CHỦ ĐỀ SỐNG THÁNG 11 VÀ 12-2019
Sống trong một môi trường kỹ thuật số khá đa dạng, phương tiện truyền thông và mạng xã hội (social network) như luôn gắn liền với sinh hoạt thường nhật của con người. Riêng tại Việt Nam, kể từ khi Internet được nối kết với mạng lưới toàn cầu vào ngày 19/11/1997[1], người dùng có thể cập nhật và chia sẻ thông tin với tốc độ mau lẹ, hiệu quả, vượt lên những giới hạn về thời gian và không gian. Nó cũng giúp người dùng gặt hái được những thành quả tích cực trong nhiều lãnh vực: nhân bản, tri thức, kinh tế, tôn giáo, tương quan, nghệ thuật, giải trí… Tuy nhiên, đã không thiếu những bài viết cảnh báo về sự lạm dụng các phương tiện truyền thông, đặc biệt nơi những người trẻ. Do mức độ, cách thức và mục tiêu tham gia mạng xã hội một cách tiêu cực, thiếu hiểu biết hoặc “nghiện cao”, nên có những tác hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe, não bộ, tâm lý, tinh thần và nhân cách của người dùng; đồng thời dẫn đến những thảm hại về ý thức hệ, về một đời sống luân lý sa đà hoặc việc sống ảo trong xã hội…
Chính ĐGH Phanxicô cũng cảm thấy âu lo về “thực tế đa dạng, nguy hiểm” của môi trường kỹ thuật số, vì nó “đặt ra nhiều vấn nạn về đạo đức, xã hội, luật pháp, chính trị và kinh tế, đồng thời thách đố cả Giáo Hội”. Và ngài đã trưng dẫn một vài sự kiện để cảnh tỉnh con cái: Thay vì mạng xã hội “giúp chúng ta kết nối, tái khám phá và hỗ trợ nhau tốt hơn”, ta “lại sẵn sàng thao túng dữ liệu cá nhân”, biến môi trường kỹ thuật số thành “sàn diễn để thể hiện thói tự sùng bái cá nhân” hoặc tạo thêm” sự tự cô lập”. Đặc biệt, “có những người trẻ đang trở thành những ‘ẩn sĩ xã hội’, có nguy cơ tách mình hoàn toàn khỏi xã hội…” Trước những hiện trạng này, ngài khẳng định, ta “không thể làm ngơ”![2]
Riêng với chị em Mân Côi, qua việc sử dụng các phương tiện truyền thông cách hợp lý và vào mạng xã hội đúng mục tiêu, chắc hẳn nhiều chị em đã và đang gặt hái cách đa dạng những hoa trái tốt lành trong hành trình đời tận hiến và sứ vụ! Chính nhờ biết tận dụng cách sáng tạo môi trường kỹ thuật số, chị em không chỉ nắm bắt cơ hội để cập nhật nhiều kiến thức mới và bổ ích, nhưng còn nâng cao tầm hiểu biết trong những chuyên đề khác nhau, nhằm phục vụ cho nhu cầu hoàn thiện bản thân, đồng thời thăng tiến lý tưởng Mân Côi và công việc tông đồ… Mạng xã hội đã như một chiếc cầu nối tuyệt diệu, để qua nó, chị em không chỉ gặp gỡ và mở rộng các mối tương quan trong Hội Dòng, nơi gia đình, ngoài Giáo Hội, với bạn bè và tha nhân…, nhưng còn đồng hành và đưa dẫn ai đó đến với tình yêu Thiên Chúa, hoặc giới thiệu cho họ biết về linh đạo Dòng, sứ mạng Dòng… Như thế, mạng xã hội đã dần trở thành mảnh đất cho chị em truyền giáo, và làm chứng cho căn tính đời tu Mân Côi của mình!
Thế nhưng, do một số nguyên nhân giới hạn hay tục hóa, nếu không tỉnh thức đủ, mạng xã hội đã có thể là vật cản những bước tiến của ta trên hành trình sống đời tận hiến. Có thể nó đang ngấm ngầm phá hoại tính hiệp thông trong cộng đoàn, hay tính ngôn sứ nơi mục vụ, đặc biệt là tình nghĩa thiết của chính ta với Thiên Chúa! Mạng cũng dễ lôi cuốn ta tìm kiếm sự giải trí trước/trong thời gian học tập/làm việc, hoặc mở rộng các mối quan hệ mới mà thiếu ý thức về thời gian – không gian cũng như căn tính và ý hướng lành mạnh… Thực tế, đã không thiếu những bất trung, bất tín trong lời khấn và nếp sống kỷ luật khởi đi từ việc ta lạm dụng các phương tiện truyền thông hoặc tham gia mạng xã hội với những mục tiêu không đúng đắn, và đã vô tình hoặc cố ý gây nên sự dữ. Chắc hẳn, không phải Thiên Chúa không hay biết về những tội lỗi ta đã trót phạm, nhưng vì hằng tôn trọng sự tự do Người đã thương ban, nên Người lặng lẽ đợi ta trở về. Hơn nữa, sự dữ có tồn tại, “là bởi vì tình yêu của Thiên Chúa đã không được đón nhận” ngay trong lòng và đời sống của ta (Sức mạnh của thinh lặng, tr. 258).
Nếu như Đức Thánh Cha đã từng đặt ra vấn nạn – Làm sao chúng ta có thể tìm thấy căn tính hiệp thông, cũng như nhận thức được trách nhiệm của chúng ta đối với nhau ở trên mạng – đồng thời nhắc nhớ các tín hữu, đặc biệt người trẻ, rằng mỗi người “đều có khả năng và có trách nhiệm thúc đẩy việc sử dụng mạng một cách tích cực”[3], thì lời mời gọi trở về với căn tính đời tu Mân Côi của Tổng Công Hội XXIII – trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông – cũng không đi ngoài tâm tình của vị cha chung! Trong phạm vi giới hạn của bài chia sẻ, em xin được gửi đến các Chị Bề trên cùng Gia đình toàn Dòng, đặc biệt là chính mình, một vài ý tưởng được gợi hứng từ những suy tư và cầu nguyện như sau:
1. Ý thức căn tính đời tu Mân Côi
Một trong những điều kiện để gắn bó với nguồn cội là trở về với căn tính! Khi càng ý thức căn tính đời tu Mân Côi, dù là ứng sinh hay tu sĩ, ta sẽ càng cẩn trọng trong việc truy cập hay khi giao tiếp qua mạng. Ta sẽ hết sức đắn đo khi sử dụng ngôn từ, đăng tải hình ảnh, diễn đạt tâm tình, chia sẻ thông tin, đưa ra những bình luận, thậm chí nhấn một “like”… Tất cả đều cần một sự dừng lại vừa đủ, để có thể nhận thức và chọn lọc ngôn từ hoặc hình ảnh sao cho phù hợp với ơn gọi, với lý tưởng Mân Côi. Theo ĐTC Phanxicô: Nếu không có sự dừng lại, nhưng “để vội vàng chi phối bản thân”, ta sẽ gây thiệt hại cho mình và cho tha nhân.[4] Hoặc với ĐGH Bênêđictô, “thinh lặng là thành phần của truyền thông mà nếu không có thì không thể có được những lời mang đậm ý nghĩa.”[5]
2. Tự khép mình vào đời sống kỷ luật
Trước hết là sự trung thành với kỷ luật bản thân. Chính mình phải định rõ mức độ, thời gian, cách thức và mục tiêu khi sử dụng các phương tiện truyền thông hoặc tham gia mạng xã hội. Luôn tự luyện và giữ lời hứa với chính mình về những gì được phép thỏa thuận, và những gì không được phép thỏa hiệp. Đồng thời, hãy “coi chừng đừng gia tăng lỗi lầm bằng việc thỏa hiệp với những đam mê nhỏ nhặt…” (Sức mạnh của thinh lặng, tr. 271).
Mặt khác, phải rất tôn trọng kỷ luật cộng đoàn về thời gian và/hoặc không gian được ấn định cho lãnh vực này. Đặc biệt vào những giờ làm việc và thinh lặng ngặt, hãy là những “ẩn sĩ Mân Côi”: Nghiêm túc và có ý hướng ngay lành mỗi khi có nhu cầu hoặc muốn truy cập vào thế giới mạng. Khi đêm về, hết sức trân quý bầu khí tĩnh mịch của chốn tu viện và nơi phòng riêng, cũng như cùng với vạn vật thưởng thức thời khắc yên bình ngay trong không gian nội tâm của mình, để có thể chọn lựa, tìm kiếm những gì mang lại sự bình an nội tại cũng như nuôi dưỡng tình thân với Chúa… Khi không thực sự cần thiết, nên thay thế việc “lang thang” trên mạng bằng việc đọc sách, đi dạo, lần hạt thêm, suy gẫm lại những biến cố, soạn điểm gẫm, viết nhật ký, lên lịch trình cho sứ vụ…, và tắt đèn nghỉ đêm đúng giờ. Càng buông bỏ, ta càng bình an!
3. Tỉnh thức với những cạm bẫy
Như ĐHY Robert Sarah ghi nhận, “Những kỳ tích của kỹ thuật trong thời đại chúng ta dường như vô biên” (Sức Mạnh của thinh Lặng, tr. 256). Mạng xã hội vì thế là một “sân chơi hấp dẫn, nhưng cũng nhiều cạm bẫy. Hấp dẫn vì mọi thông tin dường như đều dễ dàng tìm thấy trên Internet.”[6] Nhưng, chủ yếu vẫn là sự chọn lựa của mỗi cá nhân: Tôi thực sự muốn gì, tìm gì, hay tìm ai khi tôi sử dụng các phương tiện truyền thông hoặc vào Internet? Kinh nghiệm cho thấy, môi trường kỹ thuật số luôn có những mời mọc tuy thật nhẹ nhưng cũng rất tinh vi. Ban đầu trong ta có thể là một chút gì đó, nhưng chính từ cái chút đó, quỷ dữ – “thù địch của (ta), như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5:8) – sẽ bắt đầu nhập cuộc và dẫn dắt ta đi trong đường lối của nó.
Thế nên, cần lắm sự tỉnh thức trong thinh lặng cầu nguyện, để nhận ra những lời mời gọi của thần lành và lời mời mọc của thần dữ. Theo Thánh Giacôbê, nếu “mỗi người có bị cám dỗ, thì do dục vọng của mình lôi cuốn” (Gc 1:14). Vậy, ta sẽ chọn làm gì khi sự tò mò xuất hiện và muốn hiểu biết thêm, khi thân xác mỏi mệt và muốn thư giãn, khi đầu óc căng thẳng và muốn giải trí, khi tâm trạng cô đơn và muốn chia sẻ, hoặc khi khát vọng yêu và muốn được lấp đầy… Thực chất, nếu Thiên Chúa luôn hoạt động trong thinh lặng, thì “quỷ dữ luôn gây ồn ào và gây ra biết bao hỗn độn nhằm ngăn cản ta nghỉ ngơi trong Thiên Chúa”; chúng lôi kéo ta “sống vô trật tự bằng một chuỗi những mưu mẹo” (Sức mạnh của thinh lặng, tr. 271). Vì thế, “hãy sống tiết độ và tỉnh thức… Hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự (1Pr 5:9), bằng việc nuôi dưỡng niềm tin vào Thiên Chúa qua 4 cột trụ: “thinh lặng, cầu nguyện, hối cải và chay tịnh” (Sức mạnh của thinh lặng, tr. 268).
4. Trở nên ngôn sứ tình yêu
Theo ĐTC Phanxicô, mục đích của việc sử dụng internet là để “giúp con người gặp gỡ nhau, liên đới với nhau.” Mạng xã hội không chỉ là “một nguồn tri thức”, nhưng còn là “một nguồn tài nguyên của thời đại”. Có điều, mạng xã hội chỉ thực sự là tài nguyên khi nó trở thành phương tiện hữu hiệu giúp ta nối kết với Thiên Chúa, hiệp thông với Giáo Hội, gắn bó với cộng đoàn, hỗ trợ người thân yêu, chia sẻ với tha nhân, tăng thêm nguồn tri thức hoặc thăng tiến sứ vụ.[7]
Cách riêng, trong ý hướng của Đức Cha Tổ Phụ, mục đích Dòng là “làm Vinh Danh Thiên Chúa, Hiển Danh Mẹ Maria, thánh hóa bản thân và cứu rỗi các linh hồn” (HL 2). Ghi nhớ mục đích này, chị em tận dụng hết sức các phương tiện truyền thông để “Tin Mừng hóa” những câu chuyện đời thường; loan tin những điều tốt lành, kỳ diệu trong cuộc sống[8]; tích cực truyền bá, chia sẻ linh đạo Mân Côi; quan tâm cộng tác với sứ mạng cốt yếu của Giáo Hội – là đồng hành và đưa dẫn các tâm hồn đến với Thiên Chúa, là “mang những đứa con hoang đàng trở về nhà của người Cha xót thương.” Theo ĐHY Robert Sarah, “Sứ mạng cải thiện đời sống là nền tảng, nhưng sự cứu rỗi các linh hồn thì quan trọng hơn bất cứ việc nào khác” (Sức mạnh của thinh lặng, tr. 274). Chính khi hoàn thành mục đích Dòng, bản thân chị em được thánh hóa, trở nên ngôn sứ tình yêu của Thiên Chúa đến với tha nhân; vì bản chất tình yêu vẫn luôn là trao tặng, truyền thông, chia sẻ những gì là tốt đẹp nhất, bình an nhất, và thánh thiện nhất!
5. Kết nối với nguồn Giêsu
Các thiết bị truyền thông khi càng gần nguồn wifi thì tín hiệu phát tán càng mạnh, nhưng càng xa nguồn thì nó trở nên yếu và có khi mất hút. Người của Chúa mà không gần Chúa thì hoặc sẽ thiếu Chúa, hoặc sẽ mất Chúa vì thích chọn làm theo ý mình; bận tâm với những hoạch định mang tính thế tục; hoặc dễ chạy theo những “thụ tạo” hợp với sở thích, đam mê, thị hiếu… Như thế, cần lắm một sự gắn liền và mật thiết với Giêsu trong thinh lặng cầu nguyện mỗi khi sử dụng các thiết bị truyền thông và Internet. Nhờ đó, ta ý thức hơn về căn tính đời tu của mình, tự nguyện đi vào khổ chế, tỉnh thức trước những mời mọc hấp dẫn, quan tâm đến phần rỗi của mình hay đối phương trong mối tương quan dù thân thiết hoặc xa lạ!
Chúa Giêsu đã từng nói, “Không có Thầy, các con chẳng làm gì được” (Ga 15:5). Thế nên, để có thể bước đi trước mặt Chúa và nên hoàn hảo trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông, đặc biệt là trở nên công cụ thông truyền sứ điệp tình yêu và cứu rỗi của Thiên Chúa, ta cần nối kết với chính Nguồn Giêsu! Cuộc sống của thế giới hiện đại có quá nhiều khổ đau, sự dữ, cô đơn, lầm lạc…. Có những vấn nạn ta có thể tra cứu, cập nhật từ “Bác Google”. Tuy nhiên, chỉ duy một mình Đức Kitô – Nguồn Tri Thức và Nguồn Hiệp Thông tuyệt diệu của Chúa Cha ban cho nhân loại, mới là lời giải đáp cuối cùng cho những vấn nạn, cho những khát vọng thâm sâu nhất của mỗi con người! Và nếu “không say mê Đức Giêsu, (ta) sẽ không có tương lai cho đời sống thánh hiến” (ĐGH Phanxicô)!
Thay cho lời kết
Mạng xã hội là “cửa sổ mở ra với thế giới”, giúp ta có thể nâng cao tầm nhìn trong nhiều lãnh vực. Tuy vậy, nó cũng là một thế giới ảo, một mạng lưới đa dạng với những cạm bẫy khiến ta dễ bị cuốn hút, lệ thuộc, phân tâm, lạc hướng, sai mục tiêu…., và có nguy cơ đánh mất tính chân thực về bản thân, căn tính, lý tưởng… Trái lại, khi ta sử dụng các phương tiện truyền thông và mạng xã hội như những “món quà đến từ Thiên Chúa”[9], ta chắc chắn gặt hái được nhiều hoa trái tốt lành cho đời tận hiến và sứ vụ! Qua thế giới mạng, ta tập nội tâm hóa những tri thức sau khi cập nhật; Tin Mừng hóa những chuyện buồn vui của tha nhân và đồng hành với họ; tìm đọc Chúa từ những biến cố trong đời sống; dùng tràng hạt thay vì thiết bị truyền thông khi cô đơn, buồn phiền, muốn được an ủi… Hơn nữa, khi tiếp tục dùng các phương tiện truyền thông theo bổn phận hay trách vụ cho phép, ta hãy “là” trước khi “làm”, thinh lặng trước khi loan tin, phân định trước khi sử dụng, chọn lọc trước khi đăng tải… Chỉ khi ở lại với Chúa dù trong tích tắc – đặc biệt khi đêm về, tại phòng riêng, làm việc một mình…, ta mới có thể làm chủ những động cơ, ý hướng, mục tiêu trong việc sử dụng các thiết bị truyền thông và Internet!
“Chìa khóa của một kho tàng chưa phải là kho tàng. Nhưng nếu ta cho đi cái chìa khóa, thì ta cũng cho đi luôn cả kho tàng” (Sức mạnh của thinh lặng, tr. 280). Chìa khóa đó có thể là thinh lặng, cầu nguyện, tình yêu, thập giá…, là những cách thế giúp ta chạm đến và chìm đắm trong thế giới của Thiên Chúa. Nhưng, nếu thế giới mạng và các thiết bị truyền thông khiến ta bận rộn, ồn ào và mải mê với các thụ tạo, đưa đến sự sao nhãng hoặc đánh mất những chìa khóa này, thì làm sao ta có thể đến gần và kết hợp với Thiên Chúa – Đấng duy nhất giúp ta được thỏa mãn những khát vọng sâu xa, và được nghỉ yên trong Người (Thánh Augustinô)!?
Sr. Emmanuel Phan, Fmsr
[1] “Lợi ích và tác hại của Internet”
[2] “Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 53 – Năm 2019 – Thông tin và Giáo dục Salêdiêng Việt Nam” – Minh Đức chuyển ngữ
[3] “Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 53 – Năm 2019 – Thông tin và Giáo dục Salêdiêng Việt Nam” – Minh Đức chuyển ngữ
[4] “5 Lời khuyên của ĐTC Phanxicô cho những người làm truyền thông” – Giuse Đình Ngọc, SJ chuyển ngữ
[5] “Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 49” – Đức Thành chuyển dịch
[6] Giuse Đình Ngọc, SJ: “Người trẻ và môi trường kỹ thuật số”
[7] “Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 53 – Năm 2019 – Thông tin và Giáo dục Salêdiêng Việt Nam” – Minh Đức chuyển ngữ
[8] “5 Lời khuyên của ĐTC Phanxicô cho những người làm truyền thông” – Giuse Đình Ngọc, SJ chuyển ngữ
[9] “Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 53 – Năm 2019 – Thông tin và Giáo dục Salêdiêng Việt Nam” – Minh Đức chuyển ngữ