cả những mối quan hệ cá nhân hay quan hệ bạn bè, đồng nghiệp đều rất dễ xảy ra xung đột và mâu thuẫn. Ta dễ dàng nổi nóng với những người xung quanh ngay cả khi không có lý do chính đáng. Vì thế, ta cũng gặp không ít khó khăn trong việc “phục hồi” các mối quan hệ đã bị đánh mất hoặc xây dựng những mối quan hệ mới, vì lúc này tâm ta chưa an và tâm lý chưa kịp điều chỉnh.
- Với bản thân, ta thường có hai thái độ: Một là ta tỏ ra chán nản mọi việc, không tha thiết làm điều gì nữa, ta để mặc cho mọi việc trôi theo tự nhiên mà không muốn điều chỉnh. Ta bỏ mặc không muốn chăm sóc bản thân, không theo kỷ luật chung, ăn uống không điều độ, thường xuyên mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều. Hai là ta tỏ ra muốn làm chủ công việc, hoàn cảnh, tình huống, nhưng rất khó khăn trấn tĩnh mình nhất là khi giải quyết vấn đề. Ta thường có xu hướng phản ứng thái quá làm mọi việc trở nên tồi tệ hơn.
Hành trình của sự bình an
Tới đây, chúng ta có thể vẫn tự hỏi, vậy thì bình an ở đâu? Làm sao để có bình an thật tự bên trong? Xét ở khía cạnh thiêng liêng, thì bài hát Bình An Ở Đâu của Linh mục nhạc sĩ Xuân Đường phần nào giúp ta thỏa mãn với những câu hỏi trên:
- Bình an không thể đến khi tình yêu úa tàn, bình an không thể đến khi niềm tin héo hon, bình an không thể đến trong tâm hồn nhiều gian dối, sống giữa đời còn mang ghét ghen thù oán. Bình an sẽ tìm đến cho người luôn hiếu hoà, bình an sẽ tìm đến cho người hay thứ tha, bình an sẽ tìm đến ai xây dựng tình yêu mến, biết quên mình dựng xây phúc vinh hoà bình.
Đk. Con đi tìm bình an ở nơi đâu, con đi tìm bình an giữa đêm thâu khi ánh dương phai màu đèn khuya sáng hắt hiu một mình con thao thức. Con đi tìm bình an ở nơi đâu, từ trong đáy tim sâu trong tiếng kinh nguyện cầu, lặng nghe tiếng Giê-su gọi tình yêu bắt đầu.
- Bình an không thể đến giữa phù vân thế trần. Bình an không thể đến trong lợi danh áo cơm, bình an không thể đến trong tâm hồn còn vương vấn mãi đi tìm lợi danh thú vui trần thế. Bình an sẽ tìm đến trong tình yêu Thánh Thần, bình an sẽ tìm đến trong nguồn vui thánh ân, bình an sẽ tìm đến trong tâm hồn hằng tín thác hiến dâng đời vào tay Đấng luôn quan phòng.
Xét theo khía cạnh tâm lý học tích cực, một người thường xuyên nuôi dưỡng những suy nghĩ tích cực và hay mỉm cười, là người dễ tạo được sự bình an nội tâm. Chứng minh cho điều này, mẹ thánh Teresa Calcutta đã từng nói “Peace begins with a smile.” Nghĩa là: Bình an khởi đầu bằng một nụ cười. Theo mẹ, nụ cười mang tính tương tác tuyệt vời và mang lại hiệu quả cao, như khi ta cười với một người nào đó thì kết quả là ta cũng nhận lại được nụ cười từ họ. Thêm nữa, khi ta trao cho ai một nụ cười thì ngay tức khắc, những suy nghĩ tiêu cực trong ta chợt tan biến, và đây chính là lúc cuộc hành trình của sự bình an bắt đầu.
Nụ cười được xem là một “ngôn ngữ” quốc tế và mang một giá trị chung nhất với toàn thể nhân loại. Bạn và tôi có thể không cùng ngôn ngữ, không chung văn hóa, nhưng tôi sẽ dễ dàng hiểu được tâm trạng của bạn khi nhìn bạn cười. Nụ cười biểu lộ niềm vui, và niềm vui là dấu hiệu tích cực của cuộc sống (Dĩ nhiên có nhiều kiểu cười khác nhau với hàm ý không tích cực và ta không bàn đến các kiểu cười ấy ở đây.) Chúng ta thường nghĩ rằng khi ta vui, ta sẽ mỉm cười. Điều đó đúng chứ sao. Nhưng nụ cười đó không thật sự là của ta, cho bằng ta nên nghĩ điều ngược lại, rằng khi ta mỉm cười, ta sẽ có được niềm vui. Chẳng vậy mà William James đã nói: Chúng ta không cười vì chúng ta hạnh phúc –chúng ta hạnh phúc vì chúng ta cười. We don’t laugh because we’re happy – we’re happy because we laugh. Chỉ khi hiểu theo cách này, ta mới thấy nụ cười là của chính ta, là món quà giá trị mà Tạo Hóa đã ban tặng để ta sử dụng, tận hưởng và trao ban cho người khác. Thế nên, thật đúng để ai đó thốt nên rằng:
Nếu bạn thấy một người bạn không có nụ cười, hãy lấy nụ cười của mình cho người đó – If you see a friend without a smile; give him one of yours.
Khuyết danh
Cười để khỏe mạnh hơn
Tự bản chất, nụ cười không ăn được, nhưng nó lại làm cho ta sống, sống thanh thản, sống vui tươi và hạnh phúc. Các chuyên gia tâm lý và tâm thần đã khám phára mối liên hệ giữa hài hước (yếu tố gây cười) và sức khỏe thể chất. Cười mang lại nhiều lợi ích tích cực với sức khỏe con người. Các nghiên cứu khoa học phát hiện thấy cuộc sống sẽ tốt hơn khi chúng ta biết cười. Dưới đây là một trong số nhiều tác dụng với sức khỏe của nụcười:
– Có tác dụng tích cực với huyết áp.
– Giúp thư giãn và giảm căng thẳng.
– Làm tăng tần số hô hấp và cải thiện chức năng phổi.
– 20 giây cười thoải mái tương đương với tác dụng của 5 phút chèo thuyền.
– Giúp thể dục cho khoảng 15 -20 cơ mặt.
– Kích thích nhiều vùng não.
Cười để gần nhau hơn
Nụ cười là hình ảnh quen thuộc. Đây thường được xem là cách não bộ phản ứng với những điều thú vị. Tuy nhiên, trong tương tác xã hội, nụ cười được dùng như một công cụ giao tiếp, chứ không hẳn là thước đo của sự hài hước. Một gương mặt mỉm cười dễ dàng tạo thiện cảm cho mọi người xung quanh. Khi ta nhìn thấy một nụ cười của ai đó, ta thường liên tưởng đến sự thân thiện và tích cực làm ta muốn kết bạn ngay. Sau đây là câu chuyện có thật được bác sĩ Lê Minh Khôi kể về một người đồng nghiệp đã ngã xuống trong trận chiến chống Covid-19 ở Indonesia (Báo Phụ Nữ đăng ngày 24/03/ 2020). Câu chuyện này chứng minh cho điều vừa nói ở trên:
Tôi không phải là bạn của Hadio Ali. Tôi chỉ gặp đồng nghiệp này vài lần khi bạn ấy theo học can thiệp thần kinh cùng với TS. Trần Chí Cường ở Bệnh viện Đại học Y Dược. Tôi dân tim mạch. Ali làm thần kinh nên không có cơ hội gặp nhau nhiều. Chỉ vì thấy anh bạn này có nụ cười rất dễ mến nên tôi làm quen. Và vì lúc đó cũng lõm bõm học vài câu tiếng MãLai (Bahasa Malayu) nên tập nói cho vui. Ali rất hiền và có nụ cười rất thân thiện. Chỉ biết có vậy thôi.
Tối nay tôi đọc được tin trên Facebook của BS Hà Minh Đức là Hadio Ali đã vĩnh viễn ra đi trong cuộc chiến chống lại COVID-19 ở tại Jakarta. Bạn có thể thấy một nụ cười hiền và đẹp đến mức nào. Ali đã mang nụ cười tin yêu ấy cùng những người đồng nghiệp của mình, những đồng đội áo trắng đi vào cuộc chiến và vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường. Vậy đó, một đồng nghiệp Indonesia đã chết trận. Một nụ cười hiền đã tắt.
BS Hadio Ali đã vĩnh viễn ra đi trong cuộc chiến chống lại COVID-19 tại Jakarta
Đời khác đi khi ta cười
Vào thế kỷ19, nhà tâm lý học người Mỹ William James cho rằng nét mặt của chúng ta và những thay đổi khác của cơ thể không phải là hệ quả của cảm xúc tình cảm mà là nguyên nhân. Ví dụ, một điều gì đó tích cực xảy ra, chúng ta mỉm cười, và chính hành vi cười làm cho chúng ta cảm thấy vui chứ không phải là sự kiện. Ngoài ra, khoa học còn có bằng chứng cho thấy việc mỉm cười có thể cải thiện tâm trạng của chúng ta và cho thấy nét mặt của chúng ta giúp thay đổi cách chúng ta nhận thức sự việc và thế giới xung quanh. Ví dụ, nghiên cứu cho thấy phim hoạt hình sẽ hài hước hơn khi người ta cắn bút – một cách kéo cơ mặt có liên quan đến cười, và thấy phim kém vui hơn khi bĩu môi. Gần đây hơn, các nhà tâm lý học tại Đại học Sussex ở Anh nhận thấy rằng, khi cười, chúng ta thấy việc cau mày của người khác ít nghiêm trọng hơn; còn khi cau mày, chúng ta thấy khuôn mặt tươi cười của người khác ít vui hơn.
Dựa vào những nghiên cứu khoa học này, chúng ta hãy tưởng tượng xem, trong đời sống gia đình, trong công ty, trong một buổi họp hay trong một cộng đoàn Dòng tu, chúng ta đến với nhau với một khuôn mặt nhăn nhó và với một tâm trạng lo lắng, và điều đó ảnh hưởng rất lớn đến cảm xúc của chúng ta khi gặp gỡ nhau. Trái lại, khi chúng ta đến với nhau kèm theo một nụ cười, chúng ta sẽ được kích hoạt khả năng nhìn thấy nét mặt của người khác thông qua lăng kính tích cực đang có trong ta. Nếu chúng ta có thể làm cho người khác mỉm cười, chúng ta thật sự có thể thay đổi cách họ nhìn thế giới rồi đấy.
Tóm lại, khi bạn cười là lúc bạn nhìn ra giá trị đích thực của cuộc sống, là chấp nhận và can đảm tiếp bước. Nụ cười là phương thuốc chữa lành, là sợi dây nối kết tình thân, là kết quả của việc cho và nhận. Nụ cười quả là dấu chỉ của bình an, thể hiện sự sống mạnh mẽ và can đảm để xua tan những âu lo của dòng đời vạn biến này. Hãy dùng “ngôn ngữ không lời” này để mở ra nhiều phạm vi giao tiếp rộng lớn hơn bạn nhé.
“Tôi đã mỉm cười ngày hôm qua. Tôi đang mỉm cười ngày hôm nay và khi ngày mai đến, tôi sẽ mỉm cười. Vì đơn giản, cuộc sống quá ngắn để ta khóc về mọi thứ” – Santosh Kalwar.
Maidelien, FMSR