BƯỚC THEO THÁNH GIUSE
TRÊN NẺO ĐƯỜNG ĐỨC TIN VÀ LÒNG TRUNG TÍN
Theo lịch phụng vụ của Giáo hội Công giáo, ngày hôm nay chúng ta mừng lễ thánh Giuse, bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria, bổn mạng của Giáo hội hoàn vũ, và bổn mạng của Giáo hội Việt Nam. Cách riêng, Hội dòng chúng ta cũng đặt mình dưới sự bảo trợ của ngài. Trong tâm thức của người Kitô hữu, thánh Giuse là một người cha ân cần, gần gũi; một nơi nương tựa vững vàng; một đấng bảo trợ vô cùng uy tín. Ngài được gọi một cách thân thương là Thánh Cả, bởi ngài có một chỗ đứng vô cùng độc đáo trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Kinh Thánh Tân Ước giới thiệu thánh Giuse là người công chính, người được Thiên Chúa tin tưởng và tín nhiệm trao cho một nhiệm vụ vô cùng lớn lao: “Hãy đặt tên cho con trẻ là Giêsu”[1]. Thi hành trách vụ này, thánh Giuse trở thành cha của Chúa Giêsu theo luật pháp. Qua đó, Đức Giêsu được tháp nhập vào gốc tổ Giessê và thành toàn lời Thiên Chúa hứa cùng Vua David.
Ngoài nhiệm vụ làm cha của Đấng Cứu Thế, thánh Giuse còn được Thiên Chúa tin tưởng trao sứ vụ độc nhất vô nhị: “Hãy đón Maria vợ ông về”[2]. Thiên Chúa chọn thánh Giuse là bạn trăm năm của Đức Maria, Đấng trọn đời đồng trinh. Chẳng phải ngẫu nhiên, nhưng Thiên Chúa biết rõ người mình tín nhiệm. Thiên Chúa đặt sự trinh trắng của Đức Maria trong sự bảo vệ của Thánh Giuse, cho thấy rõ uy tín của ngài trong con mắt Thiên Chúa. Thiên Chúa đã “chọn mặt gửi vàng” bởi thánh Giuse hội đủ những nhân đức trổi vượt, trong đó sự thánh thiện của ngài phải tương xứng với sự thánh thiện của Đức Trinh Nữ Maria. Cả hai tâm hồn thánh thiện này có một điểm tương đồng rõ nét, đó là: đều biết cách lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành. Mẹ Maria cất lời “Fiat” trước mầu nhiệm của Thiên Chúa; còn Thánh Giuse, dù không nói lời nào, nhưng đã thưa “vâng” bằng ngôn ngữ của đức tin, và hành động bằng tất cả lòng trung tín. Bà Êlisabeth gọi Đức Maria là “người có phúc nhất trong những người nữ”[3] thì chúng ta cũng có thể nói, thánh Giuse là người phúc nhất trong những người nam, bởi không một vị thánh nào có ân phúc cận kề, thân thiết Chúa Giêsu và Mẹ Maria như ngài. Ngài được chính Thiên Chúa tin tưởng và tín nhiệm: Tin tưởng đến độ trao vào tay thánh Giuse người con một yêu dấu của mình; Tín nhiệm đến nỗi đặt lên vai thánh Giuse trách nhiệm gìn giữ chính kho tàng ơn cứu độ. Thiên Chúa đặt niềm tin vào tay một người phàm. Điều đó cho thấy, thánh Giuse có một chỗ đứng đặc biệt trong trái tim của Thiên Chúa. Trong cảm thức thiêng liêng nhạy bén của một người công chính, có lẽ thánh Giuse đã nhận biết được rằng, Thiên Chúa dành cho mình một tình yêu đặc biệt; nên từ thâm tâm, ngài tự nguyện cam kết vâng phục và hết lòng vì Đấng đã yêu thương, tín nhiệm mình. Bởi thế, trong tất cả mọi biến cố trong cuộc đời, thánh Giuse luôn tin tưởng vào Chúa và thi hành ý muốn của Chúa một cách trung thành.
Trong vai trò làm chủ một gia đình thánh, thánh Giuse không chỉ chu toàn trách vụ chăm sóc, gìn giữ, bảo vệ Chúa Giêsu; mà còn trở nên chỗ cậy dựa vững vàng cho Mẹ Maria. Dưới mái ấm ngập tràn nhân đức và ân sủng, cả hai đã đồng tâm, đồng thuận giáo dục Đức Giêsu theo đúng luật Môsê và tập tục người Do thái: từ nghi thức cắt bì cho con, nghi thức thanh tẩy sau khi sinh, đến nghi thức dâng con đầu lòng cho Thiên Chúa, và việc hành hương đền thờ Giêrusalem hằng năm. Tất cả đều được Thánh Giuse và Mẹ Maria thực hiện một cách chỉn chu theo Lề Luật. Nơi xưởng mộc Nadazet, Đấng Cứu Thế đã học những bài học đầu tiên để lớn lên thành người: từ cách ăn nết ở, cách làm việc và cách sống. Chắc hẳn Chúa Giêsu cũng chịu ảnh hưởng và ghi dấu ấn bởi cung cách sống đức tin và lòng trung tín nơi người cha trần thế của mình; bởi thế, những câu chuyện, những lời giảng dạy của Chúa Giêsu thường thấp thoáng hình bóng của thánh Giuse: “Ai trung tín trong việc nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn”[4]. “Hỡi người đầy tớ trung thành, hãy vào hưởng niềm vui của chủ ngươi”[5]… Từ mẫu người trung tín của Tin Mừng, đến hình ảnh người cha nhân hậu, tất cả đều ít nhiều mang dáng dấp người cha thợ mộc của Chúa Giêsu.
Thánh Giuse là người thầy đầu tiên của Đức Giêsu và cũng là người thầy của mỗi người chúng ta. Dù không lên tiếng nhưng ngài đã nên gương. Ngài không dạy bằng lời, nhưng bằng chính cuộc đời khiêm tốn, âm thầm, tin tưởng, lắng nghe, và trung thành chu toàn sứ vụ Chúa trao. Đặc biệt trong năm thánh này, bài học từ gương đức tin và lòng trung tín của ngài lại càng trở nên ý nghĩa thiết thực hơn cho chúng ta trong thân phận những người lữ hành hy vọng.
Chúng ta đang sống trong một xã hội “vàng thau lẫn lộn”, thật – giả bất phân, trong đó tồn tại rất nhiều điều không thực chất: người có bằng cấp chưa chắc có chuyên môn; người có địa vị chưa chắc có thực tài; người có quyền bính chưa chắc có khả năng; người được coi là thần tượng chưa chắc là người tốt. Những chuyện lừa gạt, chiếm đoạt xảy ra thường xuyên và ngày càng tinh vi, khiến người ta không còn tin nhau, không còn tin vào những giá trị đạo đức. Không chỉ bất tín, gian dối trong đời sống xã hội, trong kinh doanh buôn bán, mà người ta còn thiếu trung tín ngay cả trong gia đình. Mái nhà đôi khi cũng không còn là nơi an toàn. Hiện tượng đổ vỡ trong đời sống hôn nhân, ly thân, ly dị trở nên nỗi ám ảnh cho người trẻ. Nhiều người ngại nói tới sự trung tín và không muốn ràng buộc mình vào bất cứ liên hệ nào cần lòng trung tín. Họ cổ xúy cho chủ nghĩa tương đối và tạm bợ, vui hôm nay không cần biết đến ngày mai. Bởi thế, họ chấp nhận một tình yêu “có hạn sử dụng” và một tương quan không cần cam kết. Sống trong xã hội như thế, con người đang mất dần niềm hy vọng, và đang phải đối mặt với sự khủng hoảng về niềm tin, đức tin, và lòng trung tín.
Đời sống thánh hiến cũng không thoát khỏi cơn lốc xoáy của xã hội này. Số nam nữ tu sĩ tháo lời khấn ngày càng tăng, trong đó có nhiều người đã từng sống lâu năm trong đời thánh hiến. Hiện tượng này đáng lo ngại hơn, bởi nhiều khi, chỉ vì những lý do vô cùng nhỏ, người tu sĩ cũng có ý định buông bỏ đời tu một cách dễ dàng. Hậu quả này đến từ việc các tu sĩ sống dễ dãi, thích hưởng thụ, coi nhẹ việc khổ chế, ngại hy sinh hãm mình. Vì thiếu đời sống cầu nguyện, thờ ơ với bổn phận nên thánh, nên cũng lỏng lẻo trong kỷ luật và nếp sống tu trì. Một khi đã coi nhẹ các giá trị thiêng liêng, thì đời sống thánh hiến trở nên tẻ nhạt, tầm thường và dễ dàng thay lòng đổi dạ.
Trong bối cảnh ấy, gương đức tin và lòng trung tín của Thánh Giuse càng trở nên sáng đẹp hơn. Là một người lữ hành hy vọng, trong mùa chay thánh này, chúng ta được mời gọi xét lại mình và bước theo nẻo đường mà thánh Giuse đã đi.
- Nẻo đường của đức tin và sống đức tin bằng hành động: Đối với thánh Giuse, hành động là linh hồn của Đức tin. Bởi vì “Đức tin mà không có hành động là đức tin chết”[6]. Là người tận hiến cho Chúa, chắc chắn chúng ta cũng có đức tin; thế nhưng, nếu không để ý, đức tin của chúng ta sẽ rơi vào tình trạng “chết” như lời khẳng định của thánh Giacôbê. Chúng ta có nguy cơ trở thành người “tu sĩ vô thần”, khi ngôn hành trong cuộc sống đời thường không tương ứng với đức tin mà chúng ta tuyên xưng. Mang danh người thánh hiến, nhưng nhiều khi chúng ta vẫn không thành thật, vẫn chia rẽ bè phái, vẫn có những phản ứng theo kiểu thế gian. Đức tin của chúng ta hời hợt và chông chênh, nên dễ dàng nghiêng về phía lợi lộc vật chất và coi nhẹ Luật Chúa, luật dòng. Có khi chúng ta bị cuốn theo những phong trào rầm rộ bên ngoài mà quên mất điểm cốt lõi của hành động Kitô giáo là bác ái. Chúng ta hô vang những khẩu hiệu thật hay nhưng lại không thực hành cho đúng; chúng ta chẳng khác nào những Pharisiêu giả hình mà Chúa Giêsu đã trách xưa: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta”[7].
Lạy Chúa, xin giúp chúng con đi vào nẻo đường đức tin mà thánh Giuse đã đi. Nẻo đường đó có gian nan, có thử thách nhưng ngập tràn ân phúc và niềm vui. Chính qua gian nan mà lòng tin và lòng trung tín của thánh Giuse càng thêm nổi bật. Sống đời thánh hiến, chúng con phải “lội ngược dòng”, chắc chắn không thiếu những nghịch cảnh, khó khăn. Thế nhưng, “Ví thử đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai”[8]. Những gian nan thử thách là thước đo chuẩn xác của đức tin và lòng trung thành. Xin giúp chúng con can đảm đối diện với những khó khăn trong đời sống thánh hiến. Xin cho chúng con một đức tin đủ mạnh, để có nội lực thắng vượt những khó khăn bên ngoài và cả nỗi đau trong lòng, như: “Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng, trổ hoa vàng dọc suối để ong bay”[9]. Xin đừng để chúng con bị biến chất trước những đắng cay, thăng trầm của cuộc sống; nhưng biết chuyển hóa nó thành động lực để sống ý nghĩa hơn ơn gọi của đời mình. Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con để chúng con dám ưu tiên cho những lựa chọn của Tin Mừng; qua đó, hình ảnh của Chúa được tỏa rạng nơi cuộc đời thánh hiến của mỗi người chúng con.
- Nẻo đường của lòng trung tín: Niềm tin và lòng trung tín là thử thách mà các tổ phụ, các thánh, và mỗi người chúng ta đều phải trải qua. Sự trung tín không được tính bằng thời gian, nhưng trải dài bằng sự kiên trì. Càng thâm niên trong đời tu, chúng ta càng có bề dầy kinh nghiệm về lòng trung tín và cả sự bất trung đối với Chúa, với ơn gọi, với sứ vụ tông đồ và với chị em. Nhiều người đánh giá khá bi quan về thực trạng của đời tu hôm nay: ơn gọi giảm sút; đời sống tu kém chất lượng; thiếu gương sáng. Nhiều người chỉ vì ngại khó, ngại khổ mà đe xuất dòng; hoặc ngấp nghé rời bỏ đời tu. Số tu sĩ đau bệnh ngày càng trẻ hóa. Đôi khi, chúng ta cũng có chút thất vọng khi nhìn về tương lai của Hội Dòng, một viễn cảnh dường như đang dần bị bao phủ bởi một tông mầu cũ kỹ, xám xịt. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nhìn thấy biết bao con người đang âm thầm vẽ lên bức tranh hy vọng cho đời thánh hiến, khi chọn bước vào nẻo đường kiên trì và trung tín như Thánh Giuse. Đó là các chị cao niên trong Hội dòng; dẫu biết đường về trời không còn bao xa, nhưng vẫn đang ngày đêm âm thầm hy sinh cầu nguyện; dẫu lời kinh đã chùng, tông hát đã lệch, nhưng vẫn đang từng ngày hết mình cố gắng. Đó là những chị em đau bệnh đang oằn mình chiến đấu với từng cơn đau thể xác, tinh thần. Đó là những chị em đang nỗ lực vượt ra khỏi vùng an toàn của mình để dấn thân hơn cho sứ vụ; những người chị em đang hết lòng chu toàn công việc bổn phận hằng ngày với tất cả lòng yêu mến. Đó cũng là những chị em đang can đảm nói “không” với những mời mọc, cám dỗ của truyền thông, hoặc của những mối tương quan mập mờ, thiếu trong sáng. Mỗi người mỗi cách, nhưng tất cả đều đang lữ hành trên nẻo đường trung tín. Họ không ngừng gieo mầm hy vọng cho một thế giới đang thất vọng.
Lạy Chúa, cái men đời “ăn xổi ở thì” đang dần ngấm sâu vào nếp sống của chúng con, và bào mòn lòng kiên nhẫn. Tự sức mình, chúng con không đủ ý chí và kiên định với những cam kết thuở ban đầu. Xin giúp chúng con biết nuôi dưỡng lòng kiên trì để có thể tiếp tục bước đi trên nẻo đường trung tín. Hôm nay, giờ này, chúng con vẫn đang hiện diện nơi đây, trong cộng đoàn Chị em Con Đức Mẹ Mân Côi, chúng con tạ ơn Chúa vô vàn về hồng ân trung tín Chúa ban. Xin Chúa tiếp tục ban ơn trung tín cho chúng con để chúng con hết lòng phụng sự Chúa và trở nên những chứng nhân cho niềm hy vọng về hạnh phúc đời này và cả đời sau.
Lời Nguyện Kết: Lạy Chúa, Chúa đã tin tưởng và tín nhiệm thánh Giuse mà trao cho ngài những trách vụ lớn lao; và thánh nhân đã đáp lại ân tình ấy bằng tất cả đức tin và lòng trung tín. Chúa cũng đang tín nhiệm trao cho mỗi người chúng con những trách vụ khác nhau để xây dựng cộng đoàn và xây dựng Nước Chúa. Xin giúp chúng con biết noi theo những nẻo đường thánh thiện mà thánh nhân đã đi qua, để mỗi chị em Mân Côi chúng con là một họa ảnh từ những nhân đức nổi bật nơi ngài. Xin cho chúng con biết sống đức tin và kiên trì trung tín, để đời dâng hiến của chúng con làm lan tỏa được dung nhan thánh thiện của Chúa.
Sr Lê Thược, Fmsr
(trích nguyện gẫm lễ thánh Giuse 19/03/2025)
[1] x. Mt 1, 21
[2] x. Mt 1, 20
[3] x. Lc 1, 42
[4] Lc 16, 10
[5] Mt 25, 21
[6] x. Gc 2,17
[7] x. Gc 2,17
[8] Phan Bội Châu
[9] Phạm Tiến Duật